Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Hội đàm Chữ thập đỏ liên Triều đầu tiên năm 1972

2018-03-15

Vì một bán đảo thống nhất

Hội đàm Chữ thập đỏ liên Triều đầu tiên năm 1972
Những người phải chịu nhiều đau đớn nhất từ sự chia cắt hai miền Nam-Bắc bán đảo Hàn Quốc có lẽ chính là thành viên các gia đình bị ly tán. Chiến tranh Triều Tiên đã kết thúc hơn 60 năm nay, nhưng các gia đình bị ly tán vẫn đang phải chịu đựng nỗi đau chia cách, không gặp lại được những người thân. Nỗ lực để đoàn tụ các gia đình bị ly tán đã bắt đầu từ những năm 1970. Chuyên mục hôm nay sẽ nói về các cuộc hội đàm Chữ thập đỏ liên Triều đầu tiên diễn ra vào năm 1972.

Hội đàm đoàn tụ các gia đình bị ly tán được tổ chức sau 27 năm chia cắt
Vào ngày 30/8/1972, hội đàm Chữ thập đỏ liên Triều đầu tiên đã diễn ra tại Bình Nhưỡng. Vào ngày 12/8/1971, Hội Chữ thập đỏ Hàn Quốc đã đề xuất một cuộc hội đàm với Hội Chữ thập đỏ Bắc Triều Tiên. Hai ngày sau đó, miền Bắc đã chấp nhận lời đề nghị này. Tuy nhiên, hai miền đã tổ chức tới 25 cuộc gặp sơ bộ trong vòng một năm trước khi một phiên họp toàn thể có thể diễn ra.

Chốt chương trình nghị sự tại phiên họp sơ bộ thứ XX
Chương trình nghị sự cuối cùng đã được chốt lại tại phiên họp sơ bộ lần thứ XX, diễn ra vào ngày 16/6/1972. Các vấn đề nổi bật của hội đàm là xác minh địa chỉ, tình trạng còn sống hay đã mất của các gia đình bị ly tán ở cả hai miền, việc các thành viên này được tự do đi lại và đoàn tụ, trao đổi thư từ, sẵn sàng hòa giải, và các vấn đề nhân đạo khác. Sau một năm đàm phán sơ bộ, phái đoàn của Hội Chữ thập đỏ Hàn Quốc đã đến Bắc Triều Tiên cho cuộc gặp lịch sử, 27 năm sau ngày đất nước bị chia cắt.

Bị dừng lại sau 7 vòng đàm phán bởi sự khác biệt về quan điểm
Cuộc hội đàm đầu tiên tại Bình Nhưỡng và thứ hai tại Seoul ngày 13/9 đã diễn ra suôn sẻ và các gia đình rất nôn nóng được gặp lại người thân của mình. Những người dõi theo cuộc hội đàm đã dự đoán về một không khí hòa giải và hòa bình. Tuy nhiên, không khí này đã thay đổi kể từ vòng đối thoại thứ III, được tổ chức ngày 24/10/1972 tại Bình Nhưỡng. Trong khi thảo luận về vấn đề các gia đình bị ly tán, sự khác biệt giữa hai bên ngày càng rõ rệt. Mâu thuẫn ngày một chồng chất, và sau vòng hội đàm thứ VII ngày 13/7/1973 tại Bình Nhưỡng, Bắc Triều Tiên đã tuyên bố dừng đàm phán. Hội đàm Chữ thập đỏ liên Triều lần thứ VIII đã được nối lại năm 1985.

Cuộc đoàn tụ các gia đình trở thành hiện thực năm 1985
Tại vòng đàm phán thứ VIII năm 1985, 12 năm sau vòng đàm phán thứ VII, hai miền Nam-Bắc đã nhất trí nhất trí trao đổi các đoàn các gia đình có thành viên bị ly tán và các đoàn nghệ thuật. Cuộc đoàn tụ các gia đình đầu tiên đã trở thành hiện thực vào tháng 9 năm đó. Tinh thần nhân đạo của cuộc hội đàm đầu tiên vẫn tiếp diễn, và các cuộc đoàn tụ gia đình bị ly tán đã được tổ chức tạm thời tại vòng đàm phán thứ VIII. Tuy nhiên, vấn đề các gia đình bị ly tán vẫn còn đó bởi chưa có được một giải pháp mang tính căn bản.

Nỗ lực nhân đạo đầu tiên kể từ khi bị chia cắt
Hội đàm Chữ thập đỏ liên Triều đầu tiên là một cuộc gặp lịch sử bởi đây là cuộc họp nhân đạo đầu tiên giữa hai miền Nam-Bắc kể từ khi bị chia cắt. Mặc dù bị dừng lại tại cuộc hội đàm thứ VII, nhưng vòng đàm phán thứ VIII, vốn diễn ra 12 năm sau đó, đã biến sự đoàn tụ các gia đình bị ly tán thành hiện thực. Những nỗ lực liên Triều nhằm tiến hành việc đoàn tụ các gia đình bị ly tán vốn được nhất trí tại cuộc hội đàm đầu tiên nên được tiếp tục.


Lựa chọn của ban biên tập