Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Quy chế nhập khẩu với hàng hóa Hàn Quốc và xu hướng bảo hộ mậu dịch

2020-04-11

Tin tức

ⓒYONHAP News

Tính tới cuối quý I năm nay, đã có tổng cộng 211 vụ áp đặt hoặc điều tra quy chế nhập khẩu với hàng hóa Hàn Quốc tại 27 nước, giảm 2 nước so với năm ngoái nhưng số vụ vẫn giữ nguyên. Điều này cho thấy hàng rào thương mại vẫn chưa hề được cải thiện, mặc dù các nước đã cam kết phối hợp chặt chẽ để đối phó với khủng hoảng kinh tế do đại dịch COVID-19.

 

Quy chế nhập khẩu với Hàn Quốc

Theo tài liệu do Trung tâm hỗ trợ tổng hợp về quy chế nhập khẩu thuộc Hiệp hội thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA) công bố ngày 8/4, đã có 157 vụ áp thuế chống bán phá giá, 45 vụ liên quan đến biện pháp tạm thời hạn chế nhập khẩu (Safeguard), 9 vụ áp thuế chống trợ cấp (thuế đối kháng) với hàng hóa Hàn Quốc. Xét theo quốc gia, Mỹ áp dụng quy chế nhập khẩu với 43 vụ, Ấn Độ 32 vụ, Trung Quốc 17 vụ, Thổ Nhĩ Kỳ 15 vụ, Canada 13 vụ, Indonesia 11 vụ, Brazil 10 vụ. Các mặt hàng bị áp quy chế gồm thép và kim loại 98 vụ, hóa chất 43 vụ, các loại nhựa và cao su 25 vụ, vải 13 vụ, điện và điện tử 8 vụ. Trong quý I năm nay, có thêm 7 trường hợp hàng hóa Hàn Quốc đang bị điều tra để áp quy chế nhập khẩu tại 5 nước. Trong đó, Mỹ đang điều tra chống bán phá giá đối với ba sản phẩm từ Hàn Quốc là thuốc lá loại 4 (chiều dài từ 7-12cm), nhôm hợp kim aluminium dạng tấm, và tấm nhựa phân tử lượng có tính nhiệt dẻo. Philippines đang xem xét áp biện pháp tạm thời hạn chế nhập khẩu với mặt hàng ô tô và xe chở khách của Hàn Quốc. Các nước Pakistan, Malaysia và Mexico cũng đang điều tra áp thuế chống bán phá giá đối với hàng hóa Hàn Quốc.

 

Bối cảnh và ý nghĩa

Việc các nước áp đặt quy chế nhập khẩu với hàng hóa Hàn Quốc không còn là vấn đề mới. Ngành chế tạo Hàn Quốc vốn có năng lực cạnh tranh cao, nên nhiều quốc gia khá lo ngại về mối uy hiếp từ hàng hóa Hàn Quốc đối với nền công nghiệp nước mình. Đặc biệt, kể từ khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, Washington thể hiện rõ đường lối bảo hộ mậu dịch khiến nhiều nước khác trên thế giới có xu hướng “kìm kẹp” hàng hóa Hàn Quốc. Trong năm 2019, có tổng cộng 41 vụ điều tra mới, xem xét áp quy chế nhập khẩu với hàng hóa Hàn Quốc, 83% (34 vụ) là của các quốc gia mới nổi. Tuy nhiên, cũng có 7 vụ (17%) của các nước phát triển. Đặc biệt trong năm ngoái, Ấn Độ đã công khai lợi dụng quy chế nhập khẩu, tiến hành 12 vụ điều tra mới đối với Hàn Quốc, mức cao kỷ lục.

 

Triển vọng

Do đại dịch COVID-19 bùng phát, tập trung tại khu vực Bắc Mỹ và châu Âu, nền kinh tế toàn cầu bắt đầu lún sâu vào vũng lầy suy thoái với tốc độ chóng mặt. Các chuyên gia và giới doanh nghiệp đều chung nhận định để vượt qua khủng hoảng lần này, các nước phải đẩy mạnh thương mại tự do, tăng cường phối hợp quốc tế. Nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20) và nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) cũng đã đưa ra cam kết hợp tác chặt chẽ. Tuy nhiên, các nước đang áp đặt nhiều biện pháp quyết liệt như cấm nhập cảnh với người nước ngoài, đóng cửa biên giới, dừng giao thông hàng không để ngăn ngừa sự lây lan của virus COVID-19. Trong bối cảnh tâm lý “thân ai nấy lo” đang lan rộng hiện nay, làn sóng bảo hộ mậu dịch cũng đang có dấu hiệu mạnh mẽ hơn. Đặc biệt, Tổng thống Donald Trump đang liên hệ vấn đề COVID-19 với mối uy hiếp an ninh từ Trung Quốc như một phần của chiến lược tái đắc cử, nên dự kiến Washington sẽ còn tăng cường hơn nữa chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch.

Quy chế nhập khẩu của các nước đã gây ra ảnh hưởng tiêu cực ngay lập tức tới xuất khẩu của Hàn Quốc. Đặc biệt gần đây, các mặt hàng thuộc đối tượng bị áp quy chế có chiều hướng đa dạng hơn, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước gặp gánh nặng lớn về chi phí nên đã phải tạm dừng xuất khẩu. Chính phủ Hàn Quốc cần chuẩn bị đối sách phù hợp và kỹ lưỡng để giảm thiểu thiệt hại cho doanh nghiệp.

Lựa chọn của ban biên tập