Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Quốc tế

Tổng thống Mỹ bác bỏ "mô hình Li-bi" của cựu Cố vấn Bolton

Write: 2019-09-12 13:21:50Update: 2019-09-12 21:36:39

Tổng thống Mỹ bác bỏ "mô hình Li-bi" của cựu Cố vấn Bolton

Photo : KBS News

Trả lời phỏng vấn với báo giới tại Nhà Trắng ngày 11/9 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu việc cựu Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Bolton, người vừa bị sa thải một ngày trước đó, đề cập tới "mô hình Li-bi" trong vấn đề phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên, là một sai lầm lớn.

Trong bối cảnh miền Bắc ngày 9/9 ra tuyên bố dưới danh nghĩa Thứ trưởng Ngoại giao, đề xuất nối lại đối thoại cấp chuyên viên Mỹ-Triều vào cuối tháng 9, phát biểu trên của Tổng thống Mỹ mang tính chất bác bỏ "mô hình Li-bi", điều mà Bắc Triều Tiên thẳng thừng từ chối trước đó, hòng xoa dịu phản ứng của Bình Nhưỡng.

Tổng thống Mỹ nói hãy nhìn vào điều xảy ra với Muammar al-Gaddafi, nhà lãnh đạo Li-bi trước đây. Việc ông Bolton nhắc tới "mô hình Li-bi" với Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un là không cần thiết, gây trở ngại cho đối thoại giữa hai nước. 

Trước đó, cựu Cố vấn Bolton từng đề xuất phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên theo mô hình Li-bi, với nội dung từ bỏ hạt nhân trước để đổi lấy sự bù đắp sau. Vào tháng 3 năm 2003, nhà lãnh đạo Li-bi, khi đó là ông Muammar al-Gaddafi, từng bày tỏ ý định giải trừ vũ khí hủy diệt hàng loạt, sau đó bắt tay vào thực thi phi hạt nhân hóa. Tuy nhiên, ông này đã bị lật đổ trong cuộc biểu tình phản đối Chính phủ vào năm 2011, và bị giết hại trong quá trình ẩn náu vào tháng 10 cùng năm.

Ngày 10/9 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ công bố quyết định sa thải ông Bolton, người theo đường lối "cứng rắn" với Bắc Triều Tiên, vốn là nhân vật mà miền Bắc cực kỳ "khó chịu". Chỉ một ngày sau, lãnh đạo Nhà Trắng tiếp tục bác bỏ chính sách sai lầm mà cựu Cố vấn an ninh Nhà Trắng từng đề xuất. Động thái này được phân tích là nhằm thể hiện sự hưởng ứng tích cực của Washington với đề xuất nối lại đối thoại của Bình Nhưỡng.

Mặt khác, đánh giá về tiềm năng của Bắc Triều Tiên, ông Trump cho biết đây sẽ là một trong những "thí nghiệm khó tin nhất" từ trước tới nay, cho thấy nếu miền Bắc chịu thực thi phi hạt nhân hóa thì đổi lại, Mỹ sẽ tích cực đứng ra bảo đảm thể chế và sự thịnh vượng về mặt kinh tế của nước này.

Lựa chọn của ban biên tập