Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

Đàm phán thương mại cấp Thứ trưởng Mỹ-Trung

#Tiêu điểm kinh tế l 2019-01-14

© YONHAP News

Mỹ và Trung Quốc mở các cuộc đàm phán thương mại


Mỹ và Trung Quốc đã tiến hành cuộc đàm phán thương mại cấp cao đầu tiên kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhất trí tạm dừng các biện pháp trả đũa thương mại lẫn nhau trong vòng 90 ngày tại cuộc gặp thượng đỉnh bên lề Hội nghị thượng đỉnh 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) vào cuối năm ngoái. Theo kế hoạch, trong tuần tới, Washington và Bắc Kinh sẽ tiến hành cuộc gặp cấp Thứ trưởng tại Bắc Kinh, và nếu đôi bên đạt được ít nhất một thỏa thuận thì cũng có thể xem như là thành công bước đầu. Trong mục Tiêu điểm kinh tế tuần này, ông Cho Yong-chan, Giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế Mỹ-Trung phân tích về các cuộc gặp thương mại Mỹ-Trung gần đây.


Phái đoàn Mỹ gồm các chuyên gia kinh tế như đại diện từ Văn phòng đại diện thương mại, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp, Bộ Năng lượng, cùng các chuyên gia đàm phán giàu kinh nghiệm từ Nhà Trắng. Đây được xem là đội ngũ đàm phán am hiểu về Trung Quốc hơn bất kỳ ai. Ngay từ đầu cuộc đàm phán, phía Mỹ đã yêu cầu phía Trung Quốc đưa ra các cam kết cụ thể liên quan đến số lượng, chủng loại và thời gian nhập khẩu hàng hóa mà ông Tập Cận Bình cam kết với Tổng thống Trump trong chuyến thăm Argentina hồi tháng 12 năm ngoái. Khi đó, Chủ tịch Trung Quốc ngỏ ý nhập khẩu 1,2 tỷ USD hàng hóa từ Mỹ. Trong đòn tấn công dồn dập của Washington yêu cầu Bắc Kinh đưa ra các phương án chi tiết và kế hoạch cụ thể về những gì hai bên đạt được, Trung Quốc phúc đáp rằng nước này bắt đầu sửa đổi các điều luật cấm các công ty đầu tư nước ngoài bắt buộc phải chuyển giao công nghệ và tạm dừng việc áp thuế bổ sung đối với xe ô tô nhập khẩu từ Mỹ từ tháng 1. 


Nghị sự của các cuộc đàm phán?


Trong cuộc đàm phán thương mại bắt đầu từ ngày 7/1, Mỹ và Trung Quốc đã nhanh chóng tung ra các quân bài thay vì thăm dò chiến lược của đối phương. Đặc biệt, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã bất ngờ xuất hiện trong ngày đầu tiên của cuộc đàm phán cấp Thứ trưởng lần này. Trong khi Washington kiên quyết yêu cầu đối phương đưa ra những nhượng bộ cụ thể, thì Bắc Kinh cũng nỗ lực giảm thiểu những đòi hỏi này. Việc cân bằng lập trường quan điểm của đôi bên sẽ đóng vai trò quyết định tới tương lai của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Trên thực tế, Washington và Bắc Kinh đều tỏ ra rất quyết tâm để đi đến một thỏa thuận nhất định trong cuộc đàm phán kéo dài ba ngày lần này. Ông Cho Yong-chan phân tích. 


Nghị sự và các nội dung thảo luận trong cuộc đàm phán lần này không được tiết lộ cụ thể. Tuy nhiên, theo nhiều các phương tiện truyền thông, đôi bên đã thảo luận 7 vấn đề lớn, trong đó vấn đề trọng tâm là bảo vệ sở hữu trí tuệ. Theo Tạp chí phố Wall, hàng năm các doanh nghiệp của Mỹ tại Trung Quốc đã chịu thiệt hại 30 tỷ USD do các chính sách chuyển giao công nghệ bắt buộc của Bắc Kinh. Trong khi Mỹ yêu cầu Trung Quốc đưa ra các biện pháp pháp lý để giải quyết vấn đề này, Bắc Kinh lại cho rằng phía mình không bắt buộc các doanh nghiệp Mỹ chuyển giao công nghệ cho các đối tác Trung Quốc và yêu cầu này rõ ràng là hành vi can thiệp vào nội bộ Trung Quốc. Phía Washington cũng muốn loại bỏ những mối đe dọa từ Bắc Kinh đối với vấn đề an ninh quốc gia và công nghệ số, như việc bắt giữ Giám đốc tài chính Mạnh Vãn Chu của Tập đoàn Huawei (Trung Quốc). Mỹ còn nghi ngờ Bộ Quốc phòng Trung quốc đứng đằng sau các vụ tấn công an ninh mạng vào Mỹ. Washington thậm chí đã yêu cầu Bắc Kinh từ bỏ kế hoạch “Made in China 2025” (tạm dịch là Sản xuất tại Trung Quốc 2025), vì cho rằng các chính sách bảo hộ của nước này hỗ trợ các tập đoàn quốc doanh, vi phạm các thỏa thuận tự do thương mại của Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Đáp lại, Trung Quốc cho biết sẽ có thể điều chỉnh chính sách một phần, nhưng rõ ràng đây không phải là nghị sự của cuộc đàm phán. 


Bức tranh kinh tế không mấy sáng sủa tại Trung Quốc


Mỹ cho thấy ý định tập trung vào việc giảm thiểu thâm hụt thương mại, yêu cầu Trung Quốc mua thêm hàng hóa, dịch vụ của Mỹ. Trước và sau cuộc đàm phán, Trung Quốc đã xúc tiến các nỗ lực hòa giải như đình chỉ các biện pháp áp thuế bổ sung đối với ô tô nhập khẩu từ Mỹ và nhập khẩu thêm đậu nành từ Mỹ. Cuộc đàm phán cũng được kéo dài lên ba ngày thay vì hai ngày như dự kiến, mở ra hy vọng về một thỏa thuận nhất định. Vậy tại sao Mỹ và Trung Quốc lại nỗ lực tìm kiếm một số điểm nhất trí cụ thể trước quá nhiều vấn đề nghị sự? Giám đốc Cho Yong-chan nhận định.


Theo Ngân hàng thế giới (WB), tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm nay sẽ chỉ đạt 6,2%, và tình hình không mấy khả quan. Chỉ trong năm ngoái, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã cướp đi 700.000 việc làm. Trong bối cảnh giá nhân công ngày một tăng cao và sự cứng nhắc của chính sách, nhiều công ty nước ngoài hay thậm chí công ty Trung Quốc cũng đang có kế hoạch mở cơ sở sản xuất ở nước ngoài. Sản xuất suy giảm đã giáng một đòn mạnh vào đầu tư nước ngoài và tình trạng việc làm. Ngày càng có nhiều nhà máy đã phải đóng cửa, trong khi hoạt động sản xuất đang chiếm tới một phần ba Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), và liên quan đến nhiều lĩnh vực như hậu cần, hay thị trường bất động sản. Thậm chí các dự án trọng điểm quốc gia liên quan đến cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư như trí tuệ nhân tạo (AI), rô-bốt, xe điện và các dự án thân thiện với môi trường cũng đang chậm lại. Năm ngoái, khoảng 7,5 triệu người Trung Quốc đã bị mất việc, phải chuyển đến vùng nông thôn để sinh sống; 5 triệu công ty đã bị phá sản và số người thất nghiệp đã vượt qua con số 10 triệu người. Tình hình thực sự đang trở nên rất nghiêm trọng. 


Kịch bản nào cho tình hình hiện nay?


Mỹ cũng đang cảm nhận được hậu quả của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung khi ngành công nghiệp sản xuất của nước này đã tăng trưởng chậm lại đáng kể trong tháng 12 năm ngoái. Cổ phiếu của gã khổng lồ công nghệ Apple trên sàn giao dịch chứng khoán New York ngày 3/1 đã giảm kỷ lục trong vòng 6 năm, và cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung được xem là một trong nhiều nguyên nhân. 

Ngày 9/1, Văn phòng đại diện thương mại Mỹ (USTR) đã nhấn mạnh đến kết quả cụ thể như giúp nông sản, hàng hóa và dịch vụ của Mỹ tiếp cận sâu rộng hơn tới thị trường Trung Quốc. Bộ thương mại Trung Quốc ngày 10/1 cũng cho biết hai bên đã trao đổi lập trường quan điểm một cách sâu rộng và chi tiết, đồng thời thiết lập nền tảng để giải quyết những mối quan tâm của đôi bên. Trên thực tế, nguyên nhân đằng sau cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là việc tranh giành vị trí số một. Một trong những vấn đề tranh cãi lớn nhất đó chính là chính sách công nghiệp của Bắc Kinh và theo Washington là không công bằng. Về phần mình, Trung Quốc cũng khó lòng nhượng bộ với các vấn đề này bởi chúng liên quan đến tăng trưởng kinh tế quốc gia. Với lý do đó, các nhà phân tích cho rằng hai bên sẽ khó đạt được một bước đột phá trên bàn đàm phánGiám đốc Cho Yong-chan nhận định. 


Mặc dù diễn biến các cuộc đàm phán gần đây khá suôn sẻ, nhưng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung có thể sẽ vẫn tiếp diễn. Căng thẳng thương mại thực chất chỉ là một phần chiến lược cạnh tranh của hai nước. Bên cạnh vấn đề thương mại, cuộc chiến tranh giành vị trí bá chủ thế giới sẽ còn tiếp tục, và thậm chí còn căng thẳng hơn nữa. Nếu các cuộc đàm phán thương mại đi vào ngõ cụt, hai nền kinh tế chắc chắn sẽ hứng chịu một cú sốc lớn, và quy mô giao dịch thương mại sẽ sụt giảm, đẩy nền kinh tế toàn cầu vào tình cảnh hỗn loạn. Năm nay, Mỹ và Trung Quốc sẽ kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương. Hai nước cần bắt tay hợp tác, dừng các biện pháp “ăn miếng trả miếng”, tránh một kịch bản tồi tệ hơn.  


Giai đoạn đình chiến sẽ chấm dứt vào 1/3 và cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung có thể sẽ tái diễn sau đó. Dư luận đang hết sức quan tâm đến diễn biến và kết quả của các phiên đàm phán sắp tới giữa Washington và Bắc Kinh.

Lựa chọn của ban biên tập