Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Tìm hiểu về Tuyên bố chung liên Triều 4/7

2018-03-08

Vì một bán đảo thống nhất

Tìm hiểu về Tuyên bố chung liên Triều 4/7
Năm 2018 đánh dấu 73 năm hai miền Nam-Bắc bán đảo Hàn Quốc bị chia cắt. Mặc dù giấc mơ về ngày thống nhất vẫn chưa trở thành hiện thực, những nỗ lực không ngừng nghỉ hướng tới thống nhất vẫn đang diễn ra. Mùa xuân tới đây sẽ đánh dấu những bước tiến của đối thoại và hợp tác liên Triều hướng tới thống nhất. Hôm nay, chúng ta cùng nhìn lại Tuyên bố chung liên Triều 4/7 năm 1972 – thỏa thuận liên Triều đầu tiên.

Căng thẳng và xung đột trên bán đảo Hàn Quốc sau khi đất nước bị chia cắt
Ngày 15/8/1945, người dân bán đảo Hàn Quốc hân hoan trong ngày độc lập thoát khỏi ách đô hộ của thực dân Nhật. Nhưng sau thất bại của Nhật Bản trong Thế chiến II, Mỹ và Liên Xô đã chia đôi bán đảo Hàn Quốc tại vĩ tuyến 38 thành hai khu chiếm đóng quân sự. Xung đột về tư tưởng đã dẫn đến sự thành lập hai Chính phủ khác nhau tại hai miền trên bán đảo Hàn Quốc kể từ năm 1948. Sự chia cắt đất nước cũng dẫn đến cuộc chiến tranh Triều Tiên năm 1950. Tháng 1/1968, lính biệt kích Bắc Triều Tiên đã vượt Đường ranh giới quân sự thâm nhập vào gần Phủ Tổng thống ở Seoul, khiến căng thẳng dâng cao.

Tình hình quốc tế thay đổi tạo ra không khí hòa giải liên Triều
Giữa bối cảnh căng thẳng và xung đột trên bán đảo Hàn Quốc sau hiệp định đình chiến, Tuyên bố chung liên Triều 4/7, một bước nhảy vọt lớn trong cho hòa giải liên Triều, đã được công bố. Đó là nhờ những thay đổi của tình hình quốc tế, từ căng thẳng đối đầu sang hòa bình và hòa giải. Năm 1969, Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã công bố Học thuyết Nixon, kêu gọi các đồng minh châu Á phải tự mình đảm trách về phòng vệ quân sự. Kết quả là thời kỳ tan băng trong quan hệ quốc tế được mở ra và không khí hòa giải được xây dựng. Trong chuyến thăm Trung Quốc năm 1972, ông Nixon đã phát biểu rằng nước Mỹ sẽ giảm căng thẳng trên bán đảo Hàn Quốc và thúc đẩy đối thoại. Chính diễn biến mới này đã đưa tới đối thoại liên Triều.

Vượt qua quan điểm khác biệt giữa hai miền và thành quả đạt được
Hai bên đã vượt qua nhiều sự khác biệt về quan điểm trước khi đạt được đối thoại. Theo cựu Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Kang In-deok, một trong những người làm nên Tuyên bố chung liên Triều 4/7, “ngày nào Hàn Quốc cũng có một cuộc giằng co căng thẳng với miền Bắc.” Seoul đã đề xuất hội đàm Chữ thập đỏ năm 1971 để bàn về vấn đề các gia đình bị ly tán trong chiến tranh Triều Tiên nhằm mang đến sức đẩy cho đối thoại song phương. Tuy nhiên, vì gần như không có tiến triển, các cuộc gặp đã biến thành đối thoại mang tính chính trị. Đặc sứ từ Seoul và Bình Nhưỡng đã bí mật đến thăm mỗi nước để gặp nhà lãnh đạo miền Bắc Kim Nhật Thành và Tổng thống Hàn Quốc khi đó là ông Park Chung-hee, đi đến Tuyên bố chung 4/7.

Bước tiến tới chung sống hòa bình
Tuyên bố chung liên Triều 4/7 bao gồm ba nguyên tắc cơ bản cho thống nhất là “độc lập, hòa bình và đoàn kết dân tộc.” Các biện pháp cụ thể gồm có dừng chỉ trích lẫn nhau, tránh xung đột quân sự, khởi động trao đổi song phương, tổ chức hội đàm Chữ thập đỏ, thiết lập một đường dây đàm thoại trực tiếp giữa Seoul và Bình Nhưỡng và một Ủy ban điều phối liên Triều. Lần đầu tiên kể từ khi bị chia cắt, hai miền Nam-Bắc, xuất phát từ nhận thức về tình hình thực tế, đã đặt nền móng cho chung sống hòa bình.

Đối thoại bị dừng lại bởi khác biệt về cách thức thi hành Tuyên bố chung
Giấc mơ thống nhất, vốn vừa được nhen nhóm bởi Tuyên bố chung 4/7, đã không thể kéo dài lâu. Hai miền Nam-Bắc có quan điểm rất khác biệt về các kế hoạch hành động nhằm mục tiêu hòa giải liên Triều như đã được công bố trong Tuyên bố chung. Tình hình ở hai miền cũng gây ra cản trở cho đối thoại. Tháng 10/1972, Hàn Quốc công bố Hiến pháp Duy Tân, và tháng 12 cùng năm, Bắc Triều Tiên ban hành Hiến pháp xã hội chủ nghĩa. Sau đó, các cuộc đàm phán về vấn đề thành viên của hai nước trong Liên hợp quốc đã không thành, và đối thoại liên Triều phải dừng lại.

Những thay đổi trong quan hệ liên Triều kể từ Tuyên bố chung liên Triều 4/7
Tuyên bố chung liên Triều 4/7, thỏa thuận liên Triều đầu tiên kể từ khi bị chia cắt, đã không có được những kết quả như mong đợi. Tuy nhiên, quan hệ liên Triều đã có nhiều thay đổi sau Tuyên bố chung 4/7. Trước đây, các cuộc gặp giữa hai miền chỉ giới hạn trong hội đàm Chữ thập đỏ, giờ đây đối thoại đã mở ra cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế và xã hội. Dù không thu được thành quả rõ rệt, nhưng hai miền đã tạo ra một cột mốc mới cho quan hệ liên Triều hướng tới thống nhất, bởi hai bên đã cùng nhau công bố nguyên tắc cho quan hệ hai miền là “độc lập, hòa bình và đoàn kết dân tộc.”

Lựa chọn của ban biên tập