Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Bắc Triều Tiên

Việc trồng khoai tây tại Bắc Triều Tiên

#Vì một bán đảo thống nhất l 2023-06-14

Vì một bán đảo thống nhất

ⓒ Getty Images Bank

Khoai tây, cùng với gạo, lúa mì và ngô, được coi là một trong 4 loại lương thực hàng đầu của thế giới. Khoai tây có sức sống mãnh liệt đến mức có thể sinh trưởng trong loại đất cằn cỗi đến cỏ cũng không mọc nổi. Trong bộ phim nổi tiếng “Người về từ sao Hỏa” (tựa gốc: The Martian) của Mỹ, chính loại thức ăn này đã giúp cho nhân vật chính sống sót sau khi bị bỏ lại một mình trên sao Hỏa. Đặc biệt, khoai tây cũng được biết đến là loại cây dùng để ăn độn cơm khi người dân gặp nạn đói. Tại Bắc Triều Tiên, khoai tây chiếm tỷ trọng đặc biệt trong nền nông nghiệp.

 

Kể từ tháng 6, thời tiết ngày càng nóng hơn. Nhưng dưới ánh nắng gay gắt đó, các loại cây trồng được phát triển tốt, đặc biệt là khoai tây. Những củ khoai tây vào mùa vụ trông đầy sức sống, lại vô cùng ngon và giàu dinh dưỡng. Miền Bắc cũng đã đẩy nhanh lịch canh tác khoai tây từ mùa xuân năm nay. Hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu về việc trồng khoai tây ở Bắc Triều Tiên cùng với ông Cho Chung-hee, một chuyên gia về các sản phẩm nông nghiệp và chăn nuôi, đồng thời là Viện trưởng Viện nghiên cứu Good Farmers.

 

Bắc Triều Tiên đã phải chịu hạn hán trong cả năm 2022 và 2023. Theo tài liệu do Mỹ công bố, trừ khu vực tỉnh Bắc và Nam Hwanghae thì các nơi khác tại miền Bắc hầu như đều không có mưa nên rất khô hạn. Những lúc hạn hán như vậy thì phải gieo trồng sâu thêm mới khắc phục được, thay vì chỉ trồng sâu khoảng 5 cm thì hoa màu phải được trồng sâu thêm 1-2 cm nữa. Năm ngoái, người dân không nghĩ ra phương án này và chỉ trồng đại khái, nên đã phải chịu nhiều thiệt hại về lúa mì, lúa mạch, khoai tây do hạn hán. Và năm nay họ đã áp dụng cách gieo trồng sâu hơn. Tuy nhiên, nếu làm vậy thì thời gian để cây trồng phát triển sẽ lâu hơn, nên phải đẩy lịch canh tác lên sớm hơn, trong đó bao gồm cả việc chọn loại hoa màu, cách gieo trồng và số lượng. Vì vậy, để đẩy nhanh quá trình canh tác đồng nghĩa với việc phải chuẩn bị tốt từ trước chứ không phải chỉ đẩy nhanh thời vụ.

 

Thời vụ trồng khoai tây tại Bắc Triều Tiên hơi khác một chút ở từng vùng. Các vùng phía miền Trung như tỉnh Bắc và Nam Hwanghae hay tỉnh Nam Pyongan là từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4, còn các khu vực phía Bắc như tỉnh Ryanggang, Chagang và Bắc Hamgyong là từ giữa đến cuối tháng 4. Tuy nhiên, hạn hán vào mùa xuân năm nay ở Bắc Triều Tiên tồi tệ hơn năm ngoái, gây ra nhiều thiệt hại cho các loại cây trồng chính được trồng vào tháng 4 như khoai tây. Để chuẩn bị cho đợt hạn hán nghiêm trọng, miền Bắc đã cho trồng khoai tây sớm hơn thường lệ và khuyến khích người dân thu hoạch kịp thời vụ. Việc Bắc Triều Tiên dồn tổng lực để thu hoạch khoai tây gợi nhớ đến “cuộc cách mạng trồng khoai tây” từng được nước này thực hiện trong quá khứ.

 

Cuộc khủng hoảng kinh tế vào những năm 1990 đã gây ra cái chết cho nhiều người mà nguyên nhân chủ yếu là do thiếu lương thực. Vào thời điểm đó, Bắc Triều Tiên chỉ trồng lúa và ngô nên gặp khó khăn đáng kể trong việc phục hồi thiệt hại một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, thu hoạch khoai tây theo từng đơn vị có thể đạt năng suất cao, từ 20-30 tấn, trong khi ngô được trồng ở vùng núi phía Bắc của tỉnh Ryanggang chỉ đạt 5 tấn. Vì vậy, cuộc cách mạng trồng khoai tây đã được thực hiện nhằm khắc phục tình thế khó khăn ở thời điểm đó.

 

Cuộc cách mạng trồng khoai tây bắt đầu ở Bắc Triều Tiên vào cuối những năm 1990 đã được thúc đẩy để nước này có vượt qua giai đoạn kinh tế khó khăn mang tên "cuộc hành quân gian khổ". Đây là một khẩu hiệu được đưa ra vào những năm 1990 nhằm vượt qua những khó khăn kinh tế nghiêm trọng, được coi là cuộc khủng hoảng lớn nhất ở miền Bắc. Vốn đã thiếu lương thực trong những năm 1980, trong những năm 1990, sản lượng lương thực của Bắc Triều Tiên đã giảm mạnh xuống dưới 4 triệu tấn do xuất nhập khẩu với các nước xã hội chủ nghĩa giảm, nạn thiên tai và khó khăn kinh tế. Trước tình trạng thiếu lương thực khiến nhiều người chết đói, cố Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Kim Jong-il (1941-2011) đã nhấn mạnh sự cần thiết phải cải thiện cơ cấu nông nghiệp để giải quyết vấn đề ăn uống. Ông đã đề xuất một "cuộc cách mạng trồng khoai tây", biến khoai tây trở thành loại lương thực chính mới, cùng với ngô và gạo.

 

Lý do quan trọng nhất là vì khoai lang không thể được trồng phổ biến trên khắp đất nước nên không thể trở thành đối tượng của cuộc cách mạng. Chẳng hạn, các địa phương ở phía Bắc như thành phố Hamhung (tỉnh Nam Hamgyong) có thời tiết quá lạnh. Trong khi đó, khoai tây có thể trồng được ở mọi địa phương trên cả nước. Đặc biệt, khoai tây đông lạnh (loại khoai được thu hoạch, ướp đông lại và chế biến vào vụ xuân) là đối tượng canh tác quan trọng của vụ mùa này. Tháng 4, 5, 6 là thời kỳ đói kém vào mùa xuân, khi lương thực dự trữ đã cạn mà ngũ cốc vụ mới chưa được thu hoạch. Khoai tây lại có thể được trồng vào cuối tháng 3 và thu hoạch vào giữa tháng 6 nên có thể trở thành giải pháp cho thời kỳ này. Sau khi thu hoạch khoai tây, người dân cũng có thể trồng tiếp ngô hoặc lúa ngay sau đó, tạo ra một chu kỳ sản xuất nông nghiệp hiệu quả. Chính vì thế, khoai tây trở thành đối tượng canh tác của cuộc cách mạng.

 

Là loại cây trồng có thể phát triển tốt ở mọi loại đất, có thể trồng với số lượng lớn và thu hoạch trong thời gian ngắn, khoai tây đã trở thành giải pháp hiệu quả cho tình trạng thiếu lương thực tại Bắc Triều Tiên, một quốc gia có diện tích chủ yếu là đồi núi và vốn chỉ có khoảng 17% tổng số đất canh tác được. Vì vậy, năm 1998, cố Chủ tịch Kim Jong-il đã ra lệnh mở rộng trồng khoai tây và tăng sản lượng, tuyên bố rằng khoai tây giống như gạo trắng. “Cuộc cách mạng trồng khoai tây” bắt đầu từ thời điểm này và tập trung ở huyện Taehongdan, tỉnh Ryanggang.

 

Huyện Taehongdan nằm dưới núi Baekdu (Bạch Đầu), có cao nguyên Kaema với vùng đồng bằng rộng lớn. Tuy nhiên, nơi đây lại có thời tiết lạnh và nhiều gió nên không thể trồng ngô hoặc lúa. Vì vậy, ở đây người dân chỉ trồng khoai tây, với gần 80% tổng diện tích khu vực, đến mức tỉnh Ryanggang có thể được gọi là “tỉnh khoai tây”. Người dân tộc Hàn quan niệm các loại rau củ được trồng ở vùng cao thường rất ngon. Khoai tây được trồng ở vùng núi phía Bắc như huyện Taehongdan cũng không phải ngoại lệ. Đặc biệt, môi trường trồng trọt càng tồi tệ thì khoai càng cứng. Khoai tây trồng ở tỉnh Ryanggang có hương vị hoàn toàn khác với khoai ở các địa phương khác vì chúng chứa nhiều tinh bột và đường nên được ví là cứng như đạn. Khi được nấu lên, khoai sẽ nở to và có hương vị thơm ngon.

 

Trước đây, Bắc Triều Tiên trồng ngô đồng loạt ở tất cả các vùng mà không xem xét đến điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu. Tuy nhiên, ở vùng núi cao, điều kiện khí hậu và đất đai không phù hợp với việc trồng ngô. Sắp xếp lại các loại cây trồng theo đặc điểm địa lý để giải quyết vấn đề lương thực, miền Bắc đã sử dụng huyện Taehongdan, một khu vực có khí hậu lạnh nằm trên cao nguyên Kaema, làm trung tâm của cuộc cách mạng trồng khoai tây. Nước này còn cử các nhà khoa học và kỹ sư đến “tỉnh khoai tây” Ryanggang để nghiên cứu về loại cây này, đồng thời triển khai hơn 1.000 binh sĩ đã giải ngũ đến huyện Taehongdan để thúc đẩy việc trồng khoai tây một cách toàn diện.

 

Cố Chủ tịch Kim Jong-il đã cử những người lính giải ngũ đến các trang trại ở Taehongdan để tập trung vào việc trồng khoai tây. Tuy nhiên, không thể chỉ điều động binh lính đi được nên Bắc Triều Tiên đã cử thêm các cô gái trên khắp cả nước đi cùng. Các cô gái này đã kết hôn với những người lính và được Nhà nước cấp nhà. Cặp đôi đầu tiên đã sinh đôi và nhờ cố Chủ tịch Kim Jong-il đặt tên. Ông cho rằng vì hai bé sinh ra tại Taehongdan nên đã đặt tên cho bé trai là Taehong và bé gái là Hongdan. Vậy là câu chuyện về Taehong và Hongdan ra đời.

 

Huyện Taehongdan đã trở thành trung tâm của chính sách tăng cường trồng khoai tây của Bắc Triều Tiên, cho ra những củ khoai to, có vị ngọt, nổi tiếng đến mức được lấy làm chủ đề cho các bài hát thiếu nhi tại nước này. Trên thực tế, tỉnh Ryanggang chiếm tới 57% tổng diện tích trồng khoai tây của Bắc Triều Tiên. Nơi đây còn có một khẩu hiệu chính trị mang tên "Tinh thần Taehongdan”, nói lên nỗ lực và sự bền bỉ của những người nông dân trồng khoai tây. Khẩu hiệu này được nhấn mạnh trong bài xã luận chung đầu năm mới 2001 của miền Bắc nhằm đề cao tinh thần tự lực cánh sinh để tự mình giải quyết mọi vấn đề cần thiết cho nông nghiệp. Theo đó, khoai tây trở thành đối tượng canh tác của cuộc cách mạng nông nghiệp để vượt qua thời kỳ “cuộc hành quân gian khổ”, đồng thời trở thành một nguyên liệu thực phẩm quan trọng ở Bắc Triều Tiên. Cách bảo quản khoai tây trong nước cũng được nâng cao thông qua quá trình chế biến thứ cấp. Cụ thể, bột khoai tây được sản xuất tại Nhà máy sản xuất bột khoai tây Samjiyon và Nhà máy chế biến khoai tây huyện Taehongdan được phát triển dưới dạng thực phẩm qua chế biến. Các chương trình phát sóng của miền Bắc cũng giới thiệu các công thức nấu ăn sử dụng bột khoai tây. Có rất nhiều món ăn sử dụng khoai tây ở Bắc Triều Tiên. Cuốn sách “Món ăn từ khoai tây” được xuất bản năm 1999 đã giới thiệu hơn 80 món ăn từ khoai tây, bao gồm mì lạnh khoai tây, bánh khoai tây rán, canh bánh khoai tây, kẹo mạch nha khoai tây và khoai tây chiên tẩm sốt. Bột khoai tây cũng được sử dụng làm các loại bánh vốn dùng bột mì như bánh mì và xúc xích tẩm bột rán. Bắc Triều Tiên cũng tổ chức các cuộc thi nấu ăn toàn quốc, nơi giới thiệu nhiều món ăn làm từ khoai tây, đồng thời tích cực giải thích về tác dụng của khoai tây trên truyền hình. Việc miền Bắc giới thiệu khoai tây là một loại thực phẩm tốt cho sức khỏe và quảng cáo về khoai tây cũng tăng lên rõ rệt có thể là dấu hiệu cho thấy tình hình lương thực ở nước này đã trở nên xấu đi.

 

Chợ của Bắc Triều Tiên vốn phải cung cấp được một lượng ngũ cốc nhất định, nhưng do nước này tự phong tỏa để phòng dịch COVID-19 nên không thể nhập khẩu phân bón, thuốc trừ sâu và các vật tư nông nghiệp khác. Lượng lương thực còn thiếu phải được nhập khẩu từ Trung Quốc hoặc nước ngoài, nhưng việc nhập khẩu không tiến triển, thêm vào đó là các lệnh trừng phạt quốc tế. Tình trạng “một cổ 3, 4 tròng” khiến cho tình hình của miền Bắc năm ngoái đã tệ, năm nay càng tồi tệ hơn. Đặc biệt, hiện tại nước này đang ở tình thế tệ nhất vì năm ngoái nông nghiệp thất thu. Vì vậy, có thể nói chính sách một lần nữa nhấn mạnh vào việc trồng khoai tây chính là để giải quyết tình trạng thiếu hụt lương thực hiện tại.

 

Việc phong tỏa biên giới kéo dài sau đợt bùng phát dịch COVID-19 đã gây ra nạn đói ở một số vùng của Bắc Triều Tiên. Trước tình trạng thiếu lương thực trầm trọng, chính quyền miền Bắc năm nay đã đặt việc tăng sản lượng lương thực lên làm nhiệm vụ kinh tế. Trong đó, khoai tây một lần nữa đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết tình hình khó khăn hiện tại.

Lựa chọn của ban biên tập