Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Chương trình đặc biệt

Từ bến cảng Heungnam đến đảo Geoje

2013-07-26

[Cảng Jangseungpo 63 năm về trước]


Trong tiếng sóng vỗ rì rào, một người đàn ông tên là Lee Gyeong-pil (còn có tên gọi là Kimchi số 5) đang phóng tầm mắt qua bến cảng Jangseungpo trên đảo Geoje, nhìn về phía mặt biển khơi xa. Ông nói rằng đó là nơi ông đã sinh ra, chính xác hơn là ông đã được sinh ra trên một con tàu mang tên Meredith Victory vào ngày 25/12/1950, là ngày được ghi dấu trong lịch sử khi mà tàu thuyền nối đuôi nhau cập bến cảng Jangseungpo này.ận.

Nguời ta kể lại rằng có năm đứa trẻ được sinh ra trên tàu trong chuyến hành trình vuợt biển đến Jangseungpo ngày đó. Và ông Lee Gyeong-pil thì được sinh ra ngay khi tàu gần cập bến. Trên một con tàu chật ních nguời, không một dụng cụ y tế, năm sinh linh bé nhỏ đã cất tiếng khóc chào đời như một sự kỳ diệu.

Và trên con tàu chật chội đến mức không thể duỗi chân nổi, người mẹ và đứa trẻ may mắn đó cùng những người đồng hành khác - những người tị nạn đến từ cảng Heungnam thuộc tỉnh Nam Hamgyeong, miền Bắc - cuối cùng đã vượt qua những thời khắc sinh tử để tìm đến vùng đất mới, đó là đảo Geoje.

[Từ bến cảng Heungnam đến đảo Geoje]


Với tiêu đề “Từ bến cảng Heungnam đến đảo Geoje”, một triển lãm đặc biệt về cuộc di tản vĩ đại năm nào cùng những câu chuyện đuợc nguời tị nạn cũng như nguời dân đảo Geoje chia sẻ lại, đang diễn ra tại Bảo tàng chủ đề sông Haegeum thuộc xã Galgot, huyện Nambu, thành phố Geoje, tỉnh Nam Gyeongsang. Đến với triển lãm này, chúng ta sẽ biết thêm nhiều câu chuyện về đảo Geoje - quê hương mới của gần 100.000 người tị nạn đã chạy khỏi miền Bắc để tránh sự truy quét của liên quân Triều-Trung vào năm 1950.

Thật không dễ để được nghe những người tị nạn chia sẻ biết bao bí mật và nỗi đau đớn âm thầm mà họ đã chôn chặt trong tim hơn 60 năm qua. Nhưng giám đốc Yoo Cheon-eop và các cộng sự của ông đã làm được điều đó. Họ đã đi đến hơn 60 địa điểm trên cả nuớc tương đương quãng đường 20 nghìn km, gặp gỡ hơn 200 nhân chứng của sự kiện lịch sử đó trong vòng 5 tháng và kết quả là những tư liệu quý giá đang được trưng bày trong bảo tàng như một bằng chứng rõ nét nhất về sự thảm khốc của chiến tranh và thân phận con người trước biến cố lịch sử. i.




[Những người vượt qua ‘cửa tử’]


Ngày 25/6/1950, chiến tranh Triều Tiên chính thức bùng nổ khi quân đội miền Bắc tràn xuống tấn công miền Nam, nguời dân không có lựa chọn nào khác là phải di tản. Ngày 15/9 cùng năm đó, Tư lệnh tối cao của Liên hiệp quốc, tướng Douglas MacArthur của Mỹ đã phát động một chiến dịch mạo hiểm nhằm vào thành phố cảng Incheon với mục đích cắt đứt tuyến hậu cần và liên lạc của Bắc Triều Tiên. Nhờ có chiến dịch đó, lực lượng Liên hợp quốc đã tiến lên được đến sông Amnok, gần biên giới Triều-Trung, nhưng ngay sau đó, 1,35 triệu quân Trung Quốc tham chiến, buộc liên quân phải rút về phòng thủ. Ngày 29/11/1950, liên quân phải rút về phòng tuyến phía Tây nằm ở bờ nam sông Cheongcheon. Bắt đầu từ ngày 1/12, cuộc di tản ở phòng tuyến phía Đông cũng bắt đầu. Rất nhiều người dân đã lũ lượt di tản dưới sự bảo vệ của quân đội. Từ bến cảng Seongjin, rất nhiều nguời dân nơi đây đã lên tàu hỏa đi lánh nạn, và đó cũng là lần cuối cùng rất nhiều người trong số họ được nhìn thấy người thân của mình.

[Cuộc di tản lịch sử khỏi cảng Heungnam]


Đến được Heungnam là cả một hành trình dài. Lúc đó, cảng Heungnam thật là hỗn độn với la liệt người dân đi lánh nạn và binh lính. Không chỉ có người dân ở Hamheung hay Heungnam mà còn có cả người dân nơi khác như Cheongjin, hồ Jangjin đã di tản theo lực lượng liên quân khi họ rút lui. Mặc dù không gian dành cho tàu neo đậu ở Heungnam không lớn nhưng tính cả bến cảng thì diện tích cũng không nhỏ, vậy mà vẫn chật cứng người đứng chờ đợi đến lượt mình lên tàu.

Gần 200 tàu chiến chất đầy người và các thiết bị nhu yếu quân sự neo tại cảng Heungnam. Tàu sân bay của Mỹ liên tục pháo kích vào những nơi tập kết của quân đội Trung Quốc. Ở thành phố Heungnam, những khẩu đại bác dàn hàng, ngày đêm nã pháo không ngớt về phía Bắc và phía Tây. Hơn 100.000 người tị nạn đang dồn về Heungnam đều mang tâm nguyện được di tản xuống phía Nam. Họ cứ thế đứng chờ đến lượt mình xuống tàu. Thời tiết lạnh giá khiến những người tị nạn rất khó khăn tìm chỗ tạm trú. Mọi ngôi nhà không có chủ khi đó đều đã chật ních những người tị nạn khác.

Đại úy Alexander Haig, phụ tá của tướng Edward M. Almond - Tư lệnh Quân đoàn số 10 hồi tưởng lại rằng “Ký ức đau buồn nhất về cuộc di tản Heungnam là cảnh tượng những người chạy nạn đứng ngâm người trong nước biển, có khi đến tận eo, giữa cái giá lạnh cắt da cắt thịt, để chờ đến lượt mình được lên tàu”. Theo phóng viên Han Yeong-seop, phóng viên chiến trường lúc đó, sở dĩ có cảnh này là vì việc di tản dân thường không có trong kế hoạch rút lui của quân đội.

Ban đầu, tướng Edward Almond chỉ cho phép quân đội và quân nhu rút lui. Những trước sự kiên quyết của tướng Kim Baek-il, quân đoàn trưởng quân đoàn 1 của Hàn Quốc, sự tán thành của Sư đoàn trưởng của sư đoàn phòng vệ thủ đô là tướng Song Yeo-chan và nhất là khi được tận mắt chứng kiến dòng người tị nạn, tướng Almon hiểu ra rằng không thể không đưa họ theo.

Quyết định di tản toàn dân ở cảng Heungnam khi đó được chính thức đưa ra và nhanh chóng thực hiện. Tàu chở hàng và tàu đổ bộ cỡ nhỏ từ Nhật và Hàn Quốc cũng được huy động để có thể chở hết người dân. Cuộc di tản chính thức diễn ra từ ngày 19/12/1950. Do người tị nạn quá đông nên có những con tàu đã mắc kẹt không di chuyển được. Tướng Almon đã ra lệnh bỏ bớt quân nhu và những vật dụng khác lại bến cảng để dành chỗ cho những người tị nạn. Trong thời chiến, vũ khí và quân nhu có thể coi là sinh mạng của quân đội. Nhưng vì tính mạng của những người dân thường mà quân đội khi đó đã dám can đảm hi sinh những thứ vô cùng quan trọng ấy.

[Meredith Victory – chuyến tàu kỳ tích]


Ngày 20/12/1950, có một con tàu đã rời cảng Busan để đến cảng Heungnam. Con tàu đó mang tên Meredith Victory. Tàu Meredith Victory nặng đến 7.600 tấn, là một tàu khá lớn khi đó. Thủy thủ trên tàu đã bỏ lại hầu hết nhu yếu phẩm để gấp rút tới Heungnam. Khoảng 14.000 người sau đó đã chen chân nhau chiếm hết mọi khoảng trống trên con tàu, biến nó thành “chuyến tàu kỳ tích”, thậm chí còn được ghi tên vào sách kỷ lục Guiness về tàu chở nhiều người tị nạn nhất. Con tàu có công rất lớn trong sự kiện di tản người dân năm đó.
Bắt đầu từ đêm ngày 22/12, hàng đoàn người tị nạn đã nối nhau lên con tàu Meredith Victory và đến 11 giờ sáng hôm sau, dòng người vẫn chưa có dấu hiệu dứt. Cuối cùng, con tàu thường chỉ chở khoảng 1.000 người này đã phải đón nhận con số kỷ lục : 14.000 người dân tị nạn.
Cảng Heungnam vốn nhỏ nên hầu như chỉ thích hợp với những tàu đổ bộ cỡ nhỏ. Nhưng số lượng tàu đổ bộ không đủ nên cuối cùng những người không lên được tàu này đành phải đi bằng thuyền nhỏ để đến các tàu ở cảng quốc tế. Rồi sau đó họ phải leo lên tàu bằng thang dây được bện bằng dây thừng ở độ cao khoảng 15-20 m. Có người vì đuối sức nên đã ngã xuống trong khi leo. Rất nhiều tình huống bi thảm đã xảy ra.

Đây là chuyến tàu di tản nhân đạo có quy mô lớn chưa từng có. Xét về toàn cục, chiến dịch di tản tổng cộng 105.000 quân lính và 98.100 người dân thường khỏi Heungnam khi đó cuối cùng đã kết thúc thành công vào ngày 24/12/1950.

Trong chiến tranh thế giới thứ hai, cũng từng có một cuộc rút lui đổ bộ nổi tiếng diễn ra ở Dunkerque, lãnh thổ Pháp nằm sát biên giới nước Bỉ. Khi đó, liên quân Anh-Pháp đang bị cô lập tại đây nên phải tìm đường rút lui về Anh bằng tàu. Nhưng đó vẫn chỉ là cuộc rút lui đổ bộ của binh lính, nói cách khác là di quân. Còn trong cuộc di tản Heungnam có đến gần 100.000 người là dân thường và phải tận dụng hết tất cả tàu bè có được khi đó. Chiến dịch rút lui kèm theo di tản người dân như vậy là chưa từng có từ trước đến nay.



[Kimchi số 5 chào đời]


Để bảo toàn tính mạng trong chiến tranh, người dân đã phải lên tàu di tản, dù họ còn chưa biết mình sẽ đi đâu, điều gì sẽ xảy ra ngày mai. Thế nhưng, kỳ diệu thay, giữa lúc loạn lạc ấy, trên con tàu Meredith Victory, có năm sinh linh nhỏ bé đã cất tiếng khóc chào đời. Một trong số đó, đứa trẻ cuối cùng được sinh ra đúng đêm Giáng Sinh, giờ đây chính là giám đốc Lee Gyeong-pil của một bệnh viện thú y tại Geoje. Khi đó, các thủy thủ người Mỹ đã đặt cho năm đứa bé sinh ra trên tàu khi đó cái tên Kimchi, từ mà họ quen thuộc nhất trong tiếng Hàn, kèm theo số để phân biệt chúng với nhau.

[Đặt chân đến Geoje – hòn đảo ấm áp phương Nam]


Khoảnh khắc năm đứa bé chào đời cũng là là lúc con tàu chở 14.000 người tị nạn đi vào vùng biển Jangseungpo của đảo Geoje. Vậy là hành trình xuất phát từ bến cảng Heungnam khi gió tuyết dữ dội, vượt qua biển khơi đầy rẫy hiểm nguy, giờ đây đã kết thúc ở hòn đảo phương Nam - đảo Geoje. Đối với nhiều người dân miền Bắc, biển đảo phương Nam đối với họ chỉ có Jeju, nhưng giờ họ được biết đến Geoje với những cánh đồng lúa mạch rất ít thấy ở miền Bắc, những nếp nhà tranh mái ngả vàng, thời tiết ấm áp như mùa xuân. Và đặc biệt là người dân Geoje giàu tình cảm.

Thế nhưng, vấn đề là dân cư ở đảo Geoje lúc bấy giờ chỉ có chưa đầy 100.000 người, trong khi có tới trên 150.000 người tị nạn.

[Trại giam tù binh - chiến trường thu nhỏ]


Thời gian có thể xóa nhòa tất cả, nhưng không thể chữa lành hẳn những vết thương do chiến tranh mang lại. Công viên di tích Trại giam tù binh Geoje nằm ở Gohyun, thuộc đảo Geoje, chính là nơi mà dấu vết chiến tranh còn lưu lại rất rõ. Ở đây, người ta vẫn có thể nhìn thấy những di tích của trại giam tù binh được thành lập khi xảy ra chiến tranh 60 năm trước đây. Khi đó có gần 100.000 người cư trú, trong khi số lượng tù binh lúc đông nhất ở đây lên tới 173.000 người. Bên cạnh đó, còn có binh lính và chỉ huy để quản tù binh, sau này có thêm người dân tị nạn tới nữa.

Người tị nạn đến đây không có gì để ăn. Người dân Geoje cũng chẳng hơn gì họ. Buổi sáng chỉ ăn một bát cháo lúa mạch rồi cứ thế nhịn đói cả ngày. Cả người dân tị nạn và người dân đảo Geoje đều khổ không kể xiết. Mặc dù vậy, nhưng người dân đảo Geoje không vì thế mà ngoảnh mặt làm ngơ trước những vị khách tha hương. Thứ mà người tị nạn khao khát nhất khi đặt chân lên hòn đảo là miếng ăn và nơi tạm trú. Chính những người dân đảo Geoje đã không ngần ngại đưa tay ra giúp họ trong hoàn cảnh khốn cùng ấy bằng cách chia sẻ miếng cơm manh áo và nhường phòng trong nhà mình cho các vị khách phương xa.



[Geoje – quê hương thứ hai]


Quay trở lại với người mang biệt danh Kimchi số 5 khi mới chào đời trên tàu Meredith Victory – ông Lee Gyeong-pil. Ông giờ đã là một chuyên gia về thú y và đang đi khám bệnh cho một con bò. Người ta nói rằng chẳng có con bò nào trên đảo Geoje mà lại chưa từng qua tay ông khám bệnh. Với chuyên ngành thú y, một ngành học được ưa chuộng vào thời đó, Lee Gyeong-pil đã có thể dễ dàng kiếm được một chỗ làm đàng hoàng ở một thành phố lớn và kiếm được nhiều tiền, nhưng ông đã nghe theo lời cha mình và quyết định quay trở về Jangseungpo lập nghiệp, đóng góp cho cuộc sống nơi đây, như một cách để đền đáp ân nghĩa của người dân Geoje đối với gia đình ông. Đối với ông, đảo Geoje giống như là quê hương thứ hai, nơi ông và người than được tái sinh.

Từ sau khi những người tị nạn phương Bắc đến thì cuộc sống ở đảo Geoje cũng trở nên khác biệt rất nhiều. Dân đảo Geoje đã học được sự chăm chỉ cần cù của những người dân di tản từng có cuộc sống vất vả trước đó. Như vậy, có thể nói, quan hệ giữa dân đảo Geoje và người tị nạn là mối quan hệ tương sinh tương hỗ đôi bên cùng có lợi.

Một trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi là Aegwangwon đã được thành lập ở đây và là trại trẻ mồ côi đầu tiên ở Hàn Quốc. Đảo Geoje sở hữu khá nhiều trường học so với số người cư trú. Có lẽ số lượng người tị nạn tới nhiều như vậy cũng là một lý do khiến các công trình xây dựng được đẩy nhanh tiến độ. Và chính những điều đó lại giúp thắt chặt hơn nữa tình nghĩa đồng bào thắm thiết giữa người dân Geoje và những người tị nạn.

[Aegwangwon – ngôi nhà của những đứa trẻ mồ côi]


Aegwangwon nằm trên ngọn đồi đối diện với cảng Jangseungpo. Sau khi con tàu chở những người dân lánh nạn đến đảo thì trung tâm Aegwangwon cũng được thành lập để chăm sóc, nuôi dưỡng những đứa trẻ mất cha mẹ cho chiến tranh hay những đứa trẻ bị cha mẹ bỏ lại. Giám đốc trung tâm, bà Kim Im-sun, vốn là người vùng Sangju ở tỉnh Bắc Gyeongsang. Sau giải phóng, bà lên Seoul học rồi lấy chồng. Bà đã mất liên lạc với chồng và bố chồng do chiến tranh, một mình sinh con và nuôi con, nhận nuôi thêm bảy đứa trẻ khác bằng dòng sữa của chính mình. Và đó chính là khởi nguồn của Aegwangwon. Ngày nay, nơi đây đã trở thành một trong những trung tâm phúc lợi xã hội hàng đầu cả nước.

Giám đốc Kim Im-sun, người đã gánh chịu rất nhiều nỗi đau do chiến tranh để lại, người vợ trẻ trung mới 25 tuổi ngày nào giờ đã trở thành một cụ bà 87 tuổi. Quãng đời đã qua của bà quả thật có rất nhiều nỗi vất vả truân chuyên nhưng bà vẫn luôn nói rằng, bà chưa bao giờ thấy hối hận.

[Quê hương yêu dấu]


Bệnh viện thú y của giám đốc Lee Gyeong-pil giống như một căn phòng tình nghĩa nơi những người tị nạn thế hệ thứ nhất và thứ hai thường tụ tập, trò chuyện với nhau. Họ cười nói, nhắc đến chuyện quê hương, cùng chia sẻ nỗi nhớ thương người thân, bạn bè làng xóm đã mất liên lạc từ lâu. Cứ mỗi lúc như thế, tất cả lại cùng đồng thanh hát bài hát Quê hương trong mơ này.

Giờ đây con đường nối lại liên lạc ngày càng mịt mờ. Những lời hứa một tháng nữa sẽ tới dần trở thành một năm, mười năm và rồi ngoảnh đi ngoảnh lại đã hơn 60 năm trôi qua. Nhưng dẫu bao nhiêu năm tháng đã đi qua thì người ta vẫn không thể quên được ký ức xa xưa đó và mỗi lúc như vậy, trái tim người con xa xứ lại quay trở lại với quê hương yêu dấu.

[Kỷ niệm 60 năm Hiệp định đình chiến – chiến tranh vẫn chưa kết thúc]


Ở cảng Jangseungpo, nơi đã chứng kiến những đoàn người tị nạn vào 60 năm trước đây, giờ chỉ còn nghe thấy tiếng thuyền ra khơi đánh bắt cá và tiếng chim biển lao xao. Vào một buổi sáng mùa đông năm nào, những người dân từ phương Bắc xa xôi lần đầu tiên đặt chân đến đây trong sự đói khát, thiếu thốn đủ thứ. Nhưng đảo Geoje vẫn giang tay đón nhận với tất cả lòng hiếu khách và tình nghĩa đồng bào. Với sự hào hiệp đó, Geoje đã trở thành một biểu tượng của sự hòa hợp dân tộc bất chấp chiến tranh, chia cắt và sự khác biệt về ý niệm. Từ hòn đảo nhỏ xinh đẹp, chúng ta học được một điều quan trọng, một điều đáng được khắc cốt ghi tâm, mãi mãi không được quên.


Lựa chọn của ban biên tập