Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

IMF dự đoán kinh tế thế giới năm nay tăng trưởng âm

2020-04-18

Tin tức

ⓒYONHAP News

Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2020 xuống còn -3%, đồng thời nhận định kinh tế toàn cầu đang rơi vào tình trạng tồi tệ nhất kể từ thời kỳ “đại suy thoái” những năm 1930. Nguyên nhân là do tác động từ các chính sách phong tỏa biên giới của các nước để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19. IMF cũng dự đoán triển vọng tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc năm nay là -1,2%, giảm 3% so với mức 2,2% tổ chức này đưa ra trước đó.

 

Dự đoán của IMF

Quỹ tiền tệ quốc tế ngày 14/4 đã công bố báo cáo triển vọng kinh tế thế giới, dự đoán kinh tế thế giới năm nay sẽ tăng trưởng -3%, thấp hơn 6,3% so với mức dự đoán 3,3% hồi tháng 1 vừa qua. Nếu tình hình thực tế đúng như dự đoán, nền kinh tế thế giới sẽ ghi nhận mức tăng trưởng tồi tệ nhất trong vòng 90 năm trở lại đây, thấp hơn cả mức tăng trưởng -0,1% của năm 2009, ngay sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Kể từ khi IMF bắt đầu công khai báo cáo liên quan năm 1980 tới nay, chỉ có năm 2009 là triển vọng tăng trưởng kinh tế được dự đoán ở mức âm. Trong báo cáo lần này, IMF đã dùng cụm từ “đại phong tỏa” (Great Lockdown) để ám chỉ nguy cơ suy thoái kinh tế trầm trọng hiện tại.

 

Bên cạnh đó, Quỹ tiền tệ quốc tế cũng dự đoán triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới năm sau là 5,8%, với điều kiện dịch COVID-19 được đẩy lùi trong quý II, các chính sách đóng cửa biên giới của các nước dần được dỡ bỏ. Mặc dù mức 5,8% cao hơn 2,4% so với mức dự đoán trước đó, song nguyên nhân chủ yếu là do hiệu ứng cơ sở của việc nhiều lĩnh vực đạt tăng trưởng âm trong năm nay. Do đó, khó có thể nhận định tốc độ tăng trưởng thực tế sẽ đạt mức cao.

 

IMF còn dự báo tổn thất tích lũy của kinh tế thế giới do dịch COVID-19 sẽ chạm ngưỡng 9.000 tỷ USD tới năm sau, cao hơn cả giá trị Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của hai nền kinh tế lớn thứ ba, thứ tư thế giới là Nhật Bản và Đức cộng lại.

 

Triển vọng tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc

IMF dự đoán tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc trong năm nay là -1,2%. Quỹ tiền tệ quốc tế đánh giá phương pháp tiếp cận toàn diện và chính sách khắc phục kinh tế nhanh chóng của Chính phủ Hàn Quốc đã giúp nền kinh tế trong nước phần nào giảm nhẹ những ảnh hưởng tiêu cực do dịch COVID-19. Tuy nhiên, xét đến mức độ mở cửa đối ngoại khá cao của Chính phủ Seoul, nhu cầu sụt giảm của các nước sẽ kìm hãm tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc, do đa số các đối tác giao thương lớn với Hàn Quốc đều bị hạ mức dự đoán triển vọng tăng trưởng kinh tế.

 

Mức hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc là thấp nhất trong 36 nước thành viên của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Tức là  dù được dự báo tăng trưởng âm, song triển vọng tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc vẫn ở mức cao nhất. IMF dự đoán triển vọng tăng trưởng kinh tế năm nay của Mỹ là -5,9%, Liên minh châu Âu (EU) là -7,5%, Nhật Bản là -5,2%, thấp hơn so với dự đoán trước đó từ 4,6% tới tối đa 8,9%.

 

Ý nghĩa và triển vọng

Có thể nói, Quỹ tiền tệ quốc tế đã chính thức nhận định kinh tế thế giới đang trong tình trạng đình trệ. Tuy nhiên, đây chỉ là kịch bản giả định khi dịch COVID-19 được đẩy lùi vào một thời điểm nào đó. Trên thực tế, IMF cho rằng nếu công tác phòng chống dịch tiếp tục kéo dài, triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới năm nay có thể sẽ được hạ thêm 3% nữa. Ngoài ra, nếu tình hình tồi tệ hơn trong năm sau, triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2021 có thể được hạ thấp thêm tới 8% nữa.

 

Quỹ tiền tệ quốc tế cho rằng kiềm chế sự lây lan của dịch COVID-19 và tăng cường chi tiêu y tế là giải pháp tối ưu để khắc phục tình hình. IMF cũng khuyến cáo Chính phủ các nước cần nỗ lực giảm nhẹ cú sốc cho nền kinh tế, áp dụng các chính sách tài chính tiền tệ có chọn lọc với quy mô lớn để hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ gia đình chịu thiệt hại nặng do đại dịch. Cùng với đó, IMF cũng giới thiệu các chính sách của Chính phủ Hàn Quốc như duy trì tuyển dụng ở tầng lớp tiểu thương, hỗ trợ dịch vụ chăm sóc gia đình, đảm bảo tính thanh khoản cho các doanh nghiệp trên thị trường, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang chịu thiệt hại.

Lựa chọn của ban biên tập