Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

U Jang-choon, cha đẻ của nông nghiệp Hàn Quốc thời cận đại

2011-05-26

<b>U Jang-choon</b>, cha đẻ của nông nghiệp Hàn Quốc thời cận đại
Tiến sĩ U Jang-choon, người được Hàn Quốc giao phó vấn đề tự túc tự cấp về nông nghiệp

Năm 1945, thời điểm Hàn Quốc giành được độc lập chủ quyền, dân số làm nông nghiệp của Hàn Quốc chiếm tới khoảng 80%. Tuy nhiên, trong suốt khoảng thời gian 36 năm dưới ách thống trị của thực dân Nhật, toàn bộ giống rau cỏ của Hàn Quốc đều được nhập về từ Nhật Bản. Chưa có một ai, hay một công ty nào của Hàn Quốc có thể tạo ra hạt giống cho các loại rau củ như cải thảo hay củ cải…
Chính vì vậy, mặc dù đất nước đã được giải phóng, nhưng giai đoạn ngay sau đó, do cắt đứt quan hệ giao lưu với Nhật Bản, nên việc nhập khẩu giống cây trồng của Hàn Quốc càng trở nên thưa thớt. Giải pháp của Hàn Quốc lúc này là giao việc phát triển gây giống cho tiến sĩ U Jang-choon, một nhân vật từng học tập, nghiên cứu tại Nhật Bản. U Jang-choon là ai mà giới nông nghiệp Hàn Quốc có thể đặt hết niềm hy vọng vào ông trong hoàn cảnh khó khăn nhất?

Một học giả về lai tạo giống tầm cỡ thế giới

U Jang-choon sinh ra và lớn lên tại Nhật Bản, cha là người Hàn, mẹ là người Nhật. Cha ông tên là U Beom-seon, nguyên dính lứu tới vụ thảm sát hoàng hậu Myeongseong (Minh Thành) của Joseon năm 1895 nên phải bỏ chạy sang Nhật. Tại đây, cha ông đã lấy mẹ ông là Sakai Naka và sinh ra ông vào ngày 9/4/1898.
Năm 1903, khi U Jang-choon mới lên 5 tuổi, cha của ông bị giết chết và suốt 3 năm ông đã phải sống khổ sở trong cô nhi viện. Về sau, mẹ ông hy sinh tất cả, thậm chí bán phần đất mộ của cha ông đi, mới đưa được ông về để nuôi cho ăn học. Năm 1916, U Jang-choon chọn ngành nông học để có thể nhận được học bổng và nhập học vào khóa học Thực hành của đại học Tokyo, bấy giờ là Đông Kinh Đế quốc đại học.
Tuy bị phân biệt đối xử do cha là người Joseon, nhưng U Jang-choon vẫn luôn dồn hết tâm sức cho việc học. Năm 1919, vừa tốt nghiệp, ông đã xin vào làm tại Khu Thí nghiệm Nông nghiệp của Bộ Nông lâm và chuyên tâm nghiên cứu tới lĩnh vực lai tạo giống. Ông đã khiến giới sinh vật của thế giới phải kinh ngạc trước đề tài "Nghiên cứu di truyền thông qua lai giống" của ông.
Trong giới sinh vật học lúc bấy giờ, không phải chưa có những quan điểm đề ra việc kết hợp các loại giống khác nhau để cho ra giống mới, song trong bối cảnh mà vấn đề vẫn còn chưa có những minh chứng khoa học, U Jang-choon đã sử dụng cải thảo làm nguyên liệu thí nghiệm, cho thấy cải dầu là loại sinh ra do nhiễm sắc thể của cải thảo và bắp cải hợp lại mà thành, đồng thời cải bẹ xanh và cải mù tạc Êtiôpia cũng là các giống có thể tạo ra theo kiểu như vậy.
Bắt đầu từ lý thuyết mang tên "Hình tam giác của U (U's Triangle)", tiền đề tiêu biểu cho việc ghép giống của mình, U Jang-choon đã thành công trong việc biến Dã yên thảo (Petunia) hoa đơn thành hoa kép. Năm 1936, ông đã có được học vị tiến sĩ nông nghiệp tại đại học Tokyo, nổi tiếng là một nhà khoa học về cải tạo giống di truyền tầm cỡ thế giới.
Thực tế, nghiên cứu của tiến sĩ U Jang-choon có thể xem là nghiên cứu bổ trợ cho thuyết tiến hóa coi "giống là thứ được tạo ra qua quá trình chọn lọc của tự nhiên" của nhà tự nhiên học nổi tiếng người Anh Đác-uyn (Charles Robert Darwin) và nghiên cứu của ông đã đem lại được một cái khung kiến thức cho việc "cải tạo giống di truyền". Các công trình của ông đã được đưa vào dạy trong sách giáo khoa của nhiều quốc gia. Tuy nhiên, ngay khi đang có điều kiện thuận lợi, được đảm bảo sinh sống và nghiên cứu tại bất kỳ nơi nào trên thế giới, thì quốc gia mà U Jang-choon chọn lựa lại là Hàn Quốc, quê hương của ông.

Người lựa chọn tất cả vì tổ quốc

Trong bối cảnh Hàn Quốc đang phải đương đầu với tình trạng thiếu thốn về kỹ thuật canh tác, chính phủ Hàn Quốc đã yêu cầu sự giúp đỡ của tiến sĩ U Jang-choon để phục hồi nông nghiệp cho đất nước. Tháng 3/1950, nhận lời mời của chính phủ Hàn Quốc, U Jang-choon đã trở về nước, tiến hành các công trình nghiên cứu cho phù hợp với yêu cầu và tình hình của Hàn Quốc lúc bấy giờ. Ông đã quyết định tạm biệt với gia đình ở Nhật Bản để một mình hồi hương nhưng chỉ đảm nhận cương vị giám đốc Sở Nghiên cứu Nông nghiệp Hàn Quốc thay vì chức Bộ trưởng Nông lâm theo đề nghị của chính phủ Hàn Quốc. Trong một khoảng thời gian ngắn, ông đã gây dựng được kỹ thuật lai tạo giống tiên tiến, đảm bảo có được những giống cây trồng mang tính ưu việt hơn cả. Đặc biệt, với việc sử dụng đặc điểm không thụ phấn hay không có phấn hoa của cây trồng, U Jang-choon đã xây dựng được nền tảng cho phương pháp tạo giống ưu thế lai ở thế hệ đầu tiên. Nhờ vào đó, Hàn Quốc đã có thể bước sang giai đoạn giống lai thế hệ một (F1) nhanh hơn so với các quốc gia khác.
Ngoài ra, U Jang-choon cũng chính là người đã cải tạo giống khoai tây vốn thu hoạch kém, không thể sử dụng làm lương thực do tác hại của sâu bệnh, giúp Hàn Quốc giải quyết được nạn đói sau cuộc chiến tranh Triều Tiên. Ông cũng đã cải tiến các giống cải thảo và củ cải theo kiểu Hàn Quốc, mở ra một con đường tự cấp về giống rau củ trong nước. Năm 1953, thành công trong việc đưa vào trồng loại "dưa hấu không có hạt" do giáo sư Hitoshi Kihara của đại học Tokyo nghiên cứu, U Jang-choon đồng thời cũng đã gieo được cho người dân Hàn Quốc lòng tin vào hướng canh tác nông nghiệp mang tính khoa học.

Nền tảng cho việc phát triển độc lập về giống cây trồng

Tiến sĩ U Jang-choon đã giúp cho Hàn Quốc chuyển biến từ một quốc gia nhập giống sang thành quốc gia xuất khẩu giống cây trồng, đóng vai trò quyết định, thúc đẩy ngành lai tạo giống vốn rất đỗi nghèo nàn của Hàn Quốc lên mức độ tầm cỡ thế giới. Cho đến trước khi từ trần vào ngày 10/8/1959, ông đã dồn hết tâm huyết để nghiên cứu, xác lập nên một hệ thống sản xuất giống cây trồng ưu việt tại Hàn Quốc. Nhờ có U Jang-choon, một con người không quản ngại hy sinh vì vấn đề phát triển độc lập giống cây trồng của đất nước mà Hàn Quốc đã có được nền tảng sẵn sàng cho việc phát triển nông nghiệp. Ông đã cho thấy ở mình một con người mà như nhà khoa học nổi tiếng người Pháp Louis Pasteur từng nói "Trong Khoa học không có ranh giới quốc gia, song ở mỗi nhà khoa học thì đều có quốc tịch của mình". U Jang-choon được coi là cha đẻ của nông nghiệp Hàn Quốc thời cận đại và là nhân vật mà mai sau nhân dân Hàn Quốc sẽ mãi còn tôn kính.

Lựa chọn của ban biên tập