Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng âm trong quý I

2020-04-25

Tin tức

ⓒYONHAP News

Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) ngày 25/4 công bố số liệu sơ bộ cho biết Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý I tăng trưởng -1,4%, thấp nhất trong hơn 11 năm qua sau mức -3,3% của quý IV năm 2008, thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu. BOK phân tích ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 đã kéo tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc giảm hơn 2%.

 

Tăng trưởng âm trong quý I

Kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng âm trong quý I là do đại dịch COVID-19 bắt đầu lây lan mạnh trong nước từ tháng 2, khiến toàn bộ nền kinh tế, từ sản xuất tới tiêu dùng, đều bị co hẹp. Đặc biệt, tiêu dùng tư nhân trong quý I đã giảm 6,4% so với quý trước, mức giảm sâu nhất sau mức 13,8% của quý I năm 1998, thời kỳ khủng hoảng tiền tệ châu Á. Do lo ngại dịch bệnh lây lan, người tiêu dùng hạn chế tối đa các hoạt động bên ngoài. Tiêu dùng tư nhân ở lĩnh vực dịch vụ như ăn uống, nhà hàng khách sạn, giải trí văn hóa, cho tới cả tiêu dùng về hàng hóa như ô tô, quần áo đều giảm mạnh. Tiêu dùng tư nhân chiếm một nửa Tổng sản phẩm quốc nội của Hàn Quốc, thường rất ít biến động theo quý. Do vậy, mức giảm 6,4% trong quý I vừa qua được coi là cao hiếm thấy. Trên thực tế, tiêu dùng tư nhân được phân tích là đã kéo tụt 3,1% tỷ lệ tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế Hàn Quốc.

Ngoài tiêu dùng, các hạng mục khác đều ghi nhận kết quả khá khả quan nếu xét tới tính chất nghiêm trọng của đại dịch COVID-19. Đầu tư thiết bị, đầu tư xây dựng, chi tiêu Chính phủ tăng từ 0,2% đến 1,3%. Chi tiêu Chính phủ tăng 2,5% vào quý IV năm ngoái và được dự báo sẽ giảm trong quý I năm nay. Tuy nhiên, do Chính phủ giải ngân sớm ngân sách để đối phó dịch COVID-19 nên chi tiêu Chính phủ đã tăng nhẹ trong quý I. Xuất khẩu trong quý I giảm 2%, chịu ít ảnh hưởng hơn từ dịch COVID-19 so với tiêu dùng tư nhân. Mặc dù xuất khẩu ô tô, máy móc, chế phẩm hóa học giảm, nhưng xuất khẩu chíp bán dẫn vẫn tiếp tục tăng trưởng, góp phần giảm nhẹ tác động của dịch COVID-19 lên xuất khẩu.

Xét theo lĩnh vực, ngành dịch vụ chịu cú sốc lớn nhất từ dịch COVID-19, ghi nhận mức tăng trưởng -2% trong quý I, mức giảm sâu nhất sau mức -6,2% của quý I năm 1998, thời điểm khủng hoảng tiền tệ châu Á. Đặc biệt, lĩnh vực vận tải giảm 12,6%, bán lẻ, nhà hàng khách sạn giảm 6,5%, văn hóa và các dịch vụ khác giảm 6,2%, phản ánh rõ nét ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Ngành chế tạo tăng trưởng -1,8%. Mặc dù trang thiết bị vận tải và kim loại cơ bản giảm, nhưng sản xuất chíp bán dẫn vẫn tăng, nên mức giảm của toàn ngành chế tạo không lớn. Tổng thu nhập quốc dân (GDI) thực tế trong quý I giảm 0,6% so với quý trước, mức giảm ít hơn GDP thực tế, do các điều kiện thương mại được cải thiện.

 

Ý nghĩa và triển vọng

“Bảng thành tích” kinh tế Hàn Quốc trong quý I vừa qua vẫn được đánh giá là đã “phòng vệ tốt” trước cú sốc từ đại dịch COVID-19, nếu so với kinh tế Trung Quốc tăng trưởng -6,8% so với cùng kỳ năm trước và -9,8% so với quý trước. Vấn đề đặt ra là tình hình kinh tế trong quý II. Dịch COVID-19 đã lây lan nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu, chính thức ảnh hưởng tới nền kinh tế từ tháng 3. Ngân hàng trung ương Hàn Quốc cho biết tuyển dụng tháng 3 đã sụt giảm mạnh, dự kiến sẽ tác động tiêu cực tới tiêu thụ nội địa. Ngoài ra, dịch COVID-19 đã làm co hẹp nhu cầu trên thế giới, có thể ảnh hưởng tới xuất khẩu của Hàn Quốc. Theo tính toán của BOK, nếu từ quý II đến quý IV kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng trên 0,03% so với quý trước, thì tăng trưởng cả năm sẽ có thể đạt mức dương. Tức là nền kinh tế cần hồi phục dần dần từ quý III, sau đó sang quý IV, các hoạt động kinh tế quay trở lại ngưỡng tương tự quý IV năm ngoái. Hiện tại, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đang dự báo kinh tế thế giới tăng trưởng -3%, kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng -1,2% trong năm nay.

Lựa chọn của ban biên tập