Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Du lịch

Nghĩa trang quốc gia Seoul, nơi yên nghỉ của những anh hùng hy sinh vì đất nước

2011-06-07

Nghĩa trang quốc gia Seoul, nơi yên nghỉ của những anh hùng hy sinh vì đất nước
Mỗi đất nước đều có một nghĩa trang quốc gia, nơi yên nghỉ dành cho những liệt sỹ đã hy sinh vì tổ quốc. Nghĩa trang quốc gia Arlington ở thủ đô Washington, Mỹ, nghĩa trang Novodevichy ở Mát-xơ-cơ-va của Nga và Nghĩa trang quốc gia Seoul là nơi tưởng nhớ tới các binh sỹ, cảnh sát, lính cứu hỏa và các chính trị gia, những người đã hy sinh thân mình vì đất nước. Đặc biệt, chính phủ Hàn Quốc đã chọn tháng 6 là tháng thương binh liệt sỹ vì tháng này gồm cả ngày bùng nổ chiến tranh Triều Tiên 25/6. Hôm nay chúng ta sẽ cùng đến thăm Nghĩa trang quốc gia Seoul ở phường Dongjak, Seoul để tỏ lòng thành kính tới những người anh hùng của tổ quốc.

[Lịch sử xây dựng nghĩa trang quốc gia Seoul]

Xuống ga Dongjak, nơi giao thoa của tuyến tàu điện ngầm số 4 và số 9, rồi đi bộ khoảng 5 phút là các bạn có thể tới Nghĩa trang quốc gia Seoul. Nghĩa trang nằm ngay ở mặt đường lớn với khuôn viên rất rộng sẽ giúp cho các bạn có thể dễ dàng tìm thấy. Được xây dựng vào năm 1955, nghĩa trang quốc gia Seoul có diện tích khoảng 1,43 triệu m2, trong đó diện tích của khu mộ là khoảng 350 nghìn m2, chiếm 1/4 diện tích của nghĩa trang. Giám đốc nghĩa trang quốc gia Seoul Jeong Jin-tae cho biết: “Sau khi chính phủ Đại Hàn Dân Quốc được thành lập, nhiều binh sỹ đã tham gia đấu tranh nhằm ngăn chặn cuộc đảo chính quân sự và chống lại du kích Bắc Triều Tiên. Họ đã được đưa về an nghỉ tại chùa Jangchung nằm trong công viên Jangchungdan, Seoul. Sau đó, khi chiến tranh Triều Triên xảy ra vào năm 1950, có rất nhiều liệt sĩ đã hy sinh và hài cốt của họ đã được quy tập về chùa Beomeo và chùa Geumjeong ở Busan. Chính vì vậy mà đã có những cuộc thảo luận để xây dựng một địa điểm có thể quy tụ hài cốt của các liệt sỹ. Cố tổng thống Rhee Syng-man đã trực tiếp đi khảo sát địa điểm phù hợp bằng máy bay trực thăng và cuối cùng ông đã chọn phường Dongjak là nơi để xây dựng nghĩa trang. Cố tổng thống Rhee cho rằng nghĩa trang quốc gia cần phải được xây dựng tại Seoul để không những người Hàn Quốc mà cả những người nước ngoài cũng có thể dễ dàng tìm đến”.

Trước khi trở thành Nghĩa trang quốc gia Seoul, đây chỉ là nơi yên nghỉ của các binh sỹ, quân nhân đã quên mình để bảo vệ tổ quốc trong cuộc chiến tranh Triều Tiên. Vào năm 1965, nơi đây đã được tu sửa, mở rộng thành nghĩa trang quốc gia để tưởng nhớ công ơn của những anh hùng bao gồm cả những nghĩa sỹ đã đấu tranh giải phóng đất nước khỏi ách áp bức của thực dân Nhật. Sau đó, năm 2006, nó đã được đổi tên thành nghĩa trang quốc gia Seoul.

57 năm đã trôi qua kể từ khi nghĩa trang được xây dựng, 169 nghìn người đã được yên nghỉ tại đây. Trong đó có 54.444 hài cốt được an táng trong những ngôi mộ còn 134 liệt sĩ đấu tranh vì tự do, hơn 7.000 liệt sĩ vô danh và 104.000 liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến tranh Triều Tiên không tìm thấy hài cốt thì được tưởng nhớ bằng những tấm bia nhỏ. Ngoài ra, tro hài cốt của hơn 3.400 liệt sĩ cũng đang được quy tụ tại khu Chunghondang (Trung Hồn Đường).

[Cùng du khách đến thăm tháp Hyeonchung và nhà đặt bài vị bên trong tháp]

Sau khi đi qua cổng chính của nghĩa trang quốc gia Seoul, du khách sẽ nhìn thấy Đài phun nước Chungseong (Trung Thành) với bức tượng đài bằng đồng đặt ở chính giữa. Nằm chính giữa đài phun nước cao 13m là tượng đài bằng đồng với hình ảnh của mội đôi nam nữ đang cùng nắm tay vào lá quốc kỳ và một tay người nam giơ cao ngọn đuốc còn một tay người nữ đang giơ cao một cành nguyệt quế. Phía dưới là 6 tượng đồng tượng trưng cho 6 người lính của lục quân, hải quân, không quân, lính thủy đánh bộ và quân dự bị. Bức tượng này được xây dựng vào năm 1976 để đề cao tinh thần yêu nước và sự hy sinh của những người đã quên mình vì hòa bình và tự do của tổ quốc. Bây giờ, chúng ta hãy cùng đi tới cửa Hyeonchung (Hiển Trung) ở phía sau tượng đài.

Qua cửa Hyeonchung, du khách sẽ gặp tháp Hyeonchung cao khoảng 50m. Bước trên con đường trải đá hoa cương và đi đến trước ngọn tháp, du khách sẽ không khỏi xúc động trước dòng chữ được khắc trên tháp: “Tất cả các bạn mãi đồng hành cùng với đất mẹ, mặt trời và mặt trăng sẽ bảo vệ ngọn đồi này.”

Theo chân nhà quản lý Kwak No-shik của nghĩa trang quốc gia Seoul, du khách bước vào nhà đặt bài vị bên trong tháp Hyeonchung: “Các bạn có nhìn thấy tên và cấp bậc màu trắng trên bức tường đen kia không? Đó là tên của 96 nghìn chiến sĩ lục quân, 70 chiến sĩ không quân, 90 học sinh sinh viên và 1.200 chiến sĩ hải quân. Bên cạnh đó là 2.500 cảnh sát và 3.700 người đã hy sinh trong chiến tranh. Phía trước bức tượng đen bày tỏ mong muốn linh hồn của những người đã ngã xuống bay về trời và được an nghỉ trong một không gian yên bình. Trần nhà phía trên bức tượng được trang trí với hình ảnh của những thiên thần đang chơi nhạc và nhảy múa để chào đón linh hồn của những người đã mất. Phía dưới của bức tượng là nơi lưu giữ hài cốt của hơn 6.900 liệt sĩ vô danh trong cuộc chiến tranh Triều Tiên. Hài cốt của họ đã được hỏa táng và đựng trong những chiếc bình rất đẹp”.

Phía dưới tên của 103.244 liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến tranh Triều Tiên tràn đầy những bông hoa của khách viếng thăm. Những tấm ảnh đen trắng ở giữa các bó hoa đã thu hút ánh mắt của du khách. Trong đó có ảnh của một học sinh trẻ đang mặc đồng phục và ảnh của một người cha đang bế đứa con trên tay. Bên cạnh bức ảnh của một sinh viên trẻ đầu đội mũ tốt nghiệp là tấm ảnh của người mẹ đã mất của anh. Đây có lẽ là lời trăn trối cuối cùng của người mẹ muốn được ở bên cạnh đứa con yêu quý của mình sau hơn một nửa thế kỷ mong đợi. Khi ngắm nhìn từng tấm ảnh cũ, trái tim của du khách như đau hơn và mắt của họ cũng thấm đầy những giọt nước mắt.

[Du khách viếng thăm khu mộ]

Hàng dãy bia mộ xếp thành hàng như trải dài vô tận trong nghĩa trang quốc gia. Mùi hương của hoa keo đang lan tỏa trên ngọn đồi phía đằng xa và tiếng chim hót ở nơi đây dường như cũng thật yếu ớt. Điểm dừng chân đầu tiên của du khách là ngôi mộ của những chiến sỹ đấu tranh vì tự do. 214 chiến sỹ yêu nước đấu tranh cho tự do và độc lập của tổ quốc dưới ách thống trị của thực dân Nhật đã yên giấc ngàn thu tại đây. Trong đó có 3 người nước ngoài cũng được quy tập về đây là tiến sĩ người Canada Frank William Schofield với tên Hàn Quốc là Seok Ho-pil, đã từng tham gia vào phong trào vận động đòi độc lập 1/3 dưới thời đế quốc Nhật Bản cho Hàn Quốc, 2 người Trung Quốc là liệt sĩ Kang Hye-rim và liệt sĩ Wui Shi-fang. Giám đốc nghĩa trang quốc gia Seoul Jung Jin-tae giải thích: “Liệt sĩ Kang Hye-rim và Wui Shi-fang đã nhập ngũ rất tình cờ vào sư đoàn 1. Họ đã do thám những hoạt động của địch và giữ vai trò phiên dịch cho các tù binh Trung Quốc trong chiến tranh. Liệt sĩ Kang đã mất trong chiến tranh và sau đó ông đã được nhận huân chương chiến công của chính phủ Mỹ. Liệt sĩ Wui qua đời năm 1989. Ông đã được tặng thưởng huân chương của chính phủ Hàn Quốc. Sau khi kết thúc chiến tranh, ông trở thành bác sĩ đông y và cứu chữa bệnh miễn phí cho người nghèo. Ngoài ra ông còn mở một quỹ học bổng dành cho học sinh sinh viên gặp khó khăn. Đây đều là những người có công với đất nước, vì vậy họ đã được đưa về an nghỉ tại nghĩa trang này”.

Bây giờ chúng ta hãy cùng đến thăm khu mộ của các nguyên thủ quốc gia. Ngôi mộ nằm ở vị trí xa nhất so với cổng chính là mộ của cố Tổng thống Park Chung-hee và vợ của ông, phu nhân Yuk Young-soo. Hướng dẫn viên Roh Jeong-seok cho biết: “Vì ở đây có 2 ngôi mộ nên mọi người thường nhầm lẫn không biết đâu là mộ của Tổng thống Park Chung-hee. Theo truyền thống của Hàn Quốc thì mộ của người chồng thường nằm ở bên trái và mộ người vợ nằm ở bên phải. Nhưng tên của Tổng thống Park lại được ghi ở bên phải của tấm bia. Thực ra, tên trên bia mộ thường được viết dọc từ phải sang trái và tên của người nam sẽ được viết trước. Đó là lý do vì sao tên của tổng thống Park lại được viết ở bên phải. Chiếc lư hương trước tấm bia được trang trí với biểu tượng của Phủ tổng thống là chim phượng hoàng và Mugunghwa (hoa dâm bụt), quốc hoa của Hàn Quốc. Trước mộ của phu nhân được khắc hình ảnh của hoa mộc liên, loài hoa mà bà rất thích khi còn sống”.

Từ mộ của Tổng thống Park Chung-hee, đi lùi xuống phía dưới một chút là mộ của cố Tổng thống Kim Dae-jung từ trần vào ngày 18 tháng 8 năm 2009. Nhìn bề ngoài thì mộ của Tổng thống Kim có phần đơn giản hơn mộ của Tổng thống Park. Hướng dẫn viên Roh Jeong-seok giải thích về sự đơn giản này: “Mọi người vẫn hỏi tôi tại sao mộ của tổng thống Kim lại đơn giản đến vậy. Đó là vì gia quyến của ông muốn xây dựng một ngôi mộ thật khiêm tốn và thân thiện với môi trường. Theo quy định của luật xây dựng và điều hành nghĩa trang quốc gia ban hành vào ngày 30 tháng 1 năm 2006, một ngôi mộ không được vượt quá 264 m2 và mộ của Tổng thống Kim được xây dựng theo quy định của luật này”.

Phía dưới ngôi mộ của Tổng thống Kim Dae-jung là mộ của Tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc Rhee Syng-man và phu nhân Francesca. Mộ của Tổng thống Rhee giống như kiểu mộ nhỏ của hoàng thất. Hình dáng của ngôi mộ đã phản ánh bầu không khí của thời đại lúc bấy giờ.

[Thăm phòng triển lãm ảnh và phòng triển lãm di vật]

Bây giờ chúng ta sẽ đến thăm phòng triển lãm ảnh và phòng triển lãm di vật của những liệt sĩ và chiến sỹ đã đấu tranh vì tự do của tổ quốc. Tại phòng triển lãm ảnh, những sự kiện quan trọng trong lịch sử cận hiện đại của Hàn Quốc từ sự kiện hạm đội của Pháp xâm chiếm đảo Ganghwa vào năm 1866 đã được tái hiện qua ảnh và các đoạn băng video. Ảnh và video được sắp xếp theo từng thời kỳ giúp cho du khách dễ hiểu hơn.
Đối diện với phòng triển lãm ảnh là phòng triển lãm di vật. Đây là nơi trưng bày di vật của những liệt sĩ được an táng ở nghĩa trang quốc gia Seoul. Hầu hết các di vật là do gia đình của các liệt sĩ hiến tặng. Khi đọc từng dòng từng chữ trong những bức thư được gửi về từ chiến trường, du khách sẽ cảm thấy vô cùng xúc động.

“Anh đã từng là một người cha ân cần và là một người chồng đáng quý. Nếu em không để anh ra đi thì gia đình mình sẽ hạnh phúc biết bao. Nhưng cuối cùng, anh đã mãi rời xa mẹ con em. Cuộc chiến tranh ấy đã lấy đi tất cả mọi thứ, lấy đi những người ta yêu thương và chờ đợi. Nhưng cách đây không lâu, em đã hiểu ra một điều. Sự cô đơn và vất vả của anh đã mang đến cho em và con một thế giới hòa bình và hạnh phúc. Giờ em mới hiểu được đó chính là món quà mà anh dành tặng cho em”. Đoạn video dài 4 phút với nội dung đọc lại một trong những bức thư trong chiến tranh đã lấy đi biết bao giọt nước mắt của du khách. Du khách rời phòng triển lãm di vật với những bước chân thật nặng nề.

Có thể nói nghĩa trang quốc gia Seoul là “thánh địa” của Hàn Quốc, nơi quy tụ hàng vạn liệt sĩ đã xả thân vì đất nước. Hàng ngàn tấm bia mộ trên những thảm cỏ xanh đã cho thấy được sự đau thương mất mát trong lịch sử Hàn Quốc. Để tưởng nhớ tới những người đã ngã xuống, các bạn có thể tới thăm nghĩa trang quốc gia Seoul, nơi an nghỉ của những người anh hùng của tổ quốc.

Lựa chọn của ban biên tập