Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Quốc hội Hàn Quốc thông qua dự thảo ngân sách bổ sung đợt hai

2020-05-02

Tin tức

ⓒYONHAP News

Quốc hội Hàn Quốc ngày 30/4 đã mở phiên họp toàn thể, thông qua dự thảo ngân sách bổ sung đợt hai quy mô 12.200 tỷ won (hơn 10 tỷ USD) nhằm hỗ trợ khẩn cấp cho người dân cả nước đang gặp khó khăn dịch COVID-19. Theo đó, Chính phủ sẽ xúc tiến chi trả tiền hỗ trợ cho người dân vào trung tuần tháng 5.


Ngân sách bổ sung đợt hai

Chính giới quyết định mở rộng đối tượng được hưởng trợ cấp sang toàn bộ 21.710.000 hộ gia đình trên cả nước, thay vì chỉ 70% số hộ gia đình có thu nhập thấp (theo thứ tự từ trên xuống trên tổng số hộ gia đình cả nước) như dự thảo ban đầu của Chính phủ. Do vậy, quy mô ngân sách bổ sung mà Quốc hội thông qua tăng thêm 4.600 tỷ won (3,77 tỷ USD) so với quy mô mà Chính phủ đệ trình, tức là tăng từ 7.600 tỷ won (6,2 tỷ USD) lên thành 12.200 tỷ won (10 tỷ USD).

Theo đó, hộ gia đình một thành viên sẽ được chi trả 400.000 won (328 USD), hộ gia đình hai thành viên là 600.000 won (492 USD), ba thành viên là 800.000 won (656 USD), 4 thành viên trở lên là 1.000.000 won (820 USD). Người dân có thể lựa chọn một trong các phương thức chi trả là qua thẻ thanh toán, hoặc thẻ tín dụng cá nhân, phiếu mua hàng địa phương, thẻ trả trước do chính quyền địa phương cấp. Chính phủ bắt đầu tiếp nhận đăng ký trực tuyến từ ngày 11/5, chi trả từ ngày 13/5. Người dân cũng có thể tới các cơ quan chức năng để đăng ký trực tiếp từ ngày 18/5. Tuy nhiên, 2,7 triệu hộ gia đình thuộc tầng lớp yếu thế sẽ được chuyển khoản ngay bằng tiền mặt vào ngày 4/5 mà không cần phải đăng ký.

Tổng ngân sách cần thiết để thực hiện gói hỗ trợ trên là 14.300 tỷ won (11,7 tỷ USD), trong đó 12.200 tỷ won (10 tỷ USD) được huy động từ ngân sách Nhà nước, 2.100 tỷ won (1,7 tỷ USD) huy động từ ngân sách địa phương. Đối với khoản ngân sách 4.600 tỷ won (3,77 tỷ USD) tăng thêm, Chính phủ sẽ huy động bằng cách phát hành trái phiếu Chính phủ quy mô 3.400 tỷ won (gần 2,8 tỷ USD), và 1.200 tỷ won (984 triệu USD) từ điều chỉnh cơ cấu chi tiêu ngân sách Nhà nước, bao gồm các biện pháp như cắt giảm chi phí tổ chức sự kiện trong và ngoài nước do dịch COVID-19, cắt giảm một phần ngân sách ở lĩnh vực hạ tầng kinh tế-xã hội, cắt giảm một phần chi phí nhân lực công chức.

 

Bối cảnh hỗ trợ

Chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ khẩn cấp cho người dân cả nước là nhằm giảm thiểu thiệt hại do dịch COVID-19, thổi sức sống cho nền kinh tế đang suy thoái do dịch bệnh. Trước đó, Chính phủ từng công bố đối sách hỗ trợ quy mô lớn cho giới doanh nghiệp lữ hành, hàng không, chế tạo, xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Gói hỗ trợ toàn dân lần này là nhằm ổn định dân sinh, thúc đẩy tiêu dùng, từ đó tác động tích cực tới cả các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ cho tới các hộ kinh doanh nhỏ lẻ.

Ban đầu, Chính phủ có kế hoạch chỉ chi trả trợ cấp cho 70% số hộ gia đình trên cả nước. Tuy nhiên, sau đó đã nảy sinh nhiều ý kiến tranh cãi về đối tượng và tiêu chuẩn hỗ trợ, cũng như nhiều ý kiến hoài nghi về hiệu quả của biện pháp này. Cuối cùng, chính giới nhất trí phương án là chi trả hỗ trợ cho toàn dân, kêu gọi người dân quyên góp tự nguyện. Tức là cho tới hết thời hạn đăng ký nhận hỗ trợ, hộ gia đình nào không đăng ký thì được coi như tự nguyện quyên góp cho Nhà nước, Chính phủ sẽ không chi trả tiền hỗ trợ cho các hộ đó.

 

Hiệu quả kỳ vọng và lo ngại

Khoản tiền hỗ trợ khẩn cấp cho người dân cả nước mang tính chất là Chính phủ rót 12.200 tỷ won (10 tỷ USD) vào thị trường, được kỳ vọng sẽ đóng vai trò lớn trong việc mang lại tâm lý tích cực, ổn định tiêu thụ nội địa. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến lo ngại biện pháp này sẽ không tạo ra nhiều hiệu quả về mặt ổn định tiêu dùng, mà chỉ ảnh hưởng xấu tới nền tảng tài chính của Hàn Quốc. Sau khi nhận tiền hỗ trợ, tầng lớp thu nhập thấp có thể sẽ “mở ví” chi tiêu, nhưng tầng lớp trung lưu có thể sẽ dùng số tiền hỗ trợ để trả nợ, hoặc không sử dụng tới để dự phòng cho tương lai. Trong khi đó, tầng lớp giàu có thì dù không có khoản hỗ trợ này cũng sẽ vẫn tiêu dùng như bình thường. Gói hỗ trợ của Chính phủ còn tác động xấu tới nền tảng tài chính của Hàn Quốc. Với hai đợt ngân sách bổ sung từ đầu năm nay, tỷ lệ thâm hụt cán cân tài chính trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là 4,5%, tăng 1%. Nợ quốc gia là 819.000 tỷ won (671,86 tỷ USD), tăng thêm 13.800 tỷ won (11,32 tỷ USD). Thêm vào đó, đã có một số ý kiến đề xuất khả năng lập ngân sách bổ sung đợt ba, nên nền tảng tài chính của Hàn Quốc sẽ không tránh khỏi bị ảnh hưởng.

Lựa chọn của ban biên tập