Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Đội tuyển bóng bàn liên Triều tại Giải vô địch bóng bàn thế giới 1991

2018-04-19

Vì một bán đảo thống nhất

Đội tuyển bóng bàn liên Triều tại Giải vô địch bóng bàn thế giới 1991
Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên đã thành lập một đội tuyển chung trong môn khúc côn cầu trên băng tại Thế vận hội mùa đông PyeongChang 2018. Sự hòa hợp giữa các thành viên của đội tuyển cũng như sự cổ vũ của các khán giả hai miền đã truyền đi thông điệp về hy vọng và hòa bình tới toàn thế giới. Lịch sử đội tuyển thể thao liên Triều đã bắt đầu từ năm 1991 khi các vận động viên bóng bàn của hai miền đã cùng sát cánh bên nhau thi đấu. Chúng ta cùng tìm hiểu về đội tuyển liên Triều tại Giải vô địch bóng bàn thế giới năm 1991.

Nhất trí thành lập một đội tuyển liên Triều đầu tiên kể từ khi đất nước bị chia cắt
Vào ngày 12/2/1991, hai tháng trước khi diễn ra Giải vô địch bóng bàn thế giới 1991 tại Chiba, Nhật Bản, Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên đã nhất trí thành lập một đội tuyển hợp nhất sau các cuộc hội đàm song phương tại làng đình chiến của Bàn Môn Điếm. Sau khi lập đội cổ vũ chung cho Đại hội thể thao châu Á được tổ chức tại Bắc Kinh năm 1990, hai miền đã nhất trí thành lập một đội tuyển liên Triều trong môn bóng bàn lần đầu tiên kể từ khi đất nước bị chia cắt. Dưới cái tên “Korea”, đội tuyển hợp nhất này bao gồm 62 thành viên, với 31 người đến từ mỗi bên.

Tiến thẳng vào chung kết chỉ sau một tháng cùng tập luyện
Các vận động viên từ hai miền Nam-Bắc đã gặp nhau lần đầu tiên tại một thành phố thuộc tỉnh Nagano, Nhật Bản vào ngày 26/3/1991, một tháng trước khi khai mạc Giải vô địch bóng bàn thế giới. Vào thời điểm đó Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên đã bị chia cắt 46 năm, nhưng các vận động viên của hai miền đã cùng nhau tập luyện trong bầu không khí rất thân thiện. Sau một tháng tập luyện, họ đã tham gia tranh tài tại giải đấu vào ngày 24/4/1991. Thay vì in hình quốc kỳ của mỗi nước trên ngực áo đồng phục, đội tuyển bóng bàn Korea khi đó in hình bán đảo Hàn Quốc thống nhất màu xanh. Đội tuyển bao gồm Hyun Jung-hwa và Hong Cha-ok của Hàn Quốc và Ri Pun-hui cùng Ryu Soon-bok của Bắc Triều Tiên đã liên tục thắng và lọt vào tới tận vòng chung kết nội dung đồng đội nữ. Nhưng tại trận đấu quan trọng này, đội tuyển liên Triều phải đối mặt với Trung Quốc, một đội tuyển bất bại vốn đã liên tục đăng quang tại tám Giải vô địch bóng bàn thế giới.

Chiến thắng một cách ngoạn mục để giành tấm huy chương vàng
Vận động viên Ri Pun-hui của Bắc Triều Tiên đã rất vất vả thi đấu tại trận chung kết do căn bệnh viêm gan. Đây là thời điểm khó khăn nhất của đội tuyển bóng bàn liên Triều. Tuy nhiên, đội tuyển đã vượt qua mọi khó khăn để chiến thắng Trung Quốc một cách ngoạn mục trong trận chung kết vào ngày 26/4. Trong vòng đầu viên, vận động viên Ryu Soon-bok, người thay thế cho Ri Pun-hui, đã đánh bại Đặng Á Bình (Deng Yaping), tay vợt xếp số một thế giới khi đó. Tại vòng thứ hai, Hyun Jung-hwa đã đánh bại tay vợt đứng thứ hai thế giới Cao Quân (Gao Jun). Tuy vậy, họ đã thất thủ trước Trung Quốc trong các hiệp đấu sau đó, dẫn đến kết quả hai thắng và hai thua. Trận đấu đã phải đi đến hiệp phụ quyết định. Sau khi giằng co tại vòng thứ 5 và vòng cuối, tay vợt Ryu Soon-bok của đội tuyển liên Triều đã đánh bại Cao Quân Trung Quốc với tỷ số 2-0. Sau bốn giờ đồng hồ của trận chung kết đầy căng thẳng, đội tuyển liên Triều đã giành huy chương vàng tại nội dung đồng đội nữ.

Không thể thành lập đội tuyển liên Triều sau 27 năm
Đêm cuối cùng trước khi đội tuyển phải giải thể, vận động viên Hyun Jung-hwa đã tặng cho Ri Pun-hui một chiếc nhẫn như một biểu tượng của tình bạn. Hyun đã hy vọng rằng có thể sớm gặp lại người đồng đội miền Bắc khi xưa tại những cuộc thi đấu khác. Nhưng đội tuyển bóng bàn liên Triều đã không hề được tái thành lập suốt 27 năm sau đó. Sau 27 năm, một đội tuyển hợp nhất hai miền nữa đã được thành lập tại Thế vận hội mùa đông PyeongChang vừa qua. Đội tuyển bóng bàn liên Triều, đội tuyển đã đánh bại Trung Quốc để giành lấy tấm huy chương vàng danh giá năm 1991, và đội tuyển chung trong môn khúc côn cầu trên băng tại Thế vận hội mùa đông PyeongChang năm nay đã cho chúng ta một bài học rằng thể thao sẽ giúp vượt qua những rào cản ý thức hệ và đưa hai miền Nam-Bắc sát lại gần nhau.

Lựa chọn của ban biên tập