Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

Hạ viện Anh bác bỏ thỏa thuận Brexit và tác động đối với kinh tế Hàn Quốc

#Tiêu điểm kinh tế l 2019-01-21

© YONHAP News

Hạ viện Anh phủ quyết thỏa thuận Brexit


Ngày 15/1 (theo giờ địa phương), Hạ viện Anh đã phủ quyết thỏa thuận nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) của Thủ tướng Theresa May, đánh dấu một thất bại nặng nề nhất của một Chính phủ trong lịch sử chính trị của nước Anh. Mặc dù sau đó Thủ tướng May đã vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội và tiếp tục nắm quyền, nhưng những bất ổn xung quanh thỏa thuận Brexit vẫn chưa được tháo gỡ. Trong mục Tiêu điểm kinh tế tuần này, Giáo sư Kang Yoo-duk, từ Đại học Ngôn ngữ và thương mại, trường Đại học ngoại ngữ Hàn Quốc (HUFS) sẽ phân tích rõ hơn về bối cảnh đằng sau thỏa thuận Brexit và tác động đối với kinh tế Hàn Quốc.  


Vào tháng 6 năm 2016, Anh đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để quyết định nên ở lại hay rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Kết quả là 52% cử chi tán thành, dẫn đến sự kiện Anh sẽ rời khỏi EU, còn gọi là Brexit. Hơn hai năm kể từ đó đến nay, Anh đã đàm phán với EU về các điều khoản để Anh rút khỏi EU, cũng như các chi tiết về thời gian, và mối quan hệ giữa Anh và EU thời kỳ hậu Brexit. Sau rất nhiều vòng đàm phán, hai bên đã đạt được thỏa thuận và đặt bút ký vào tháng 11 năm 2018. Tuy nhiên, theo luật pháp của Anh, thỏa thuận Brexit cần sự phê chuẩn của Quốc hội. Và trong cuộc bỏ phiếu diễn ra vào ngày 15/1 vừa qua, Hạ viện Anh đã phủ quyết thỏa thuận này với đa số phiếu phản đối.


Thách thức của việc Anh rút khỏi EU mà không có thỏa thuận


Nước Anh đang đối mặt với cuộc khủng hoảng Brexit. Ngay sau khi thỏa thuận với EU bị bác bỏ, Thủ tướng Anh Theresa May đã đệ trình một kế hoạch B và theo thời báo Guardian của Anh, Hạ viện nước này sẽ tiến hành bỏ phiếu cho kế hoạch mới vào ngày 29/1. Tuy nhiên, cho dù Quốc hội Anh thông qua kế hoạch B, nhưng nếu EU bác bỏ, tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn, và Anh sẽ phải rời Liên minh châu Âu mà không có một thỏa thuận (“No Deal Brexit”). Ông Kang Yoo-duk phân tích cụ thể hơn.


Là một nước thành viên EU, Anh đã được hưởng nhiều lợi ích, trong đó lợi ích lớn nhất là 4 quyền tự do di chuyển, cho phép tự do trao đổi, buôn bán hàng hóa, dịch vụ, tài chính và nhân công trong Liên minh châu Âu. Thêm vào đó, hàng hóa của Anh xuất khẩu sang EU cũng không bị đánh thuế như khi xuất sang các nước ngoài EU. Công dân Anh cũng được quyền cư trú và làm việc tại tất cả các nước thành viên EU. Tuy nhiên, nếu rời EU mà không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào, Anh sẽ đối mặt với thách thức, đặc biệt là giao dịch thương mại giữa Anh và EU sẽ phải tuân theo các quy định hiện hành của Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Chẳng hạn, nếu Anh rời EU mà không đạt được thỏa thuận nào, ô tô của Anh xuất khẩu sang EU sẽ bị đánh thuế 10%, thay vì được miễn thuế như hiện nay, trong bối cảnh Anh đang là nước xuất khẩu ô tô thứ hai trong EU. Hàng rào thuế quan đối với các mặt hàng sẽ được thiết lập, đồng thời các mặt hàng sản xuất ở Anh cũng cần đáp ứng tiêu chuẩn EU và phải được cấp các chứng nhận để được vào EU.


Tác động của “No Deal Brexit” đối với nền kinh tế Hàn Quốc


Anh gia nhập Cộng đồng kinh tế châu Âu (EEC), tiền thân của Liên minh châu Âu, vào năm 1973, và đã có nhiều hoạt động giao thương với EU. Ngân hàng trung ương Anh cảnh báo nếu rời EU mà không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Anh sẽ giảm tới 8%, tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên 7,5% và giá nhà ở cũng sẽ tăng 30%. Thỏa thuận Brexit cũng kéo theo những vấn đề nghiêm trọng đối với nền kinh tế toàn cầu. Theo Ngân hàng thế giới (WB), Brexit không thỏa thuận sẽ là rủi ro thực sự đối với cả Anh, EU cùng các khu vực có nhiều giao dịch thương mại với EU như Đông Âu và Bắc Phi. 


Thời hạn 29/3 và khả năng mở rộng thời hạn cho Brexit


Trên thực tế, xuất khẩu của Hàn Quốc sang Anh trong năm ngoái chỉ chiếm khoảng 1% tổng kim ngạch xuất khẩu, nên tác động của No Deal Brexit đối với nền kinh tế Hàn Quốc là không lớn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu của Hàn Quốc chắc chắn sẽ chịu thiệt hại. Đó là bởi hiện nay, hàng hóa của Hàn Quốc xuất khẩu sang Anh đều được miễn, giảm thuế theo Hiệp định thương mại tự do Hàn-EU. Thế nên, nếu Anh rời EU mà không có một thỏa thuận, giao dịch thương mại Hàn-Anh sẽ không theo FTA Hàn-EU, khiến thuế xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa đều tăng. Quan trọng hơn, nếu nền kinh tế Anh sụp đổ, thị trường EU, Mỹ, các nền kinh tế mới nổi và thị trường quốc tế chắc chắn sẽ có nhiều biến động, khiến xuất khẩu của Hàn Quốc chậm lại, và tiềm ẩn nhiều rủi ro khác. Mọi con mắt của cộng đồng quốc tế đang dõi theo từng bước đi của Brexit. Ông Kang Yoo-duk phân tích.


Thời hạn cuối cùng của các thỏa thuận là 29/3, tức là chỉ còn khoảng hai tháng nữa. Trong bối cảnh hiện nay, gia hạn là biện pháp cần thiết. Tuy nhiên, việc này chỉ được thực hiện nếu nhận được sự chấp thuận của Anh và 27 nước thành viên của EU. Điều này rõ ràng đòi hỏi sự nhượng bộ từ đôi bên. Ngoài khả năng đàm phán lại, Anh có thể tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý. Tình hình chính trường tại Anh cho thấy việc đạt được một thỏa thuận thông qua bỏ phiếu là rất khó thành hiện thực. Do đó, nhiều người kêu gọi một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai, và lựa chọn này đang gây được nhiều sự chú ý vào thời điểm hiện tại.


Đối sách của Hàn Quốc và khả năng đàm phán FTA Hàn-Anh


Khả năng xảy ra một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai đang ngày càng tăng, bất chấp việc Thủ tướng Theresa May đã đệ trình một kế hoạch B, bởi vì việc Anh rời EU dù theo phương án nào chắc chắn sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng về kinh tế và chính trị. Với hy vọng giảm thiểu những tác động như vậy, thời hạn cho Brexit có thể được lùi lại sau ngày 29/3. Trên thực tế, EU đã thông báo sẽ chấp thuận phương án gia hạn thời hạn Brexit nếu Anh yêu cầu, để giảm thiểu thiệt hại không mong muốn. Tuy nhiên, mọi phương án đều cần được xem xét khi Anh vẫn chưa đưa ra được quyết định cuối cùng. Giáo sư Kang Yoo-duk nhận định.


Ngay cả trường hợp Anh rời EU mà không có một thỏa thuận nào, tác động trực tiếp đến nền kinh tế Hàn Quốc là không đáng kể. Tuy nhiên, quyết định này sẽ ảnh hưởng đến các nước thành viên khác trong EU, tạo ra hiệu ứng dây chuyền, làm lung lay thị trường toàn cầu, và dẫn tới những tác động gián tiếp đối với nền kinh tế Hàn Quốc. Do đó, Chính phủ đang làm việc tích cực để nhanh chóng đưa ra đối sách cho tình hình hiện nay. Điều then chốt là Chính phủ cần thể hiện niềm tin sắt đá, đủ sức dập tắt những lo ngại trong dân chúng. Một kế hoạch dự phòng khác đó là thúc đẩy đàm phán một Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Hàn Quốc và Anh.


Ngay khi Hạ viện Anh bác bỏ thỏa thuận Brexit, Chính phủ Hàn Quốc đã tổ chức một cuộc họp, thảo luận về tác động của vấn đề và xem xét phương án xúc tiến một Hiệp định FTA Hàn-Anh. Ngân hàng trung ương Hàn Quốc cũng tổ chức một cuộc họp để phân tích tác động tiềm ẩn trên thị trường Hàn Quốc và tại thị trường các nền kinh tế mới nổi. Rõ ràng, với tương lai bất định của Brexit, Chính phủ cần đưa ra các kế hoạch chi tiết cho mọi phương án để tránh những hậu quả không mong muốn thời kỳ hậu Brexit.

Lựa chọn của ban biên tập