Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Tiêu điểm thời sự

Phân tích xu hướng tăng lao động có việc làm 11 tháng đầu năm

2019-12-16

Tin tức

Phân tích xu hướng tăng lao động có việc làm 11 tháng đầu năm

Cục thống kê quốc gia Hàn Quốc ngày 16/11 công bố số người có việc làm từ tháng 1 đến tháng 11 năm nay tăng 281.000 người, gấp ba lần cùng kỳ năm ngoái (97.000 người). Giới phân tích cho rằng sự gia tăng này mang ý nghĩa tích cực, nhưng cũng tồn tại nhiều yếu tố đáng lo ngại. Triển vọng lao động có việc làm trong năm sau cũng không mấy sáng sủa, do dân số trong độ tuổi lao động được dự báo sẽ giảm.


Lao động có việc làm tăng 

Mức tăng lao động có việc làm trong 11 tháng đầu năm vượt hẳn mục tiêu Chính phủ đề ra. Trước tiên, không thể phủ nhận ảnh hưởng từ hiệu ứng cơ sở do “thành tích tuyển dụng” năm ngoái quá kém, chỉ tăng 97.000 người, trong khi mức tăng cùng kỳ năm 2017 là 316.000 người. “Hiệu ứng cơ sở” là hiện tượng các chỉ số có thể sai lệch so với giá trị thực tế, tùy theo thời điểm lấy làm căn cứ để tính các chỉ số đó. 

Lao động có việc làm tăng tập trung ở nhóm 60 tuổi, trong đó có nhiều việc làm mới được tạo ra từ nguồn ngân sách của Chính phủ. Ngược lại, lao động 30, 40 tuổi, độ tuổi tham gia các hoạt động kinh tế sôi nổi nhất, lại giảm mạnh. Đặc biệt, mức giảm lao động có việc làm độ tuổi 40 còn cao hơn mức giảm dân số, tỷ lệ tuyển dụng độ tuổi này cũng giảm theo. Điều này cho thấy sức sống nền kinh tế giảm nên tìm kiếm việc làm mới cũng khó khăn hơn. Nếu Chính phủ không rót ngân sách thì ít khả năng sẽ duy trì được mức tăng lao động có việc làm. 

Mặc dù vậy, không thể phủ nhận hoàn toàn ý nghĩa của xu hướng tăng lao động có việc làm, bởi việc Chính phủ rót ngân sách sẽ có thể trở thành “đòn bẩy” giúp tạo thêm nhiều việc làm mới trong xã hội. Các hoạt động tiêu dùng của những lao động mới có việc làm sẽ giúp tiếp thêm sức sống cho nền kinh tế, góp phần thực hiện chính sách tăng trưởng do thu nhập đóng vai trò chủ đạo của Chính phủ. Tình hình tuyển dụng đã chuyển biến tích cực trong 4 tháng trở lại đây, kể từ sau tháng 8. Hàn Quốc có kết quả tuyển dụng tốt nhất trong số các nước thành viên Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Tỷ lệ thất nghiệp trong quý III đạt 3,5%, thấp thứ 6 OECD. Chỉ có 5 quốc gia thấp hơn Hàn Quốc là Séc, Nhật Bản, Đức, Ba Lan và Hungary. 


Sụt giảm dân số trong độ tuổi lao động

Vấn đề lớn hơn là sự sụt giảm dân số trong độ tuổi lao động, từ 15 đến 64 tuổi. Theo dự báo của Cục thống kê quốc gia, dân số trong độ tuổi lao động sẽ giảm 231.000 người trong năm sau, gấp 4 lần mức giảm năm nay là 56.000 người. Xu hướng này sẽ làm chậm tốc độ tăng lao động có việc làm. Viện nghiên cứu kinh tế Hyundai dự báo trong năm sau, lao động có việc làm sẽ tăng khoảng 200.000 người, một phần do hiệu ứng cơ sở. Ngoài ra, lao động có việc làm ngành xây dựng và chế tạo dự kiến sẽ tiếp tục xu hướng giảm, kéo tụt mức tăng lao động có việc làm.

Chính phủ Hàn Quốc lo ngại dân số trong độ tuổi lao động sẽ giảm mạnh từ nửa cuối năm sau, ảnh hưởng tiêu cực tới hồi phục tuyển dụng, qua đó chủ trương đối phó chủ động với xu hướng này. Trước đó, Chính phủ đã phân bổ 2.924,1 tỷ won (2,5 tỷ USD) cho dự thảo ngân sách việc làm năm 2020, tăng 41% so với năm nay, đặt mục tiêu tạo thêm 955.000 việc làm, tăng mạnh so với mục tiêu năm nay là 785.000 việc làm.

Lựa chọn của ban biên tập