Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Sohn Byung-hee, người thức tỉnh tinh thần độc lập trong lòng dân tộc Hàn

2012-12-20

<strong>Sohn Byung-hee</strong>, người thức tỉnh tinh thần độc lập trong lòng dân tộc Hàn

Chuẩn bị cho hoạt động giành độc lập tại Uidong

Năm nay (2012) là kỷ niệm 100 năm ngày xây dựng Bonghwanggak (Phượng Hoàng các), một tu viện dưới chân núi Uidong (phường Ui), thành phố Seoul. Người xây dựng nên tu viện này chính là Sohn Byung-hee, một trong 33 nhà cách mạng đại diện cho dân tộc Hàn đưa ra tuyên ngôn độc lập tại phong trào vận động Độc lập 1/3/1919. Từ năm 1911, Sohn Byung-hee đã mua hơn 92.000 m2 đất tại Uidong và tháng 6/1912 ông đã xây nên tu viện Bonghwanggak với mục đích làm nơi bồi dưỡng, huấn luyện cho đội ngũ cán bộ trong đạo Cheondo (Thiên Đạo giáo), một tôn giáo bản địa tham gia đấu tranh giành chủ quyền dân tộc từ tay thực dân Nhật của Hàn Quốc.

Mưu việc "phú quốc cường binh" bằng phong trào khai sáng dân tộc

Sohn Byung-hee sinh tháng 4/1861 tại Cheongwon tỉnh Bắc Chungcheong. Do thân phận là con vợ lẽ, nên khi còn trẻ ông đã phải vật lộn với nhiều khó khăn, sống trong vô định, phiêu bạt khắp nơi. Năm 1882, ông gia nhập vào Donghak (Đông Học), một hình thức tôn giáo dân tộc của Hàn Quốc và gặp được Choi Si-hyeong, giáo chủ đời thứ hai của tôn giáo này. Sau hơn 10 năm gia nhập, năm 1894, khi Donghak đề ra chủ trương xây dựng xã hội mới và phát triển phong trào cách mạng Donghak, Sohn Byung-hee cùng một lãnh tụ khác là Jeon Bong-jun đã hoạt động tích cực, tiên phong làm lá cờ đầu cho phong trào. Sau đó, năm 1897 ông nhậm chức, trở thành giáo chủ đời thứ ba của Donghak và đã đổ ra rất nhiều tâm huyết cho việc phát triển, tăng cường sức mạnh của tôn giáo này. Năm 1901, ông đã sang Nhật để trực tiếp trải nghiệm, tìm hiểu về những biến đổi của tình hình thế giới. Chính những kinh nghiệm có được tại Nhật Bản là khởi điểm, giúp ông chuyển hướng từ con đường đấu tranh vũ trang của cách mạng Donghak trước đó sang thành phong trào khai sáng, thức tỉnh dân tộc, trở thành nền tảng giúp ông tìm ra con đường cứu nước mới.
Lúc bấy giờ, Nga và Nhật đều đang ôm dã tâm giành quyền bá chủ ở Hàn Quốc, gây ra chiến tranh Nga - Nhật, khiến Hàn Quốc phải chịu thiệt hại nặng nề. Tuy nhiên, Sohn Byung-hee lại nhận ra rằng, đây chính là cơ hội tốt để đất nước giành động lập và ông đã nảy ra ý xây dựng chính sách "phú quốc cường binh". Năm 1905, ông đã cho đổi tên Donghak thành đạo Cheondo (Thiên Đạo giáo) và trở về Hàn Quốc vào một năm sau đó.

Đóng vai trò nòng cốt trong 33 nhà cách mạng đại diện cho dân tộc tại phong trào vận động Độc lập

Sohn Byung-hee là người luôn tìm đường cho dân tộc và ông đã hướng đến với phong trào khai sáng. Một trong những con đường cứu quốc ông mở ra là dựa vào giáo dục. Lúc bấy giờ, một mặt ông vừa phát triển sự nghiệp giáo dục, điều hành hàng chục trường học, bao gồm cả các trường nổi tiếng như trường Boseong, trường nữ sinh Dongdeok, một mặt ông xây dựng nên nhà xuất bản Boseong, hoạt động cả ở lĩnh vực văn hóa.
Khi tin về kế hoạch sẽ tuyên ngôn độc lập vào ngày 8/2/1919 của lưu học sinh người Hàn tại Tokyo, Nhật Bản truyền vào trong nước, từ trước đó 1 tháng, ở Hàn Quốc việc vận động về các phương thức tuyên bố độc lập cũng nhanh chóng được xúc tiến. Sở dĩ đó là vì các nhà cách mạng Hàn Quốc đều muốn tranh thủ thời điểm diễn ra hội nghị Hòa bình ở Paris để công bố cho thế giới biết về tính chính đáng của việc trở thành quốc gia độc lập của Hàn Quốc.
Lúc này, Sohn Byung-hee trở thành người đóng vai trò chủ đạo trong việc chuẩn bị cho một sự kiện lớn của dân tộc. Ông đã lôi cuốn được sự tham gia của các nhân vật trong cả Phật giáo và Cơ Đốc giáo, đưa họ hội nhập vào chương trình vận động độc lập của học sinh. Kết quả thành viên trong các giới đều đã cùng nhau thỏa thuận, đồng ý trước 3 nguyên tắc của phong trào Độc lập là đại chúng hóa, hợp nhất và không bạo động. Bản tuyên ngôn độc lập được sử gia Choi Nam-seon sơ thảo cũng căn cứ phần nào theo nội dung này, sau đó được đem đi in ở nhà xuất bản Boseong rồi phân bổ cho mọi địa phương trên cả nước.
Đại diện cho việc tuyên ngôn độc lập khi đó bao gồm 2 người thuộc Phật giáo, 16 người thuộc Cơ Đốc giáo, và 15 người thuộc đạo Cheondo do Sohn Byung-hee đứng đầu. Tất cả đều đã chuẩn bị cho một sự kiện trọng đại của dân tộc và đúng vào ngày 1/3/1919, lễ tuyên ngôn độc lập lịch sử của Hàn Quốc đã được cử hành với nòng cốt là 33 vị đại biểu này. Phong trào Độc lập 1/3 được họ châm ngòi sau đó đã lan rộng đi khắp nơi trên toàn quốc và tỏa ra thế giới, đến với tất cả những nơi có người Hàn sinh sống. Phong trào đã đem lại kết quả là sự hợp nhất vào chính phủ lâm thời Thượng Hải của 8 chính phủ lâm thời khác xuất hiện ở trong và ngoài Hàn Quốc.

Một lãnh tụ dân tộc luôn hướng đến tương lai của đất nước

"Không phải chúng ta kêu lên muôn năm là có ngay được độc lập. Song, nhân cơ hội này, chúng ta nhất định phải hô vang muôn năm, vì có như vậy mới thức tỉnh được tinh thần độc lập ở trong lòng dân tộc." Đó là lời dặn dò của Sohn Byung-hee với đội ngũ cán bộ hoạt động trong đạo Cheondo của ông ngay trước ngày diễn ra tuyên ngôn độc lập 1/3/1919. Tháng 5/1922, do bệnh tật sau những ngày sống trong lao tù, Sohn Byung-hee đã qua đời, thọ 62 tuổi. Cả cuộc đời ông, cho đến phút lâm chung vẫn luôn tiên phong, xông lên tuyến đầu vì tương lai của tổ quốc.
Năm nay, kỷ niệm 100 năm ngày tu viện Bonghwanggak được xây dựng vì mục đích hoạt động giành chủ quyền dân tộc, người dân Hàn lại tưởng nhớ về Sohn Byung-hee, về lòng yêu nước cháy bỏng của một nhà cách mạng, nhà tư tưởng và một vị lãnh tụ của dân tộc.

Lựa chọn của ban biên tập