Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Hàn Quốc và Mỹ khó đạt thỏa thuận về chia sẻ chi phí quân sự trong năm nay 

2019-12-06

Tin tức

Hàn Quốc và Mỹ khó đạt thỏa thuận về chia sẻ chi phí quân sự trong năm nay 

Hàn Quốc và Mỹ được cho là sẽ khó đạt thỏa thuận Hiệp định đặc biệt về chia sẻ chi phí quân sự Hàn-Mỹ (SMA) lần thứ XI trong năm nay. Đó là bởi trong vòng đàm phán thứ 4 tại Washington gần đây, không có dấu hiệu nào cho thấy Mỹ sẽ nhượng bộ đối với yêu cầu nâng mạnh khoản đóng góp của Hàn Quốc. Trong khi đó, dư luận nước Mỹ đang có nhiều ý kiến phản đối về yêu cầu vô lý của Washington.
  

Yêu cầu vô lý của Tổng thống Trump

Mức tăng vô lý của Chính phủ Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ dựa trên lập luận đơn phương, cố ý coi thường tất cả các phương diện khác. Cụ thể, Washington không hề cân nhắc tới việc lực lượng quân đồn trú tại Hàn Quốc đóng vai trò lớn như thế nào đối với an ninh của chính nước Mỹ. Hơn nữa, yêu cầu Mỹ đưa ra hoàn toàn nằm ngoài khuôn khổ của SMA. Tất cả các hiệp định giữa hai quốc gia đều mang tính chất luật pháp quốc tế. Như vậy, yêu cầu của Chính phủ Donald Trump đang đi ngược lại với luật pháp quốc tế. Hiệp định đặc biệt về chia sẻ chi phí quân sự Hàn-Mỹ quy định phạm vi đóng góp của Hàn Quốc cho lực lượng quân đội đồn trú Mỹ, như chi phí tuyển dụng nhân công người Hàn, chi phí xây dựng quân sự, chi phí hỗ trợ hậu cần. Tuy nhiên, Washington đang yêu cầu Seoul gánh vác cả chi phí nhân công cho quân đội Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc, chi phí triển khai luân phiên lực lượng này, và các chi phí huấn luyện tại nước ngoài. Nếu vậy, lực lượng quân đội Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc không còn là “quân đồng minh” nữa, mà sẽ trở thành “lính đánh thuê”. 

Mỹ yêu cầu Hàn Quốc đóng góp 5 tỷ USD, một số tiền khổng lồ, cao gấp 10 lần so với khoản đóng góp hiện nay của Seoul. Không chỉ với Seoul, Washington còn đang gây sức ép tăng chia sẻ chi phí quân sự với toàn bộ các nước đồng minh, gồm Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Nhật Bản. NATO đã quyết định nâng chi tiêu quốc phòng lên bằng 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tới năm 2024. Trong khi đó, Mỹ đang yêu cầu Nhật Bản tăng gấp 3 đến 5 lần mức đóng góp hiện nay.


Lập trường của Hàn Quốc

Hàn Quốc nhấn mạnh đang đóng góp đầy đủ cho lực lượng quân đồn trú Mỹ, đề xuất hai bên chia sẻ chi phí quân sự một cách hợp lý. Lập trường trên cũng được thể hiện rõ trong bài báo của Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo đăng trên trang “Tin tức quốc phòng” (Defense News) của Mỹ gần đây. Ngoài đóng góp bằng tiền bạc, Hàn Quốc cũng đang tích cực chia sẻ với Mỹ trên nhiều phương diện khác. Điển hình là Seoul đã gánh vác phần lớn chi phí xây dựng căn cứ quân sự mới của Mỹ ở thành phố Pyeongtaek (tỉnh Gyeonggi), và mua nhiều vũ khí từ Mỹ. Chính Tổng thống Donald Trump cũng luôn đánh giá tích cực về việc Hàn Quốc mua vũ khí từ nước này.


Phản ứng trong nội bộ nước Mỹ

Bài viết của Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc trên trang Tin tức Quốc phòng được kỳ vọng sẽ kêu gọi được ủng hộ của dư luận Mỹ. Nhiều ý kiến trong nội bộ nước này lo ngại rằng yêu cầu vô lý của Tổng thống Trump sẽ gây tổn hại tới quan hệ đồng minh giữa hai nước. Mức đóng góp 5 tỷ USD được đánh giá là một yêu cầu “tùy hứng” của ông Trump. Như vậy, đến cả giới chức Mỹ cũng khó tìm ra được căn cứ chính đáng để biện minh cho yêu cầu này của người đứng đầu Nhà Trắng.

Trong khi đó, Quốc hội Mỹ lại đánh giá cao sự đóng góp chia sẻ chi phí quân sự của Hàn Quốc. Hiện tại, Quốc hội Mỹ đang tiến hành thẩm định Đạo luật Ủy nhiệm quốc phòng (NDAA) năm tài khóa 2020. Thượng viện nước này khen ngợi sự đóng góp của Seoul, đánh giá mức chi tiêu quốc phòng 2,5%/GDP của Hàn Quốc là mức cao nhất trong số các nước đồng minh của Mỹ. Thượng viện Mỹ cho rằng sự đóng góp này cần được cân nhắc thích hợp trong quá trình đàm phán chia sẻ chi phí quân sự Hàn-Mỹ. Hạ viện Mỹ cũng đang xúc tiến một dự luật yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng nước này nộp các nội dung cụ thể về vấn đề chia sẻ chi phí quân sự. Có vẻ cả Thượng Viện và Hạ viện đều đang tích cực kìm hãm yêu cầu vô lý của chính phủ Tổng thống Donald Trump.

Lựa chọn của ban biên tập