Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Hợp tác liên Triều trong lâm nghiệp

2021-11-18

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ YONHAP News

Tại Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 28 ngày 11/11 vừa qua, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã có bài phát biểu qua video nhấn mạnh rằng việc Bắc Triều Tiên tham gia hợp tác lâm nghiệp ở Đông Bắc Á sẽ giúp giảm thải khí nhà kính trên bán đảo Hàn Quốc, đóng góp cho nền hòa bình và thịnh vượng trong khu vực. Trước đó, phát biểu tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước chung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra tại Glasgow, Anh ngày 1/11, ông Moon cũng cho biết Seoul sẽ cắt giảm phát thải khí nhà kính trên bán đảo Hàn Quốc thông qua hợp tác liên Triều về lâm nghiệp. Sau đây, nhà nghiên cứu cấp cao Cho Han-bum đến từ Viện nghiên cứu thống nhất sẽ giải thích lý do cho các phát biểu công khai về hợp tác lâm nghiệp giữa hai miền Nam-Bắc gần đây của Tổng thống Moon Jae-in.

 

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu là một trong những thách thức cấp bách nhất hiện nay, hợp tác lâm nghiệp sẽ không tạo gánh nặng cho quan hệ liên Triều bởi tương tự y tế, đây là lĩnh vực không liên quan đến chính trị. Hai miền Nam-Bắc cùng chung môi trường và cộng đồng sinh thái, nên con người, động vật và môi trường đều có mối liên hệ với nhau. Ví dụ, các thảm họa như nạn ruồi đen ăn lá thông, vấn đề trí tuệ nhân tạo, dịch tả lợn châu Phi (ASF), dịch sốt rét, đều có thể lây lan dễ dàng qua các vùng biên giới giữa hai miền, cho thấy hợp tác liên Triều là vô cùng cần thiết.

 

Gần đây, truyền thông Bắc Triều Tiên cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết vấn đề khí thải nhà kính, hiện tượng nóng lên toàn cầu, cùng nhiệm vụ phục hồi rừng. Ngày 4/11, báo Lao động, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động miền Bắc, đã đưa tin về vấn đề khí nhà kính và nóng lên toàn cầu, thể hiện sự quan tâm cũng như quan ngại về biến đổi khí hậu. Ngày 10/11, tờ báo này đăng tải những bức ảnh về thành quả khôi phục rừng của Bắc Triều Tiên với tiêu đề “Nhờ có lộ trình không ngừng nghỉ của mặt trận khôi phục rừng mà sông núi tổ quốc đang thay đổi diện mạo từng ngày”, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng.

 

Hưởng ứng phong trào toàn cầu, Bắc Triều Tiên gần đây cũng thể hiện sự quan tâm đến vấn đề môi trường. Đây cũng là vấn đề còn tồn tại dai dẳng và nghiêm trọng tại các quốc gia xã hội chủ nghĩa do lơ là đầu tư vào các dự án thân thiện với môi trường. Đương đầu với các vấn đề tương tự, Chính phủ Kim Jong-un cũng thường xuyên nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ môi trường, đồng thời yêu cầu Hàn Quốc thực hiện các thỏa thuận song phương. Dựa theo thỏa thuận tăng cường hợp tác trong lĩnh vực y tế và lâm nghiệp trong Tuyên bố chung Bình Nhưỡng năm 2018, chính quyền Tổng thống Moon Jae-in cũng đã có những hồi âm tương đối tích cực trước những yêu cầu này của miền Bắc. Trước đây, khi quan hệ liên Triều còn ở trong giai đoạn tốt đẹp, hai bên đã từng bắt tay ngăn chặn sự lây lan của ruồi đen ăn lá thông, một loài côn trùng gây hại rừng. Bên cạnh đó, Bình Nhưỡng cần thúc đẩy hợp tác liên Triều trong lâm nghiệp vì nước này đang lâm vào tình trạng thiếu công nghệ và vật tư thiết bị trong lĩnh vực này.

 

Rừng chiếm hai phần ba tổng diện tích đất của Bắc Triều Tiên. Từ những năm 1970, nước này bắt đầu khai thác rừng để làm đất nông nghiệp, trong đó có ruộng bậc thang. Vào thời kỳ khó khăn kinh tế mang tên “cuộc hành quân gian khổ” những năm 1990, nạn đói hoành hành khiến người dân miền Bắc phải chặt cây và khai hoang trên quy mô lớn, dẫn đến nạn phá rừng trở nên trầm trọng hơn. Bắc Triều Tiên có diện tích rừng lớn hơn Hàn Quốc, với khoảng 73% tổng diện tích được bao phủ bởi rừng, nhưng khoảng 28% trong số đó đã bị tàn phá hoàn toàn. Hầu hết các khu vực bị tàn phá là nhà dân nên có mật độ dân cư đông đúc, cũng là khu vực có nguy cơ trực tiếp gặp phải hiện tượng đất nhiễm cát, lòng sông bồi cao, lũ lụt nghiêm trọng do có nhiều đồi trọc.

Bắc Triều Tiên bắt đầu thực hiện chiến dịch phục hồi rừng toàn diện vào những năm 2000, khi cố Chủ tịch Kim Jong-il công bố “Kế hoạch trồng rừng 10 năm” đầy tính tham vọng. Tuy nhiên, khôi phục lại diện tích rừng bị tàn phá không phải là chuyện dễ dàng, vì những trận mưa lớn vào mùa hè có thể dẫn đến sạt lở đất, tàn phá rừng, đất trồng trọt và các công trình nông nghiệp. Sau khi Chủ tịch Kim Jong-un lên nắm quyền, Bình Nhưỡng đã xúc tiến đưa phục hồi rừng trở thành nhiệm vụ quốc gia.

 

Gần đây, Hội đồng nhân dân tối cao Bắc Triều Tiên đã ban hành Luật bảo vệ rừng. Ngoài ra, miền Bắc còn tập trung thúc đẩy các dự án bảo vệ rừng, môi trường và trồng cây trên danh nghĩa là một trong những thành tựu chính trị của Chủ tịch Kim Jong-un. Đại học Kim Nhật Thành thậm chí còn thành lập Khoa lâm nghiệp học, cho thấy sự quan tâm của ông Kim tới vấn đề này. Kể từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un lên nắm quyền, Bình Nhưỡng đã có nhiều nỗ lực và đầu tư vào lĩnh vực lâm nghiệp, như xây dựng nhiều vườn ươm cây, tăng cường các luật liên quan, trao quyền và trách nhiệm phục hồi rừng cho chính quyền địa phương. Đồng thời, miền Bắc cũng đã triển khai một hệ thống kết nối Chính phủ, các trường đại học và chính quyền địa phương nhằm đẩy mạnh phục hồi lâm nghiệp.

 

Bên cạnh đó, truyền thông Bắc Triều Tiên còn công bố hình ảnh Chủ tịch Kim Jong-un tự tay trồng cây, cho thấy nỗ lực thúc đẩy các dự án trồng rừng của nước này. Tại Đại hội đảng Lao động lần thứ 7 năm 2016, Bình Nhưỡng đã công bố Chiến lược phát triển kinh tế quốc gia 5 năm, trong đó bao gồm “mặt trận phục hồi rừng”, với các dự án xây dựng vườn ươm cây và bảo vệ môi trường. Tại Đại hội đảng lần thứ 8 hồi tháng 1 năm nay, miền Bắc công bố nước này đã trồng được khoảng 1 triệu ha rừng trong cuộc chiến toàn quốc nhằm tăng cường tài nguyên lâm nghiệp của quốc gia.

 

Tuy Bắc Triều Tiên liên tục nhấn mạnh chính sách phục hồi rừng, hầu hết những con số mà nước này công bố tại Đại hội đảng Lao động lần thứ 8 là sai sự thật. Do thiếu sự quản lý hợp lý và nhất quán, các thành tựu của miền Bắc khó có thể được đánh giá tích cực. Khác với những công bố của Bình Nhưỡng, ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy nước này không có dấu hiệu phục hồi rừng rõ ràng. Thiếu năng lực, dụng cụ và cây giống là lý do việc phục hồi rừng chỉ được thực hiện một phần chứ không thể được coi là thành công triệt để tại Bắc Triều Tiên. Nếu không có giải pháp cho vấn nạn người dân chặt cây lấy gỗ làm nhiên liệu và khai hoang kiếm kế sinh nhai thì việc trồng rừng sẽ chỉ là một vòng luẩn quẩn. Đó là bởi khi vạch ra chính sách lâm nghiệp thì cần phải giải quyết đồng thời vấn đề nhiên liệu, cuộc sống sinh kế của người dân và vấn đề lương thực. Chính vì lơ là về mặt này, miền Bắc đã không thể tạo ra được thành quả như chính sách trồng rừng thành công của Hàn Quốc.

 

Trong Tuyên bố chung Bình Nhưỡng ký ngày 19/9/2018, Seoul và Bình Nhưỡng đã nhất trí tích cực thúc đẩy hợp tác về môi trường để bảo vệ và phục hồi hệ sinh thái tự nhiên hai miền Nam-Bắc, đồng thời ưu tiên nỗ lực tạo ra thành quả thực tế trong lĩnh vực hợp tác lâm nghiệp mà hai bên đang tiến hành. Tuy nhiên, hợp tác lâm nghiệp liên Triều đã đi vào bế tắc sau khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều năm 2019 tại Hà Nội không đạt được kết quả. Trong bối cảnh khí hậu toàn cầu biến đổi nhanh chưa từng có, hợp tác lâm nghiệp giữa hai miền Nam-Bắc là nhiệm vụ cần thực hiện để ngăn chặn biến đổi khí hậu trên bán đảo Hàn Quốc về lâu dài.

 

Hậu quả của nạn phá rừng nghiêm trọng ở Bắc Triều Tiên là đất nhiễm cát sụt lở khiến lòng sông dâng cao, dẫn đến lũ lụt thường xuyên. Là một vấn đề cấp bách đối với miền Bắc, lâm nghiệp cũng là lĩnh vực mang tính phi chính trị nên có khả năng cao được hai miền Nam-Bắc ưu tiên đàm phán, tương tự lĩnh vực y tế, đặc biệt trong bối cảnh vấn đề khí nhà kính và biến đổi khí hậu đang ngày càng nghiêm trọng. Bên cạnh đó, mối liên kết về mọi mặt của Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên sẽ là yếu tố thúc đẩy để hai bên phát triển mối quan hệ đôi bên cùng có lợi thông qua hợp tác trong lĩnh vực này. Biến đổi khí hậu và tầm quan trọng của hệ sinh thái chung chính là lý do hai miền Nam-Bắc có khả năng hợp tác cao, đồng thời miền Bắc cũng không áp dụng chính sách “hai mặt” và để ngỏ cánh cửa hợp tác xuyên biên giới trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Lựa chọn của ban biên tập