Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Ngành đóng tàu Hàn Quốc nhảy vọt trở lại

2022-02-12

Tin tức

ⓒYONHAP News

Sau một thời gian dài khủng hoảng, giới doanh nghiệp đóng tàu Hàn Quốc đang nhảy vọt trở lại đầy mạnh mẽ, với lượng trúng thầu năm 2021 đạt mức cao kỷ lục trong vòng 8 năm, bước vào thời kỳ “siêu chu kỳ”.

 

Lượng trúng thầu của doanh nghiệp Hàn Quốc

Trong năm ngoái, các doanh nghiệp đóng tàu Hàn Quốc đã trúng thầu tổng cộng 17.440.000 CGT (tấn tổng hợp bù), mức cao kỷ lục sau mức 18.450.000 CGT năm 2013. So với một năm trước, lượng đơn hàng trúng thầu đã tăng gấp hơn hai lần. Kể cả so với năm năm 2019, thời điểm trước khi bùng phát đại dịch COVID-19, thì lượng trúng thầu của doanh nghiệp đóng tàu trong nước vẫn tăng tới 85%. Lượng trúng thầu của doanh nghiệp Hàn Quốc chiếm 37% tổng đơn hàng đóng tàu toàn thế giới, đứng thứ hai sau Trung Quốc.


Ba công ty đóng tàu hàng đầu của Hàn Quốc là Hyundai, Samsung và Daewoo đều trúng thầu tổng trị giá trên 10 tỷ USD. Trong đó, ba công ty đóng tàu thuộc tập đoàn công nghiệp nặng Hyundai trúng thầu tổng cộng 22,8 tỷ USD, công ty công nghiệp nặng Samsung trúng thầu 12,2 tỷ USD, công ty đóng tàu và hải dương Daewoo trúng thầu 10,8 tỷ USD, tất cả đều vượt quá mục tiêu đề ra. Hyundai vượt 53% so với mục tiêu, Samsung vượt 34% và Daewoo vượt 40%.

Thành tích này vẫn đang được duy trì trong đầu năm nay. Điển hình như hãng Daewoo ngày 6/1 vừa qua đã trúng thầu tàu chở khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), tới nay đã ký hợp đồng đóng ba tàu LNG và một giàn khoan trên biển. Công ty đóng tàu và hải dương Korea, đơn vị nắm giữ cổ phần mảng đóng tàu trong tập đoàn công nghiệp nặng Hyundai, thì trúng thầu tổng cộng 24 tàu, bằng 16,7% mục tiêu trúng thầu đề ra của cả năm là 17,44 tỷ USD.

    

Bối cảnh

Ngành đóng tàu thế giới đang bước vào thời kỳ “siêu chu kỳ”, khi nhu cầu thay thế các tàu biển đã xuống cấp tăng cao. Thêm vào đó là khối lượng vận tải hàng hóa đường biển được dự báo sẽ gia tăng mạnh trở lại sau một thời gian bị co hẹp vì dịch COVID-19, nhu cầu đóng mới tàu biển thông minh, thân thiên môi trường, đáp ứng được các tiêu chuẩn khó khăn hơn về môi trường ngày một gia tăng, khiến lượng đơn hàng đóng tàu trên toàn thế giới tăng theo. Tất nhiên, không phải lượng đơn hàng toàn cầu tăng thì tất cả các quốc gia đều được hưởng lợi. Doanh nghiệp đóng tàu của nước đó phải có năng lực cạnh tranh và trình độ công nghệ cao, đáp ứng được nhu cầu mới thì mới có thể trúng thầu. Mặc dù trải qua thời kỳ khủng hoảng kéo dài 10 năm, nhưng các hãng đóng tàu Hàn Quốc vẫn không ngừng nỗ lực nâng cao trình độ công nghệ, khó có quốc gia nào theo kịp. Do vậy, giới đóng tàu Hàn Quốc đang đứng vị thế độc tôn ở các loại tàu có giá trị gia tăng cao. Mặc dù xếp thứ hai sau Trung Quốc về tổng đơn hàng trúng thầu, nhưng Hàn Quốc lại chiếm tỷ trọng lớn ở các đơn hàng giá trị gia tăng cao, hay tàu biển thân thiện môi trường đòi hỏi trình độ công nghệ cao. Trong năm ngoái, Hàn Quốc trúng thầu 65% tổng đơn hàng đóng tàu giá trị gia tăng cao, như tàu container cỡ lớn, và 64% tàu biển thân thiện môi trường, như tàu LNG, dẫn đầu thị phần thế giới ở hai mảng này.

 

Triển vọng và bài toán đặt ra

Tàu thân thiện môi trường, tàu có giá trị gia tăng cao là xu hướng không thể đảo ngược trong giới đóng tàu toàn cầu. Do đó, dự kiến các doanh nghiệp đóng tàu Hàn Quốc sẽ tiếp tục giữ vững được ưu thế ở các loại tàu này do vượt trội hẳn về trình độ công nghệ. Thêm vào đó, các doanh nghiệp đang tích cực phát triển các loại tàu thế hệ mới, điển hình là tàu biển chạy bằng khí amoniac. Amoniac đang nổi lên như một nhiên liệu thích hợp cho tàu biển trong thời đại trung hòa carbon, nhờ tính an toàn khi cung cấp, tiện lợi khi bảo quản, vận chuyển và sử dụng, đặc biệt là không thải ra carbon dioxit. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong nước đang đối mặt với những bài toán cấp thiết như thiếu nhân lực, do những nhân viên tay nghề cao đã rời đi sau cuộc khủng hoảng kéo dài 10 năm, và vấn đề nữa là giá nguyên vật liệu leo thang nghiêm trọng thời gian gần đây.

Lựa chọn của ban biên tập