Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên cùng gia nhập Liên hợp quốc năm 1991

2018-04-26

Vì một bán đảo thống nhất

Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên cùng gia nhập Liên hợp quốc năm 1991

Bầu không khí hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc đang được lan tỏa trước thềm Hội nghị thượng đỉnh liên Triều và Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều. Kỳ vọng về hòa giải và hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc đang cao hơn bao giờ hết. Liên hợp quốc là tổ chức quốc tế lớn nhất được thành lập với mục tiêu ngăn ngừa chiến tranh và duy trì hòa bình trên thế giới. Chúng ta cùng nhìn lại bối cảnh năm 1991 khi Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên cùng nhau gia nhập tổ chức quốc tế này.


Sau nhiều lần gia nhập riêng rẽ không thành, hai miền cùng nhau gia nhập Liên hợp quốc


Kỳ họp thứ ba của Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 1948 đã công nhận Hàn Quốc là Chính phủ hợp pháp duy nhất trên bán đảo Hàn Quốc. Kể từ năm 1949, Hàn Quốc đã nhiều lần đăng ký làm thành viên của Liên hợp quốc nhưng đều bị từ chối do sự phủ quyết của Liên Xô, một thành viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Bắc Triều Tiên cũng nỗ lực để có được một ghế thành viên Liên hợp quốc vào tháng 2/1949 nhưng rất ít các quốc gia, trừ Liên Xô, ủng hộ Bình Nhưỡng. Hàn Quốc hy vọng có thể một mình gia nhập Liên hợp quốc trước nhằm tham gia vào các hoạt động của cộng đồng quốc tế như một quốc gia bình thường. Nhưng Bắc Triều Tiên lại phản đối ý tưởng này, bởi Bình Nhưỡng khăng khăng việc hai miền sẽ trở thành thành viên của tổ chức trên như một quốc gia thống nhất. Liên Xô và Trung Quốc, vì ủng hộ lập trường của Bắc Triều Tiên, đã cản trở ghế thành viên Liên hợp quốc của Hàn Quốc. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Hàn Quốc đã bình thường hóa quan hệ với Liên Xô năm 1991, và với khả năng bình thường hóa quan hệ Hàn-Trung năm 1992, Liên Xô và Trung Quốc đã quyết định không phủ quyết Hàn Quốc trở thành thành viên của tổ chức này. Vào ngày 17/9/1991, hai miền Nam-Bắc đã cùng lúc gia nhập Liên hợp quốc.


Thành quả Chính sách phương Bắc của chính phủ Hàn Quốc


Việc cả hai miền Nam-Bắc cùng gia nhập Liên hợp quốc có thể xem là một thành quả của Chính sách phương Bắc được chính phủ Hàn Quốc theo đuổi. Seoul đã công bố Tuyên bố 7/7 năm 1988 và bắt đầu tiến hành chính sách phương Bắc nhằm cải thiện quan hệ với Bắc Triều Tiên và mở rộng cánh cửa ngoại giao với các quốc gia trong khối Cộng sản. Kết quả là, Hàn Quốc đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Hungary vào ngày 1/2/1989, đánh dấu lần đầu tiên Seoul có quan hệ ngoại giao với một nước cộng sản, và bình thường hóa quan hệ với Liên Xô năm 1990. Bình thường hóa quan hệ sau 86 năm kể từ khi chấm dứt hiệp định thương mại Nga-Triều năm 1904, Mat-xcơ-va đã ủng hộ Seoul có được ghế thành viên của Liên hợp quốc. Trung Quốc cũng đã quyết định không phủ quyết Hàn Quốc trở thành thành viên của tổ chức này. Vào tháng 5/1991, Bắc Triều Tiên công bố rằng nước này sẽ rút khỏi lập trường trước đây về việc ủng hộ một ghế duy nhất của bán đảo Hàn Quốc vào Liên hợp quốc. Hai tháng sau, miền Bắc đã nộp đơn gia nhập tổ chức này. Hàn Quốc cũng nộp đơn vào tháng 8. Vào tháng 9, kỳ họp thứ 46 Đại hội đồng Liên hợp quốc đã cùng lúc chấp nhận cả hai miền Nam-Bắc.


Công nhận sự khác biệt và mở đường cho hợp tác


Việc hai miền Nam-Bắc cùng lúc gia nhập Liên hợp quốc có ý nghĩa biểu tượng bởi nó đã xoa dịu căng thẳng trên báo đảo Hàn Quốc vốn đã kéo dài kể từ khi đất nước bị chia cắt. Hai bên đã công nhận lẫn nhau như một quốc gia và mở ra một thời kỳ mới của hợp tác liên Triều, đồng thời chấm dứt các tranh cãi về việc ai là Chính phủ hợp pháp duy nhất trên bán đảo Hàn Quốc. Điều này không có nghĩa là Hàn Quốc sẽ từ bỏ sự nghiệp thống nhất. Thay vào đó, hai miền đã cam kết đối thoại và hợp tác vì mục tiêu thống nhất, và thừa nhận rằng sẽ cùng lúc vừa cạnh tranh vừa hợp tác khi cần thiết trên vũ đài quốc tế.


Chương trình hạt nhân của miền Bắc đe dọa tới hòa bình


Với việc hai miền Nam-Bắc cùng nhau gia nhập Liên hợp quốc, bầu không khí của hòa bình và hợp tác đã được duy trì trong một khoảng thời gian. Vào ngày 13/12/1991, Seoul và Bình Nhưỡng đã ký kết Thỏa thuận cơ bản liên Triều, đặt nền móng cho tương lai thống nhất trong hòa bình. Tuy nhiên, Bắc Triều Tiên đã rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) năm 1993, đe doạ đến an ninh trên bán đảo Hàn Quốc và thế giới. Hậu quả là Liên hợp quốc liên tục áp đặt các lệnh trừng phạt với nước này. Để có được hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc, mối đe dọa hạt nhân miền Bắc cần phải được xóa bỏ trước nhất. Một khi sự đe dọa nhân bị gỡ bỏ, các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc với Bình Nhưỡng có thể được giảm nhẹ và các biện pháp tiến tới hòa giải liên Triều và thống nhất sẽ được bắt đầu. Hội nghị thượng đỉnh liên Triều và Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều đang thu hút được sự chú ý toàn cầu bởi các kỳ vọng về việc Bắc Triều Tiên sẽ xóa bỏ mối đe dọa hạt nhân và trở thành một thành viên của cộng đồng quốc tế, mở ra một chương mới cho hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc và thế giới.

Lựa chọn của ban biên tập