Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Hàn Quốc sẽ “từng bước tham gia” liên minh bảo vệ eo biển Hormuz

2019-12-13

Tin tức

Hàn Quốc sẽ “từng bước tham gia” liên minh bảo vệ eo biển Hormuz

Hàn Quốc đã quyết định “từng bước tham gia” liên minh bảo vệ eo biển Hormuz, do Mỹ khởi xướng thành lập, với mục đích đảm bảo an toàn hàng hải tại vùng biển này. Tên gọi chính thức của liên minh là “Sáng kiến an ninh hàng hải quốc tế” (IMSC), đã ra mắt tháng trước tại Bahrain, nơi Hạm đội 5 của Mỹ đóng quân. Trên thực tế, liên minh nhắm đến đối tượng chính là Iran. Tức là sứ mệnh của liên minh là bảo vệ an toàn hàng hải tại eo biển Hormuz khỏi sự đe dọa từ Tehran. Washington đang yêu cầu các nước đồng minh thân cận, trong đó có Hàn Quốc, cử binh lực tham gia liên minh này.


Eo biển Hormuz

Hormuz là một eo biển hẹp, rộng khoảng 50 km, nằm giữa bán đảo Ả-rập và Iran. Đây là con đường biển duy nhất để đi từ vịnh Ba Tư qua vịnh Oman ra biển Ả-rập. Các quốc gia dầu mỏ lớn như Iran, Iraq, Kuwait, Ả-rập Xê-út, Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất, có đường bờ biển gần với eo biển này. Do đó, khoảng một phần năm lượng tiêu thụ dầu mỏ toàn thế giới, tương đương hơn 20 triệu thùng dầu, đi qua eo biển này mỗi ngày. Hàn Quốc phụ thuộc nhiều vào nguồn dầu thô nhập khẩu từ Trung Đông, khoảng 70 % trong số đó đi qua eo biển Hormuz.


Bối cảnh ra đời liên minh

Mỹ khởi xướng thành lập liên minh bảo vệ eo biển Hormuz sau một loạt các vụ tấn công tàu chở dầu xung quanh vùng biển này. Washington đã cáo buộc Iran đứng đằng sau các vụ tấn công. Căng thẳng càng leo thang khi hai nước bắn rơi máy bay không người lái của nhau, trong khi Anh và Iran thì bắt giữ tàu chở dầu của đối phương. Washington đang tích cực đề nghị các nước cử binh lực tham gia liên minh. Trên thực tế, nguyên nhân sâu xa của căng thẳng này chính là mâu thuẫn hạt nhân giữa Mỹ và Iran. Tháng 5 năm 2018, Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Tehran, lấy lý do Iran vẫn tiếp tục bí mật phát triển hạt nhân, không tuân thủ cam kết. Tháng 11 cùng năm, Washington nối lại cấm vận với Tehran, hạn chế nhập khẩu dầu thô từ quốc gia Trung Đông này. Iran đáp trả bằng cách làm giàu uranium, nguyên liệu sản xuất vũ khí hạt nhân, đồng thời đe dọa phong tỏa eo biển Hormuz. Cuối cùng, nước này đã không tiến hành phong tỏa eo biển, nhưng nhiều vụ tấn công tàu chở dầu nước ngoài đã liên tiếp xảy ra tại đây.

Hiện có 6 nước tham gia liên minh bảo vệ eo biển Hormuz là Australia, Anh, Ả-rập Xê-út, Bahrain, Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất và Albania. Nhật Bản không tham gia, nhưng đã quyết định cử riêng tàu chiến tới vùng biển này. Các quốc gia lớn châu Âu như Pháp, Đức vẫn đang nỗ lực khôi phục lại thỏa thuận hạt nhân với Iran. Nhiều quốc gia khác ngần ngại tham gia liên minh này do cân nhắc tới mối quan hệ với Iran và nguồn cung cầu dầu thô.


Lập trường của Hàn Quốc

Hàn Quốc là đồng minh thân cận của Mỹ, đồng thời có mối quan hệ mật thiết với Iran về nhập khẩu dầu thô, xuất khẩu hàng hóa, và đầu tư xây dựng. Do vậy, tham gia liên minh bảo vệ eo biển Hormuz là một vấn đề hết sức khó xử với Seoul. Chính phủ đã quyết định “từng bước tham gia” liên minh này, sau khi cân nhắc lập trường của cả hai phía. Trước tiên, Seoul sẽ cử một quan chức cấp tướng vào Bộ chỉ huy của liên minh, sau đó sẽ thảo luận cử binh lực hoặc tàu chiến tùy theo diễn biến tình hình tại eo biển Hormuz trong thời gian tới. Nếu cử lực lượng chiến đấu tham gia liên minh, có thể Chính phủ sẽ lựa chọn phương thức mở rộng hải phận tác chiến của lực lượng hải quân Cheonghae (Thanh Hải). Hiện tại, lực lượng này đang thực hiện nhiệm vụ bảo vệ tàu thuyền thương mại khỏi hải tặc tại vịnh Aden. 


Lựa chọn của ban biên tập