Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Hội nghị toàn thể lần ba Ủy ban trung ương đảng Lao động Bắc Triều Tiên khóa VIII

2021-06-24

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ KBS

Hội nghị toàn thể lần ba Ủy ban trung ương đảng Lao động Bắc Triều Tiên khóa VIII đã diễn ra trong 4 ngày từ 15 đến 18/6 vừa qua. Tại phiên bế mạc, Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un đưa ra cam kết sẽ vượt qua các khó khăn kinh tế và các khủng hoảng cản trở con đường cách mạng của đất nước. Hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu về ý nghĩa của sự kiện lần này cùng nhà nghiên cứu cấp cao Cho Han-bum đến từ Viện nghiên cứu thống nhất.

 

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Bắc Triều Tiên tổ chức Hội nghị toàn thể Ủy ban trung ương đảng Lao động liên tiếp ba lần chỉ trong vòng nửa năm, cụ thể là vào tháng 1, tháng 2 và tháng 6. Bình Nhưỡng cũng tổ chức cuộc họp của Ủy ban quân sự trung ương đảng hai lần trong 6 tháng qua, cho thấy tình hình nghiêm trọng tại nước này. Chương trình nghị sự của các hội nghị đề cập đến các vấn đề kinh tế, đại dịch COVID-19 và các thế lực chống xã hội chủ nghĩa. Hội nghị toàn thể gần đây cũng nhằm tập trung giải quyết những vấn đề nội bộ, như khó khăn kinh tế và tình trạng thiếu lương thực.

 

Trong Hội nghị toàn thể Ủy ban trung ương đảng Lao động vừa qua, miền Bắc đã đề cập và chỉ ra chi tiết các vấn đề về điều kiện sống của các quan chức đảng trong nửa đầu năm. Sử dụng cụm từ “tình hình khó khăn”, Chủ tịch Kim Jong-un đã gây áp lực để các quan chức thắt chặt kỷ cương và tư tưởng. Điểm thu hút sự quan tâm nhất tại hội nghị lần này là việc bổ nhiệm “Bí thư thứ nhất”. Theo Điều lệ đảng Lao động được sửa đổi tại Đại hội đảng lần thứ 8 hồi tháng 1 vừa qua, chức vụ Bí thư và Bí thư thứ nhất sẽ được bầu tại Hội nghị toàn thể Ủy ban trung ương đảng. Trong đó, vị trí Bí thư thứ nhất chỉ đứng sau chức Tổng bí thư, nên Bí thư đảng Jo Yong-won và Phó Chủ tịch Ủy ban tuyên truyền đảng Lao động Kim Yo-jong, em gái ông Kim jong-un, được cho là hai ứng cử viên nặng ký cho chức vụ này. Tuy nhiên, việc bổ nhiệm Bí thư thứ nhất đã không được đề cập trong Hội nghị toàn thể gần đây.

 

Chức vụ Bí thư thứ nhất trên thực tế có quyền lực chỉ sau Tổng bí thư Kim Jong-un. Trong trường hợp có sự cố xảy ra với ông Kim, Bí thư thứ nhất sẽ thay Tổng bí thư nắm thực quyền. Vì đây là lần đầu tiên miền Bắc tạo ra một vị trí có quyền lực thứ hai sau Tổng bí thư, việc bổ nhiệm Bí thư thứ nhất mang ý nghĩa hợp thức hóa người kế nghiệm ông Kim và là một thử thách nặng nề. Bắc Triều Tiên vốn có thể bổ nhiệm chức vụ này ngay sau khi sửa đổi Điều lệ đảng vào tháng 1 hoặc trong Hội nghị toàn thể lần hai Ủy ban trung ương đảng vào tháng 2. Theo đó, có thể thấy bổ nhiệm Bí thư thứ nhất không phải là mục đích của hội nghị vừa qua và vị trí này khả năng cao vẫn đang để trống.

 

Trong ngày họp đầu tiên của Hội nghị toàn thể Ủy ban trung ương đảng Lao động lần này, Chủ tịch Kim Jong-un đã bất ngờ thừa nhận về tình trạng thiếu lương thực trong nước. Vào ngày thứ ba của sự kiện, ông Kim đã ban hành một mệnh lệnh viết tay kêu gọi ổn định sinh kế, một động thái quyết định nhằm giải quyết nhanh chóng các vấn đề cấp bách của người dân. Có thể thấy, chương trình nghị sự chính của hội nghị tập trung vào phương án cải thiện sinh kế và khắc phục khó khăn kinh tế.

 

Chủ tịch Kim Jong-un đã cho thấy sự lo lắng về tình trạng thiếu lương thực trầm trọng trong nước. Tính đến ngày 15/6, giá gạo ở miền Bắc đã tăng từ ngưỡng 4.000 won (3,5 USD) lên 7.000 won (6,2 USD)/kg, giá ngô tăng từ 2.000 won (1,8 USD) lên 5.300 won (4,7 USD)/kg, cũng là mức giá cao nhất trong 10 năm cầm quyền của ông Kim. Mặc dù đã có một số điều chỉnh về giá, tôi nghĩ vấn đề lương thực ở Bắc Triều Tiên đã trở nên nghiêm trọng đến mức nước này không thể tự giải quyết được. Điều này đi ngược lại với chính sách “nền chính trị tập trung vào con người” của ông Kim Jong-un, nhằm giải quyết các vấn đề về sinh kế cho người dân. Tuy vậy, Chủ tịch Kim đã quảng bá hình ảnh bản thân ký và phát hành một mệnh lệnh đặc biệt mà theo tôi có thể là một số biện pháp khẩn cấp, chẳng hạn như mở nguồn lương thực thời chiến được dự trữ trong “nhà kho số 2” hoặc “nhà kho số 5” để cung cấp cho người dân.

 

Liệu Bắc Triều Tiên có gửi thông điệp nào tới Mỹ thông qua Hội nghị toàn thể Ủy ban trung ương đảng Lao động gần đây hay không cũng là một nội dung được nhiều người chú ý. Bình Nhưỡng đã im lặng khi Chính phủ Tổng thống Joe Biden liên lạc vào tháng 2 và không đưa ra quan điểm chính thức nào khi Washington đề nghị giải thích về chính sách Bắc Triều Tiên mới vào tháng trước. Tại ngày họp thứ ba của hội nghị lần này, Tổng bí thư Kim Jong-un đã lần đầu tiên đưa ra thông điệp chính thức với Hàn Quốc và Mỹ kể từ sau khi Chính phủ Tổng thống Biden ra mắt, khẳng định Bắc Triều Tiên sẵn sàng đối thoại và đối đầu, đặc biệt là phải chuẩn bị đầy đủ cho việc đối đầu, để gìn giữ lợi ích phát triển tự chủ và sự tôn nghiêm của quốc gia, đảm bảo môi trường hòa bình và sự an toàn của đất nước. Đồng thời, ông Kim cũng nhấn mạnh cần tập trung quản lý ổn định tình hình trên bán đảo Hàn Quốc.

 

Theo truyền thông miền Bắc, Chủ tịch Kim Jong-un đã phân tích chính sách Bắc Triều Tiên mới của Mỹ. Tuy thông tin chi tiết không được tiết lộ, ông Kim đã bày tỏ sẵn sàng đối thoại và đối đầu, đồng thời khẳng định sẽ quản lý ổn định tình hình trên bán đảo Hàn Quốc. Đưa ra một thông điệp ôn hòa hơn dự kiến, Bình Nhưỡng cho thấy phản ứng tích cực với chính sách với miền Bắc của Mỹ, vốn tập trung vào ngoại giao và đối thoại. Bên cạnh đó, Bắc Triều Tiên cũng có phản hồi gây bất ngờ khi cho biết sẽ quản lý ổn định bán đảo Hàn Quốc, đồng nghĩa với việc sẽ kiềm chế trước các hành động khiêu khích, cho thấy thái độ cầu thị của nước này.

 

Ngày 18/6, ngay sau khi Chủ tịch Kim Jong-un phát thông điệp “đối thoại” và “đối đầu” đến Mỹ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết tình hình trên bán đảo Hàn Quốc đang đối mặt với những căng thẳng mới, đồng thời khẳng định vai trò mang tính xây dựng của Bắc Kinh trong việc xoa dịu và phát triển quan hệ liên Triều và Mỹ-Triều. Ngày 21/6, Đại sứ Bắc Triều Tiên tại Trung Quốc Ri Ryong-nam và Đại sứ Trung Quốc tại Bắc Triều Tiên Lý Tiến Quân đã có bài viết đăng tải lần lượt lên Nhật báo nhân dân, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, và báo Lao động, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động miền Bắc, nhấn mạnh về việc hợp tác "vì hòa bình khu vực" của hai nước.

Trong khi đó, Đặc phái viên phụ trách chính sách Bắc Triều Tiên của Mỹ Sung Kim trong chuyến thăm Hàn Quốc 5 ngày từ ngày 19/6 đã nhắc lại lời đề nghị của Washington về việc tổ chức các cuộc đàm phán vô điều kiện với Bình Nhưỡng và kỳ vọng phản ứng tích cực từ Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, trong một tuyên bố đăng tải trên Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 22/6, Phó Chủ tịch Ủy ban Tuyên truyền đảng Lao động Kim Yo-jong đã đưa ra phản ứng tiêu cực với đề xuất của Mỹ. Đáng chú ý, tuyên bố này được công bố trong thời điểm ông Sung Kim vẫn đang trong chuyến thăm Seoul, cho thấy Bình Nhưỡng đang theo dõi chặt chẽ lời đề nghị đối thoại của Washington.

 

Cả Mỹ và Bắc Triều Tiên đều không muốn làm tình hình trầm trọng thêm. Tuy nhiên, khác với Mỹ, miền Bắc theo đuổi đối thoại có điều kiện. Đó là bởi các cuộc đàm phán vô điều kiện với chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump không đạt được kết quả, Bắc Triều Tiên cho rằng nước này đã bị Mỹ lợi dụng và sẽ không tham gia vào các cuộc đối thoại thuần túy. Điều này đồng nghĩa với việc miền Bắc chỉ quay lại bàn đàm phán khi đã xác định được lợi ích, trong khi Mỹ vẫn chưa thể đảm bảo việc này. Trong bối cảnh này, Hàn Quốc đang đóng vai điều phối lập trường giữa Mỹ và miền Bắc với hai khả năng có thể xảy ra là quan hệ Mỹ-Triều lâm vào bế tắc hoặc hai nước có thể sớm nối lại đối thoại cấp chuyên viên. Ngay cả khi có thể giải quyết vấn đề lương thực, miền Bắc vẫn sẽ gặp khó khăn về nhiều mặt nếu các lệnh trừng phạt quốc tế không được dỡ bỏ. Đối với nước này, tìm ra bước đột phá trong quan hệ với Mỹ là giải pháp duy nhất. Về phần mình, Chính phủ Tổng thống Moon Jae-in cũng cam kết thúc đẩy sáng kiến hòa bình riêng. Do đó, tôi cho rằng ngoại giao khu vực đã bước vào giai đoạn đối thoại.

Lựa chọn của ban biên tập