Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế

Hiệu ứng kinh tế từ sự nổi tiếng của nhóm nhạc thần tượng BTS

#Tiêu điểm kinh tế l 2019-02-04

© Big Hit Entertainment

Sự nổi tiếng của nhóm nhạc BTS


Kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán truyền thống của Hàn Quốc (Seollal) năm nay diễn ra từ ngày 4/2 đến 6/2, và người Hàn Quốc lại ùn ùn kéo về quê để sum họp gia đình. Với lưu lượng giao thông tăng đột biến trong dịp Tết, xe cộ lại nhích từng bước trên những cung đường, và nghe nhạc chính là một trong những thú tiêu khiển tốt nhất để giảm bớt sự nhàm chán và mệt mỏi. Đặc biệt, với các bạn thanh thiếu niên, một trong những lựa chọn là thưởng thức các bài hát của Đoàn thiếu niên chống đạn (BTS), nhóm nhạc thần tượng nam đang được yêu thích trên toàn cầu. Cụm từ "đầu tiên trong lịch sử K-pop" đang được dùng khá rộng rãi để mô tả nhóm nhạc nam đình đám này. Ông Oh Joon-beom, Nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Viện nghiên cứu kinh tế Hyundai sẽ phân tích ảnh hưởng và hiệu ứng kinh tế của nhóm nhạc thần tượng BTS.


BTS đặc biệt bắt đầu nổi như cồn năm 2017 khi công bố ca khúc “Fake Love” vào tháng 5 cùng năm. Ngay lập tức, ca khúc này đã xếp vị trí thứ 10 trên Bảng xếp hạng tuần Billboard Hot 100, bảng xếp hạng âm nhạc uy tín của Mỹ, trở thành ca khúc K-pop có thứ hạng cao nhất tại Mỹ. Vào cuối năm ngoái, album của BTS đã đứng đầu Bảng xếp hạng Billboard 200 dành cho các album. Sự nổi tiếng của BTS còn được thể hiện qua số lượng lượt tìm kiếm trên Google, số lượt xem trên Youtube. Cụ thể, theo dữ liệu thống kê các xu thế của Google, từ khóa tìm kiếm về BTS liên tục tăng mạnh trên toàn cầu. Tính đến tháng 12 năm 2018, BTS đang sở hữu 14 video nhạc có 100 triệu lượt xem trên trang Youtube. BTS đã trở thành một hiện tượng, nổi tiếng khắp toàn cầu mà chưa từng có một ngôi sao làn sóng văn hóa Hàn Quốc Hallyu nào đạt được. 


Sự nổi tiếng của nhóm nhạc BTS


Vào tháng 10 năm ngoái, BTS trở thành nhóm nhạc Hàn Quốc đầu tiên tổ chức buổi hòa nhạc tại sân vận động Citi Field ở New York (Mỹ), nơi các nhạc sĩ hàng đầu như Paul McCartney và Billy Joel từng biểu diễn. Người hâm mộ BTS đã dựng lều trại, túc trực nhiều ngày ngoài sân vận động để chứng kiến thần tượng của mình, và 40.000 vé bán ra đã nhanh chóng được tiêu thụ - một kỳ tích mà ngay cả nữ danh ca người Mỹ Beyoncé cũng chưa từng đạt được. Vậy, tại sao ban nhạc K-pop này được yêu mến đến vậy? Ông Oh Joon-beom lý giải.


Một trong những yếu tố đằng sau thành công của BTS là các sáng tác của nhóm đều gắn với những câu chuyện của các thành viên, đề cập đến những vấn đề của giới trẻ, và đặc biệt hấp dẫn thanh thiếu niên ở độ tuổi đôi mươi. Tất cả các thành viên BTS đều sáng tác nhạc và viết lời các ca khúc để chia sẻ những trải nghiệm của họ, truyền cảm hứng cho mọi người trên toàn thế giới. Một lý do khác đằng sau sự nổi tiếng của BTS là việc tích cực giao tiếp với người hâm mộ thông qua mạng xã hội, như đăng tải các video tập vũ đạo trên mạng từ trước khi ra mắt, hay chia sẻ cuộc sống hàng ngày.


Hiệu quả kinh tế từ sự nổi tiếng của BTS


Không chỉ là một hiện tượng âm nhạc toàn cầu, BTS còn là biểu tượng cho tuổi trẻ và cảm xúc. Fan hâm mộ của BTS, còn được gọi là ARMY, chia sẻ rằng họ đã bị thu hút bởi những thông điệp gửi gắm qua bài hát của BTS: những bạn trẻ ở độ tuổi đôi mươi dù ở quốc gia, dân tộc nào cũng có thể tự chữa lành vết thương tình cảm, tự hào về bản thân, về thành quả đã đạt được, và những lo lắng ở tuổi trưởng thành sẽ giúp họ lắng nghe tiếng nói con tim và tâm hồn của mình. Đoàn thiếu niên chống đạn BTS đã có một bài phát biểu cảm động trước Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York (Mỹ) vào tháng 9 năm ngoái, và đã truyền đi thông điệp mạnh mẽ "Hãy yêu bản thân" (Love yourself) đến toàn thế giới. Được Đài BBC của Anh ví von là “The Beatles của thế kỷ XXI”, BTS đã và đang mang lại hiệu ứng to lớn đối với nền kinh tế Hàn Quốc. Nhà nghiên cứu Oh Joon-beom giải thích.


Theo ước tính, khi sự phổ biến của nhóm BTS tăng 1%, số lượng khách du lịch nước ngoài đến Hàn Quốc sẽ tăng 0,45%. Trung bình mỗi năm có tới 796.000 khách du lịch nước ngoài đến Hàn Quốc nhờ BTS kể từ khi nhóm ra mắt năm 2013. Xuất khẩu liên quan đến BTS thậm chí đã đạt 1,1 tỷ USD, trong đó có 233 triệu USD từ quần áo, 426 triệu USD từ mỹ phẩm và 456 triệu USD từ các loại đồ ăn. Theo ước tính, trong năm 2017, BTS đã mang lại 7,6% trong tổng số khách du lịch nước ngoài đến thăm Hàn Quốc và 1,7% xuất khẩu tiêu dùng của Hàn Quốc.


Hiệu quả kinh tế của Đoàn thiếu niên chống đạn là gì?


Theo Viện nghiên cứu kinh tế Hyundai, BTS ước tính mang lại hiệu quả kinh tế lên tới 3,6 tỷ USD mỗi năm, tương đương tổng doanh thu hàng năm của 26 doanh nghiệp tầm trung của Hàn Quốc trong năm 2016, với giá trị gia tăng là 1,2 tỷ USD hàng năm. Ví dụ điển hình là một sảm phẩn nước xả vải đã cháy hàng khi một thành viên của nhóm chia sẻ về thương hiệu ấy. 

Trên thực tế, ngành công nghiệp âm nhạc và giải trí phát triển như vũ bão, với vô số gương mặt mới ra mắt, nên rất khó dự đoán một ngôi sao Hallyu sẽ nổi tiếng trong bao lâu. Tuy nhiên, không giống như các ngôi sao K-pop khác, BTS đang sở hữu một lực lượng fan hùng hậu ở châu Mỹ và châu Âu. Thậm chí, số lượng fan hâm mộ mới của BTS vẫn tiếp tục gia tăng. Do đó, Viện nghiên cứu kinh tế Hyundai ước tính BTS sẽ tạo ra 49 tỷ USD giá trị kinh tế tổng hợp với 12 tỷ USD giá trị gia tăng trong thời gian từ năm 2014 đến 2023. Con số này còn vượt xa 37 tỷ USD hiệu quả kinh tế do Thế vận hội mùa đông PyeongChang tạo ra năm 2018. Nhà nghiên cứu Oh Joon-beom chia sẻ.  


Tôi hy vọng sự nổi tiếng của BTS sẽ tạo ra động lực quảng bá văn hóa và nghệ thuật truyền thống Hàn Quốc cùng văn hóa K-pop trên toàn cầu. Tất nhiên, rất khó để biến một hiện tượng văn hóa sang giá trị kinh tế. Tuy nhiên, sự lan rộng của làn sóng Hallyu có thể góp phần tăng xuất khẩu hàng hóa, văn hóa và dịch vụ của Hàn Quốc, cũng như đóng vai trò quan trọng đối với ngành du lịch địa phương. Cùng với đó, các chiến lược tiếp thị là cực kỳ cần thiết. Chính phủ có thể sử dụng Hallyu để quảng bá các sản phẩm “Made in Korea” trên thị trường toàn cầu, xây dựng hình ảnh tích cực về Hàn Quốc ở nước ngoài. Nếu có được các gói tour du lịch kết hợp biểu diễn K-pop hoặc các buổi biểu diễn truyền thống thì sẽ vừa thu hút vừa đáp ứng nhu cầu của khách du lịch nước ngoài. 


Vào năm 2003, bộ phim “Bản tình ca mùa đông” do nam diễn viên Bae Yong-jun thủ vai chính đã cực kỳ thành công tại Nhật Bản, khiến nhiều du khách nước này tìm đến các địa điểm quay phim tại Hàn Quốc. Tới năm 2013, khi ca sĩ Hàn Quốc Psy nổi tiếng toàn cầu bất ngờ với ca khúc đình đám "Gangnam Style", giá trị thương mại của làn sóng K-pop tính riêng tại châu Âu ước tính đã vượt qua con số 540 triệu USD. Gần đây nhất, bài hát thiếu nhi của Hàn Quốc có tên "Baby Shark" (Chú cá mập nhỏ) đã lọt vào bảng xếp hạng Billboard 100. Các tổ chức và doanh nghiệp Hàn Quốc cần năng động, sáng tạo để tận dụng sử ảnh hưởng của làn sóng Hallyu, mang lại hiệu quả kinh tế trên nhiều lĩnh vực.

Lựa chọn của ban biên tập