Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Chương trình đặc biệt

Tiếng Hàn, ngôn ngữ thông dụng thứ 12 toàn cầu

2013-10-09

[Tiếng Hàn, ngôn ngữ thông dụng thứ 12 toàn cầu]]


Hôm 31/8 vừa qua, Đài phát thanh - truyền hình Hàn Quốc KBS đã tổ chức cuộc thi Đố vui về Hàn Quốc dành cho người nước ngoài mang tên “Quiz on Korea”. Tuy đến từ những vùng đất xa xôi sau một hành trình dài nhưng tất cả 30 thí sinh đại diện cho 30 quốc gia có mặt tại cuộc thi vẫn đang rất hưng phấn. Họ hưng phấn vì đã vượt qua được 5.000 thí sinh trên toàn thế giới để có mặt trong chương trình, và cũng vì cuối cùng đã được đặt chân tới xứ sở Kimchi, vùng đất mà họ vẫn yêu mến từ lâu.

Đã từ lâu, hình ảnh người nước ngoài xuất hiện trên sóng truyền hình với vốn tiếng Hàn thông thạo đã không còn quá xa lạ với người dân nước này. Điều đó cho thấy ngày càng có nhiều người dân trên thế giới yêu mến đất nước Hàn Quốc và những thí sinh của cuộc thi Đố vui về Hàn Quốc “Quiz on Korea” chính là một trong những ví dụ điển hình nhất. Người nước ngoài bắt đầu quan tâm đến tiếng Hàn có lẽ là kể từ khi Làn sóng văn hóa Hàn Quốc Hallyu lan rộng vào cuối những năm 1990. Hiện có hơn 6.000 thứ tiếng đang được sử dụng trên thế giới, trong đó, tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Trung Quốc được sử dụng nhiều hơn cả. Vậy thì vì lý do gì mà ngày càng có nhiều người theo học tiếng Hàn?

Từ lâu, ngôn ngữ đã là phương tiện giao tiếp quan trọng nhất của con người. Nó góp phần làm hình thành nên bản sắc văn hóa và tập quán sinh hoạt đa dạng trong đời sống con người, đồng thời ghi nhận và lưu giữ chúng vào lịch sử. Tuy nhiên, mỗi dân tộc, mỗi quốc gia lại có một ngôn ngữ riêng. Điều này vô hình trung trở thành một bức tường ngăn cách giữa các dân tộc, các quốc gia với nhau. Đã đến lúc những người sống trong thời kỳ toàn cầu hóa phải tìm cách phá vỡ bức tường ấy bằng cách học ngôn ngữ của nhau. Và tại sao lại không bắt đầu từ tiếng Hàn nhỉ? Hiện có khoảng từ 77 triệu đến 78,8 triệu người trên toàn thế giới đang sử dụng tiếng Hàn. Tiếng Hàn đứng ở khoảng vị trí từ thứ 12 đến 20 trên thế giới về số lượng người sử dụng. Nó là ngôn ngữ chính thức tại Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên, đồng thời được bộ phận kiều bào của hai nước này sử dụng. Ngày càng có nhiều người nước ngoài muốn được học và thông thạo tiếng Hàn như một ngoại ngữ thứ hai.



[Trung tâm dạy Hàn ngữ Sejong, ngọn cờ đầu trong công tác giáo dục tiếng Hàn trên thế giới]


Ngày 3/9, chúng tôi đã có chuyến ghé thăm Trung tâm dạy Hàn ngữ Sejong nằm ở Tề Tề Cáp Nhĩ ở tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc. Thật xúc động khi được chứng kiến một lớp học rộng lớn với khoảng 100 học viên ở đủ mọi lứa tuổi đang chăm chú lắng nghe giáo viên giới thiệu và định hướng chương trình học. Nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ Hàn Quốc, những trung tâm Hàn ngữ như thế này đã và đang mọc lên trên khắp năm châu, góp phần quảng bá ngôn ngữ và văn hóa của Hàn Quốc đến bạn bè thế giới. Năm 2007, 13 cơ sở đầu tiên được hình thành tại ba quốc gia. Đến nay, đã có tổng cộng 117 trung tâm Hàn ngữ Sejong tại 51 nước. Trong đó, Trung Quốc chính là quốc gia có nhiều trung tâm Sejong nhất. Trung Quốc có nhiều trung tâm Sejong không chỉ vì nước này có dân số đông nhất thế giới mà còn vì nhu cầu tìm hiểu về Hàn Quốc của người dân tại đây cũng ngày càng một tăng cao. Ngay tại tỉnh Hắc Long Giang, một địa phương thuộc cực Đông Bắc xa xôi của Trung Quốc, số học viên theo học tiếng Hàn cũng không ngừng tăng.

Được sự cho phép của Quỹ sáng lập Trung tâm Hàn ngữ Sejong, Trung tâm Hàn ngữ Sejong Tề Tề Cáp Nhĩ ra đời vào tháng 3/2012. Cơ sở này là kết quả hợp tác giữa trường đại học Dongshin của Hàn Quốc và trường đại học Tề Tề Cáp Nhĩ của Trung Quốc. Mặc dù được Quỹ sáng lập Trung tâm Hàn ngữ Sejong hỗ trợ nhưng bản thân mỗi cơ sở cũng lại có quyền tự chủ riêng, tùy vào tình hình địa phương. Tuy lịch học khá dày nhưng nơi đây lúc nào cũng đông đúc học viên chính quy, cùng số lượng không nhỏ các học viên chờ nhập học. Tình trạng quá tải học viên khiến cho các giáo viên nhiều lúc mệt phờ vì phải dạy nhiều.

Vừa kết thúc buổi giới thiệu, hướng nghiệp sau lễ khai giảng, buổi học đầu tiên liền chính thức bắt đầu. Trong đợt này, trung tâm đón nhận 38 học viên mới, được bố trí vào các lớp sơ cấp trình độ 1, 2, 3, 4 và thậm chí vào cả lớp cuối tuần. Theo chia sẻ của các học viên, họ bị ảnh hưởng to lớn bởi Làn sóng văn hóa Hàn Quốc Hallyu, mà cụ thể là Kpop và phim ảnh. Hàn Quốc nhận được sự quan tâm mạnh mẽ như hiện nay trước tiên là nhờ Làn sóng Hallyu. Từ chỗ quan tâm về văn hóa, nhiều người đã tìm đến với tiếng Hàn để hiểu thêm về đất nước, con người Hàn Quốc. Nhờ đó mà hình ảnh cũng như vị thế của Hàn Quốc được nâng cao hơn trên trường quốc tế.

Một góc của Trung tâm Hàn ngữ Sejong Tề Tề Cáp Nhĩ đang vang lên tiếng nhạc cụ dây réo rắt. Hóa ra đó là tiếng đàn Cổ Tranh (Gu Zheng), một loại nhạc cụ gần giống với đàn tranh 12 dây Gayageum của Hàn Quốc. Người trình tấu là một học viên nam tên là Chung Triều Long (Zhong Chao Long). Là một người được học bài bản về đàn Cổ Tranh và rất yêu thích trình tấu nhạc cụ truyền thống, nay Chung Triều Long lại tiếp tục chinh phục tiếng Hàn với mơ ước một ngày nào đó có thể cảm thụ được vẻ đẹp của nhạc cụ truyền thống Hàn Quốc. Gần đây, bộ phim truyền hình “최고다 이순신 (Choigoda Lee Soon-shin), tạm dịch “Em là số một, Lee Soon-shin”, của đài truyền hình KBS được công chiếu xong vào cuối tháng 8 vừa qua tại Hàn Quốc với sự xuất hiện của nữ ca sĩ IU đã nhận được sự yêu thích của khán giả nước ngoài. Bộ phim cũng là một trong những lý do thôi thúc Chung Triều Long đăng lý học tiếng Hàn.

Các em học sinh trường phổ thông trung học Hằng Xương (Heng Chang), cũng ở thành phố Tề Tề Cáp Nhĩ, đang chăm chú nghe giảng bằng tiếng Hàn. Đây là một lớp học trong khuôn khổ chương trình đặc biệt có tên là “Lớp tiếng Hàn đã đến rồi đây!”, một chương trình không chính quy do Trung tâm Hàn ngữ Sejong Tề Tề Cáp Nhĩ tổ chức nhằm phục vụ cho nhu cầu học tiếng Hàn đang tăng mạnh tại địa phương. Các ngôi trường phổ thông trung học này vốn chỉ dạy tiếng Anh hay tiếng Nga là môn ngoại ngữ thứ hai, vậy nên tiếng Hàn chỉ được xem là một trong những môn học đặc biệt. Mặc dù vậy thì số lượng học sinh lúc nào cũng đông đúc, đủ để cho thấy thiếu niên Trung Quốc quan tâm đến Hàn Quốc và tiếng Hàn như thế nào.

[Tiến trình thành lập hệ thống giảng dạy tiếng Hàn trên toàn cầu]


Ngày 8/7 vừa qua, các giáo viên dạy tiếng Hàn từ khắp nơi trên thế giới đã tụ hội về phường Bangi, quận Songpa, ở thành phố Seoul để tham dự “Đại hội những người làm công tác giảng dạy tiếng Hàn trên thế giới”. Trong số họ, ngoài các giáo viên của Trung tâm Hàn ngữ Sejong trên thế giới còn có những người chịu trách nhiệm về nhiều hoạt động khác của trung tâm. Trong suốt bốn ngày diễn ra đại hội, mọi người đã được tham gia nhiều chương trình nghiên cứu về giáo dục ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc. Trong đó, đáng chú ý có bài diễn thuyết của ông Park Gil-seong, Hội trưởng Hội nghiên cứu làn sóng văn hóa Hàn Quốc thế giới, và bài giảng đặc biệt của Giáo sư Kim Duk-soo, trường đại học Nghệ thuật tổng hợp Hàn Quốc.

Các giáo viên của Trung tâm Hàn ngữ Sejong được ví như những vị đại sứ mang nét đẹp văn hóa và ngôn ngữ của Hàn Quốc giới thiệu đến bạn bè năm châu. Họ không chỉ giỏi về nghề mà còn phải có tinh thần trách nhiệm cao. Từ ngày được thành lập cho đến nay, Quỹ sáng lập Trung tâm Hàn ngữ Sejong luôn là nơi đào tạo giáo viên tiếng Hàn chuyên môn và điều động sang các trung tâm trên toàn cầu. Ngoài lực lượng giáo viên hoàn toàn mới, Quỹ còn dốc sức huấn luyện cả những giáo viên đã và đang dạy tiếng Hàn ở các trung tâm Sejong nước ngoài. Để xứng đáng với hai chữ “nhà giáo”, các giáo viên đã luôn không ngừng học tập và tự mình trau dồi kiến thức. Vì vậy, chương trình tu nghiệp dành cho những giáo viên đang làm công tác giảng dạy ở các nước là rất cần thiết.

Quỹ sáng lập Trung tâm Hàn ngữ Sejong cũng đã có được một bộ giáo trình mang tính tiêu chuẩn và hệ thống cao là “Tiếng Hàn Sejong” do Viện Hàn ngữ Quốc gia biên soạn. Bộ giáo trình này được coi là chuẩn mực để sử dụng trên toàn cầu, giúp duy trì chất lượng giáo dục của trung tâm. Không chỉ dạy tiếng Hàn, các giáo viên còn gánh vác một trọng trách cũng rất nặng nề là quảng bá văn hóa và lịch sử của Hàn Quốc. Nhưng công việc này đồng thời cũng mang đến cho họ nhiều giá trị và ý nghĩa.



[Ngôn ngữ cũng chính là văn hóa]


Vào lúc này, các học viên của Trung tâm Hàn ngữ Sejong Tề Tề Cáp Nhĩ đang xếp hàng để mặc thử Hanbok, bộ trang phục truyền thống đa màu sắc của Hàn Quốc trong tiết học văn hóa. Học ngôn ngữ thông qua văn hóa là một phương pháp cực kỳ hiệu quả, nhất là khi phần đông học viên đều có mối quan tâm lớn đối với văn hóa Hàn Quốc. Họ đã từng được nhìn ngắm Hanbok trên phim ảnh, nay được nghe giáo viên giới thiệu, lại còn được mặc thử. Điều này mang đến cho họ những trải nghiệm vô cùng mới lạ. Tiết học văn hóa là một trong những tiết học đặc biệt chỉ có ở Trung tâm Hàn ngữ Sejong và nhận được sự yêu mến nhiệt thành từ phía học viên. Trong tiết học này, ngoài mặc thử Hanbok, học viên sẽ còn được cho xem phim, học hát ca khúc tiếng Hàn, tham gia trò chơi truyền thống… Tuy nhiên, để tổ chức tiết học này không phải là không có những khó khăn, nhất là về nguồn giáo viên chuyên ngành văn hóa.

Trong lúc đó, tại Trung tâm Hàn ngữ Sejong Angora ở Thổ Nhĩ Kỳ, các học viên đang trình diễn bài múa mặt nạ của vùng Bongsan. Đây là một hoạt động nằm trong chương trình văn hóa đặc biệt mang tên “Gói văn hóa”. Không khí hưng phấn cao độ tràn ngập khắp hội trường diễn ra chương trình, từ sân khấu cho đến khán đài. “Gói văn hóa” là một chương trình đặc biệt nhận được sự hỗ trợ từ phía Quỹ sáng lập Trung tâm Hàn ngữ Sejong. Để thực hiện chương trình này, Quỹ đã điều động giáo viên chuyên về văn hóa cũng như cung cấp tài liệu giảng dạy nhằm giúp các trung tâm có thể tiến hành tiết học văn hóa. Bên cạnh tâm huyết mà các giáo viên đã bỏ ra để thực hiện chương trình thì tình cảm mà học viên nước ngoài dành cho đất nước Hàn Quốc cũng khiến cho giáo sư Kim Hye-jin, người sáng tạo chương trình “Gói văn hóa múa mặt nạ” này, rất cảm động. Thông qua các trải nghiệm này, người nước ngoài đã có thể hiểu thêm về truyền thống và tình cảm của người Hàn, bắc thêm nhịp cầu hữu nghị giữa các nước với Hàn Quốc. Đó chính là ý nghĩa của chương trình “Gói văn hóa”.

[Tiếng Hàn, bông hoa nở thắm trong vườn ngôn ngữ]


Với 117 trung tâm Sejong tại 51 nước trên toàn cầu, Trung tâm Hàn ngữ Sejong đang là một trong những nhân tố tích cực, góp phần khuếch trương nhanh chóng ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc. Nếu như Trung Quốc có Trung tâm Hoa ngữ Khổng Tử, Pháp có Trung tâm Alliance Francaise, Đức có Viện Goethe, thì Hàn Quốc có Trung tâm Hàn ngữ Sejong. Tuy “sinh sau đẻ muộn” nhưng Trung tâm Hàn ngữ Sejong đang trên đà phát triển nhanh chóng và có được chỗ đứng trong lòng bạn bè quốc tế. Chính phủ Hàn Quốc đang có những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ để tên tuổi của trung tâm ngày càng được khuếch trương hơn nữa.

Thật xúc động khi được nghe các bạn nước ngoài tự tin nói tiếng Hàn, dù vẫn còn đôi chút sai sót về ngữ pháp hay không thật chuẩn trong phát âm. Ngày càng có nhiều người nước ngoài theo học tiếng Hàn cũng như tìm đến với Hàn Quốc để tôi luyện thêm ngôn ngữ và khám phá văn hóa nước này. Ra đời cách đây 570 năm, vào năm 1443, chữ viết tiếng Hàn Hangeul do Hoàng đế Sejong sáng tạo đã trải qua biết bao thăng trầm trong lịch sử cùng dân tộc Hàn. Sống cùng người Hàn ngót nghét đã được gần 600 năm nhưng thứ chữ viết này không bao giờ bị mai một đi và mãi mãi là một đại diện văn bản của tiếng Hàn.
Giờ đây, khi tiếng Hàn đang được quốc tế hóa, thì chữ Hàn Hangeul nói riêng, tiếng Hàn nói chung lại góp phần bắc nhịp cầu hữu nghị giữa các nước với nhau. Làn sóng học tiếng Hàn đang lan tỏa khắp nơi trên thế giới. Được vinh dự mang tên vị vua đã sáng tạo ra chữ Hàn Hangeul, với sứ mệnh truyền bá tiếng Hàn và quảng bá văn hóa Hàn Quốc, Trung tâm Hàn ngữ Sejong đang tiến những bước vững chắc ra thế giới và gieo những hạt mầm ngôn ngữ để chờ ngày đơm hoa kết trái.


Lựa chọn của ban biên tập