Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Chương trình đặc biệt

Thiên nhiên, Con người và Jeju

2012-09-03

Hội nghị Bảo tồn thiên nhiên toàn cầu (WCC) 2012 sẽ diễn ra tại đảo Jeju, Hàn Quốc trong 10 ngày, bắt đầu từ ngày 6/9 tới, với sự tham gia của 180 nước và khoảng 1.100 tổ chức trên khắp thế giới. Đây là hội nghị quốc tế lớn nhất về lĩnh vực môi trường nhằm thảo luận chính sách, phương hướng cho việc bảo tồn thiên nhiên, gìn giữ môi trường. Là khu vực duy nhất trên thế giới được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận với cả 3 danh hiệu: Khu dự trữ sinh quyển thế giới, Di sản thiên nhiên thế giới và Công viên địa chất toàn cầu, Jeju khoác trên mình một phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp.



[Núi lửa ký sinh Geomun]


Núi lửa ký sinh Geomun Oreum tại thôn Seonheul-2, xã Jocheon, huyện Bắc Jeju đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản thiên nhiên thế giới năm 2007. Nhìn từ xa, Geomun chỉ giống như một ngọn núi thấp. Vậy điều gì đã khiến núi lửa Geomun được cả thế giới công nhận? Ông Kim Sang-soo, Trưởng thôn Seonheul-2, ông Kim Sang-soo giải thích: “Núi lửa Geomun có dòng nham thạch chảy ra tận bờ biển, từ hẻm đá ở cửa, chỗ chúng ta đi vào tới phía thung lũng Bengtuy. Bengtuy là tên gọi theo tiếng địa phương ở đảo Jeju, nghĩa là cánh đồng rộng lớn. Dung nham chảy ra cả 2 phía. Phía bên trái tạo thành rừng Dongbaekdongsan với địa hình lồi lõm ở thôn Seonheul. Bên phải làm thành nhiều động nham thạch và chảy ra biển. Di sản thiên nhiên thế giới được công nhận bao gồm núi lửa Geomun và các động nham thạch Bengtuy, Manjang, Kimnyeong, Yongcheon, Dangcheomul. Trong đó, Geomun chính là nơi khởi nguồn làm nên các hang động đó.”

Vào kỷ thứ 4 của thời Kỷ Tân sinh, núi lửa phun trào giữa biển tạo nên đảo Jeju có dáng vẻ như bây giờ, với ngọn núi Halla và đỉnh Ilchul ở xã Seongsan là miệng núi lửa rộng lớn. Và nơi đây lại một lần nữa phun trào nham thạch vào khoảng 300 nghìn năm trước. Dòng dung nham mạnh mẽ, phá hủy miệng núi lửa cao 456m, rộng 4,5km và chảy ra biển cách xa tới 14km, tạo nên cả thế giới động nham thạch dưới lòng đất. Núi lửa Geomun phun trào ra tất cả, giống như người mẹ hy sinh cả cuộc đời cho đàn con để còn lại tấm thân gầy. Một môi trường tự nhiên đặc biệt được hình thành từ sự hoạt động của núi lửa như thế đã được ghi nhận là di sản thiên nhiên mà con người cần phải bảo tồn, gìn giữ.

Vùng đất vốn đã mất đi sự sống do sức nóng của dòng nham thạch nay lại hồi sinh. Từng hạt giống bay đến, nảy mầm và làm nên những cây xanh tươi tốt, rậm rạp, biến miệng núi lửa thành một khu rừng nguyên sinh. Đặc biệt, một thung lũng gió đã được tạo ra tại nơi dòng dung nham chảy cùng dấu tích những hẻm núi. Nơi đây đem lại cảm giác thần bí, khiến người ta liên tưởng việc vào núi như đi vào thâm cung và cảm nhận được hơi thở của mẹ thiên nhiên. “Đây là chính giữa của dòng nham thạch. Dung nham chảy ra 2 bên với một lượng lớn có chiều rộng tới 80-150m. Hẻm núi này cũng sâu khoảng 15-30m. Dung nham chảy tạo thành rừng và thung lũng gió. Do đó, gió thổi ở đây cũng nhanh hơn và tạo ra âm thanh nghe thật hùng vĩ.”

[Những hang động kỳ thú]


Tiếp nối con đường về phía Bắc, chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng các tuyệt tác của nham thạch từ núi lửa Geomun. Đó là động Bengtuy rắc rối như mê cung, động Kimnyeong có lối vào như đầu rắn, động Yongcheon đẹp thần bí sau hàng nghìn năm biến đổi từ san hô, đá vôi cùng hồ nước lấp lánh. Trong 5 động nham thạch núi lửa Geomun, động Manjang là nơi duy nhất được biết đến rộng rãi nhất. Hướng dẫn viên di sản thiên nhiên Choi Chang-il giải thích: “Khoảng 300 nghìn năm trước, núi lửa Geomun phun trào nham thạch, bắt đầu từ chỗ trũng và chảy ra biển phía Bắc. Trong quá trình đó, phần trên của dòng nham thạch gặp không khí lạnh và đông quánh lại. Sau đó, hạch của dung nham thoát ra tạo thành hang động.”

Động nham thạch Manjang như một cung điện rộng lớn dưới lòng đất, đầy vẻ thần bí. Vẻ đẹp quyến rũ này được tạo nên bởi những cột đá cùng thạch nhũ trên trần và tường hang. Được biết đến là động nham thạch dài nhất thế giới với tổng chiều dài 7,4 km, chúng ta có thể đoán được phần nào quy mô chiều cao và rộng của động Manjang. “Động Manjang cao 23m và rộng 18m. Vừa rồi, chúng ta đã đi qua một không gian hẹp. Đó là nơi nham thạch chảy qua, bị nén lại nên mực nước thoát ra mới dâng cao như vậy. Cũng bởi thế mà đoạn phía trên có dáng vẻ thật hùng vĩ. Nó giữ nguyên dáng vẻ từ 300 nghìn năm trước và đây cũng chính là lý do mà động Manjang được bầu chọn là di sản thiên nhiên thế giới.”



[Khối đá hình trụ Jusangjeolli]


Khối đá hình trụ nằm ở phường Jungmun, thành phố Seoqwipo, đảo Jeju, chính là tuyệt tác của tạo hóa. Hướng dẫn viên Boo Kyeong-ja cho biết: “Đây là khối đá hình trụ Jusangjeolli, được tạo nên bởi dòng dung nham trong quá trình nguội lạnh sau khi gặp nước biển. Khi đó, sự chênh lệnh nhiệt độ ở phía trên và dưới dòng nham thạch hình thành nên những cột đá thẳng đứng, đôi khi nghiêng ngả hay khối hình lục giác. Do đó, du khách đến đây thường thắc mắc rằng ai đã tạo ra những khối đá kỳ lạ này và đem đến đây. Câu trả lời chính là thiên nhiên, sóng, gió và dung nham.”

Nhưng những khối đá hình tứ giác, ngũ giác như được gọt đẽo tinh xảo này còn ẩn chứa một ý nghĩa khác. “Trước khi nơi đây được gìn giữ như một di sản thiên nhiên, người dân trong làng thường đến đây câu cá hoặc chèo thuyền vào những ngày trời đẹp. Nó trở thành nơi sinh hoạt của dân làng, đặc biệt là các nữ thợ lặn Haenyeo. Nước ở đây có độ sâu 15-20m nhưng các nữ thợ lặn vẫn dễ dàng bơi lặn và đánh bắt hải sản.”


Những cột đá thẳng đứng từng là nơi nghỉ ngơi, sưởi ấm của các nữ thợ lặn sau khi làm việc. Đây cũng từng là bến đỗ của những chiếc thuyền đánh cá rất đặc trưng của Jeju. Từ xa xưa, những khối đá đã bảo vệ và nuôi sống dân làng sau khi được tạo nên bởi mẹ thiên nhiên. Và trên thực tế, người dân đảo Jeju cũng đã vươn lên như vậy. Giáo sư Hur Nam-chun, Khoa Ngữ văn Hàn Quốc thuộc Trường đại học Jeju nói: “Thần thoại cổ đại của lục địa Á-Âu có nhiều câu chuyện kể rằng đất sinh ra đất, giống như người mẹ mang thai và sinh nở những đứa con. Đất mang trong mình hạt giống rồi nuôi dưỡng chúng. Sau đó, cũng có nhiều câu chuyện được thêu dệt thành việc thần linh từ trên trời xuống cai quản thế gian. Nhưng ở đảo Jeju, người ta vẫn truyền nhau các câu chuyện thần thoại thời nguyên thủy. Ai cũng nghĩ rằng mọi người cùng chia sẻ đất mẹ thân yêu. Và do đó, nơi đây mang nét văn hóa sẻ chia một cách tự nhiên, hòa bình, với việc phụ nữ làm trụ cột. Thật là những câu chuyện quá đỗi mềm mại, thanh bình.”

Jeju, nơi con người vươn lên từ đất để bắt đầu cuộc sống, rất ôn hòa với thiên nhiên. Bởi lẽ, tất cả những nguồn sống quý giá như lương thực và nước, nguyên liệu giúp xây nhà, chắn gió đều mọc lên từ đất. Do đó, đảo Jeju chính là “hòn đất thần thoại”, nơi vạn vật, cỏ cây, đất đá cũng đều có tâm linh.



[Rừng nguyên sinh Gotjawal và sức mạnh sinh tồn]


Khu rừng nguyên sinh Gotjawal nằm ở xã Jocheon, thành phố Jeju. “Gotjawal” là tên gọi được ghép giữa từ “got” nghĩa là rừng theo tiếng Jeju và từ “jawal” chỉ những hòn sỏi, mang nghĩa vùng đất đá. Tiến sỹ Song Si-tae cho biết: “Đây là rừng nguyên sinh Gotjawal, nằm ở phía Đông đảo Jeju. Phía trước rừng có hàng loạt các đống đá nhô lên và bên trong cũng vậy. Do đó, không khí liên tục được thổi ra từ lòng đất. Đây là điểm khác biệt giữa rừng Gotjawal và các khu rừng bình thường khác. Phần lớn các khu rừng bình thường được bao phủ bởi đất nên không thể cung cấp nhiệt từ dưới lòng đất. Nhưng rừng Gotjawal thì ngược lại. Thế nên, các cây thuộc họ dương xỉ có thể phát triển ở đây cả vào mùa đông. Nếu đi sâu vào bên trong, rừng có vẻ nguyên sơ khiến người ta dễ liên tưởng đến cả những con khủng long có thể xuất hiện.”

Xung quanh rừng Gotjawal là những hòn đá bazan phủ đầy rong rêu. Những dòng nước chảy qua các ke đá tạo thành tầng nước ngầm đem lại hơi thở, sức sống cho mảnh đất Jeju. Đặc biệt, Jeju có thời tiết ấm áp vào mùa đông và mát mẻ vào mùa hè nên đây là nơi duy nhất trên thế giới có các thực vật hàn đới và nhiệt đới cùng sinh sống. Môi trường độc đáo của Gotjawal khiến cho các rễ cây nơi đây cũng không giống với bất cứ khu rừng nào khác. “Các cây lớn có rễ trồi ra ngoài, cái uốn cong như hình sóng, cái thì như con rắn đang bò. Nếu nhìn kỹ, chúng ta sẽ thấy rễ cây có dạng tấm ván. Chúng mọc như thế nên khi gặp gió mạnh chúng cũng không thể bị gãy bởi bên trong chứa đựng sức sinh tồn mạnh mẽ.”

[Rừng Dongbaekdongsan với những món quà thiên nhiên]


Rừng Dongbaekdongsan nằm ở thôn Seonheul-1, xã Jocheon, là sự kết hợp hài hòa giữa rừng và đầm lầy với những hồ, vũng nước như một báu vật bí ẩn của Jeju. Không những thế, nơi đây còn có cả những thực vật quý hiếm chỉ mọc ở đất Jeju. Dongbaekdongsan là khu rừng cận nhiệt đới có nhiều lá tán rộng xanh tươi nhất Hàn Quốc. Hướng dẫn viên du lịch Yoon Soon-hee cho biết: “Dongbaekdongsan đã được chỉ định là đầm lầy theo Công ước Ramsar, một công ước quốc tế về bảo tồn và sử dụng hợp lý các vùng đất ngập nước quan trọng trên thế giới. Chúng ta không nhìn thấy nước ở đây, vậy tại sao lại gọi là đầm lầy? Đó là vì khu đất này có chức năng giống như một vùng ngập nước. Khi trời mưa, nhiều nơi sẽ trở thành vũng nước. Thế giới sinh vật trở nên phong phú hơn khi có nước và đây là nơi cư trú của nhiều loài động thực vật.”

Người dân ở khu rừng Dongbaekdongsan thường đốn cây, làm than để sống. Những món ăn trên bàn của họ đều được kiếm từ khu rừng xanh tươi bốn mùa này. Cả những bát cơm thơm dẻo cũng được nấu bằng nước lấy từ hồ trong rừng. Do đó, người dân thôn Seonheul rất quý trọng khu rừng Dongbaekdongsan. Cứ như thế, thiên nhiên nuôi sống con người và con người bảo vệ thiên nhiên.

Cách đây 10 năm, nhiều người nơi khác bắt đầu đến sinh sống ở thôn Seonheul-1, nơi người dân địa phương đã định cư từ giữa thời Joseon. Điều khiến cho những con người có nhiều kiến thức về sinh thái, văn hóa, nghệ thuật này tìm đến Seonheul chính là thiên nhiên. Cuộc sống ở thôn Seonheul nghĩa là cuộc sống giữa con người với thiên nhiên và con người với con người. Sự hài hòa này chính là phương thức sống lâu đời ở đảo Jeju. Giáo sư Hur Nam-choon, người nghiên cứu về cuộc sống người dân Jeju giải thích: “Jeju là nơi ban đầu đi vào thì khó nhưng khi đã vào rồi thì lại khó có thể dứt ra được. Văn hóa cộng đồng của Jeju không chỉ có con người mà còn là sự cộng sinh cùng thiên nhiên, vạn vật. Khi tôi hỏi một nữ thợ lặn nhiều tuổi rằng, sao bà không dùng bình dưỡng khí để bắt được nhiều cá và thoải mái hơn. Bà đã trả lời rằng, nếu bà làm như vậy thì 99 thợ lặn khác lấy gì mà sống. Trong cuộc sống ở Jeju, những người thợ lặn nhận thức rằng họ không sống một mình mà cùng với 99 người khác nữa.”

Jeju, hòn đảo được mẹ thiên nhiên ban tặng, đang duy trì cuộc sống hài hòa giữa con người với thiên nhiên. Chúng ta đã tìm ra cách sống cùng sinh tồn giữa loài người và vạn vật ở hòn đảo xinh đẹp này. Đây chính là lý do tại sao Hội nghị Bảo tồn thiên nhiên toàn cầu năm nay được tổ chức tại đây.

Lựa chọn của ban biên tập