Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Chương trình đặc biệt

Chương trình đặc biệt chào năm mới 2016 «Lee Jung-seop hét vang hy vọng xen nỗi nhớ»

2016-01-01

Năm 2016 kỷ niệm 100 năm ngày sinh của họa sĩ thiên tài Lee Jung-seop. Nhân dịp này, rất nhiều sự kiện nghệ thuật và học thuật sẽ được tổ chức như triển lãm, múa, ô-pê-ra, kịch, hội thảo để làm rạng ngời thêm sự nghiệp của danh họa này. Cuộc đời của người họa sĩ tài năng Lee Jung-seop chỉ kéo dài vỏn vẹn 40 năm, từ năm 1916 tới năm 1956. Vậy ông đã sống một cuộc sống như thế nào để thế hệ người Hàn hôm nay vẫn nhớ tới tên tuổi của ông.

Họa sĩ Lee Jung-seop sinh ngày 16/9/1916 tại huyện Pyeongwon, tỉnh Nam Pyeongan, nay thuộc Bắc Triều Tiên. Ông mồ côi cha từ khi mới năm tuổi rồi theo mẹ về quê ngoại ở Bình Nhưỡng. Trong thời gian đó, những tấm bích họa trong mộ cổ thời Goguryeo khai quật được ở Bình Nhưỡng đã gây sức hút mạnh mẽ với cậu bé Lee Jung-seop khi đó và trở thành động lực thôi thúc ông trở thành một họa sĩ sau này.



Thủa nhỏ, cậu bé Lee Jung-seop hay tới chơi nhà người bạn cùng lớp là Kim Byung-ki. Kim có cha là một họa sĩ. Khi được ngắm những giá vẽ, những dụng cụ vẽ của cha bạn mình, cậu bé Lee đã ôm ước mơ trở thành một họa sĩ. Sau đó, Lee Jung-seop nhập học trường Osan và gặp gỡ người thầy có tầm ảnh hưởng lớn nhất tới cuộc đời mình là Im Yong-ryeon. Nhờ người thầy này, họa sĩ bắt đầu nhận thức được về biểu tượng dân tộc và tập trung vào các bức tranh vẽ bò.

Sau khi được học vẽ tranh, Lee Jung-seop bắt đầu thiết lập một thế giới hội họa vừa truyền thống vừa hiện đại. Trong thời gian du học ở Nhật Bản, vào năm 1938, ông nhận được giải thưởng tại cuộc thi của Hiệp hội các nhà mỹ thuật tự do Nhật Bản và bắt đầu được giới mỹ thuật nước này chú ý. Cũng trong thời điểm này họa sĩ gặp được người vợ tương lai là Yamamoto Masako.

Sau khi phải trở về thành phố Wonsan vào năm 1943 do chiến tranh, họa sĩ Lee Jung-seop đã viết bưu thiếp cho người bạn gái Masako vẫn đang ở Nhật Bản. Đối với ông, bưu thiếp không chỉ đơn giản là phương tiện thông tin mà còn là những tác phẩm nghệ thuật xuất chúng. Sau đó bà Masako đã quyết định vượt biển tới Hàn Quốc để kết hôn với họa sĩ.

Tuy nhiên, hạnh phúc lại quá ngắn ngủi. Sau khi chiến tranh Triều Tiên bùng nổ, vào tháng 12 năm 1950, ông cùng vợ và hai con trai đi sơ tán. Từ Wonsan, ông tới Busan rồi lại đi tiếp tới đảo Jeju vào năm 1951. Trong một năm lánh nạn ở thành phố Seogwipo, ông và gia đình phải sống trong cảnh nghèo khó nhưng đây lại là khoảng thời gian hạnh phúc và bình an nhất trong cuộc đời họa sĩ. Thời kỳ này, ông thường cùng các con nô đùa trên bờ biển. Chính vì vậy, họa sĩ đã cho ra đời nhiều tác phẩm về hình ảnh chơi đùa của các con hay phong cảnh Seogwipo như “Mộng tưởng về Seogwipo”, “Phong cảnh đảo Seop”, “Những đứa trẻ trên bãi biển”.



Sau đó, họa sĩ Lee Jung-seop rời Seogwipo tới Busan vào năm 1952. Nhưng do quá thiếu thốn về kinh tế, ông đành phải gửi vợ và các con về Nhật Bản, còn lại một mình. Trong sự tuyệt vọng và cô độc, người họa sĩ tài năng vẫn gửi thư cho gia đình, trong đó vẽ những bức tranh ấm áp và khoáng đạt.

Trong thời gian làm việc cực nhọc ở cảng Busan, Lee Jung-seop vẫn tiếp tục vẽ tranh với bất cứ vật liệu gì có được như giấy bồi rơm, giấy bạc bọc thuốc lá. Chính điều này đã tạo ra thể loại “tranh vẽ trên giấy bạc”, biểu tượng về tác phẩm của họa sĩ Lee Jung-seop.

Vào năm 1953, với sự giúp đỡ của một người đồng hương, họa sĩ Lee Jung-seop rời Busan tới thành phố Tongyeong (tỉnh Nam Gyeongsang) và dạy học tại Trường đào tạo nghề về sơn mài tỉnh Nam Gyeongsang. Trong thời gian ở đây, ông đã sáng tác được khoảng 35 tác phẩm như “Bò trắng”, “Bò vàng”, “Trăng và quạ”, “Vườn địa đàng”, “Phong cảnh Tongyeong”.

Sau đó, ông lên Seoul vào năm 1954 và mở triển lãm cá nhân đầu tiên và cũng là cuối cùng của mình tại Trung tâm triển lãm Midopa, Seoul, từ ngày 18/1/1955 với các tác phẩm tranh sơn dầu, tranh giấy bạc. Mặc dù triển lãm được đánh giá cao nhưng tiền tranh thu về chẳng đáng là bao. Dốc cạn nhiệt huyết chuẩn bị cho triển lãm, nhưng lại không kiếm đủ tiền để tạo dựng nền tảng đón gia đình trở về, ông đã trút hơi thở cuối cùng trong nỗi cô độc tại bệnh viện Chữ thập đỏ Seoul vào ngày 6/9/1956.

Vào những năm 1970, tên tuổi của họa sĩ Lee Jung-seop bắt đầu được công chúng biết đến qua triển lãm của Trung tâm triển lãm hiện đại Seoul, đưa ông lên danh hiệu họa sĩ nhân dân.

Trong 40 năm cuộc đời, mặc dù phải gánh chịu nhiều nỗi đau trong lịch sử cận đại của Hàn Quốc như thời kỳ thực dân Nhật chiếm đóng, chiến tranh Triều Tiên, nhưng tranh của họa sĩ Lee Jung-seop luôn tràn đầy hy vọng. Ông chuyên tâm vào sáng tác nghệ thuật không ngừng nghỉ, như chú bò hiền lành cần mẫn. Mỗi bức tranh của ông ẩn chứa trong đó một ước vọng.
Những tác phẩm và cuộc đời của họa sĩ tài ba Lee Jung-seop chứa đựng sự hài hước, khoáng đạt bất chấp khó khăn sẽ mang tới hy vọng về một năm mới tốt đẹp cho chúng ta.


Lựa chọn của ban biên tập