Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Tranh cãi xoay quanh quy định luật về xăm hình tại Hàn Quốc

2022-04-09

Tin tức

ⓒYONHAP News

Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc một lần nữa ra phán quyết khẳng định luật hiện hành quy định chỉ có người trong ngành y tế mới có thể thực hiện thủ thuật xăm hình là hợp hiến. Sau khi có phán quyết, các nghệ nhân xăm hình đã tập trung trước cổng chính trụ sở Tòa án Hiến pháp, giơ cao biểu ngữ “Một đất nước kỳ dị coi xăm hình là y tế”, bày tỏ thất vọng và tuyên bố sẽ tiếp tục đấu lý tới cùng.

 

Quyết định của Tòa án

Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc ngày 31/3 đã bác kháng nghị của các nghệ nhân xăm hình với sự ý kiến tán thành của 5 trên 9 thẩm phán. Các nghệ nhân xăm hình đã đề nghị Tòa án xem xét lại Khoản 1 Điều 27 Luật Y tế và Điều 5 Luật đặc biệt về việc giám sát tội phạm y tế, quy định về việc xử phạt với người thực hiện thủ thuật xăm hình không phải là bác sĩ. Những người này cho rằng các điều luật trên đi ngược lại nguyên tắc “vô luật bất thành hình”, tức chỉ được khép tội khi có luật quy định, và xâm hại tự do lựa chọn nghề nghiệp của công dân theo Hiến pháp.

 

Kể từ năm 2017, các nghệ nhân xăm hình đã 6 lần đề nghị Tòa án Hiến pháp xem xét lại luật hiện hành, quy định phạt tù từ 2 năm tới chung thân, hoặc từ 1 triệu tới 10 triệu won (820 tới 8.200 USD) với người thực hiện hành vi y tế mà không có giấy phép.

 

Theo giải thích của Tòa án Hiến pháp, thủ thuật xăm hình sử dụng kim tác động lên da, và tiêm chất tạo màu lên da, có rủi ro gây ra tác dụng phụ. Điều khoản luật liên quan được quy định nhằm đảm bảo tính an toàn, để chỉ nhân viên y tế mới có thể thực hiện thủ thuật xăm hình. Ngoài ra, Tòa án cho rằng chỉ với kiến thức và kỹ thuật hạn hẹp ở lĩnh vực xăm hình, người thực hiện thủ thuật sẽ không thể đảm bảo đầy đủ các biện pháp y tế trong toàn bộ quá trình, cũng như tính an toàn tương tự như giới y tế hiện nay.

 

Mẫu thuẫn và tình hình hiện nay

Mâu thuẫn về vấn đề xăm hình nảy sinh trong bối cảnh xăm hình đã phát triển trở thành sự thể hiện “cái tôi”, môn nghệ thuật và một ngành công nghiệp. Ngược lại, chế tài pháp lý liên quan tại Hàn Quốc vẫn đang bị trói buộc bởi quan niệm truyền thống. Theo quan điểm Nho giáo truyền thống, việc gây tổn hại hoặc tác động khiến thay đổi cơ thể bị coi là “điều cấm kỵ”. Trong quá khứ, từng có trường hợp nhiều người liều mạng sống của mình để phản đối lệnh cắt tóc. Chính vì vậy mà trong suy nghĩ truyền thống, xăm hình, đeo khuyên hay phẫu thuật thẩm mỹ từng có một thời gian dài bị cấm. Tuy nhiên, việc xăm lông mày đã trở nên thông dụng từ rất lâu, và ngày nay việc phẫu thuật thẩm mỹ cũng được coi là một điều hết sức bình thường tại Hàn Quốc. Vậy nhưng đối với xăm hình, chỉ có giới trẻ là đón nhận tích cực, trong xã hội vẫn tồn tại suy nghĩ ác cảm. Nói tới hình xăm, người ta sẽ liên tưởng ngay tới các tổ chức tôi phạm.

Trước đó, vào năm 1992, Tòa án tối cao Hàn Quốc ra phán quyết người không phải là nhân viên y tế tiến hành thủ thuật xăm hình là phi pháp. Tuy nhiên, đã 30 năm trôi qua, quy mô thị trường xăm hình tới nay đã tăng trưởng nhanh chóng, đạt khoảng 1.200 tỷ won (gần 1 tỷ USD) theo ước tính của Hiệp hội xăm hình Hàn Quốc. Ước tính có hơn 300.000 người đang làm việc ở lĩnh vực này. Không chỉ vậy, các nghệ nhân xăm hình của Hàn Quốc đang được toàn thế giới công nhận về trình độ kỹ thuật và tài năng nghệ thuật.

 

Phản bác

Những người ủng hộ xăm hình cho rằng luật hiện hành ngược lại đang đe dọa tới sức khỏe của người dân. Do luật cấm, nên nhiều trường hợp lén lút thực hiện xăm hình, dẫn tới rất khó quản lý. Do vậy, các ý kiến này cho rằng Chính phủ nên lập quy định liên quan, áp dụng chế độ cấp chứng chỉ xăm hình, để đảm bảo thủ thuật xăm hình được tiến hành một cách an toàn, vừa đảm bảo được quyền lợi lựa chọn nghề nghiệp, tự do thể hiện bản thân của mỗi công dân. Các thẩm phán Tòa án Hiến pháp nêu ý kiến phản đối cũng cho rằng thủ thuật xăm hình không phải nhằm mục đích chữa trị y tế, khác với hành vi y tế không giấy phép, do đó cần xem xét vấn đề này trên một quan điểm mới.

Lựa chọn của ban biên tập