Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Chính trị

Quốc hội và Chính phủ tranh cãi về gánh nặng chi phí sưởi ấm

Write: 2023-02-08 11:20:01Update: 2023-02-08 11:58:44

Quốc hội và Chính phủ tranh cãi về gánh nặng chi phí sưởi ấm

Photo : YONHAP News

Trong ngày 7/2, ngày thứ hai của phiên chất vấn Chính phủ xoay quanh lĩnh vực kinh tế, với trọng tâm là gánh nặng chi phí sưởi ấm. Phía Chính phủ có sự tham gia của Thủ tướng Han Duck-soo và Bộ trưởng Công nghiệp, thương mại và tài nguyên Hàn Quốc Lee Chang-yang để giải đáp những khúc mắc của các nghị sĩ.

Đáp lại lời yêu cầu xin lỗi vì để người dân lâm vào tình cảnh khó khăn do giá tiêu dùng tăng vọt của nghị sĩ Seo Young-kyo thuộc đảng đối lập Dân chủ đồng hành, Thủ tướng Han cho rằng cần phải nắm bắt rõ nguyên nhân của sự leo thang giá tiêu dùng, chứ không thể chỉ giải quyết đơn thuần bằng các chính sách lấy lòng dân như "thắt dây buộc bụng" chi phí công cộng. 

Thủ tướng Hàn Quốc cho rằng cần minh bạch trong việc kêu gọi người dân thấu hiểu để đồng cam cộng khổ với Chính phủ và vấn đề hỗ trợ tầng lớp yếu thế; đồng thời nhấn mạnh vai trò của Chính phủ trong việc tạo ra một quốc gia vững mạnh và được công nhận, thay vì một chính quyền mang chủ nghĩa dân túy.

Tiếp đó, nghị sĩ Seo Young-kyo lại xoáy vào câu nói này của Thủ tướng, cho rằng ông đang hàm ý Tổng thống Yoon Suk-yeol là người mang chủ nghĩa dân túy vì đã từng kêu gọi xem xét phương án cắt giảm chi phí sưởi ấm cho tầng lớp trung lưu và người dân nghèo. Đáp lại, ông Han nhận định chính sách hỗ trợ toàn bộ người dân trích từ ngân sách Nhà nước là không hợp lý.

Trong khi đó, nghị sĩ đảng cầm quyền Sức mạnh quốc dân Han Moo-kyung lại quy trách nhiệm cho Chính phủ tiền nhiệm khi đã phớt lờ cả 8 đợt yêu cầu tăng giá sưởi ấm vào năm ngoái. Nghị sĩ này nhấn mạnh chính sách dỡ bỏ dần nhà máy điện nguyên tử của cựu Tổng thống Moon Jae-in chính là nguyên nhân gây ra sự tăng vọt của chi phí sưởi ấm.

Ông Choi Chun-sik, một nghị sĩ khác của đảng cầm quyền, đã lên án sự "tráo trở" của đảng đối lập khi cố quy trách nhiệm cho Chính phủ Yoon Suk-yeol, trong khi thời gian nhậm chức của Chính phủ này còn chưa đủ một năm. 

Bác lại lập luận này, nghị sĩ đảng đối lập Lee Kai-ho cho biết sản lượng điện nguyên tử dưới thời Tổng thống Moon tăng tận 30%, nên không thể xem nguyên nhân là do chính sách dỡ bỏ nhà máy điện hạt nhân.

Về phần mình, Bộ trưởng Công nghiệp Lee Chang-yang nhận định gánh nặng về giá gas hoặc tiền điện sẽ giảm nếu tỷ trọng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) giảm và nhà máy điện hạt nhân tăng.

Lựa chọn của ban biên tập