Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

Chính phủ công bố phương án quản lý thời gian làm thêm giờ của người lao động theo tháng

Write: 2022-06-24 11:57:22Update: 2022-06-24 14:11:31

Chính phủ công bố phương án quản lý thời gian làm thêm giờ của người lao động theo tháng

Photo : YONHAP News

Bộ trưởng Tuyển dụng và lao động Hàn Quốc Lee Jung-sik trong buổi họp báo ngày 23/6 đã trình bày về “Phương hướng cải cách thị trường lao động”, trong đó cho biết Chính phủ sẽ xem xét phương án quản lý thời gian làm thêm giờ của người lao động theo tháng thay vì theo tuần như hiện nay, dựa trên sự nhất trí của người lao động và doanh nghiệp. 

Hàn Quốc hiện đang áp dụng chế độ tuần làm việc tối đa 52 tiếng. Theo chế độ này, ngoài thời gian làm việc là 40 tiếng/tuần theo quy định pháp luật, chủ doanh nghiệp chỉ được cho người lao động làm thêm giờ hoặc làm thêm vào ngày nghỉ tối đa 12 tiếng/tuần, tổng thời gian làm việc không được vượt quá 52 tiếng/tuần. 
 
Theo phương án mới của Chính phủ thì doanh nghiệp sẽ có thể bố trí thời gian làm thêm giờ của người lao động một cách linh hoạt, miễn đảm bảo tổng thời gian làm việc của cả tháng. Ví dụ, tuần đầu tiên của tháng 20 tiếng, tuần thứ hai 20 tiếng, tuần thứ ba 12 tiếng. Nếu luật cho phép như vậy, thì doanh nghiệp có thể dồn thời gian làm thêm giờ vào một tuần cần thiết, và không cần bố trí làm thêm giờ trong tuần khác.

Bộ trưởng Lee cho biết Hàn Quốc là nước duy nhất trong số các nước phát triển lớn thế giới quản lý thời gian làm thêm giờ theo đơn vị tuần. Các nước lớn khác đều tôn trọng quyền lựa chọn dựa trên thỏa thuận của người lao động và doanh nghiệp.
 
Ngoài ra, Chính phủ có kế hoạch áp dụng chế độ “tài khoản tích lũy thời gian làm việc”, người lao động làm thêm giờ khi khối lượng công việc nhiều thì thời gian làm thêm này sẽ được “tích lũy lại” để khi khối lượng công việc ít, người lao động có thể sử dụng để nghỉ phép. Bộ trưởng Lee cho biết sẽ xem xét chặt chẽ các hạng mục tranh cãi cụ thể, như mức trần và mức sàn tích lũy thời gian làm việc, cách tích lũy và sử dụng, cách thức quyết toán.
 
Tuy nhiên, giới lao động lại chỉ trích rằng phương án mà Chính phủ đưa ra không khác nào tuyên bố rằng sẽ củng cố hơn nữa hệ thống lao động thời gian dài và trả lương thấp hiện nay, “mong ước bấy lâu” của giới doanh nghiệp. Ngược lại, doanh nghiệp thì cho rằng phương án này sẽ giúp doanh nghiệp khắc phục khủng hoảng, tạo ra việc làm.
 
Để triển khai phương án trên, Chính phủ sẽ cần phải xúc tiến sửa đổi Luật tiêu chuẩn lao động tại Quốc hội. Bộ Tuyển dụng và lao động sẽ lập ra nhóm nghiên cứu gồm các chuyên gia liên quan để xây dựng dự thảo cụ thể cho tới tháng 10.

Trong một tin liên quan, Tổng thống Yoon Suk-yeol ngày 24/6 lại phát biểu rằng phương án mà Bộ Tuyển dụng và lao động công bố một ngày trước chưa phải là "lập trường chính thức" của Chính phủ và ông chưa được nghe báo cáo về vấn đề này. Phát biểu này của Tổng thống dự kiến sẽ có thể gây ra hỗn loạn, bởi đích thân Bộ trưởng Tuyển dụng và lao động đã tổ chức họp báo để công bố "phương hướng" cải cách. 

Ngoài ra, cải cách lao động là một cam kết tranh cử trọng tâm của Tổng thống, và cũng là một trong ba bài toán cải cách quan trọng mà ông Yoon đề cập trong bài phát biểu đầu tiên trước Quốc hội ngày 16/5 vừa qua, nên việc Tổng thống cho biết "chưa được nghe báo cáo" khiến một số ý kiến không khỏi đặt ra nghi vấn.

Lựa chọn của ban biên tập