Hỏi đáp về đảo Dokdo Trang chủ > ĐảoDokdothuộcchủquyềnHànQuốc > Hỏi đáp về đảo Dokdo

  • • Nhiều tài liệu cổ của Hàn Quốc đã có ghi chép về đảo Dokdo. Điều đó chứng tỏ Hàn Quốc từ lâu đã công nhận và kiểm soát Dokdo như là một phần lãnh thổ của mình. Một số nội dung tiêu biểu về đảo Dokdo được ghi lại trong các tài liệu cổ như sau:

     

    Cuốn Jiriji (Địa lý chí) trong bộ sách “Sejong thực lục” (Thế Tông thực lục) (năm 1454)

     

    Bản dịch
    Đảo Usan và đảo Mureung nằm giữa biển phía chính Đông của huyện Uljin. Hai hòn đảo này nằm không cách xa nhau, vì vậy, vào những ngày đẹp trời từ đảo này có thể nhìn thấy đảo kia.

    Dưới thời Silla, chúng được gọi là vương quốc Usan hay đảo Ulleung.

     

    Bản gốc
    于山武陵二島在縣正東海中
    二島相去不遠 風日淸明 則可望見 新羅時 稱于山國 一云鬱陵島

     

    Sinjeung Dongguk Yeoji Seungnam (năm 1531)
    (Tân tăng đông quốc dư địa thăng lãm)

     

    Bản dịch
    Đảo Usan (tức đảo Dokdo) và đảo Ulleung hay được gọi là Mureung hay Ureung. Hai hòn đảo này nằm giữa biển phía chính đông của huyện Uljin.

     

    Bản gốc
    于山島 鬱陵島
    一云武陵 一云羽陵 二島在縣正東海中

     

    Dongguk Munheon Bigo (năm 1770)
    (Đông quốc văn hiến bị khảo)

     

    Bản dịch
    Usan và Ulleung là hai hòn đảo khác nhau. Một trong hai hòn đảo này chính là Usan. Theo cuốn “Đông quốc dư địa chí”, Ulleung và Usan đều là lãnh thổ của vương quốc Usan và Usan chính là hòn đảo mà người Nhật Bản khi đó gọi là đảo Matsushima (Tên gọi đảo Dokdo của Hàn Quốc ngày nay của người Nhật xưa).

     

    Bản gốc
    于山島 鬱陵島..
    二島一卽于山..
    輿地志云 鬱陵․于山皆于山國地 于山則倭所謂松島也

     

    Mangi Yoram (năm 1808)
    (Vạn cơ yếu lãm)

     

    Bản dịch
    Đảo Ulleung nằm giữa biển phía chính Đông của huyện Uljin. Theo cuốn “Đông quốc dư địa chí”, Ulleung và Usan đều là lãnh thổ của vương quốc Usan và Usan chính là hòn đảo mà người Nhật Bản khi đó gọi là đảo Matsushima (Tên gọi đảo Dokdo của người Nhật xưa).

     

    Bản gốc
    鬱陵島在蔚珍正東海中..
    輿地志云 鬱陵于山皆于山國地 于山則倭所謂松島也

     

    Jeungbo Munheon Bigo (năm 1908)
    (Tăng bổ văn hiến bị khảo)

     

    Bản dịch
    Đảo Usan và đảo Ulleung là hai hòn đảo khác nhau. Một trong hai hòn đảo này chính là Usan. (Bổ sung) Nay chúng đã trở thành huyện Uldo.

     

    Bản gốc
    于山島鬱陵島..
    二島一卽芋山 續今爲鬱島郡

  • • “Ấn châu thị thính hợp ký”, tài liệu lâu đời nhất của Nhật Bản đề cập đến đảo Dokdo, được Toyonobu Saito, một quan chức địa phương của Izuma (nay là phía Đông của tỉnh Shimane) biên soạn năm 1667. Cuốn sách này đã miêu tả Dokdo như sau:

     

    Inshū Shichō Gakki (Ấn châu thị thính hợp ký)

     

    Bản dịch
    Đảo Ulleung và đảo Dokdo là nơi không có người ở. Hai hòn đảo này nằm hướng về Goryeo (Hàn Quốc) cũng giống như Unshu (nay là phía Đông của tỉnh Shimane) nằm hướng về phía Inshu (đảo Oki của Nhật Bản). Chính vì vậy, Inshu (đảo Oki) được lấy làm mốc giới hạn ranh giới phía Tây Bắc của Nhật Bản.

     

    Bản gốc
    此二島 無人之地 見高麗 如自雲州望隱州 然則日本乾地 以此州爲限矣

    • Thông qua những ghi chép này, chúng ta có thể thấy được ranh giới phía Tây Bắc của Nhật Bản là đảo Oki và đảo Dokdo không nằm trong lãnh thổ Nhật Bản.

  • • Đảo Dokdo không hề xuất hiện trong các bản đồ cổ của Nhật Bản, trong đó có “Dainihon Enkai Yochi Zenzu” (Đại Nhật Bản duyên hải dư địa toàn đồ, năm 1821), một tập bản đồ tiêu biểu của thời kỳ Edo, do chuyên gia làm bản đồ Tadataka Ino thực hiện theo yêu cầu của Mạc phủ Nhật Bản. Việc hòn đảo này không xuất hiện trong các bản đồ cổ của Nhật Bản chứng tỏ Chính phủ Nhật Bản công nhận đảo Dokdo không thuộc lãnh thổ của mình.

     

    • Mặt khác, “Kaisei Nihon Rotei Zenzu” (Cải chính Nhật Bản dư địa lộ trình toàn đồ) của học giả Nho giáo Sekisui Nagakubo dưới thời kỳ Edo, xuất bản lần đầu tiên vào năm 1779, tấm bản đồ mà Chính phủ Nhật Bản dùng làm bằng chứng cho chủ quyền của mình đối với đảo Dokdo, cũng cho thấy đảo Ulleung và đảo Dokdo không thuộc lãnh thổ của Nhật Bản.

     

    Kaisei Nihon Rotei Zenzu (tái bản, năm 1791)
    (Cải chính Nhật Bản dư địa lộ trình toàn đồ)

     

    Bản dịch
    Takeshima (tên ngày xưa người Nhật dùng để chỉ đảo Ulleung) hay còn được gọi là Isotakeshima (đảo Ky Trúc)
    Matsushima (đảo Dokdo)
    Hai hòn đảo này nằm hướng về Goryeo (Hàn Quốc), cũng giống như Unshu (nay là phía Đông của tỉnh Shimane) nằm hướng về phía Inshu (đảo Oki của Nhật Bản)

     

    Bản gốc
    竹島 一云磯竹島
    松島
    見高麗猶雲州望隱州

     

    • Câu trích dẫn từ “Ân châu thị thính hợp ký” đã được ghi trên bản đồ bên cạnh Matsushima (đảo Dokdo) và đảo Ulleung, do vậy chúng ta có thể biết được rằng bản đồ này đã dựa vào “Ân châu thị thính hợp ký” và “đảo Oki là ranh giới phía Tây Bắc của Nhật Bản” đã được ghi trong cuốn sách này.

     

    • Ngoài ra, trong phiên bản đầu tiên của bản đồ này xuất bản năm 1779 cho đến các phiên bản sau này, đảo Ulleung và đảo Dokdo không được tô màu giống như lãnh thổ Joseon và nằm ngoài đường kinh độ và vĩ độ của lãnh thổ Nhật Bản.

  • • Sau khi xảy ra tranh chấp ngoại giao giữa Joseon và Nhật Bản vào năm 1693 về việc ngư dân Nhật Bản tới đảo Ulleung, Mạc phủ Nhật Bản thời kỳ Edo đã gửi thư tới phiên trấn Tottori vào ngày 24 tháng 12 năm 1695 để xác nhận xem đảo Ulleung có thuộc phiên trấn Tottori hay không và có các hòn đảo nào khác thuộc thẩm quyền của Tottori hay không.

     

    Bản dịch
    1. Takeshima (đảo Ulleung) ở Inshu và Hakushu (Inaba và Hoki: nay là tỉnh Tottori) thuộc chủ quyền của hai nước (Inaba và Hoki) từ khi nào?
    1. Ngoài Takeshima (đảo Ulleung) còn có hòn đảo nào thuộc hai nước (Inaba và Hoki) không?

     

    Bản gốc
    一. 因州伯州之付候竹島は、いつの此より兩國之附屬候哉..
    一. 竹島の外兩國之附屬の島有之候哉

     

    • Ngày 25 tháng 12, phiên trấn Tottori đã khẳng định với Mạc phủ Nhật Bản rằng đảo Ulleung và đảo Dokdo không thuộc lãnh thổ của Nhật Bản (phiên trấn Tottori) như sau: “Takeshima (đảo Ulleung) và Matsushima (đảo Dokdo) không thuộc hai nước (Inaba và Hoki: nay là tỉnh Tottori) và cũng không có hòn đảo nào khác thuộc hai quốc gia này”.

     

    Bản dịch
    1. Takeshima (đảo Ulleung) không phải là đảo thuộc Inaba và Hoki (nay là tỉnh Tottori).
    1. Takeshima (đảo Ulleung) và Matsushima (đảo Dokdo) không thuộc hai nước (Inaba và Hoki) và cũng không có hòn đảo nào khác thuộc hai quốc gia này.

     

    Bản gốc
    一. 竹島は因幡伯耆附屬にては無御座候...
    一. 竹島松島其外兩國之附屬の島無御座候事

     

    • Sau khi xác nhận đảo Ulleung và đảo Dokdo không phải là lãnh thổ của Nhật Bản, Mạc phủ Nhật Bản đã hủy “Giấy phép tới Takeshima (đảo Ulleung)” vào ngày 28 tháng 1 năm 1696 và cấm người dân Nhật Bản tới hòn đảo này.

  • • An Yong-bok, một ngư dân sống dưới thời vua Sukjong (Túc Tông) của triều đại Joseon đã hai lần đến Nhật Bản, trong đó có một lần ông bị người Nhật Bản bắt cóc ở đảo Ulleung vào năm 1693. Vụ bắt cóc này là nguyên nhân gây nên tranh chấp giữa Hàn Quốc và Nhật Bản về chủ quyền đối với đảo Ulleung. Vụ việc có ý nghĩa lớn do chủ quyền đối với đảo Ulleung và đảo Dokdo đã được khẳng định trong quá trình đàm phán ngoại giao về vấn đề này.

     

    • Liên quan đến chuyến đi thứ hai đến Nhật Bản của An Yong-bok vào năm 1696, cuốn “Sukjong Sillok” (Túc Tông thực lục) có viết: “An Yong-bok nói với các ngư dân Nhật Bản mà ông gặp ở đảo Ulleung rằng, Matsushima là đảo Jasan (Tử Sơn, nay là đảo Dokdo) và đây là lãnh thổ của mình”. Thư tịch này còn có ghi chép: “Ông đã đến Nhật Bản để kháng nghị việc Nhật Bản xâm phạm đảo Ulleung và đảo Dokdo là các vùng lãnh thổ của Hàn Quốc”.

     

    • Việc An Yong-bok đến Nhật Bản không chỉ được nêu trong các tài liệu của Hàn Quốc mà còn được ghi trong các tài liệu của Nhật Bản như “Takeshima Kiji” (Trúc đảo ký sự), “Takeshima Tokai Yurai Kinuki Gaki” (Trúc đảo độ hải do lai ký bạt thư công), “Inpu Nenpyo” (Nhân phủ niên biểu), “Takeshimako” (Trúc đảo khảo).

     

    • Đặc biệt, “Genroku Kyu Heishinen Chosenbune Chakugan Ikkan No Oboegaki” (Nguyên lộc cửu bính tử niên Joseon chu trứ an ngạn nhất quyển tri giác thư; tài liệu ghi lại nội dung một quan chức của đảo Oki điều tra An Yong-bok khi ông đến hòn đảo này vào năm 1696), tư liệu lịch sử mới được phát hiện vào năm 2005 tại Nhật Bản cho biết An Yong-bok nói rằng đảo Ulleung và đảo Dokdo thuộc về tỉnh Gangwon, góp phần chứng thực cho nội dung trong “Sukjong thực lục”.

     

    Genroku Kyu Heishinen Chosenbune Chakugan Ikkan No Oboegaki
    (Nguyên lộc cửu bính tử niên Joseon chu trứ an ngạn nhất quyển tri giác thư)

     

    Bản dịch
    Trong tỉnh này có Takeshima (đảo Ulleung) và Matsushima (đảo Dokdo).

     

    Bản gốc
    此道中 竹嶋松嶋有之

  • • Triều đình Joseon đã phái quan lại tới đảo Ulleung để đưa cư dân trên đảo về đất liền sinh sống. Đó chính là “Chính sách hồi hương”.

     

    • Đây là một trong những chính sách về đảo được triều đình Joseon lựa chọn để bảo toàn tính mạng cho người dân trước những hành động cướp phá của cướp biển Nhật Bản. Điều đó không có nghĩa là Joseon từ bỏ chủ quyền lãnh thổ đối với đảo Ulleung.

     

    •  Trên thực tế, triều đình Joseon liên tục thực thi chủ quyền đối với đảo Ulleung thông qua việc phái quan lại tới hòn đảo này. Nói cách khác, từ thời kỳ đầu của triều đại Joseon, quan Tuần thẩm kính sai (Sunsimgeyongchagwan) đã được triều đình Joseon phái tới đảo Ulleung và dưới thời vua Sukjong (Túc Tông), quan lại cũng liên tục được phái đến để kiểm tra đảo Ulleung và các vùng khác. Chế độ này được duy trì cho đến năm 1895.

  • • Vào thời kỳ Minh Trị, Bộ Nội vụ Nhật Bản đã đưa câu hỏi liệu có phải đưa Takeshima (đảo Ulleung) và một hòn đảo khác (đảo Dokdo) ở biển Đông” vào dự án biên soạn sổ đăng ký đất đai hay không lên Thái chính quan, cơ quan hành chính cao nhất của Nhật Bản lúc bấy giờ.

     

    • Tháng 3 năm 1877, Thái chính quan đưa ra kết luận: “đảo Ulleung và đảo Dokdo không thuộc về Nhật Bản căn cứ theo kết quả đàm phán giữa Mạc phủ thời kỳ Edo của Nhật Bản và triều đình Joseon về tranh chấp đối với đảo Ulleung”, đồng thời ra lệnh cho Bộ Nội vụ Nhật Bản: “Hãy ghi nhớ rằng Takeshima (đảo Ulleung) và một hòn đảo khác (đảo Dokdo) không liên quan tới Nhật Bản”. Kết luận này còn được gọi là “Thái chính quan chỉ lệnh”.

     

    “Thái chính quan chỉ lệnh / Lược đồ đảo Ky Trúc” (năm 1877)

     

    Bản dịch
    Ngày 29 tháng 3 năm thứ 10 Minh Trị
    Về việc biên soạn đăng ký đất đai của Bộ Nội vụ về Takeshima (đảo Ulleung) và một đảo khác (Dokdo) trên biển Đông

     

    Xét thấy rằng Nhật Bản không liên quan gì tới hai hòn đảo theo như kết quả đàm phán giữa chính quyền cũ (Mạc phủ thời kỳ Edo) và Joseon, chúng thần xin đề xuất ra chỉ lệnh như sau:

     

    Dự thảo chỉ lệnh
    Liên quan đến Takeshima (đảo Ulleung) và một đảo khác (đảo Dokdo) được đề cập trong câu hỏi của Bộ Nội vụ, hãy nhớ hai hòn đảo này không liên quan đến Nhật Bản.

     

    Bản gốc
    明治十年三月廿日
    別紙内務省伺日本海内竹嶋外一嶋地籍編纂之件
    右ハ元禄五年朝鮮人入嶋以来旧政府該国ト往復之末遂ニ本邦関係無之相聞候段申立候上ハ伺之趣御聞置左之通御指
    令相成可然哉此段相伺候也

     

    御指令按
    伺之趣書面竹島外一嶋之義本邦関係無之義ト可相心得事

     

    • Bộ Nội vụ đã kèm theo “Lược đồ đảo Ky Trúc (tên ngày xưa người Nhật dùng để chỉ đảo Ulleung) ” thư hỏi ý kiến trên. Lược đồ này có vẽ Takeshima (đảo Ulleung) và Matsushima (đảo Dokdo). Như vậy, rõ ràng Dokdo chính là “một hòn đảo khác” được đề cập ở cụm từ “TakeshimaJukdo (đảo Ulleung) và một đảo khác” trong “Thái chính quan chỉ lệnh”.

     

    • “Thái chính quan chỉ lệnh” chứng minh rằng chính quyền Nhật Bản nhận thức rằng chủ quyền đối với đảo Ulleung và đảo Dokdo đã được xác nhận trong quá trình xảy ra tranh chấp về đảo Ulleung giữa triều đình Mạc phủ thời kỳ Edo của Nhật Bản và triều đình Joseon vào thế kỷ XVII.

     

    • Mặt khác, “Lý do Takeshima (đảo Ulleung) và Matsushima (đảo Dokdo) thuộc về Joseon” cũng đã được đề cập trong báo cáo “Kōsai Shimatsu Naitansho” (Joseon quốc giao tế thí mạt nội thám thư). Báo cáo này do quan chức Habuko Sada thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản trình lên bộ này vào năm 1870 sau khi ông đi thị sát Joseon, bảy năm trước khi “Thái chính quan chỉ lệnh” được đưa ra. Qua đó có thể thấy Bộ Ngoại giao Nhật Bản thời đó đã công nhận hai hòn đảo trên là lãnh thổ của Joseon.

  • • Ngay sau khi xảy ra nhiều vấn đề tại đảo Ulleung vào cuối thế kỷ XIX như việc người Nhật Bản khai thác gỗ bất hợp pháp, Chính phủ Đại Hàn đế quốc đã yêu cầu Chính phủ Nhật Bản rút những người khai thác này ra khỏi Ulleung, mặt khác quyết định tăng cường khuôn khổ pháp chế và hành chính liên quan đến đảo Ulleung.

     

    • Ngày 24 tháng 10 năm 1900, Uijeongbu (Phủ Nghị chính), cơ quan hành chính cao nhất của Đại Hàn đế quốc lúc bấy giờ, đã quyết định đổi tên đảo Ulleung thành đảo Uldo và thăng chức cho quan cai quản đảo Ulleung là Dogam (đảo giám) lên tri huyện. Quyết định này đã được Hoàng đế Gojong (Cao Tông) phê chuẩn và được đăng trên công báo với cái tên “Sắc lệnh số 41” vào ngày 27 tháng 10.

     

    • Điều 2 của “Sắc lệnh số 41” quy định: “Toàn bộ đảo Ulleung cũng như đảo Jukdo và đảo Seokdo (đảo Dokdo) đều thuộc thẩm quyền của huyện Uldo”. Như vậy, rõ ràng Dokdo là một trong các khu vực được đặt dưới sự quản lý của huyện Uldo.

     

    “Sắc lệnh số 41”

     

    Bản dịch
    (Sắc lệnh số 41) Đổi tên đảo Ulleung thành Uldo và quan cai quản đảo Ulleung là đảo giám được thăng chức lên tri huyện
    Điều 1 → Đổi tên đảo Ulleung thành đảo Uldo, thuộc quyền quản lý của tỉnh Gangwon. Quan cai quản đảo Ulleung được thăng chức lên tri huyện, được hưởng chế độ quan chức ở bậc 5.
    Điều 2 → Trụ sở huyện được đặt tại phường Taeha; huyện Uldo kiểm soát toàn bộ đảo Ulleung cũng như đảo Jukdo và đảo Seokdo (đảo Dokdo)

     

    Bản gốc
    (勅令第四十一號) 鬱陵島를 鬱島로 改稱하고 島監을 郡守로 改正한件
    第一條 → 鬱陵島를 鬱島라 改稱하야 江原道에 附屬하고 島監을 郡守로 改正하야 官制中에 編入하고 郡等은 五等으로 할 事
    第二條 → 郡廳位寘난台霞洞으로 定하고 區域은 鬱陵全島와 竹島 · 石島랄 管轄할 事

     

    • “Sắc lệnh số 41” là minh chứng rõ ràng về mặt lịch sử rằng Chính phủ Đại Hàn đế quốc đã thực hiện chủ quyền đối với đảo Dokdo như là một phần của đảo Ulleung.

  • • Sau năm 1904, để giành quyền kiểm soát Mãn Châu và bán đảo Hàn Quốc, Nhật Bản đã tuyên chiến với Nga. Việc Nhật Bản nỗ lực sát nhập Dokdo vào lãnh thổ của mình qua Thông báo số 40 năm 1905 của tỉnh Shimane là nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết về mặt quân sự khi phải đương đầu với hải quân Nga trên vùng biển phía Đông bán đảo Hàn Quốc.

     

    • Tài liệu lịch sử của Nhật Bản có ghi sự kiện quốc gia này sát nhập Dokdo vào lãnh thổ của mình theo ý kiến của một quan chức Bộ Ngoại giao thời đó rằng “Nếu xây dựng một tháp quan sát ở Dokdo và lắp đặt hệ thống truyền phát vô tuyến hoặc hệ thống điện tín ngầm dưới biển sẽ giúp chúng ta có lợi thế trong việc giám sát tàu của đối phương”. Bản thân Yozaburo Nakai, người kiến nghị sát nhập Dokdo vào lãnh thổ của Nhật Bản, đã nhận thức rằng Dokdo là lãnh thổ của Hàn Quốc. Bên cạnh đó, một quan chức của Bộ Nội vụ Nhật Bản từng cho rằng “việc khơi dậy mối nghi ngờ Nhật Bản nuôi tham vọng xâm chiếm Hàn Quốc thông qua hành động sát nhập Dokdo, nơi chẳng có lấy một ngọn cỏ và được coi là lãnh thổ của Hàn Quốc, sẽ mất nhiều hơn được”. Điều này cho thấy Chính phủ Nhật Bản đã nhận thức rằng Dokdo thuộc về Hàn Quốc.

     

    • Tháng 2 năm 1904, Nhật Bản đã ép Đại Hàn đế quốc ký “Nghị định thư Hàn-Nhật” nhằm mục đích giúp Nhật Bản có thể tự do sử dụng lãnh thổ của Hàn Quốc trong cuộc chiến Nga-Nhật. Nhật Bản cũng buộc Chính phủ Hàn Quốc bổ nhiệm cố vấn người nước ngoài trong đó có người Nhật thông qua “Hiệp ước Hàn-Nhật thứ I” vào tháng 8 năm 1904. Trên thực tế, Nhật Bản đã từng bước xâm chiếm Hàn Quốc và Dokdo trở thành “vật hy sinh” đầu tiên trong quá trình đó.

     

    • Thông báo số 40 của tỉnh Shimane là một phần trong quá trình Nhật Bản xâm chiếm nhằm làm suy yếu sự toàn vẹn lãnh thổ của Hàn Quốc. Việc Nhật Bản sát nhập Dokdo vào lãnh thổ của mình là một hành động bất hợp pháp xâm phạm chủ quyền đảo Dokdo vốn đã được Hàn Quốc xác lập vững chắc trong suốt thời gian dài. Do đó, theo luật pháp quốc tế, thông báo này không có hiệu lực.

  • • Sau khi nghe được tin tức Nhật Bản đã sát nhập đảo Dokdo vào lãnh thổ Nhật Bản từ đoàn điều tra của tỉnh Shimane tới thăm đảo Ulleung vào ngày 28 tháng 3 năm 1906, ngay ngày hôm sau, tri huyện Uldo (đảo Ulleung) Shim Heung-taek đã báo cáo lên tuần phủ tỉnh Gangwon và Bộ Nội vụ Hàn Quốc (nay là Bộ An ninh và hành chính). Sau khi nhận được báo cáo từ tri huyện Uldo Shim Heung-taek, tri huyện Chuncheon đã thay mặt tuần phủ tỉnh Gangwon báo cáo vấn đề này lên Phủ nghị chính vào ngày 29 tháng 4 năm 1906.

     

    “Báo cáo đặc biệt”

     

    Bản dịch
    Tri huyện Uldo Shim Heung-taek đã báo cáo với Tuần phủ tỉnh Gangwon như sau: Đảo Dokdo, trực thuộc huyện Uldo, nằm ở ngoài khơi cách bờ hơn 100 li (đơn vị đo lường của Hàn Quốc, tương đương 0,4 km). Khoảng giờ Thìn (tức từ 7 tới 9 giờ sáng) ngày thứ tư của tháng này (ngày 28 tháng 3), một con tàu đã cập cảng Dodong thuộc huyện Uldo. Một đoàn quan chức của Chính phủ Nhật Bản đã đến trụ sở huyện và tuyên bố: “Dokdo giờ đã trở thành lãnh thổ của Nhật Bản, vì vậy chúng tôi tới đây để thị sát”. Đầu tiên, họ hỏi về số hộ gia đình, dân số, diện tích đất, năng suất và sau đó là số nhân viên và kinh phí vận hành trụ sở huyện. Họ ghi lại các thông tin như thể đang thực hiện một cuộc điều tra chung về các hòn đảo và sau đó thì rời đi. Vì vậy, tôi xin báo cáo vấn đề này để ngài xem xét.

     

    Bản gốc
    欝島郡守 沈興澤報告書內開에 本郡所屬獨島가 在於外洋百餘里 外 이삽더니 本月 初四日 辰時量에 輪船一雙이 來泊于郡內道洞浦 而日本官人 一行에 到于官舍하야 自云 獨島가 今爲日本領地 故로 視察次 來到이다 이온바... 先問戶總 ∙ 人口 ∙ 土地 ∙ 生産 多少하고 且問 人員 及經費 幾許 諸般事務을 以調査樣으로 錄去이압기 玆報告하오니 照亮하시믈 伏望等 因으로 准此 報告하오니 照亮하시믈 伏望

     

    • Ngày 20 tháng 5 năm 1906, Phủ Nghị chính, cơ quan hành chính cao nhất của Đại Hàn đế quốc đã ra lệnh như sau (Chỉ lệnh số 3):

     

    “Chỉ lệnh số 3”

     

    Bản dịch
    Báo cáo đã được đọc và xem xét. Tuyên bố đảo Dokdo đã trở thành lãnh thổ của Nhật Bản là hoàn toàn không có căn cứ. Vì vậy, hãy một lần nữa báo cáo lại tình hình của đảo cũng như hoạt động của Nhật Bản.

     

    Bản gốc
    來報난 閱悉이고 獨島領地之說은 全屬無根하니 該島 形便과 日人 如何 行動을 更爲査報할 事

     

    • Điều này cho thấy vào năm 1906, tri huyện Uldo (đảo Ulleung) vẫn đang quản lý đảo Dokdo theo “Sắc lệnh số 41” ban hành năm 1900.

  • • Tuyên bố Cairo (1/12/1943) nêu rõ quan điểm cơ bản của quân đồng minh về lãnh thổ của Nhật Bản sau Thế chiến thứ II quy định: “Quân đội của Nhật Bản sẽ bị trục xuất khỏi tất cả các vùng lãnh thổ mà nước này đã chiếm được bằng vũ lực”.

     

    • Tuyên bố Cairo cũng khẳng định sự độc lập của Hàn Quốc như sau: “Nhận thức được ách nô lệ mà nhân dân Hàn Quốc đang phải chịu đựng, ba cường quốc trên đây quyết định Hàn Quốc phải được tự do và độc lập”.

     

    Trích dẫn Tuyên bố Cairo

    Japan will also be expelled from all other territories which she has taken by violence and greed.
    The aforesaid three great powers, mindful of the enslavement of the people of Korea, are determined that in due course Korea shall become free and independent.

     

    • Tuyên bố Postdam năm 1945 được Nhật Bản chấp thuận như là điều kiện đầu hàng đã tái khẳng định việc thi hành Tuyên bố Cairo.

  • • Sau khi Thế chiến thứ II kết thúc, Bộ tổng tư lệnh, cơ quan tư lệnh tối cao của quân đồng minh, đã tách Dokdo ra khỏi phạm vi hành chính của Nhật Bản thông qua Công văn số 677 ngày 29 tháng 1 năm 1946 của Tư lệnh tối cao quân đồng minh.

     

    • Theo điều 3 của Công văn này, “Bốn hòn đảo chính của Nhật Bản gồm Honshu, Kyushu, Hokkaido và Shikoku cùng gần 1.000 hòn đảo nhỏ là những khu vực thuộc quyền kiểm soát của Nhật Bản, trong khi đảo Ulleung, đảo đá Liancourt (Dokdo) và đảo Jeju không thuộc lãnh thổ của Nhật Bản”.

     

     

    Công văn số 677 ngày 29/1/1946 (SCAPIN 677)

    Bản cam kết về việc tách một số khu vực xung quanh ra khỏi Nhật Bản về mặt quản lý và hành chính.

    3. For the purpose of this directive, Japan is defined to include…excluding (a) Utsuryo (Ullung) island,
    Liancourt Rocks and Quelpart (Saishu or Cheju) island...

     

    • Ngoài ra, Công văn số 1033 của Tư lệnh tối cao quân đồng minh cũng đã nghiêm cấm tàu thuyền và người dân Nhật Bản tiếp cận đảo Dokdo hoặc khu vực trong vòng 12 hải lý xung quanh đảo Dokdo.

     

    Công văn số 1033 ngày 22/6/1946 (SCAPIN 1033)

    Bản cam kết về khu vực cho phép người dân Nhật Bản đánh cá và săn bắt cá voi

    3. (b) Japanese vessels or personnel thereof will not approach closer than twelve (12) miles to Takeshima(37°15′ North Latitude, 131°53′ East Longitude) nor have any contact with said island.

  • • Điểm (a) khoản 2 Hiệp ước hòa bình San Francisco nêu rõ: “Nhật Bản công nhận sự độc lập của Hàn Quốc và từ bỏ mọi quyền lợi, hành động, quyền yêu sách đối với Hàn Quốc bao gồm đảo Jeju, đảo Geomun và đảo Ulleung”.

     

    Trích dẫn Hiệp ước hòa bình San Francisco

    Article 2
    (a) Japan recognizing the independence of Korea, renounces all right, title and claim to Korea, including the islands of Quelpart, Port Hamilton and Dagelet.    

     

    • Không thể coi đảo Dokdo không phải là một phần lãnh thổ của Hàn Quốc được tách ra từ Nhật Bản với lý do điều khoản trên chỉ đưa tên các đảo Jeju, Geomun và Ulleung trong số hơn 3.000 đảo ở Hàn Quốc làm ví dụ mà không nêu trực tiếp tên của đảo Dokdo.

     

    • Nếu xét theo quan điểm của quân đồng minh được phản ánh trong Tuyên bố Cairo năm 1943 và Công văn số 677 của Tư lệnh tối cao quân đồng minh năm 1946 thì đương nhiên Dokdo thuộc chủ quyền của Hàn Quốc và được tách ra từ Nhật Bản.

  • • Lập trường của Chính phủ Hàn Quốc đối với đề nghị của Nhật Bản về việc đưa vấn đề đảo Dokdo ra Tòa án công lý quốc tế vào năm 1945 như sau:

     

    - Đề nghị của Chính phủ Nhật Bản chỉ là một nỗ lực “giả tạo” ngụy trang dưới hình thức thủ tục pháp lý. Đảo Dokdo thuộc chủ quyền của Hàn Quốc và không có lý do gì Seoul phải chứng minh quyền lợi đó trước Tòa án công lý quốc tế.


    - Đế quốc Nhật Bản đã từng bước xâm chiếm bán đảo Hàn Quốc cho đến năm 1910 và giành được quyền kiểm soát thực tế đối với khu vực này vào năm 1904 khi nước này buộc triều đình Joseon phải ký “Nghị định thư Hàn-Nhật” và “Hiệp ước Hàn-Nhật lần thứ I”.


    - Quan điểm phi lý của Nhật Bản đối với đảo Dokdo đã làm dấy lên mối nghi ngờ của người dân Hàn Quốc về việc liệu có phải Nhật Bản đang cố lặp lại quá trình xâm lược. Đối với người dân Hàn Quốc, Dokdo không đơn thuần là một hòn đảo nhỏ ở biển Đông mà còn là biểu tượng về chủ quyền quốc gia.

     

    • Đến nay, Chính phủ Hàn Quốc vẫn giữ vững lập trường như trên.

  • • Hiện Hàn Quốc đang thực hiện chủ quyền vững chắc về mặt lập pháp, hành chính và tư pháp đối với đảo Dokdo.

     

    Thứ nhất, lực lượng cảnh sát Hàn Quốc đang đóng quân trên đảo Dokdo và canh giữ hòn đảo này.
    Thứ hai, quân đội Hàn Quốc đang bảo vệ vùng biển và vùng trời của đảo Dokdo.
    Thứ ba, Hàn Quốc đang thi hành các quy định pháp luật liên quan đến đảo Dokdo.
    Thứ tư, Hàn Quốc đã xây dựng và đang vận hành các công trình trên đảo Dokdo, ví dụ như ngọn hải đăng.
    Thứ năm, người dân Hàn Quốc đang sinh sống trên đảo Dokdo.

     

    • Trong tương lai, Chính phủ Hàn Quốc sẽ tiếp tục bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đối với đảo Dokdo.

<Nguồn tài liệu: Bộ Ngoại giao Hàn Quốc>