Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Một năm chiến đấu với COVID-19 của Hàn Quốc

2021-01-23

Tin tức

ⓒYONHAP News

Cách đây một năm, vào ngày 20/1 năm ngoái, Hàn Quốc ghi nhận ca nhiễm COVID-19 đầu tiên trong nước. Ở thời điểm hiện tại, làn sóng lây nhiễm lần thứ ba đã bước qua đỉnh dịch, đang có chiều hướng được kiểm soát. Tuy nhiên, cơ quan phòng dịch cảnh báo dịch bệnh vẫn hoàn toàn có khả năng tái bùng phát mạnh bất cứ lúc nào.

 

Tình hình COVID-19 hiện tại

Hiện tại, Hàn Quốc đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm COVID-19 lần thứ ba, tâm dịch là thủ đô Seoul và các địa phương lân cận. Cuối tháng 12 năm ngoái, số ca nhiễm mới liên tục ở ngưỡng trên 1.000 ca/ngày. Tuy nhiên, kể từ sau khi đạt 1.020 ca vào ngày 3/1, số ca nhiễm mới đã giảm dần xuống mức ba con số. Trong vòng một tuần từ ngày 13-19/1, số ca nhiễm mới đạt bình quân 406 ca/ngày. Dựa trên số liệu thì có thể coi Hàn Quốc đã vượt qua được bước ngoặt lớn nhất, sắp sửa khống chế được làn sóng lây nhiễm thứ ba. Tuy nhiên, mùa đông vẫn còn kéo dài hai tháng nữa, thời điểm thuận lợi cho sự tồn tại của virus. Thêm vào đó, đang xuất hiện biến chủng virus COVID-19 từ Anh, Nam Phi, nên tuyệt đối chưa thể lạc quan. Chính phủ Hàn Quốc đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp phòng dịch, cho phép một số cơ sở kinh doanh tập trung đông người, cơ sở tôn giáo như nhà thờ được phép hoạt động trở lại ở mức hạn chế. Đây là những cơ sở từng thường xuyên xảy ra các vụ lây nhiễm tập thể trong thời gian qua. Mặc dù công tác phòng dịch là tối quan trọng, nhưng Chính phủ vẫn phải quan tâm tới kinh tế, cũng như đời sống sinh hoạt của người dân sau một thời gian dài lâm vào khó khăn vì dịch bệnh. Cục diện hiện tại vẫn là một trận đấu đầy căng thẳng giữa “phòng dịch” và “kinh tế”.

 

Làn sóng lây nhiễm lần thứ nhất

Bệnh nhân COVID-19 đầu tiên tại Hàn Quốc là một người phụ nữ Trung Quốc ngoài 30 tuổi, nhập cảnh thông qua sân bay quốc tế Incheon vào ngày 20/1/2020. Sau đó, phần lớn các ca nhiễm ghi nhận trong tháng 1 năm ngoái đều là những người nhập cảnh từ Trung Quốc, dịch bệnh hầu như chưa lây lan trong nước. Tuy nhiên, vào ngày 18/2, Hàn Quốc ghi nhận ca siêu lây nhiễm là “bệnh nhân số 31” ở thành phố Daegu. Bệnh nhân này đã khiến dịch bệnh lây lan rộng trong nước, phần lớn ca nhiễm có liên quan tới nhà thờ Shincheonji ở thành phố Daegu. Tại tỉnh Bắc Gyeongsang cũng xảy ra vụ lây nhiễm tập thể ở một bệnh viện. Sau đó, làn sóng lây nhiễm lần thứ nhất đã lan ra toàn quốc, hầu hết các địa phương đều xuất hiện rải rác các ca nhiễm. Dịch bệnh bắt đầu được kiểm soát từ sau trung tuần tháng 3, số ca nhiễm mới bình quân dưới 100 ca/ngày, nhờ những nỗ lực tuân thủ quy tắc phòng dịch cơ bản của toàn dân, như giãn cách xã hội, đeo khẩu trang, rửa tay, sự cống hiến tận tụy của các nhân viên y tế, tình nguyện viên. Trong vòng 100 ngày kể từ sau khi phát sinh ca nhiễm đầu tiên, Hàn Quốc ghi nhận tổng cộng 10.761 ca nhiễm COVID-19, 246 ca tử vong, được đánh giá là kiểm soát dịch bệnh thành công.

 

Làn sóng lây nhiễm thứ hai và thứ ba

Khi xảy ra làn sóng lây nhiễm đầu tiên, Hàn Quốc là quốc gia đầu tiên ngoài Trung Quốc bùng phát mạnh dịch COVID-19, nên cú sốc khi đó là rất lớn. Tuy nhiên, sau khi dịch COVID-19 càn quét các quốc gia trên toàn thế giới, trong đó có Mỹ và châu Âu, thì ngược lại, Hàn Quốc lại trở thành quốc gia điển hình về công tác phòng dịch. Mặc dù vậy, Seoul vẫn không thể ngăn chặn được thêm hai làn sóng lây nhiễm sau đó. Làn sóng lây nhiễm thứ hai khởi nguồn từ một nhà thờ ở Seoul và cuộc biểu tình quy mô lớn nhân dịp Quốc khánh 15/8 năm ngoái. Tâm dịch của làn sóng lây nhiễm thứ hai là thủ đô Seoul và các địa phương lân cận. Chính quyền các địa phương này đã ngăn chặn dịch bệnh thành công bằng các biện pháp phòng dịch cứng rắn, như giãn cách xã hội quyết liệt, đóng cửa các cơ sở tập trung đông người. Nhưng từ trung tuần tháng 11, dịch bệnh lại tiếp tục bùng lên mạnh mẽ và vẫn đang tiếp diễn cho tới thời điểm hiện tại. Tính đến 0 giờ ngày 20/1, Hàn Quốc ghi nhận tổng cộng 73.518 ca nhiễm COVID-19, 1.300 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong ngày 19/1 là 404 ca, 17 ca tử vong. Cơ quan phòng dịch đề nghị người dân tiếp tục đề cao cảnh giác, tuân thủ quy tắc phòng dịch, bởi dịch bệnh có thể tái bùng phát mạnh bất cứ lúc nào.

Lựa chọn của ban biên tập