Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Trao trả Lee In-mo, cựu điệp viên và tù nhân dài hạn không chịu cải tạo người Bắc Triều Tiên

2018-05-10

Vì một bán đảo thống nhất

Trao trả Lee In-mo, cựu điệp viên và tù nhân dài hạn không chịu cải tạo người Bắc Triều Tiên
Kể cả sau chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), những tù nhân dài hạn người Bắc Triều Tiên không chịu cải tạo vẫn sinh sống tại miền Nam. Bộ phim tài liệu có nhan đề “Trao trả” đã khắc họa cuộc đời của các tù nhân dài hạn người Bắc Triều Tiên không chịu cải tạo và quá trình trao trả họ cho miền Bắc. Bộ phim gây sự chú ý của thế giới về vết thương của sự chia cắt bán đảo Hàn Quốc, cũng như chủ nghĩa nhân đạo khi giành giải Tự do Thể hiện (Freedom of Expression) tại Liên hoan phim Sundance tổ chức tại Mỹ năm 2004. Trên thực tế, Hàn Quốc cũng từng nỗ lực giải quyết vấn đề tù nhân dài hạn trước khi bộ phim được ra mắt. Hãy cũng tìm hiểu về quá trình trao trả cho miền Bắc ông Lee In-mo, một cựu điệp viên và tù nhân người Bắc Triều Tiên không chịu cải tạo vào năm 1993.

Tuyên bố trao trả Lee In-mo sau khi Kim Young-sam trở thành tổng thống
Tổng thống Kim Young-sam đã đề xuất sự thay đổi táo bạo này trong lễ nhậm chức vào ngày 25/2/1993 khi tuyên thệ trở thành Tổng thống thứ XIV của Hàn Quốc. Ông tuyên bố chính sách xích lại gần Bắc Triều Tiên nhằm thích ứng với trật tự thời hậu chiến tranh lạnh và thúc đẩy hòa bình trong khu vực. Vào ngày 11/3, Seoul đã công bố quyết định trao trả Lee In-mo cho miền Bắc với hy vọng cải thiện quan hệ liên Triều, bắt đầu bằng việc giải quyết các vấn đề nhân đạo. Ông Lee In-mo, một phóng viên chiến tranh người Bắc Triều Tiên trong chiến tranh Triều Tiên, đã bị bắt giữ tại Hàn Quốc trong vòng 34 năm, kể từ năm 1952 vì dính líu vào các hoạt động của phe cộng sản ở miền Nam. Lúc đó, Lee ở trong độ tuổi 30, và mãi tới năm 1988, khi đã 72 tuổi, ông này mới được thả ra. Bắc Triều Tiêu đã yêu cầu phía Hàn Quốc trao trả ông Lee tại các cuộc hội đàm cấp cao liên Triều năm 1991. Nhưng việc trao trả các tù nhân dài hạn không chịu cải tạo là một vấn đề nhạy cảm, vốn liên quan đến các tù nhân chiến tranh người Hàn Quốc đang bị giam giữ tại miền Bắc, cũng như các công dân Hàn Quốc bị Bắc Triều Tiên bắt cóc. Trong cuộc gặp đầu tiên giữa Phó Thủ tướng phụ trách các vấn đề thống nhất Han Wan-sang và Tổng thống Kim Young-sam, ý định trao trả ông Lee đã được đề xuất, nhằm mục tiêu giải quyết vấn đề nhân đạo và cải thiện quan hệ liên Triều.

Bắc Triều Tiên rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT)
Ngày 12/3/1993, Bắc Triều Tiên đã tuyên bố rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Động thái bất ngờ này của Bình Nhưỡng là một cú sốc lớn đối với những người đang chờ đợi bầu không khí hòa giải liên Triều. Hàn Quốc đã tin rằng việc trao trả Lee In-mo có thể thuyết phục Bắc Triều Tiên thay đổi. Nhưng với sự ủng hộ của những người theo đường lối cứng rắn, người kế thừa hiển nhiên ở miền Bắc Kim Jong-il đã rút khỏi Hiệp ước NPT để chọn phát triển vũ khí hạt nhân. Bởi vấn đề hạt nhân miền Bắc, tình hình bán đảo Hàn Quốc lại trở nên căng thẳng, và kế hoạch trao trả của Seoul dường như đã bị gạt đi.

Đẩy mạnh chính sách nhân đạo bất chấp sự khiêu khích của miền Bắc
Bất chấp lối hành xử gây sốc của Bình Nhưỡng, như việc rút khỏi Hiệp ước NPT, chính phủ Hàn Quốc vẫn đẩy mạnh chính sách nhân đạo với miền Bắc. Vào ngày 19/3/1993, việc trao trả Lee In-mo đã diễn ra tại phòng hội thảo của Hội đồng Giám sát các nước trung lập (NNSC) tại làng đình chiến, Bàn Môn Điếm. Ông Lee đã trở về quê nhà trong vòng tay gia đình sau 43 năm. Người tù nhân dài hạn đầu tiên được trao trả cho miền Bắc này đã qua đời vào năm 2007.

Trao trả 63 tù nhân dài hạn không chịu cải tạo năm 2000
Sau khi miền Nam trao trả ông Lee In-mo cho miền Bắc, mối đe dọa hạt nhân Bình Nhưỡng đã khiến tình hình trên bán đảo Hàn Quốc căng thẳng. Tuy nhiên, nhờ bước ngoặt trong việc trao trả ông Lee In-mo, 63 tù nhân dài hạn không chịu cải tạo đã được trao trả cho miền Bắc vào tháng 9/2000 thông qua Tuyên bố 15/6 giữa Tổng thống Kim Dae-jung và Chủ tịch Kim Jong-il. Việc trao trả ông Lee In-mo được xem như một thành tựu đầy ý nghĩa, thành quả đầu tiên trong giải pháp nhân đạo của chính phủ Hàn Quốc nhằm hàn gắn vết thương của sự chia cắt.

Lựa chọn của ban biên tập