Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Lee Deok-mu, học giả ham đọc sách

2012-11-15

<strong>Lee Deok-mu</strong>, học giả ham đọc sách
"Kẻ ngốc" ham đọc sách

"Mỗi lần chạm đến tay nắm cửa của căn phòng, ta lại thấy xốn xang trong lòng. Giây phút bước vào phòng, dường như tất cả mọi cuốn sách xếp ngay ngắn thành hàng đều đang hướng nhìn về phía ta. Đó chính là giây phút có cảm giác rung động, khi tâm hồn ta gặp được tâm hồn của một ai đó trong những cuốn sách kia. Và có lẽ, những trang sách sờn cũ đó đang chờ đợi bàn tay ta, để chúng có thể an ủi nỗi lòng u uất trong ta bằng những câu hát của người xưa hay khiến ta xáo động bằng tiếng sóng vỗ của một nơi quốc đảo nào đó xa lạ."
Trên đây là đoạn văn miêu ta niềm vui đọc sách của một người mê sách. Sự đam mê đó thể hiện ở nụ cười không dứt mỗi khi tìm được cuốn sách mới để rồi ngày nào cũng cắm cúi, ngồi lì trong phòng, một mình cười, rên rỉ hay la hét. Đó chính là Lee Deok-mu, một học giả nổi tiếng của phái "thực học" (Silhak) thời Joseon, người đã tự gọi mình là "kẻ ngốc điên vì sách" hay "mọt sách". Không biết lý do nào đã khiến cho học giả này dồn nhiều tâm huyết đến vậy vào việc đọc sách?

Bị trói buộc bởi chế độ phân biệt đẳng cấp

Lee Deok-mu sinh năm 1741 tại Seoul, là con của Lee Seong-ho, một vị quan văn ngũ phẩm của triều Joseon. Tính ra, ông là cháu 10 đời của hoàng tử Murim (Mậu Lâm quân), con cùng với một người thiếp của vua Jeongjong (Định Tông, vua đời thứ 2 của triều Joseon). Xét về gia thế, ông là con nhà quyền quý, song cả đời ông lại luôn bị giới hạn, trói buộc vào chế độ phân biệt đối xử về đẳng cấp. Sở dĩ vì ông chỉ là con cháu của thiếp, người cha dù là quý tộc nhưng người mẹ lại thuộc tầng lớp bình dân. Bấy giờ xã hội Joseon có lệ cho phép quý tộc được lấy thê thiếp, thành ra mới có chuyện ngành cả ngành thứ nhưng bên cạnh đó cũng có quy định hạn chế là "cấm con cháu của ngành thứ không được làm các chức vụ cao quý, trọng yếu".
Lee Deok-mu vốn thông minh sáng dạ, năm lên 6 tuổi được cha dạy cho Hán văn, đọc được sách "Thập cửu sử lược" của Trung Quốc nhưng chưa đọc hết cuốn đầu mà ông đã thông suốt được tất cả chữ nghĩa ở đó. Tuy nhiên, vì lý do chỉ có một nửa dòng máu là quý tộc nên ông vẫn phải chịu sống cảnh khốn cùng, thường xuyên chịu đói, không thể ra làm quan và cũng không thể làm các việc nông nghiệp hay buôn bán được.

Phát triển khuynh hướng "Bắc học"

Mặc dù bị giới hạn bởi thân phận là con cháu của thê thiếp, nhưng Lee Deok-mu vẫn luôn dồn hết tâm chí vào sách, đọc được tới hàng vạn cuốn. Năm 20 tuổi ông đã nổi danh khi cùng với các tên tuổi như Park Je-ga, Yu Deuk-gong, và Lee Seo-gu cho ra tập thơ "Cân Diên tập". Năm 1766, ông là một thành viên của "Bạch tháp thi phái" một tổ chức yêu thích văn học của các học giả có thân phận là con cháu của thê thiếp. Tại đây ông đã kết bạn và chịu nhiều ảnh hưởng của Park Ji-won, Hong Dae-yong, Park Je-ga là những người của phái "thực học" theo khuynh hướng Bắc học - học tập kiến thức từ phương Bắc của nhà Thanh, Trung Quốc.
Đặc biệt, năm 1778 ông được cử làm chức quan lâm thời lo việc ghi chép, đi theo đoàn sứ thần của Joseon sang nhà Thanh, Trung Quốc. Tại đây, ông đã viết lại tất cả về các vấn đề sông suối, núi đồi, đạo lý, cung điện đền đài, cây cỏ và chim thú... đóng góp công sức cho việc mở mang kiến thức của người Joseon về Trung Quốc.

Bước vào thế giới của "Thực học"

Lee Deok-mu đã nổi danh, trở thành một nhà tri thức của Joseon và cuối cùng, đến năm 1779, ông cũng bắt đầu bước vào quan trường. Nguyên do vì vua Yeongjo (Anh Tổ, vua đời thứ 21 của Joseon) có mẹ xuất thân là người hầu trong cung nên vốn dĩ vua rất muốn xóa bỏ rào cản phân biệt giữa dòng chính thất và trắc thất. Sau này, cháu của vua Yeongjo là Jeongjo (Chính Tổ, vua đời thứ 22 của Joseon) cũng chịu ảnh hưởng nhiều từ người ông của mình và rất quan tâm đến vấn đề con cháu của thê thiếp. Năm 1779, vua Jeongjo đã ban bố chính sách gọi là "Thứ nghiệt hứa thông tiết mục", công khai cho phép người thuộc dòng con cháu của thê thiếp cũng có thể ra làm quan. Hơn nữa, vua bổ nhiệm các học giả xuất thân từ ngành thứ như Park Je-ga, Yu Deuk-gong và Lee Deok-mu vào làm chức quan "Kiểm thư", đóng vai trò chủ đạo trong nghiên cứu học vấn, hiệu đính, chỉnh sửa, sao chép thư tịch ở Khuê Chương Các, cái nôi của cải cách chính trị đương thời.
Đây là cơ hội tốt có một không hai đối với một học giả yêu thích sách như Lee Deok-mu. Ông đã tận tâm tận lực để chỉnh lý lại các tài liệu sách vở trong kho, đồng thời với việc phát triển, biên soạn ra nhiều sách mới. Ông đã đóng góp, tham gia biên soạn, đính chính nhiều tài liệu quý như "Quốc triều bảo giám", "Đại điển thông biên", "Vũ nghệ đồ phổ thông chí" v.v...
Lee Deok-mu vừa là một trong những người đi đầu đề cao "thực học" vừa là người nhiều lần đỗ đầu trong các kỳ thi thơ phú ở Khuê Chương Các. Cho đến trước khi mắc bệnh qua đời vào năm 1793, ông đã được vua Jeongjo tín nhiệm, lần lượt giao cho nhiều chức quan như "chủ bộ" (chức quan lục phẩm trông coi tư liệu) ở kho lương thực, "huyện giám" của vùng Jeokseong, "chủ bộ" của "Ti ung viện", nơi đảm nhận việc ẩm thực trong cung v.v... Sau khi Lee Deok-mu qua đời, tiếc cho kiến thức học vấn của ông, năm 1796, vua Jeongjo đã ban ra 500 lượng tiền để biên soạn và in nên tập thơ văn mang tên hiệu của ông là "Nhã Đình di cảo" tại Khuê Chương Các.
Mặc dù sinh ra là con của thê thiếp nhưng kể từ khi được học hành, Lee Deok-mu chưa ngày nào sống rời khỏi sách. Ông đã tích lũy cho mình nhiều kiến thức đa dạng, từ lịch sử, địa lý đến các vấn đề về sinh thái cỏ cây v.v... và nhờ đó ông được vua triều Joseon rất đỗi coi trọng. Ông là người đã cho thấy con đường phải đi trong cuộc sống của một trí thức.




Lựa chọn của ban biên tập