Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Phần 31: Nhóm nhạc Seo Tai-ji và Boys khuấy động văn hóa đại chúng Hàn Quốc thập niên 1990

2015-08-18

Phần 31: Nhóm nhạc Seo Tai-ji và Boys khuấy động văn hóa đại chúng Hàn Quốc thập niên 1990
[Nhóm nhạc Seo Tai-ji và Boys thử nghiệm với rap]
Vào tháng 3 năm 1992, nhóm nhạc Seo Tai-ji và Boys do chàng trai vừa tròn 20 tuổi Seo Tai-ji đứng đầu đã ra mắt công chúng với bài hát “Tôi biết rồi”. Nhóm nhạc Seo Tai-ji và Boys gồm ba thành viên là Seo Tai-ji, Lee Ju-no và Yang Hyun-suk đã phô diễn những điệu nhảy sôi động trên nền nhạc điện tử nhanh và mạnh. Khác với tiếng Anh, tiếng Hàn có cấu trúc phát âm với nhiều âm bật và phụ âm cuối nên có ý kiến cho rằng rất khó có thể đọc rap bằng tiếng Hàn. Nhưng nhóm Seo Tai-ji và Boys đã phá vỡ định kiến này bằng những bản rap đầy ấn tượng. Những thanh niên trẻ thời đó đã bị hút hồn bởi thứ âm nhạc mới kết hợp giữa rap với vũ đạo trên nền nhạc cụ điện tử dồn dập đó. Có thể nói, thử nghiệm đầy mới mẻ của nhóm Seo Tai-ji và Boys đã mở ra một bước ngoặt mới cho âm nhạc đại chúng Hàn Quốc.

[Phản ứng trái ngược của các thế hệ]
Nhóm Seo Tai-ji và Boys đã trở thành biểu tượng của văn hóa thời đại mới trong những năm 1990. Nhưng làng nhạc thời đó nói riêng và lớp người thế hệ cũ nói chung lại tỏ thái độ tương đối lạnh nhạt trước sự xuất hiện của nhóm nhạc mới phá cách này. Thế hệ cũ vốn đã quen thuộc với những giai điệu ballad và giai điệu nhạc đệm ghi-ta nhẹ nhàng nên họ không dễ lọt tai những bài hát, những bản nhạc rap tiết tấu nhanh, mạnh và những màn vũ đạo rực lửa làm nóng bầu không khí sàn diễn. Sau đây là hồi tưởng của một số người: “Vào thời điểm đó, nhiều người cho rằng những sản phẩm của nhóm Seo Tai-ji và Boys chẳng giống bài hát chút nào, rằng họ chẳng có tài năng gì cả còn trang phục thì phản cảm. Và không thể hiểu sao tụi trẻ có thể say mê một nhóm nhạc tầm thường như thế. Do họ thử nghiệm một thể loại âm nhạc mới, khác hoàn toàn so với âm nhạc trước đó, nên đã nhận được những phản ứng trái chiều. Phong cách ăn mặc và vũ đạo của họ cũng phá cách đầy mới mẻ, có thể nói là xa lạ với nhiều người thời đó.”Lần đầu tiên nghe thể loại âm nhạc đó, tôi đã cảm thấy vô cùng ngạc nhiên vì nó thiên về giai điệu nhiều hơn, khác hoàn toàn với âm nhạc truyền thống vốn chú trọng ca từ.

Nhưng giới trẻ lại tiếp nhận một cách nồng nhiệt với thể loại nhạc mới này. Sau ca khúc “Tôi biết rồi”, một ca khúc khác của nhóm mang tên “Em trong tưởng tượng” lại tiếp tục chiếm lĩnh sân khấu và trở thành ca khúc nằm lòng của thế hệ trẻ. Những buổi biểu diễn của Seo Tai-ji và Boys đã thu hút một lượng lớn khán giả trẻ dưới 20 tuổi. Không chỉ vậy, những người hâm mộ còn lập ra câu lạc bộ riêng để biểu lộ tình yêu vô hạn đối với thần tượng của mình. Chỉ sau một thời gian, nhóm nhạc Seo Tai-ji và Boys trở thành ngôi sao hàng đầu trong làng giải trí Hàn Quốc.

[Seo Tai-ji và Boys tượng trưng văn hóa thế hệ mới những năm 1990]
Hai ca khúc “Tôi biết rồi” và “Em trong tưởng tượng” của nhóm ra đời cùng năm 1992 đã đạt được kỷ lục đáng kinh ngạc khi giữ vị trí quán quân trong bảng xếp hạng âm nhạc các đài truyền hình trong suốt năm tuần và bảy tuần liên tiếp. Không những thế, đĩa nhạc đầu tay của nhóm cũng lập kỷ lục đối với nhóm nhạc mới với con số 1,8 triệu đĩa được bán ra thị trường. Phần lớn số người tiêu thụ sản phẩm là lực lượng thanh thiếu niên hùng hậu lúc bấy giờ. Đó là vì những ca khúc của nhóm đã đánh trúng tâm lý của giới trẻ, khiến họ cảm giác như những bài hát đó là dành riêng cho mình. Giáo sư Kim Chang-nam của khoa Báo chí truyền thông thuộc trường Đại học SungKongHoe nói, hiện tượng này báo hiệu về sự hình thành một thế hệ mới trong xã hội Hàn Quốc. “Giới trẻ thời đó khác xa với thế hệ trước xét trên nhiều phương diện. Họ lớn lên trong một thế giới thông tin hóa, toàn cầu hóa, đồng thời được hưởng những thành quả của chủ nghĩa dân chủ lúc bấy giờ. Họ chú trọng đề cao cái Tôi, luôn có nhu cầu phải thể hiện tích cực cái Tôi của mình thông qua các sản phẩm văn hóa mà không phải e ngại. Chính điều đó đã tác động và làm nên một làn sóng văn hóa thời đại mới trong thập niên 1990.”

Giới trẻ bấy giờ rất cuồng nhiệt với Seo Tai-ji và Boys và tung hô nhóm nhạc này như là “tổng thống của văn hóa”, người đã thổi làn gió mới vào âm nhạc đại chúng vốn trước đó chỉ dành cho dòng nhạc ballad trữ tình sướt mướt và trot, mang âm hưởng truyền thống Hàn Quốc. “Thời bấy giờ mọi người chủ yếu nghe nhạc trot hoặc ballad, nhưng sự xuất hiện của Seo Tai-ji và Boys đã mở ra một chân trời mới cho thị trường âm nhạc. Điều đó cũng tạo thuận lợi cho nhiều thể loại âm nhạc khác nữa ra đời sau này. Tôi đã rất ấn tượng vì những nhịp điệu đặc trưng của nhạc pop Mỹ lại được kết hợp tuyệt vời với ca từ, âm nhạc Hàn Quốc như vậy. Âm nhạc của họ khác biệt hoàn toàn với những gì đã có trước đó. Chính sự đột phá và nỗ lực không ngừng như vậy đã khiến nhóm được tôn vinh là “Tổng thống của văn hóa" và "thiên tài âm nhạc".”

Nhờ đội ngũ hâm mộ cuồng nhiệt này, tới năm 1992, Seo Tai-ji và Boys đã càn quét hầu hết các bảng xếp hạng, các giải thưởng âm nhạc và trở thành nhóm nhạc hàng đầu của làng giải trí Hàn Quốc.

[Âm nhạc Seo Tai-ji và Boys ảnh hưởng văn hóa đại chúng và văn hóa thanh thiếu nhiên Hàn Quốc]
Tầm ảnh hưởng của Seo Tai-ji và Boys không chỉ giới hạn trong lĩnh vực âm nhạc. Những bộ đồ họ mặc như chiếc áo lấp lánh màu dạ quang, quần đũng rộng, những chiếc mũ lưỡi trai đội ngược chưa bóc thương hiệu…đã nhanh chóng trở thành thời trang thịnh hành của giới trẻ lúc bấy giờ. Giáo sư Kim Chang-nam đánh giá rằng sự xuất hiện của Seo Tai-ji và Boys đã đưa đến bước chuyển đổi mạnh mẽ cho nền văn hóa đại chúng của Hàn Quốc: “Sự xuất hiện của nhóm “Seo Tai-ji và Boys” vào năm 1992 đã làm chuyển hướng toàn bộ dòng chảy của văn hóa đại chúng sang một nền văn hóa mới với trọng tâm là tầng lớp thanh thiếu niên. Đặc biệt, thời điểm ra đời của nhóm nhạc này cũng là lúc mà nền chính trị quân sự chấm dứt, và một kỷ nguyên mới của chính phủ dân chủ vì dân đang mở ra. Do vậy, Seo Taiji và Boys đã thực sự trở thành một biểu tượng thể hiện sự khát khao của thế hệ trẻ về một nền văn hóa mới phù hợp với họ hơn.”

Thủ lĩnh của nhóm nhạc Seo Tai-ji và Boys là Seo Tai-ji, một chàng trai sinh năm 1972. Năm 17 tuổi, khi mới là học sinh lớp 11, anh đã tham gia vào ban nhạc rock Sinawe với vai trò người chơi guitar bass. Trong ba năm biểu diễn, anh đã tích luỹ nhiều kinh nghiệm sân khấu để chuẩn bị cho thành công sau này. Seo Tai-ji thậm chí đã bỏ học vì sự nghiệp âm nhạc. Anh tâm sự: “Từ năm lớp 10, tôi đã suy nghĩ là sẽ chọn âm nhạc làm nghề nghiệp tương lai của mình. Và thành tích học tập của tôi khi đó không tốt, nên tôi đã bỏ ý định vào đại học. Tất nhiên nếu có trường đại học dạy về nhạc metal rock hay rap thì chắc chắn tôi sẽ theo học, nhưng không có trường nào dạy cả vì vậy tôi phải tự tìm tòi, học hỏi về các loại nhạc này. Quyết định của tôi khi đó đã khiến bố mẹ tôi rất lo lắng và tôi phải khổ sở trăn trở nhiều phương cách để thoả hiệp được với bố mẹ. Nhưng đến nay, thực tế đã chứng minh rằng sự lựa chọn của tôi là đúng đắn. Tôi muốn tạo ra thứ âm nhạc cá tính, độc nhất trên thế giới. Âm nhạc của chúng tôi là sự kết hợp của nhiều thể loại khác nhau, đây cũng chính là điều mà tôi muốn làm.”

Quyết định từ bỏ việc thi vào đại học để theo đuổi âm nhạc và thành công của Seo Tai-ji đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều thanh thiếu niên Hàn Quốc đang phải vắt kiệt sức cho kỳ tuyển sinh vào đại học. Ước mơ của Seo Tai-ji là tạo ra một thứ âm nhạc mang bản sắc riêng, với lời ca và giai điệu do chính mình tự sáng tác đã trở thành hiện thực với album thứ hai của anh được phát hành vào tháng 6 năm 1993.

[Các album mang tính thử nghiệm và ý nghĩa xã hội]
Ca khúc chính trong album này mang tên Hayeoga, một tác phẩm mang tính thử nghiệm, cho thấy sự biến hóa âm nhạc kỳ diệu của Seo Tai-ji và Boys. Đó là sự tổng hòa hoàn hảo của rap, hip hop trên nền ghi-ta điện mạnh mẽ, hoà quyện với âm thanh da diết của kèn bầu Taepyeongso, một loại nhạc khí truyền thống của Hàn Quốc. Nhà bình luận âm nhạc đại chúng Ha Sae-min nhận xét: “Một điểm đặc biệt trong âm nhạc của Seo Tai-ji và Boys không chỉ là sự kết hợp của riêng các yếu tố nước ngoài mà còn kết hợp thử nghiệm cả với âm thanh vui nhộn của nhạc cụ dân tộc. Nhờ đó, họ đã nhận được nhiều đánh giá tốt và được ca ngợi là một nhóm nhạc của quốc dân.”

Album thứ hai với sự thử nghiệm mới mẻ đầy sáng tạo đã lập kỷ lục bán ra tới 2,1 triệu bản và được các nhà phê bình chọn vào danh sách 100 album âm nhạc đại chúng Hàn Quốc hay nhất. Vào tháng 8 năm 1994, Seo Tai-ji và Boys đã cho ra đời album thứ ba với tựa đề “Mơ về vương quốc Balhae”. Bài hát nói về sự chia cắt của bán đảo Hàn Quốc, thể hiện mơ ước về một ngày thống nhất trong tương lai. Đây giống như một tuyên ngôn của nhóm rằng âm nhạc của mình không chỉ đơn thuần là giải trí mà còn mang nhiều ý nghĩa hơn thế. Một bài hát khác trong album thứ ba mang tên "Ý thức hệ trong lớp học” chứa đựng thông điệp xã hội mạnh mẽ khi phê phán phương thức giáo dục đồng dạng của Hàn Quốc đương thời. Những nội dung mang tính phê phán hiện thực như vậy lại tiếp tục xuất hiện trong bài hát “Come back home” nằm trong album thứ tư phát hành vào tháng 10 năm 1995. Bài hát này thuộc thể loại “gangster rap”, một loại hình âm nhạc rất mới lúc đó, gửi thông điệp đến những thanh thiếu niên bỏ nhà ra đi. Ngay từ khi phát hành, album đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của nhiều người và đạt kỷ lục bán ra lên tới 2,4 triệu đĩa nhạc, trong đó chỉ riêng tuần đầu tiên đã tiêu thụ được hơn 1 triệu đĩa. Giống như các album trước của nhóm Seo Tai-ji và Boys, các bài hát trong album mới này đã nhanh chóng chiếm lĩnh bảng xếp hạng của các đài truyền hình. Thậm chí, sản phẩm âm nhạc này còn trở thành hiện tượng lạ khi thống kê cho thấy có nhiều thanh thiếu niên bỏ nhà đã trở về nhà sau khi nghe bài hát này.

[Seo Tai-ji và Boys giải tán vào thời đỉnh cao phong độ]
Vào ngày 31/1/1996, khi đang ở trên đỉnh cao phong độ, Seo Tai-ji và Boys đột nhiên tuyên bố giải tán. Sự tan rã đột ngột của nhóm đã khiến nhiều người hâm mộ trẻ cảm thấy bị sốc. Rất nhiều fan thậm chí còn rủ nhau đi bộ đến nhà của các thành viên trong nhóm để phản đối quyết định giải tán này. Có thể nói Seo Tai-ji và Boys đã tạo ra một cuộc cách mạng trong lịch sử văn hóa đại chúng nói chung và nền âm nhạc của Hàn Quốc nói riêng. Kể từ ngày ra mắt cho đến ngày giã từ giới âm nhạc, hình ảnh của Seo Tai-ji và Boys đã và vẫn mãi luôn đọng lại trong tâm trí của những người yêu nhạc với danh hiệu là “tổng thống của văn hóa”. Nhà bình luận âm nhạc Kang heon cho biết: “Nhóm nhạc Seo Tai-ji và Boys đã tạo nên bước ngoặt trong lịch sử âm nhạc đại chúng Hàn Quốc, cụ thể là đưa nền âm nhạc đại chúng vốn thiên về những giai điệu nhẹ nhàng, coi trọng ca từ chuyển sang coi trọng ấn tượng thị giác với sự kết hợp giữa thể loại nhạc ráp và vũ đạo. Nói cách khác là nền âm nhạc đó giờ đây đã chuyển sang lấy đối tượng khán giả trẻ (dưới 20 tuổi) làm trung tâm. Và âm nhạc đại chúng từ đó mới có tính xã hội, tức là gắn liền với những vấn đề nóng bỏng của xã hội. Seo Tai-ji và Boys đã tạo ra một làn sóng âm nhạc kèm vũ đạo thống lĩnh thị trường âm nhạc đến năm 1994. Từ sau đó thì dòng nhạc reggae trở nên thịnh hành với sự xuất hiện của ca sĩ Kim Gun-mo. Có thể nói, âm nhạc kèm vũ đạo trên nền nhạc cụ điện tử, với khởi đầu là nhạc ráp, đến reggae và sau này là nhạc do công ty sản xuất đã trở thành xu hướng chủ đạo của thập niên 1990. Và đi cùng với đó là sự xuất hiện của nhiều tên tuổi nhạc sĩ, ca sĩ lừng lẫy.”

“Seo Tai-ji và Boys là những người tiên phong của âm nhạc Hàn Quốc. Họ đã nỗ lực thử nghiệm những cái mới và từ đó tạo nên một xu hướng âm nhạc. Họ thực sự tạo bước đột phá, khi đã kết hợp thể loại rap với âm nhạc truyền thống Hàn Quốc. Tôi cho rằng âm nhạc đại chúng Hàn Quốc có thể được phân chia làm hai giai đoạn là trước và sau Seo Tai-ji.”

Lựa chọn của ban biên tập