Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Trong nước

Tuổi thọ khỏe mạnh của người thu nhập cao dài hơn 11 năm so với người thu nhập thấp

Write: 2020-01-15 13:53:47Update: 2020-01-15 17:40:11

Tuổi thọ khỏe mạnh của người thu nhập cao dài hơn 11 năm so với người thu nhập thấp

Photo : YONHAP News

Viện nghiên cứu phúc lợi và xã hội Hàn Quốc (KIHASA) ngày 15/1 công bố báo cáo "Phương hướng chính sách phúc lợi và sức khỏe bao trùm", theo đó thời gian duy trì cuộc sống khỏe mạnh của người có thu nhập cao dài hơn 11 năm so với người thu nhập thấp.  

Báo cáo cho thấy bất bình đẳng sức khỏe tại Hàn Quốc thể hiện rõ theo chênh lệch về thu nhập, vị trí xã hội, học vấn và khu vực.

KIHASA đã tiến hành phân tích tài liệu của Cơ quan bảo hiểm y tế quốc gia Hàn Quốc từ năm 2010-2015, và tài liệu điều tra sức khoẻ và xã hội 2008-2014 về tuổi thọ kỳ vọng và tuổi thọ khỏe mạnh. Tuổi thọ kỳ vọng là dự đoán thống kê về tuổi thọ ước lượng của trẻ em sinh ra trong một năm. Trong tuổi thọ kỳ vọng có thêm một khái niệm khác là tuổi thọ khỏe mạnh, tức thời gian một người duy trì được cuộc sống khỏe mạnh, không bị bệnh tật hay thương tật.

Kết quả phân tích của KIHASA cho thấy tuổi thọ kỳ vọng của nhóm 20% dân số thu nhập cao nhất là 85,1 tuổi, tuổi thọ khỏe mạnh là 72,2 tuổi. Ngược lại, tuổi thọ kỳ vọng và tuổi thọ khỏe mạnh của nhóm 20% dân số thu nhập thấp nhất lần lượt là 78,6 tuổi và 60,9 tuổi. Như vậy, tuổi thọ kỳ vọng và tuổi thọ khỏe mạnh của nhóm thu nhập cao dài hơn nhóm thu nhập thấp lần lượt 6 năm và 11 năm.

Xét theo khu vực, trong số 17 tỉnh, thành trên toàn Hàn Quốc, chênh lệch giữa khu vực có tuổi thọ kỳ vọng dài nhất và ngắn nhất là 2,6 năm, tuổi thọ khỏe mạnh là 5,3 năm.

Tỷ lệ tử vong, chỉ số thể hiện chất lượng cuộc sống và sức khỏe tinh thần của người dân, cũng có cách biệt lớn theo học vấn. Theo tài liệu năm 2015, tỷ lệ tự tử ở nam giới dưới 65 tuổi có trình độ học vấn cao đẳng trở lên là 24,5 người trên 100.000 dân. Tuy nhiên, tỷ lệ này ở những người có học vấn tiểu học trở xuống là 166,7 người trên 100.000 dân. Tỷ lệ tự tử ở nữ giới dưới 65 tuổi có học vấn cao đẳng trở lên là 12 người, học vấn tiểu học trở xuống là 97 người.

Hiện tượng bất bình đẳng còn thể hiện ở thói quen hút thuốc, một trong những yếu tố rủi ro tiêu biểu dẫn tới bệnh tật. Theo tài liệu thống kê sức khỏe quốc gia năm 2017, tỷ lệ hút thuốc ở nhóm 20% dân số thu nhập cao nhất và 20% thu nhập thấp nhất lần lượt là 15,9% và 26%. Tỷ lệ từng bị trầm cảm lần lượt là 9,1% và 17,4%, cho thấy nhóm thu nhập cao có mức độ quản lý sức khỏe tốt hơn nhiều.

Báo cáo chỉ ra rằng thực trạng bất bình đẳng trên không thể giải quyết triệt để bằng đẩy mạnh y tế. Chính sách mở rộng ưu đãi bảo hiểm y tế, còn gọi là "Moon Jae-in Care", có thể giúp giảm mạnh gánh nặng chi phí y tế cho người dân. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bài toán cần giải quyết, như tiêu chuẩn lựa chọn đối tượng được hưởng ưu đãi quá khắt khe, bất bình đẳng trong thị trường lao động, bất ổn về nhà ở. Để trở thành quốc gia bao trùm về phúc lợi như Chính phủ đề ra, Hàn Quốc cần giải quyết những vấn đề xã hội này, và nâng cao tính công ích của hệ thống y tế và phúc lợi.

Lựa chọn của ban biên tập