Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Phần 38: Hai miền Nam-Bắc tiến tới hòa giải và hợp tác

2015-10-06

Phần 38: Hai miền Nam-Bắc tiến tới hòa giải và hợp tác
[Hội nghị thượng đỉnh liên Triều đầu tiên sau 50 năm chia cắt]
Một bước ngoặt lịch sử đã diễn ra trên bán đảo Hàn Quốc vào ngày 13 tháng 6 năm 2000. Lần đầu tiên kể từ sau khi đất nước bị chia cắt, lãnh đạo của hai miền Nam-Bắc đã có cuộc gặp mặt lịch sử tại thủ đô Bình Nhưỡng của Bắc Triều Tiên. Đây là cuộc gặp đầu tiên trong 55 năm kể từ năm 1945. Nhà lãnh đạo của hai miền đã bắt tay và ôm nhau thắm thiết trên thảm đỏ trải tại sân bay quốc tế Sunan (Bình Nhưỡng) trong sự chào đón nồng nhiệt của người dân Bắc Triều Tiên. Cuộc gặp thượng đỉnh này cũng khiến cả thế giới phải hồi hộp dõi theo với niềm hy vọng tràn ngập. Tin tức về cuộc gặp thượng đỉnh giữa Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên sau hơn nửa thế kỷ bị chia cắt đã được phát trực tiếp trên kênh truyền hình của Hàn Quốc. Đây là một tin vui đối với những người con xa quê hương, những gia đình có người thân bị thất lạc, ly tán bởi chiến tranh. Trong nhiều năm, những con người ấy lúc nào cũng mong mỏi Chính phủ triển khai lại một chương trình mang tên “Đến thăm quê hương các gia đình bị ly tán” diễn ra vào năm 1985 nhưng bị gián đoạn giữa chừng. Và giờ đây tâm nguyện ấy đã có cơ sở để trở thành hiện thực.

[Tuyên bố chung 15/6]
Sự chú ý của dư luận trong và ngoài nước đối với cuộc hội đàm thượng đỉnh liên Triều lên đến đỉnh điểm khi vào lúc 11 giờ 20 phút tối ngày 14 tháng 6 năm 2000, lãnh đạo hai miền đã ký tên mình vào Tuyên bố chung 15/6. Cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều đầu tiên diễn ra trong ba ngày và kết thúc bằng Tuyên bố chung 15/6 có thể coi là một bước ngoặt đầy ý nghĩa trong lịch sử mối quan hệ giữa hai miền Nam-Bắc. Ông Jeon Hyun-jun, Viện trưởng Viện nghiên cứu hợp tác hòa bình Đông Bắc Á, phân tích về ý nghĩa của cuộc hội đàm năm 2000 này: “Đây là cuộc hội đàm liên Triều đầu tiên trong lịch sử. Mặc dù trước đó hai miền đã từng đưa ra Tuyên bố chung vào ngày 4/7/1972 nhưng khi đó người ký vào bản tuyên bố chỉ là người ủy nhiệm từ lãnh đạo tối cao hai miền. Phải đến năm 2000 thì người đứng đầu chính quyền hai bên mới có cuộc gặp mặt trực tiếp, cùng nhau thảo luận và cùng ký vào Tuyên bố chung với sự nhất trí cao. Cuộc gặp này không chỉ dừng lại ở việc hứa hẹn đối thoại và hợp tác trên nhiều phương diện, mà còn nêu bật những thành quả đã đạt được và khẳng định hai miền có thể tự giải quyết được những vấn đề của mình, tạo tiền lệ cho những cuộc gặp sau này.”

[Thế giới hết sức ủng hộ hội đàm liên Triều]
Nhiều nước trên thế giới, trong đó có Mỹ và Trung Quốc, đều dõi theo từng diễn tiến của cuộc gặp mặt liên Triều lịch sử này và nhanh chóng gửi lời chúc mừng về kết quả đạt được. Bộ Ngoại giao Trung Quốc phát biểu rằng thành công của hội đàm thượng đỉnh liên Triều này đã đóng góp rất lớn vào sự ổn định và hòa bình của bán đảo Hàn Quốc. Còn Tổng thống Mỹ khi đó là ông Bill Clinton thì cho rằng mặc dù còn sớm để nói về vấn đề thống nhất bán đảo Hàn Quốc nhưng Tuyên bố chung 15/6 đem đến một tia hy vọng mới. Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo của Nhật Bản và Nga cũng như các nước khác đều gửi lời chúc mừng sự kiện thành công. Thậm chí Hội nghị thượng đỉnh liên Triều được hãng tin AP bình chọn đứng thứ năm trong 10 tin tức nổi bật nhất trên thế giới vào năm 2000.

[Hai miền Nam-Bắc nỗ lực hòa giải sau chiến tranh]
Thành quả có được như vậy là nhờ những nỗ lực của cả hai phía nhằm đi đến hòa giải và hợp tác sau một thời gian dài chiến tranh lạnh. Sau khi chiến tranh Triều Tiên kết thúc vào năm 1953, hai miền Nam-Bắc đã duy trì quan hệ đối địch nhưng cục diện đó đã có chuyển biến tích cực sau Tuyên bố chung liên Triều được đưa ra vào ngày 4/7/1972. Viện trưởng Jeon Hyeon-jun giải thích: “Có thể nói Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên buộc phải ra tuyên bố chung do chịu nhiều áp lực của dư luận quốc tế. Tổng thống Mỹ Richard Nixon khi đó đã đưa ra Học thuyết Nixon, trong đó nhấn mạnh những vấn đề của châu Á thì châu Á phải tự giải quyết. Theo đó, Washington đã kêu gọi Seoul thúc đẩy đàm phán với Bình Nhưỡng. Cùng với đó, Trung Quốc với mong muốn cải thiện quan hệ với Mỹ, cũng khuyến khích Bắc Triều Tiên đối thoại với Hàn Quốc. Do đó, Tuyên bố chung ra đời không hẳn là do hai miền Nam-Bắc nhận thấy sự cần thiết, mà chủ yếu là do áp lực của các nước khác. Tuy nhiên, đây là một văn kiện rất quan trọng trong lịch sử, chứa đựng những nội dung cốt lõi nhằm hướng tới hòa bình, thống nhất, đoàn kết dân tộc, chẳng hạn như nhấn mạnh tự chủ trong việc thống nhất. Thế nhưng, đáng tiếc là văn kiện này đã sớm bị mất hiệu lực.”

Bầu không khí hòa hảo được thiết lập từ năm 1972 chỉ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn ngủi. Những căng thẳng trên phương diện chính trị và quân sự vẫn rất đậm nét, mặc dù hai bên vẫn duy trì giao lưu về kinh tế và dân sự, chẳng hạn như vào mùa hè năm 1984, Bắc Triều Tiên đã cung cấp hàng cứu trợ cho Hàn Quốc khi đó đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi lũ lụt. Cục diện này chỉ có chuyển biến từ thời Chính phủ của Tổng thống Roh Tae-woo ra đời vào năm 1988. Ông Roh Tae-woo khi đó đã phát biểu rằng Hàn Quốc coi Bắc Triều Tiên là một đối tác thiện chí và bày tỏ mong muốn nối lại hội nghị thượng đỉnh liên Triều để cùng nhau nỗ lực hướng tới thống nhất đất nước, chung sống trong hoà bình. Bắc Triều Tiên đã phản ứng tích cực ngoài mong đợi trước thiện chí của Hàn Quốc, và hai bên đã bắt đầu đàm phán cấp Thủ tướng vào năm 1990. Sau nhiều vòng đàm phán ở cả thủ đô Seoul và Bình Nhưỡng, hai nước đã ký kết Hiệp định cơ bản liên Triều về hợp tác giao lưu, không xâm phạm lẫn nhau và hướng tới hòa hợp hai miền, vào tháng 2 năm 1992. Tuy nhiên, hiệp định này cuối cùng đã không phát huy được hiệu lực thực tiễn khi phía Bắc Triều Tiên đặt vấn đề về kế hoạch diễn tập quân sự hàng năm của Hàn Quốc. Mối quan hệ giữa hai miền lại nhìn thấy triển vọng mới từ tháng 2 năm 1993 khi Tổng thống thứ 14 của Hàn Quốc lúc đó là ông Kim Young-sam trong bài diễn văn nhậm chức của mình đã đề xuất tổ chức hội nghị thượng đỉnh liên Triều. Vào năm 1994, Bắc Triều Tiên đã chấp nhận đề nghị của Tổng thống Kim Young-sam và một cuộc họp sơ bộ cấp Phó thủ tướng đã diễn ra tại Bàn Môn Điếm để chuẩn bị cho cuộc gặp cấp cao. Vào ngày 25 tháng 7 năm đó, hai bên cuối cùng đã đi tới thống nhất tổ chức một hội nghị thượng đỉnh liên Triều. Nhưng một việc không lường trước được đã xảy ra.

[Hủy cuộc gặp liên Triều năm 1994 do lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Nhật Thành qua đời]
Cái chết đột ngột của nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Nhật Thành vào ngày 8 tháng 7 năm 1994 đã khiến kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh không thể thực hiện được.

[Chính sách “Ánh dương” và dự án du lịch núi Geumgang làm động lòng miền Bắc]
Một bước ngoặt mới trong quan hệ liên Triều đã đến sau khi ông Kim Dae-jung trở thành Tổng thống Hàn Quốc và đề ra chính sách hòa giải mang tên “Ánh dương” vào năm 1998. Viện trưởng Viện nghiên cứu hợp tác hòa bình Đông Bắc Á Jeon Hyeon-jun cho biết: “Chính sách Ánh dương không phải là về thống nhất đất nước, mà hướng tới hòa bình, thúc đẩy giao lưu và hợp tác để tạo ra một môi trường cho thống nhất hòa bình sau này. Chính sách này lấy cảm hứng từ truyện ngụ ngôn Ê-dốp rằng tia nắng ấm áp, thay vì những cơn gió khắc nghiệt là cần thiết để tác động khiến Bắc Triều Tiên phải tự cởi bỏ chiếc áo chủ nghĩa xã hội. Nói cách khác, nếu Hàn Quốc tích cực giao lưu, hợp tác về kinh tế và dân sự với Bắc Triều Tiên thì rồi cuối cùng miền Bắc sẽ tự thay đổi hệ thống xã hội chủ nghĩa và chấp nhận chủ nghĩa tư bản.”

Lúc đầu, chính sách Ánh dương này đã bị chỉ trích vì vào thời điểm đó, Hàn Quốc đang trải qua một thời kỳ vô cùng khó khăn về kinh tế do hậu quả của cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á. Về phía Bắc Triều Tiên, nội bộ nước này cũng phản đối chính sách trên. Nhưng rồi cuối cùng, người sáng lập tập đoàn Hyundai, ông Chung Ju-yung, người sinh ra ở miền Bắc, đã góp phần tạo một bước ngoặt mới. Ngày 16/6, Chủ tịch tập đoàn Hyundai Chung Ju-Yung đã trở thành công dân Hàn Quốc đầu tiên bước chân qua biên giới đến miền Bắc, kể từ khi hai miền Nam-Bắc bị chia cắt. Ông dắt theo mình đàn bò khoảng 500 con, mà không có quân đội đi kèm. Sau đó, dự án du lịch núi Geumgang đã được khởi động với sự kiện chiếc du thuyền du lịch núi Geumgang xuất phát từ Hàn Quốc vào ngày 18 tháng 11 cùng năm. Viện trưởng Viện nghiên cứu hợp tác hòa bình Đông Bắc Á Jeon Hyeon-jun nói về mối quan hệ liên Triều lúc bấy giờ: “Chính sách Ánh dương được đề ra sau khi ông Kim Dae-jung trở thành tổng thống Hàn Quốc vào tháng 2 năm 1998. Lúc đầu, Bình Nhưỡng không mấy tin tưởng và lên án cách tiếp cận này. Tuy nhiên, tình hình sau đó đã được cải thiện nhờ công của Hyundai Asan, một công ty tư nhân của Hàn Quốc. Người sáng lập tập đoàn Hyundai Chung Ju-yung đã nhiều lần đến thăm miền Bắc và sau đó, công ty con của tập đoàn Hyundai là Hyundai Asan đứng ra triển khai dự án phát triển núi Geumgang của miền Bắc. Từ đó, Bình Nhưỡng đã dần dần bớt nghi ngờ và bắt đầu tin tưởng vào chính quyền của Tổng thống Kim Dae-jung. Đặc biệt, vào năm 1999, một kế hoạch toàn diện đã được đưa ra để xóa bỏ cục diện chiến tranh lạnh trên bán đảo Hàn Quốc. Tiếp đó, thông qua Tuyên bố Berlin vào ngày 9/3/2000, Tổng thống Kim Dae-jung đã hứa hẹn sẽ xây dựng một cộng đồng kinh tế liên Triều.”

[Quan hệ liên Triều tiến triển sau hội nghị thượng đỉnh năm 2000]
Hội nghị thượng đỉnh liên Triều đã tạo nền tảng cho việc mở rộng giao lưu hợp tác giữa hai miền trên nhiều phương diện. Ngày 29 tháng 7 năm 2000, tức là một ngày sau hội nghị thượng đỉnh, cuộc gặp cấp bộ trưởng liên Triều cũng lần đầu tiên diễn ra tại Seoul kể từ năm 1992. Tổng cộng có khoảng 21 cuộc họp cấp bộ trưởng như vậy đã diễn ra cho đến năm 2007, góp phần để việc trao đổi và hợp tác trên các phương diện kinh tế, văn hóa và xã hội đạt hiệu quả hơn. Viện trưởng Jeon Hyeon-jun nhấn mạnh: “Cuộc gặp cấp bộ trưởng, thứ trưởng liên Triều vào tháng 10 đã trở thành diễn đàn thảo luận về các vấn đề kinh tế và xã hội, và đóng một vai trò lớn trong việc thành lập Khu công nghiệp liên Triều Gaesung. Khu công nghiệp này được mở cửa vào năm 2004 trên diện tích rộng đến hơn 90.000 m2 đã tạo điều kiện thuận lợi cho giao lưu hợp tác kinh tế giữa hai miền. Tổng giá trị sản lượng khu này đã đạt hơn 1 tỷ USD vào năm 2005 và 1,9 tỷ USD vào năm 2012. Đây có thể coi là một mô hình kết hợp thành công giữa nguồn vốn của Hàn Quốc với tài nguyên đất đai và nhân lực của Bắc Triều Tiên. Đồng thời, đây cũng là thời kỳ hoàng kim của mối quan hệ hòa giải liên Triều kể từ Tuyên bố chung 15/6.”

Tiếp đó, từ ngày 15 đến ngày 18 tháng 8, chương trình đoàn tụ gia đình ly tán do chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) cũng đã được nối lại sau khi bị gián đoạn kể từ năm 1985. Kể từ đó, chương trình đã được tổ chức định kỳ hai lần một năm cho đến năm 2007, và đã giúp giảm nhẹ nỗi đau của những gia đình có người thân bị thất lạc. Hội nghị thượng đỉnh liên Triều tháng 6 năm 2000 đã trở thành bước ngoặt làm thay đổi bản chất của mối quan hệ giữa hai miền Nam-Bắc, vượt qua sự đối địch để hướng tới hòa giải và hợp tác. Tuy nhiên, về sau Bắc Triều Tiên lại có những hành động khiêu khích, như phóng tên lửa tầm xa và thử nghiệm hạt nhân, đánh chìm tuần dương hạm Cheonan, đụng độ với hải quân miền Nam tại vùng biển Tây hay pháo kích vào đảo Yeonpyeong. Điều này đã đẩy bán đảo Hàn Quốc một lần nữa rơi vào thế xung đột và đối đầu cho đến tận hôm nay.

Lựa chọn của ban biên tập