Tin tức về đảo DokdoTrang chủ > ĐảoDokdothuộcchủquyềnHànQuốc > Tin tức về đảo Dokdo

  • Seoul lấy làm tiếc về việc hơn 90 nghị sĩ Nhật Bản viếng đền Yasukuni thờ tội phạm chiến tranh

    Hơn 90 nghị sĩ thuộc đảng cầm quyền và đối lập Nhật Bản sáng ngày 18/10 đã tới viếng đền Yasukuni, ngôi đền nằm giữa lòng Tokyo nhân dịp lễ mùa thu. Đền Yasukuni vừa là biểu tượng cho chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản trong quá khứ, vừa là nơi thờ 14 tội phạm chiến tranh cấp độ A, tức cực kỳ nguy hiểm, trong chiến tranh Thái Bình Dương.

    Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio dù không trực tiếp viếng đền cùng ngày, nhưng đã gửi đồ lễ tới đền vào ngày 17/10. Bất chấp sự phản đối từ các nước láng giềng, kể từ sau khi nhậm chức, ông Kishida vẫn liên tục gửi đồ lễ tới đền Yasukuni. 

    Các nghị sĩ nước này sau một thời gian hạn chế viếng đền trong đợt dịch COVID-19, nay lại tiếp tục viếng tập thể ngôi đền này. Ba thành viên trong Nội các Nhật Bản, trong đó có Bộ trưởng Kinh tế, thương mại và công nghiệp, cũng đã trực tiếp tới viếng đền Yasukuni.

    Bộ Ngoại giao Hàn Quốc bày tỏ lấy làm tiếc và thất vọng sâu sắc về việc Thủ tướng Kishida gửi đồ lễ tới đền Yasukuni. Trong ngày 18/10, Bộ Ngoại giao tiếp tục đưa ra bình luận dưới danh nghĩa người phát ngôn, hối thúc giới chức Nhật Bản nhìn thẳng vào lịch sử, thể hiện sự ăn năn, hối lỗi chân thành về các vấn đề quá khứ bằng hành động cụ thể.

    Chính phủ Trung Quốc cũng nhấn mạnh đền Yasukuni vừa là "công cụ tinh thần", vừa là biểu tượng cho các cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Nhật Bản trong quá khứ. Bắc Kinh lên án mạnh mẽ việc Thủ tướng Kishida gửi đồ cúng lễ tới ngôi đền này.

    Tuy nhiên, Chính phủ Nhật Bản tái khẳng định lập trường tiếp tục tăng cường quan hệ với Hàn Quốc và Trung Quốc. Tokyo nhấn mạnh việc thể hiện tấm lòng thành kính với những con người đã hy sinh vì đất nước là điều đương nhiên, để ngỏ khả năng giới chức nước này sẽ tiếp tục viếng đền Yasukuni và gửi đồ cúng trong thời gian tới.

  • Seoul kỳ vọng Tokyo sẽ thực thi đúng cam kết đối với đảo Quân hạm

    Tại kỳ họp thứ 45 diễn ra ở Ả-rập Xê-út vào ngày 14/9, Ủy ban Di sản thế giới thuộc Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã thông qua Quyết định, công nhận Nhật Bản đã thực thi một số biện pháp mới nhằm phản ánh lịch sử cưỡng ép lao động người Joseon (người Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên ngày nay) liên quan tới đảo Quân hạm thuộc Quần thể di tích cuộc cách mạng công nghiệp Minh Trị.
     
    Về điều này, một quan chức Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ngày 18/9 cho biết Chính phủ Hàn Quốc cũng nhận thức được các "bước đi mới" của Tokyo, coi những bước đi này là một phần quá trình Nhật Bản thực hiện nghiêm túc quyết định của Ủy ban Di sản thế giới.

    Trong biên bản Quyết định trên, Ủy ban Di sản thế giới cũng nhấn mạnh rằng việc Nhật Bản tự giác thực thi cam kết là điều hết sức quan trọng. Trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc sẽ tiếp tục đối thoại với Tokyo và UNESCO để Nhật Bản có thể tổ chức triển lãm về lời làm chứng của những nạn nhân đã qua đời và hoàn thiện các biện pháp tưởng nhớ nạn nhân.

    Khi đảo Quân hạm (đảo Hashima theo cách gọi của Nhật Bản) thuộc Quần thể di tích cuộc cách mạng công nghiệp Minh Trị được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 2015, Chính phủ Nhật Bản đã cam kết sẽ công bố rộng rãi về toàn bộ lịch sử (full history) của quần thể di tích này trong đó có cả vấn đề cưỡng ép lao động người Joseon, nhưng Tokyo đã không thực hiện đúng cam kết. Năm 2021, Ủy ban Di sản thế giới đã đưa ra lập trường "lấy làm tiếc sâu sắc".

    Gần đây, Nhật Bản đã có một số bước đi mới như lập ra không gian tưởng niệm các nạn nhân tại Trung tâm thông tin di sản công nghiệp đặt tại Tokyo. Theo đó, trong quyết định lần này, Ủy ban di sản thế giới đưa ra đánh giá tích cực thay vì chỉ trích. Tuy nhiên, Ủy ban Di sản cũng khuyến nghị các bên đương sự tiếp tục đối thoại để lấy "lời làm chứng mới".

    Một số ý kiến cho rằng quyết định trên cho thấy UNESCO nhiều khả năng sẽ công nhận mỏ Sado của Nhật Bản là di sản văn hóa thế giới, nếu Tokyo công bố cả những lịch sử đau thương của di sản đó trong quá khứ, tương tự như Quần thể di tích cuộc cách mạng công nghiệp Minh Trị. 

    Chính phủ Nhật Bản hiện đang xúc tiến đăng ký mỏ Sado trở thành di sản thế giới. Đây là mỏ khai thác vàng lâu đời nhất của Nhật Bản, nhưng cũng là nơi từng cưỡng ép người lao động người Joseon. Ủy ban Di sản thế giới dự kiến sẽ đưa ra quyết định đối với mỏ Sado vào kỳ họp năm sau.

  • Quân đội Hàn Quốc tổ chức kín cuộc tập trận phòng vệ đảo Dokdo năm 2023

    Trong cuối tháng 6, quân đội Hàn Quốc đã tổ chức kín cuộc tập trận bảo vệ lãnh thổ vùng biển phía Đông. Được biết, lần này, quân đội đã không điều động máy bay quân sự, mà chỉ có tàu chiến của Hải quân và Cảnh sát biển tham gia. Binh lực tham gia đã không đổ bộ đảo Dokdo. 

    Dưới thời Chính phủ tiền nhiệm của cựu Tổng thống Moon Jae-in, quân đội từng nhiều lần tập trận công khai trên quy mô lớn, huy động máy bay chiến đấu của Không quân cho tới cả binh lực Thủy quân lục chiến đổ bộ lên đảo Dokdo; đồng thời công bố trước về kế hoạch tập trận. 

    Đây là cuộc tập trận bảo vệ lãnh thổ biển Đông thứ ba diễn ra dưới nhiệm kỳ của Tổng thống Yoon Suk-yeol. Hai cuộc tập trận diễn ra vào năm ngoái cũng được tổ chức kín trên quy mô nhỏ. Sự thu hẹp quy mô tập tận được phân tích là xét tới sự phản đối của Chính phủ Nhật Bản, và đường lối tích cực cải thiện quan hệ Hàn-Nhật của Chính phủ đương nhiệm.

    Cuộc tập trận này thường được gọi là "cuộc tập trận phòng vệ đảo Dokdo", được tổ chức lần đầu vào năm 1986. Kể từ sau năm 2003, quân đội Hàn Quốc tiến hành tập trận định kỳ một năm hai lần. Nhật Bản liên tục phản đối mạnh mẽ mỗi khi Hàn Quốc tổ chức cuộc tập trận này. 

    Tương tự, lần này Bộ Ngoại giao Nhật Bản cũng đưa ra lập trường phản đối, lấy làm tiếc về cuộc tập trận của quân đội Hàn Quốc, khẳng định đảo Takeshima (cách người Nhật gọi đảo Dokdo) rõ ràng là lãnh thổ lâu đời của Nhật Bản xét về mặt lịch sử và luật pháp quốc tế.

  • Bộ Ngoại giao Hàn Quốc bác bỏ lập trường về chủ quyền đảo Dokdo của Nhật Bản

    Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ngày 3/5 đã thể hiện sự phản đối liên quan đến các tuyên bố của Nhật Bản bày tỏ lấy làm tiếc về chuyến thăm đảo Dokdo của nghị sĩ đảng đối lập Dân chủ đồng hành Jeon Yong-gi.

    Bộ Ngoại giao đã tái khẳng định rằng đảo Dokdo là lãnh thổ lâu đời của Hàn Quốc xét về mặt lịch sử, địa lý và luật pháp quốc tế; Seoul tuyệt đối không chấp nhận bất cứ lập luận nào của Tokyo với đảo Dokdo.

    Trước đó, hãng tin Kyodo và Đài Phát thanh và truyền hình Nhật Bản (NHK) ngày 2/5 đã đưa tin Vụ trưởng Vụ châu Á-châu Đại Dương Bộ Ngoại giao Nhật Bản Funakoshi Takehiro đã điện đàm với Công sứ Đại sứ quán Hàn Quốc tại Nhật Bản Kim Yong-gil cho rằng đây là điều "không thể chấp nhận được", đồng thời yêu cầu Seoul không được lặp lại trường hợp tương tự.

    Ông Takehiro nhấn mạnh rằng mặc dù Tokyo đã phản đối và yêu cầu rút lại kế hoạch nhưng nghị sĩ Jeon vẫn khăng khăng thực hiện chuyến đi. Vụ trưởng Nhật Bản khẳng định đảo Takeshima (tên gọi đảo Dokdo theo cách gọi của người Nhật) là lãnh thổ của Nhật Bản về mặt lịch sử, và luật pháp quốc tế.

    Các hãng tin trên đưa tin rằng Đại sứ quán Nhật Bản tại Hàn Quốc cũng bày tỏ sự phản đối đến Bộ Ngoại giao Hàn Quốc.

    Nghị sĩ Jeon Yong-gi cùng Ủy ban thanh niên và Ủy ban sinh viên đảng Dân chủ đồng hành đã thực hiện chuyến đi đến đảo Dokdo vào ngày 2/5, sau khi tổ chức lễ xuất quân hôm 27/4.

    Vào năm 2021, Tokyo cũng đã từng phản ứng tương tự trước lần thăm đảo Dokdo của một nghị sĩ đảng Sức mạnh quốc dân, lúc bấy giờ là đảng đối lập.

    Gần đây, Chính phủ và Bộ Ngoại giao Nhật Bản liên tục khăng khăng lập trường về đảo Dokdo, như việc thông qua sách giáo khoa bậc tiểu học mang nội dung rằng đảo Takeshima là lãnh thổ lâu đời của Nhật Bản.

  • Tổng thống Hàn Quốc: "Không thể chấp nhận quan điểm Nhật Bản phải quỳ gối vì chuyện 100 năm trước"

    Trong bài phỏng vấn với tờ Bưu điện Washington trước thềm chuyến thăm Mỹ cấp Nhà nước, được công bố vào ngày 25/4, Tổng thống Yoon Suk-yeol phát biểu rằng ông tuyệt đối không chấp nhận quan điểm rằng "Nhật Bản phải quỳ gối xin tha thứ vì sự việc xảy ra cách đây 100 năm".

    Ông Yoon nhấn mạnh nhiều cuộc chiến đã xảy ra tại châu Âu trong vòng 100 năm qua, nhưng các nước đương sự trong chiến tranh đã tìm được giải pháp để hợp tác, vì tương lai.

    Ngay lập tức, đảng đối lập Dân chủ đồng hành lên tiếng chỉ trích phát biểu trên, "không thể tin nổi đây lại là một phát ngôn của Tổng thống Hàn Quốc". Đảng này nhắc đến thái độ hối lỗi của Đức sau Thế chiến II, cho rằng phát biểu của Tổng thống không khác nào "miễn tội" cho sự xâm lược và cai trị thực dân của đế quốc Nhật trong quá khứ. 

    Trong khi đó, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc giải thích rằng phát biểu của ông Yoon hàm ý rằng quan điểm bài trừ Nhật Bản tuyệt đối sẽ không giúp ích cho quan hệ Hàn-Nhật trong tương lai.

    Ngoài ra, phát biểu của Tổng thống còn có điểm chung với bài diễn thuyết của cựu Tổng thống Kim Dae-jung trước Quốc hội Nhật Bản vào năm 1998, năm hai nước ra "Tuyên bố chung về quan hệ đối tác mới Hàn-Nhật thế kỷ XXI”.

    Mặt khác, trong bài phỏng vấn trên với tờ báo Mỹ, ông Yoon đưa ra lập trường thận trọng về việc viện trợ cho Ukraine. Lãnh đạo Hàn Quốc cho rằng việc viện trợ cho Ukraine là đúng đắn bởi quốc gia này đã bị xâm lược một cách trái phép. Tuy nhiên, Seoul không thể không cân nhắc tới mối quan hệ với các bên đương sự trong chiến tranh.

    Tổng thống Hàn Quốc kỳ vọng chuyến thăm Mỹ lần này sẽ là cơ hội để người dân có thể nhận thức rõ về thành quả 70 năm quan hệ đồng minh Hàn-Mỹ.

  • Thủ tướng Nhật Bản gửi đồ cúng tế tới đền thờ tội phạm chiến tranh Yasukuni

    Hãng tin Kyodo của Nhật Bản đưa tin cho biết Thủ tướng Kishida Fumio đã gửi cây masakaki tới đền Yasukuni nhân lễ cúng mùa xuân. Cây masakaki là loại cây được sử dụng trong các nghi lễ truyền thống của Nhật Bản.

    Được biết, Thủ tướng Kishida không có kế hoạch trực tiếp tới viếng đền Yasukuni trong thời gian diễn ra lễ cúng mùa xuân tới ngày 22/4.

    Kể từ khi nhậm chức cho đến nay, Thủ tướng Kishida chưa từng trực tiếp tới viếng đền Yasukuni mà chỉ gửi đồ cúng lễ tới đền Yasukuni vào tháng 10 năm 2021 và vào các tháng 4, 8, 10 trong năm ngoái. 

    Liên quan đến vấn đề này, Chính phủ Hàn Quốc ngày 21/4 đã ra tuyên bố dưới danh nghĩa người phát ngôn Bộ Ngoại giao, bày tỏ lấy làm thất vọng sâu sắc về việc Thủ tướng Kishida gửi đồ cúng tế và các quan chức chính trị của Nhật Bản tới viếng đền Yasukuni.

    Seoul hối thúc những nhân sự có trách nhiệm ở Nhật Bản phải đối mặt với lịch sử một cách thẳng thắn, có sự suy xét một cách khiêm tốn về các vấn đề trong quá khứ, thể hiện sự ăn năn hối lỗi bằng các hành động thực tế.

    Đền Yasukuni là nơi thờ những binh lính Nhật đã tử trận trong các cuộc chiến tranh từ thời kỳ Minh Trị (1868-1912) cho tới Thế chiến thứ II. Ngôi đền này hiện đang thờ khoảng 2,5 triệu bài vị, bao gồm cả bài vị của những tội phạm chiến tranh cấp độ A, cấp độ cực kỳ nguy hiểm trong cuộc chiến tranh Thái Bình Dương (1937-1945). Do đó, việc viếng đền Yasukuni có thể bị coi là hành vi tán dương cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Nhật trong quá khứ.

  • Tokyo công bố Sách xanh Ngoại giao 2023 có nội dung Seoul "chiếm cứ trái phép" đảo Dokdo

    Ngoại trưởng Nhật Bản Hayashi Yoshimasa trong cuộc họp Nội các của nước này sáng ngày 11/4 đã công bố "Sách xanh Ngoại giao năm 2023".

    Trong văn kiện này năm nay, Nhật Bản có đề cập đến nội dung rằng kể từ khi Chính phủ Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol ra mắt, hai nước đã tiến hành tìm kiếm giải pháp sớm cho vấn đề cưỡng ép lao động thời chiến thông qua các cuộc trao đổi giữa cơ quan ngoại giao và Hội đàm thượng đỉnh song phương.

    Sách xanh Ngoại giao Nhật Bản ghi rằng vào ngày 6/3 năm nay, Chính phủ Hàn Quốc đã công bố biện pháp để một bên thứ ba chi trả tiền bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng ép lao động dưới thời đế quốc Nhật đô hộ bán đảo Hàn Quốc.

    Vào thời điểm đó, Ngoại trưởng Hayashi đã giải thích về lập trường của Tokyo. Ông này cho rằng Chính phủ Nhật Bản vẫn luôn và sẽ tiếp tục kế thừa toàn bộ lập trường của Nội các từ trước tới nay liên quan tới những nhận thức về lịch sử, bao gồm cả "Tuyên bố chung về quan hệ đối tác mới Hàn-Nhật thế kỷ XXI" ký kết giữa cố Tổng thống Kim Dae-jung và cựu Thủ tướng Obuchi Keizo vào tháng 10 năm 1968. Song những nội dung này đã không được nêu trong Sách xanh Ngoại giao năm nay của Nhật Bản.

    Tương tự như năm ngoái, Tokyo tiếp tục khẳng định lập trường về chủ quyền đảo Dokdo của Hàn Quốc (mà người Nhật gọi là đảo Takeshima) trong Sách xanh Ngoại giao lần này. Nhật Bản khẳng định hòn đảo này là lãnh thổ lâu đời của nước này cả về mặt lịch sử lẫn luật pháp quốc tế. Song Hàn Quốc hiện đang tiếp tục chiếm cứ trái phép đảo Takeshima một cách vô căn cứ, như để lực lượng bảo vệ bờ biển thường trú tại đây. Đây là năm thứ 6 liên tiếp, cụm từ Hàn Quốc "chiếm cứ trái phép" đảo Dokdo được Nhật Bản đưa vào Sách xanh Ngoại giao, sau lần đầu tiên đưa vào năm 2018. 

    Trong Sách xanh Ngoại giao năm nay, Nhật Bản gọi Hàn Quốc là một nước láng giềng quan trọng cần phải hợp tác để đối phó với các bài toán đa dạng của cộng đồng quốc tế. Nội dung có phần nhấn mạnh hơn khi chỉ ghi Hàn Quốc là "nước láng giềng quan trọng" trong văn kiện này vào năm ngoái.

    Chính phủ Nhật Bản vào tháng 4 mỗi năm đều công bố Sách xanh Ngoại giao, trong đó ghi chép lại tình hình quốc tế gần đây và các hoạt động ngoại giao của nước này trong vòng một năm qua.

    Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ngày 11/4 đã ra tuyên bố dưới danh nghĩa người phát ngôn, phản đối mạnh mẽ việc Chính phủ Nhật Bản tiếp tục lặp lại lập trường không phù hợp về chủ quyền đảo Dokdo, lãnh thổ lâu đời của Hàn Quốc về mặt lịch sử, địa lý và luật pháp quốc tế.  

    Seoul nhấn mạnh sẽ có biện pháp đối phó kiên quyết với bất cứ lập trường không chính đáng nào của Tokyo về chủ quyền đảo Dokdo. Nhật Bản phải tự nhận thức được rõ rằng động thái này không giúp ích gì cho mối quan hệ Hàn-Nhật hướng tới tương lai.

    Tiếp đó, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cùng ngày cũng đã triệu tập Công sứ Đại sứ quán Nhật Bản tại Seoul Kumakai Naoki để truyền đạt lập trường của Chính phủ về chủ quyền đảo Dokdo.

  • Bộ Ngoại giao Hàn Quốc triệu Công sứ Nhật Bản, phản đối nội dung bóp méo lịch sử trong sách giáo khoa

    Vào ngày 28/3, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Cho Hyun-dong đã triệu tập Công sứ Đại sứ quán Nhật Bản tại Seoul Kumagai Naoki tới trụ sở của Bộ, truyền đạt lập trường phản đối của Chính phủ Hàn Quốc về kết quả kiểm duyệt sách giáo khoa bậc tiểu học của Chính phủ Nhật Bản được công bố vào cùng ngày. 

    Bộ Ngoại giao cũng ra thông cáo riêng dưới danh nghĩa người phát ngôn, lấy làm tiếc sâu sắc về việc Chính phủ Tokyo tiếp tục lặp lại lập luận sai lệch của nước này suốt hàng chục năm qua.
         
    Về vấn đề chủ quyền đảo Dokdo, Bộ Ngoại giao nhấn mạnh tuyệt đối không chấp nhận bất cứ lập luận nào của Tokyo về hòn đảo này của Hàn Quốc. Seoul cũng lấy làm tiếc về việc Nhật Bản dùng những cách biểu hiện hòng che đậy sự thật lịch sử về các hành vi cưỡng ép người Joseon (người Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên ngày nay) trong thời kỳ đô hộ bán đảo Hàn Quốc.

    Cũng trong ngày 28/3, Bộ Giáo dục Hàn Quốc ra tuyên bố dưới danh nghĩa người phát ngôn, yêu cầu Chính phủ Nhật Bản phải sửa ngay lập tức các nội dung sai lệch trong sách giáo khoa vừa được thông qua kiểm duyệt. Bộ Giáo dục tuyên bố sẽ tăng cường giáo dục lịch sử về đảo Dokdo với toàn dân, nhằm chấn chỉnh tính phi lý trong hành động bóp méo lịch sử, xâm phạm chủ quyền đảo Dokdo của Chính phủ Nhật Bản.

    Các nạn nhân từng bị Nhật Bản cưỡng ép thời chiến cũng không tránh khỏi phẫn nộ. Gia quyến của một nạn nhân từng bị thực dân Nhật bắt đi quân dịch trong quá khứ nhắc lại nỗi đau mất người thân, nhấn mạnh không có chuyện anh trai của mình tình nguyện đi quân dịch, mà là bị thực dân Nhật bắt ép lôi đi.

    Cụ bà Yang Geum-deok, một nạn nhân bị cưỡng ép lao động thời chiến, cũng khẳng định không hề có chuyện các nạn nhân được tự do lựa chọn, họ đã bị bắt ép đưa tới Nhật Bản lao động khổ sai.

    Song song với nỗ lực cải thiện quan hệ Hàn-Nhật, Chính phủ Hàn Quốc khẳng định sẽ tiếp tục yêu cầu Tokyo phải khắc phục ngay những lập luận sai lệch về lịch sử.

  • Seoul lấy làm tiếc về việc Tokyo thông qua kiểm duyệt sách giáo khoa có nội dung sai lệch về chủ quyền đảo Dokdo

    Bộ Giáo dục, văn hóa, thể thao, khoa học và công nghệ Nhật Bản ngày 28/3 đã thông qua kiểm duyệt 149 cuốn sách giáo khoa, dự kiến được đưa vào giảng dạy từ năm học 2024 tại các trường tiểu học trên toàn quốc. 

    Trong các sách giáo khoa mới, phần tường thuật về những tội ác mà đế quốc Nhật Bản gây ra với bán đảo Hàn Quốc, từ thời kỳ Biến loạn Nhâm Thìn (Imjinwoeran; 1592-1598) cho tới quá trình đô hộ thực dân (1910-1945), vụ thảm sát người Joseon (Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên ngày nay) trong trận siêu động đất Kanto 1923, bắt quân dịch người Joseon trong thời kỳ chiến tranh Thái Bình Dương, xâm lược bán đảo Hàn Quốc cũng đều bị cắt giảm bớt.

    Đặc biệt, tất cả các sách giáo khoa được thông qua kiểm duyệt đều nói rằng đảo Dokdo là lãnh thổ lâu đời của Nhật Bản, và Hàn Quốc đang chiếm cứ trái phép. 

    Ngay lập tức, Chính phủ Hàn Quốc đã ra tuyên bố dưới danh nghĩa người phát ngôn Bộ Ngoại giao, lấy làm tiếc sâu sắc về việc Nhật Bản thông qua kiểm duyệt sách giáo khoa bậc tiểu học trong đó tăng cường các lập luận sai lệch kéo dài hàng chục năm qua về chủ quyền đảo Dokdo của Hàn Quốc.

    Chính phủ Hàn Quốc kịch liệt phản đối việc Nhật Bản một lần nữa phê chuẩn kiểm duyệt sách giáo khoa chứa nội dung phi lý về đảo Dokdo, lãnh thổ lâu đời của Hàn Quốc xét về mặt lịch sử, địa lý và luật pháp quốc tế; Seoul tuyệt đối không chấp nhận bất cứ lập luận nào của Tokyo với đảo Dokdo.

    Hàn Quốc cũng lấy làm tiếc về việc Nhật Bản thay đổi nội dung trong sách giáo khoa theo hướng giảm bớt các nội dung về vấn đề bắt quân dịch người Joseon, làm giảm nhẹ tính chất "cưỡng ép" của hành vi này. Seoul hối thúc Tokyo nghiêm túc thực hiện tinh thần hối lỗi và kiểm điểm về các vấn đề lịch sử, điều mà nước này đã thể hiện trước đây.

    Chính phủ Hàn Quốc nhấn mạnh nhận thức lịch sử đúng đắn của thế hệ trẻ phải trở thành nền móng để tạo nên quan hệ Hàn-Nhật một cách xây dựng, hướng tới tương lai. Chính phủ Nhật Bản phải nhìn thẳng vào lịch sử, hành động có trách nhiệm hơn trong giáo dục thế hệ tương lai.

  • Seoul phản đối Tokyo tổ chức sự kiện "Ngày Takeshima"

    Lúc 1 giờ chiều ngày 22/2, Vụ trưởng Vụ châu Á-Thái Bình Dương Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Seo Min-jeong đã triệu mời Công sứ Đại sứ quán Nhật Bản tại Seoul Kumagai Naoki tới trụ sở Bộ Ngoại giao, truyền đạt lập trường phản đối về việc chính quyền tỉnh Shimane của nước này tổ chức sự kiện "Ngày Takeshima". Takeshima là cách người Nhật gọi đảo Dokdo của Hàn Quốc. 

    Bộ Ngoại giao cũng ra tuyên bố dưới danh nghĩa người phát ngôn Lim Soo-suk, lên án mạnh mẽ việc Nhật Bản tiếp tục khẳng định chủ quyền một cách vô lý với đảo Dokdo của Hàn Quốc; yêu cầu Tokyo xóa bỏ sự kiện "Ngày Takeshima" ngay lập tức.

    Tuyên bố có nội dung nhấn mạnh đảo Dokdo rõ ràng là lãnh thổ lâu đời của Hàn Quốc xét cả về mặt lịch sử, địa lý và luật pháp quốc tế. Chính phủ Nhật Bản phải dừng ngay lập luận sai lệch với đảo Dokdo, khiêm nhường đối mặt với lịch sử.

    Tỉnh Shimane của Nhật Bản tổ chức sự kiện "Ngày Takeshima" từ năm 2006, năm nay là lần thứ 18, khẳng định đảo Dokdo là lãnh thổ của nước này. Từ năm 2013, hàng năm Chính phủ Nhật Bản lại cử nhân sự cấp Thứ trưởng tới dự sự kiện "Ngày Takeshima".

    Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản trong buổi họp báo thường kỳ sáng cùng ngày phát biểu rằng đảo Takeshima rõ ràng là lãnh thổ lâu đời của Nhật Bản xét theo lịch sử và luật pháp quốc tế. Nhật Bản kiên quyết bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải và không phận của mình.