Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

Chính phủ công bố đối sách mới thúc đẩy đầu tư tư nhân và tạo thêm việc làm

#Tiêu điểm kinh tế l 2018-10-29

ⓒ YONHAP News

Kế hoạch tạo thêm các công việc tạm thời, thực tập cho người trẻ


Hiện nay, tình kinh tế ở cả trong và ngoài nước đều không mấy khả quan. Trong nước, quy mô đầu tư tư nhân đã thu hẹp đáng kể, trong khi khó khăn trên thị trường việc làm ngày càng tăng. Bên ngoài, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt, trong khi việc Mỹ tăng lãi suất cơ bản đang gây ra biến động lớn trên thị trường tài chính toàn cầu. Trong bối cảnh đó, không quá ngạc nhiên khi các chuyên gia kinh tế đều có chung nhận định về viễn cảnh kinh tế u ám hơn cho năm tới. Chính phủ đã nhận thấy nhu cầu cấp thiết phải đưa ra các biện pháp ưu tiên đặc biệt để tránh kịch bản tồi tệ hơn. Theo đó, trong cuộc họp của các Bộ trưởng liên quan đến ngành kinh tế ngày 24/10, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kế hoạch và tài chính Kim Dong-yeon đã công bố các đối sách mới của Chính phủ, với trọng tâm là tăng số lượng việc làm bằng cách bơm tiền, giảm thuế nhiên liệu cho tầng lớp lao động và chủ doanh nghiệp nhỏ, và thúc đẩy đầu tư tư nhân. Trong mục Tiêu điểm kinh tế tuần này, ông Lee In-chul, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế Chamjeoun, sẽ phân tích về các biện pháp vừa được Chính phủ công bố. 


Chính phủ có kế hoạch tạo ra 59.000 việc làm tạm thời tại các cơ quan Nhà nước và dịch vụ hành chính công. Theo đó, các cơ quan hành chính sẽ tuyển dụng thêm 18.000 thực tập sinh để giúp họ tích lũy thêm kinh nghiệm làm việc, 11.000 việc làm trong các dịch vụ hành chính công. Ngoài ra, còn có 18.000 việc làm tạm thời khác ở khu vực công. Những việc làm tạm thời này có thể được kéo dài cho tới năm sau, tùy thuộc vào tình hình trong nước. Bên cạnh đó, Chính phủ hiện đang hỗ trợ 9 triệu won (7.900 USD) tiền lương mỗi năm cho mỗi nhân viên chính thức mới tại các doanh nghiệp nhỏ, kéo dài trong vòng ba năm, tức là 27 triệu won (khoảng 23.700 USD). Với các biện pháp mới, 10.000 người sẽ được hưởng lợi từ chương trình này. 


Xúc tiến ba dự án đầu tư lớn


Việc tạo thêm 59.000 việc làm ngắn hạn vào cuối năm là biện pháp khẩn cấp của Chính phủ để giảm bớt khó khăn trên thị trường việc làm, vốn có xu hướng xấu đi vào mùa đông. Một số người chỉ ra rằng các công việc mới này chỉ là giải pháp tình thế, khi còn chưa tới hai tháng nữa là kết thúc năm. Tuy nhiên, nếu tình hình không được kiểm soát, thị trường việc làm xấu đi sẽ khiến thu nhập của người dân giảm, đặc biệt là các nhóm người dễ bị tổn thương, và kéo theo tình trạng phân phối thu nhập không đều. Trong nỗ lực để giải quyết tình trạng khẩn cấp này, Chính phủ đã công bố kế hoạch tạo ra các công việc tạm thời tại các cơ quan hành chính công. Đối sách này nhằm mục đích khuyến khích các công ty mở rộng đầu tư, tạo ra nhiều việc làm hơn và hình thành một chu kỳ tuần hoàn lành mạnh. Ông Lee In-chul cho biết.


Theo các biện pháp mới, ba dự án đầu tư tư nhân sẽ được triển khai nhanh so với dự kiến. Ba dự án này bao gồm kế hoạch mở rộng nhà máy ở vịnh Yeongil tại thành phố Pohang, trị giá 1.500 tỷ won (1,32 tỷ USD), kế hoạch phát triển Tổ hợp cảng phức hợp Yeosu-Gwangyang và dự án mở rộng nhà máy tại Tổ hợp công nghiệp quốc gia Yeosu ở tỉnh Nam Jeolla. Theo đó, Chính phủ sẽ loại bỏ những rào cản hành chính đối với những dự án này, nhằm thúc đẩy khoản đầu tư trị giá 2.300 tỷ won (2 tỷ USD) vào nửa đầu năm tới. Và để thúc đẩy đầu tư tư nhân, Chính phủ cũng sẽ chi 15.000 tỷ won (13 tỷ USD). Trong đó, 10.000 tỷ won (8,7 tỷ USD) được sử dụng để cải thiện cơ cấu ngành công nghiệp và 5.000 tỷ won (4,3 tỷ USD) cho vay lãi suất thấp dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư vào các dự án môi trường, an sinh và xã hội. Ngoài ra, Chính phủ cũng sẽ trợ cấp và cắt giảm thuế đối với các doanh nghiệp quay lại đầu tư tại thị trường nội địa, bao gồm cả các doanh nghiệp lớn.


Hiệu quả của việc giảm thuế xăng dầu 15%?


Cùng với các biện pháp thúc đẩy đầu tư tư nhân, Chính phủ cũng cam kết sẽ nới lỏng một số quy định hiện hành. Trên thực tế, Chính phủ đã bị chỉ trích nhiều khi thất bại trong việc giải quyết vấn đề quy chế một cách chính xác. Mặc dù vậy, Chính phủ sẽ nới lỏng các quy định liên quan đến các dịch vụ du lịch và chăm sóc sức khỏe từ xa (telemedicine) đối với người dân ở vùng sâu, vùng xa, nhằm nuôi dưỡng nền tảng kinh tế chia sẻ thông qua việc điều chỉnh quy chế. Ngoài ra, Chính phủ sẽ nỗ lực kích thích tiêu dùng nội địa thông qua việc giảm thuế xăng dầu. Viện trưởng Lee In-chul phân tích cụ thể hơn.


Chính phủ quyết định giảm thuế xăng dầu 15% và quy định này sẽ có hiệu lực từ ngày 6/11 và kéo dài 6 tháng. Đây là lần cắt giảm thuế xăng dầu đầu tiên trong vòng 10 năm, kể từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008. Với dự luật này, xăng sẽ giảm 123 won/lít, dầu diesel giảm 87 won/lít, và khí butan/LPG giảm 30 won/lít. Chính phủ kỳ vọng kế hoạch giảm thuế nhiên liệu này sẽ giúp giảm bớt gánh nặng 2.000 tỷ won (1,8 tỷ USD) đối với tầng lớp lao động và các doanh nghiệp nhỏ đang vật lộn với giá xăng dầu cao và tình trạng tiêu thụ nội địa không mấy sáng sủa. Tuy nhiên, một số người cho rằng những người có thu nhập cao sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ các chính sách này. Chính phủ thừa nhận đối sách tạm thời này có thể sẽ không thực sự mang lại hiệu quả đối với nhóm đối tượng mục tiêu. Tuy nhiên, Chính phủ cũng lập luận rằng: biện pháp này sẽ mang lại các hiệu ứng tích cực, như bình ổn giá cả, giảm chi phí cho các công ty và khiến khả năng cạnh tranh của doanh các nghiệp tăng lên.


Tìm kiếm các biện pháp bền vững, lâu dài, thay vì các đối sách tình thế


Chính phủ hy vọng việc giảm thuế xăng dầu sẽ giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và các hộ gia đình thu nhập thấp. Tất nhiên, mục tiêu sâu xa của biện pháp này là giúp cải thiện thu nhập và tăng mức tiêu thụ. Tuy nhiên, nếu giá dầu thế giới tăng cao hơn dự kiến, biện pháp này sẽ không mang lại hiệu quả như mong đợi. Ngoài ra, biện pháp này cũng được cho là sẽ mang lại lợi ích nhiều hơn cho những người thu nhập cao. Điều đáng lo ngại hơn, đó là các biện pháp mà Chính phủ đưa ra đều là các biện pháp khẩn cấp, ngắn hạn. Nói cách khác, Chính phủ đang cố gắng tận dụng tiền ngân sách nhằm khắc phục tình trạng cấp bách một cách nhanh chóng. Cụ thể, các biện pháp mới này sẽ tiêu tốn 26.000 tỷ won (khoảng 23 tỷ USD). Xem xét tới khoản tiền ngân sách này, Chính phủ cần đưa ra các biện pháp mang tính bền vững, lâu dài hơn. Viện trưởng Lee In-chul nhận định. 


Kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ vào năm ngoái, Chính phủ đã chi hơn 50.000 tỷ won (45 tỷ USD) để cải thiện tình hình việc làm. Tuy nhiên, kết quả đạt được là khá thất vọng. Chính phủ đã học được một bài học đau đớn là việc bơm tiền ngân sách chỉ tạo ra các công việc ngắn hạn, chất lượng thấp. Trong lần này, Chính phủ thêm một lần nữa lại dựa vào tiền ngân sách để đưa ra các biện pháp chữa cháy ngắn hạn trước mùa đông, thời điểm cơ hội việc làm thường giảm. Các đối sách tình thế có thể tạm thời cải thiện con số việc làm về mặt hình thức, nhưng điều quan trọng hơn cả là thiết lập môi trường thuận lợi cho đầu tư tư nhân để tạo ra các việc làm chất lượng. Tất nhiên, có nhiều nguyên nhân đằng sau cú sốc việc làm hiện nay, như những thay đổi về cơ cấu dân số hay tái cơ cấu ngành công nghiệp, mức lương tối thiểu và quy định về thời gian làm việc ngắn hơn mà Chính phủ mới đề ra. Do đó, Chính phủ cũng cho phép các doanh nghiệp thực hiện hệ thống giờ làm việc tối đa 52 giờ/tuần một cách linh hoạt hơn để giảm thiểu tác dụng phụ. Điều này là một thay đổi tích cực trước mắt, dù được cho là có phần hơi muộn. Tuy nhiên, các biện pháp mới dường như là không đủ để cải thiện tình trạng tuyển dụng ở khu vực tư nhân về trung và dài hạn. Điều cốt lõi là Chính phủ cần phải tạo dựng môi trường đầu tư thuận lợi trong khu vực kinh tế tư nhân.

Lựa chọn của ban biên tập