Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Chương trình đặc biệt

Chuyên mục đặc biệt về Triển lãm vườn quốc tế 2013 tại Suncheon - “Vịnh Suncheon – khu vườn của trái đất”

2013-04-30

Ngày 19/4 vừa qua, với sự có mặt của 3.000 quan khách trong và ngoài nước, Triển lãm vườn quốc tế 2013 đã được chính thức khai mạc tại vịnh Suncheon thuộc thành phố Suncheon ở phía Tây Nam của Hàn Quốc. Triển lãm sẽ kéo dài trong 184 ngày, đến ngày 20/10, với tên gọi “Khu vườn thiên đàng”

[Suncheon vinh dự đăng cai Triển lãm vườn quốc tế 2013]


Triển lãm vườn quốc tế được tổ chức bởi Hiệp hội các nhà làm vườn quốc tế (AIPH) - một tổ chức có thành viên là 33 tổ chức đến từ 29 quốc gia trên thế giới. Triển lãm này được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1862 tại thủ đô London (Anh) và dần lan rộng sang cả Mỹ và châu Á, giới thiệu nhiều mô hình làm vườn và làm đẹp cảnh quan đô thị. Đặc biệt, bắt đầu từ Triển lãm Osaka năm 1990, nơi đây đã giới thiệu mô hình biến bãi chôn lấp rác thải thành công viên, và sau đó Triển lãm Munich 2005 đã sử dụng một sân bay bị bỏ hoang để làm thành vườn cây, đã nâng cao ý nghĩa về môi trường của triển lãm, biến nơi đây thành triển lãm quốc tế được đông đảo mọi người công nhận.

Quyết định lựa chọn Suncheon làm nơi đăng cai tổ chức Triển lãm vườn quốc tế 2013 được đưa ra tại cuộc họp Đại hội đồng của AIPH diễn ra ở Zaragoza (Tây Ban Nha) vào ngày 15/9/2009. Lý do mà AIPH chọn Suncheon là do mục đích xin đăng cai của thành phố này khác các ứng viên khác, cụ thể là không hề hướng đến việc quảng bá hay thúc đẩy hoạt động công nghiệp mà chỉ đơn giản với mục đích bảo tồn cảnh quan thiên nhiên. Để rồi từ đó Suncheon – một thành phố nhỏ chỉ với 2,8 triệu dân - đã trở thành nơi đầu tiên của Hàn Quốc vinh dự được chọn làm nơi tổ chức Triển lãm vườn quốc tế 2013.



[Vịnh Suncheon với những giá trị tự nhiên vô giá]


Tại làng Geocha, xã Byeollang, phía tây vịnh Suncheon, cứ khi nước triều xuống là người dân nơi đây thường phải kéo chiếc ván nhỏ giống như xe trượt tuyết để ra bãi lầy. Không giống như các bãi triều ở bờ biển phía Tây tương đối cứng có thể đi lại trên đó được, các lớp bùn của vịnh Suncheon không lẫn cát và rất ẩm ướt, luôn chỉ trực hút bàn chân của bạn xuống. Bởi vậy, để đi vào nơi này thì người ta buộc phải sử dụng một loại thuyền đặc biệt gọi là Ppeolbae, được làm từ một tấm ván phẳng dài hai mét. Ngư dân sẽ đặt một đầu gối lên tấm ván này và dùng chân còn lại để đẩy tấm vấn lướt đi. Đây là một công việc vất vả nhưng đã gắn bó lâu đời với người dân nơi đây vì nguồn lợi vô tận mà bãi lầy này mang lại cho họ.

Vịnh Suncheon với diện tích 26,5 km2 là nơi tiếp nhận dòng chảy của con sông bắt nguồn từ núi Sobaek đổ ra biển. Vậy nên nơi đây có rất nhiều loại hải sản có vỏ như trai, sò, cua… sinh sống. Vùng đầm lầy của vịnh Suncheon được coi là một trong năm vùng đầm lầy ven biển được bảo tồn tốt nhất trên thế giới. Vào một buổi sáng còn mờ hơi sương, chiếc thuyền du lịch sinh thái rời bến cảng Daedaepogu để đưa du khách đi vòng ngắm vịnh Suncheon. Nhìn từ biển vào, vịnh Suncheon không khác gì một bức họa vẽ màu nước tuyệt đẹp. Từ trên thuyền, vùng đầm lầy mở ra trước mắt với dòng nước chảy êm đềm, những ngọn cây lau sậy mới nhú lên còn xanh, đong đưa trong gió. Tất cả đem lại cảm giác hết sức thanh bình và thoải mái.

Vịnh Suncheon quả thực là một khu bảo tồn thiên nhiên bình dị, với rất nhiều loại động vật hoang dã và phong cảnh tuyệt đẹp. Người ta còn bắt gặp ở nơi đây cả loại sếu có mào cực kỳ quý hiếm, được gọi là “hóa thạch còn sống”, do loài chim này đã xuất hiện từ 40 triệu năm trước đây, cùng thời kỳ với khủng long. Mỗi năm, người ta đếm được có đến 235 loài chim thường đến nơi đây trong mùa di cư, trong đó có những loài quý hiếm đã được liệt vào Sách đỏ. Do giá trị to lớn về mặt sinh học như vậy, vào năm 2006, vịnh Suncheon đã được chính thức công nhận trong Công ước quốc tế Ramsar về các vùng đất ngập nước. Hơn thế, nơi đây cũng được xem là “cuốn bách khoa” về các loài sinh vật nước mặn với 120 chủng loại đang sinh sống.

Đi bộ băng qua con đường gỗ nằm giữa rừng lau sậy khoảng chừng 40 phút, bạn sẽ đến được Đài quan sát núi Yongsan cách mặt biển 80m. Một truyền thuyết xưa kể lại rằng Đài núi Yongsan (Long Sơn) là nơi rồng đáp xuống khi chứng kiến vẻ đẹp hoàn mỹ của vịnh Suncheon. Đứng từ đây quan sát khung cảnh xung quanh, người ta có thể hiểu tại sao lại có truyền thuyết như vậy. Toàn bộ vùng vịnh có hình dáng cong cong như chữ S, với dòng nước chảy lững lờ men theo vùng đầm lầy, rừng lau sậy lãng mạn, đầy bí ẩn và hàng hà sa số những loài chim tuyệt đẹp. Tất cả giống như một bài thơ, một bức tranh phong cảnh thiên nhiên đầy cảm xúc. Vịnh Suncheon - “khu vườn thiên đàng” giờ đây có thêm bàn tay con người chăm sóc đang hướng đến hình mẫu một đô thị sinh thái trong tương lai.




[Khám phá Trung tâm vùng đất ngập nước và dạo bước trên Cầu mơ ước]


Để nâng cao tầm quan trọng của hệ sinh thái vịnh Suncheon, Trung tâm vùng đất ngập nước quốc tế đã được thành lập và đây cũng là một trong những đơn vị tham gia tổ chức Triển lãm vườn quốc tế năm nay. Triển lãm vườn cũng là một minh chứng cho nỗ lực bảo tồn thiên nhiên của Suncheon. Khu triển lãm với diện tích hơn 1,1 triệu m2 này nằm giữa trung tâm thành phố và vịnh Suncheon có thể xem là tấm lá chắn ngăn chặn để quá trình đô thị hóa không chạm tới vùng đất ngập nước hoang sơ này.

Khoảng 425.000 cây xanh được trồng ở khu triển lãm để làm thành vành đai sinh thái kết nối vùng vịnh với trung tâm thành phố Suncheon. Không chỉ vậy, người ta còn thiết lập nên Trung tâm vùng đất ngập nước quốc tế, các vườn cây và khu trưng bày chính của triển lãm, làm nên mô hình sinh thái thu nhỏ. Chỉ năm ngoái thôi, khu vực này vẫn còn là một cánh đồng bình thường, nhưng giờ đây nó đã được biến thành một khu đầm lầy với sự hỗ trợ của Tổ chức bảo tồn các loài chim hoang dã. Kết quả là sau khi hoàn thành công trình trên, hàng nghìn đàn chim đã di cư về nơi đây. Giờ đây, Trung tâm vùng đất ngập nước quốc tế với ba tầng này đã trở thành khu triển lãm tổng hợp, nơi mà bạn có thể bắt gặp tất cả các loài sinh vật của vịnh Suncheon.

Rời rạp chiếu phim và Trung tâm vùng đất ngập nước, ta sẽ gặp cây cầu mang tên “Cầu ước mơ”. Cây cầu ước mơ này có chiều dài 75m, rộng 7,3m, được làm từ 30 công-ten-nơ. Có thể coi đây là triển lãm trên nước, là bộ sưu tập nghệ thuật trên cầu đầu tiên của thế giới. Bên ngoài cây cầu được trang trí với các tác phẩm nghệ thuật đầy màu sắc của nghệ sĩ Kang Ik-jung. Còn bên trong cây cầu trưng bày 140.000 bức tranh của trẻ em đến từ 16 quốc gia trên thế giới. Các bức vẽ thể hiện ước mơ của các em được trở thành ca sĩ, giáo viên, y tá... Mỗi bức vẽ đều chất chứa hi vọng, khát khao của những chủ nhân tương lai, do vậy mà cây cầu này mới được đặt tên là Cầu ước mơ.





[Hội trường triển lãm, nơi quy tụ những khu vườn tuyệt mỹ từ Đông sang Tây]


Hội trường chính của Triển lãm trải rộng trên không gian với diện tích 564 nghìn m2, gồm rất nhiều khu vườn độc đáo. Trong đó, Vườn Hà Lan là một trong những nơi nhận được sự chú ý nhiều nhất với những đóa hoa tulip rực rỡ và cối xay gió đặc trưng đã đem tới một không gian rất châu Âu, hấp dẫn các vị khách tham quan triển lãm. Các kiến trúc sư tài ba của 11 nước đã thiết kế các mô hình vườn truyền thống làm nổi bật đặc trưng văn hóa của mỗi nước. Trong đó, Vườn Trung Quốc truyền tải thông điệp về sức mạnh của tự nhiên, Vườn Italia tái hiện lại cảnh quan vườn tược của gia tộc Medici ở thời kỳ Phục hưng, Vườn hoa dại Đức lại cho thấy rõ quan niệm của người Đức về một hệ sinh thái tự nhiên không có bàn tay can thiệp của con người ...

Giữa vô số những khu vườn lộng lẫy, Vườn Hàn Quốc vẫn nhận được sự quan tâm nhiệt tình của khách tham quan. Bước qua cánh cửa dẫn vào khu vườn Hàn Quốc, dòng nước mát lành nơi đó sẽ tẩy rửa tâm hồn bạn khỏi những lo toan thường nhật. Bên trong khu vườn, Vườn hoàng cung tái hiện lại khuôn viên của cung Changdeok (Xướng Đức), vườn quân tử mang đến hình ảnh của Soswaewon (huyện Damyang), vườn bình dân lại mô phỏng lại sân vườn thường thấy ở nhà của những người dân thường, nơi họ thường xuyên cầu nguyện cho gia đình bình an. Tất cả hài hòa tạo nên một cảnh quan đậm chất phương Đông.

Nếu như Vườn truyền thống đem đến những trải nghiệm đặc biệt về nền văn hóa từng nước thì Vườn theo chủ đề lại đem tới những tác phẩm nghệ thuật đầy sức hút. Nơi gây chú ý nhất trong khu vườn theo chủ đề là vườn hồ Suncheon, do kiến trúc sư nổi tiếng Charles Jencks thiết kế. Lấy cảm hứng từ thành phố Suncheon, khu vườn dường như gợi nhắc lại câu chuyện Alice lạc vào xứ sở thần tiên với một con đường trắng dẫn lên ngọn đồi. Với sáu ngọn đồi và một hồ nước, vườn hồ Suncheon được xem là trung tâm của Triển lãm vườn 2013, một mô hình thu nhỏ của thành phố Suncheon. Đặc biệt, từ ngọn đồi Bonghwa cao 16m nằm ngay chính giữa khu vườn, ta có thể quan sát toàn cảnh triển lãm.

Triển lãm vườn quốc tế Suncheon đã làm nổi bật mô hình đô thị bền vững của tương lai và năng lực sáng tạo của con người. Trong đó, không gian vườn trong nhà dường như là một trong những nơi thú vị nhất. Bước vào Vườn trong nhà, người ta được thấy những chậu hoa tuyệt đẹp, rồi vườn nguyên thủy mang đến không khí rừng cây thời cổ đại, vườn nhiệt đới với nhiều loại thực vật đa dạng quý hiếm, vườn lựa chọn mang đến mô hình vườn của tương lai... Lấy cảm hứng từ văn hóa cư trú trong các tòa nhà chung cư, khu vực này chính là ý tưởng tạo nên một không gian vườn trong nhà cho người dân đô thị. Ở đây bạn cũng có thể thấy cả mô hình về những khu vườn chỉ nhìn thấy trong sách cổ của Hàn Quốc. Khu vườn truyền thống của Hàn Quốc này có nhiều điểm tham quan thú vị, chẳng hạn như nhà kính Joseon được tạo ra trước nhà kính ở châu Âu đến 170 năm, bức tường với những lỗ được đục cho vừa tầm mắt trẻ em, khu rừng tre, lối đi dạo của các bậc hiền triết... Điều này chứng tỏ người Hàn Quốc ngày xưa rất yêu thiên nhiên và luôn mong muốn đem thiên nhiên vào ngôi nhà của mình.

Có thể nói Triển lãm vườn quốc tế 2013 đã mang đến một bức tranh cho thấy con người và thiên nhiên có thể cùng tồn tại hài hòa. Giá trị của Triển lãm vườn Suncheon 2013 nằm ở tính bền vững của nó. Không giống như các triển lãm thương mại được dỡ bỏ sau khi bế mạc, khu hội chợ triển lãm vườn vẫn sẽ được duy trì sau ngày 20 tháng 10, khi triển lãm kết thúc. Khu vực từng diễn ra triển lãm sẽ được sử dụng làm nơi nghỉ ngơi và giải trí cho người dân địa phương. Cây và hoa được trồng trong triển lãm sẽ tiếp tục phát triển để biến khu vực này thành khu vườn tươi tốt rộng lớn hơn. Với tất cả những giá trị đó, có thể nói Triển lãm vườn chắc chắn sẽ trở thành một tài sản quan trọng, một địa điểm du lịch không thể bỏ qua của thành phố Suncheon.

Triển lãm vườn quốc tế Suncheon 2013 đã biến vịnh Suncheon và thành phố Suncheon trở thành một địa điểm du lịch sinh thái đầy hấp dẫn. Trong khi các thành phố khác theo đuổi mục đích phát triển và mở rộng đô thị, thì thành phố Suncheon lại hướng đến mục đích bảo vệ môi trường tự nhiên vô giá của mình thông qua việc thiết lập một vùng đệm xanh giữa các bãi bồi và trung tâm thành phố. Đó chính là điểm khác biệt, là nhân tố giúp Suncheon được lựa chọn để tổ chức Triển lãm vườn quốc tế và cũng là nền tảng để làm nên một thương hiệu thành phố xanh cho nơi đây. Có thể nói, kể cả sau khi bế mạc, Triển lãm vườn quốc tế 2013 tại Suncheon chắc chắn sẽ vẫn còn được nhớ đến như là khởi đầu của mô hình đô thị tương lai nơi mà thiên nhiên và con người cùng tồn tại bên nhau.


Lựa chọn của ban biên tập