Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Jeong Mong-ju, biểu trưng cho tấm lòng trung nghĩa của người Hàn Quốc

2011-06-09

<b>Jeong Mong-ju</b>, biểu trưng cho tấm lòng trung nghĩa của người Hàn Quốc
Lòng trung nghĩa mãi còn sau bao năm tháng

Hai chữ "khí khái" luôn khắc sâu trong lòng của các vị học giả, những con người luôn chỉ theo con đường chính nghĩa, không làm điều hổ thẹn và luôn trực diện, đương đầu với khó khăn, không quản gian nan vất vả. Đặc biệt khi cái khí khái lớn lao của vị học giả hướng về tổ quốc, người ta gọi đó là tấm lòng trung nghĩa. Trong số các vị trung thần để lại tên tuổi trong lịch sử hơn 5000 năm của Hàn Quốc, không thể không nhắc đến Jeong Mong-ju, một vị quan văn cuối thời Goryeo. Có nguyên nhân của nó khi người dân Hàn Quốc luôn xem Jeong Mong-ju là một biểu trưng của lòng trung nghĩa, dù rằng vị quan này đã qua đời được hơn 600 năm.

Thủy tổ của lý học phương Đông tại Hàn Quốc

Jeong Mong-ju sinh ngày 22/11/1337 tại Yeongcheon, tỉnh Gyeongsang. Cái tên Jeong Mong-ju (Trịnh Mộng Chu) là do cha của ông, Jeong Un-gwan đặt ra vì lúc ông ra đời, cha của ông đã nằm mơ thấy gặp Chu Công, con của Chu Văn Vương, một nhà chính trị, một bậc khai quốc công thần của nhà Chu, Trung Quốc. Năm 24 tuổi, Jeong Mong-ju đỗ đầu cả 3 kỳ thi của khoa thi Tam trường, trở nên nổi tiếng, được nhiều người biết đến. Về sau ông theo học, bái Yi Saek, một học giả lớn nhất của Goryeo lúc bấy giờ làm thầy. Năm 1362, ông bắt đầu bước ra quan trường, làm quan cửu phẩm, chức “Nghệ văn kiểm duyệt”. Đến năm 1367, ông làm chức “Bác sĩ”, đảm nhận các vấn đề về học vấn, kiến thức trong trường đào tạo quan lại Sungkyunkwan (Thành Quân Quán). Năm 1357, ông lên chức “Đại ti thành”, chức quan tam phẩm ở Sungkyunkwan và có đóng góp nhiều cho sự phát triển của Nho học.
Thực tế, giai đoạn Jeong Mong-ju làm chức “Bác sĩ”, giảng dạy về kinh điển của Nho gia thì kinh thư du nhập vào Goryeo lúc này chỉ có "Chu Tử Tập Chú", sách giải thích của Chu Tử về tứ thư. Tuy nhiên, điều đó đã không ngăn cản công việc dạy dỗ của Jeong Mong-ju. So sánh nội dung giảng dạy lúc bấy giờ của ông với các kinh điển của Nho gia sau này được truyền bá vào, người ta mới thấy tất cả đều ăn nhập, không có lấy một chỗ sai, do đó đã tôn ông làm người sáng tạo ra Nho học của Goryeo.

Đi theo con đường bổn phận

Tinh thông về Chu tử học, dù bất cứ khi nào, ở đâu, nói năng thế nào và về vấn đề gì đi chăng nữa, Jeong Mong-ju luôn thuận theo đạo lý, được người dân trên bán đảo Hàn Quốc suy tôn là "thủy tổ của lý học phương Đông". Cùng với việc dạy dỗ về Nho học, suốt cả cuộc đời Jeong Mong-ju đã không hề lung lạc, luôn đi theo đúng bổn phận. Để giữ bổn phận của kẻ bề tôi, ông đã xả thân thực hiện các nhiệm vụ ngoại giao của triều đình, có 7 lần đi sứ, trong đó 6 lần đi sứ nhà Minh, 1 lần đi sứ Nhật Bản. Đặc biệt, sau khi vị vua từng có chính sách thân thiện với nhà Minh, Trung Quốc là Gongminwang (Cung Mẫn Vương), vua đời thứ 31 của Goryeo bị sát hại, trong nước xảy ra sự kiện bè phái thân với nhà Nguyên đã giết sứ thần của nhà Minh, khiến quan hệ ngoại giao với nhà Minh trở nên tồi tệ. Song, cũng nhờ có sự giải thích rõ ràng của Jeong Mong-ju mà nguy cơ chiến tranh đã được loại bỏ.
Năm 1377, Jeong Mong-ju đã cho thấy tài ngoại giao của mình qua việc đi sứ đến Nhật Bản. Với nhân phẩm cao đẹp và học thức vượt trội, ông đã giải thích được về mối quan hệ hiểu biết và lý lẽ trong việc giao hữu giữa hai nước. Nhờ đó, khi trở về nước, ông đã đưa theo về hàng trăm tù binh của Goryeo được trao trả.
Trong quan hệ với Trung Quốc, triều đình Goryeo bấy giờ chia làm 2 phái, một bên do tướng quân Choi Young cầm đầu, chủ trương chiến tranh, lấy cớ là do nhà Minh đã yêu cầu đặt khu quản lý Cheollyeongwi (Thiết Lĩnh Vệ) trên vùng đất vốn của Goryeo và một bên do Yi Seong-gye lãnh đạo, yêu cầu giải quyết vấn đề bằng con đường ngoại giao. Khi những động thái của việc dựng Yi Seong-gye lên làm vua ngày càng rõ rệt, một lần nữa Jeong Mong-ju lại cho thấy quyết tâm bảo vệ vương triều Goryeo của mình.

Tấm lòng son với chủ sao có thể đổi thay

Năm 1392, được tin Yi Seong-gye ngã ngựa trong lúc đi săn, Jeong Mong-ju đã dâng tấu, lên án bè phái của Yi Seong-gye là Jeong Do-jeon và Jo Jun, khiến những người này phải đi lưu đày, đồng thời ông cũng đứng lên, đi tiên phong cho việc bảo vệ vương triều Goryeo. Để dụ Jeong Mong-ju, con của Yi Seong-gye là Bang-won đã làm một bài thơ có tên là "Hà như ca", mang lời thuyết phục, muốn ông cùng tham gia xây dựng triều đại mới thay vì làm quan cho triều Goryeo đang dần sụp đổ. Trong bài thơ có nội dung dịch ra như sau:

“Sống thế này, sống thế kia thì đã làm sao?
Như những dây cát đằng trên núi Vạn Thọ quấn vào nhau mà sống thì đã làm sao?
Lẽ nào không theo tự nhiên, gắn vào nhau như vậy mà sống cho đến trăm năm?”

Jeong Mong-ju lúc này cũng đã có ngay lời đáp, khẳng định quyết tâm của mình qua bài "Đan tâm ca". Bài thơ thể hiện ý chí sắt đá, dù phải hiến dâng cả cuộc đời cũng không bỏ tấm lòng trung nghĩa với triều Goryeo. Trong bài có đoạn:

“Thân này có chết đi, chết lại đến trăm lần
Xương trắng trở thành cát bụi, dù chẳng còn hồn phách
Tấm lòng son với chủ sao có thể đổi thay.”

Biết được lòng trung nghĩa của Jeong Mong-ju, cuối cùng Yi Bang-won đã cho người giết ông trên cầu Seonjuk (Thiện Trúc). Ngày 4/4/1392 vị trung thần của triều đại Goryeo đã qua đời và sau đó 3 tháng, Yi Seong-gye đã lên ngôi vua, lập nên vương triều Joseon.
Mặc dù triều Goryeo bị diệt vong, nhưng tấm lòng tiết nghĩa của Jeong Mong-ju dành cho triều Goryeo vẫn còn đượm trên cây cầu Seonjuk và những giọt máu đổ xuống của ông đã để lại tiếng thơm cho đến mãi về sau. Quanh cây cầu nơi Jeong Mong-ju bị giết hại có những cây tre mọc thẳng như muốn nói về tấm lòng trung nghĩa của ông. Mỗi khi qua cây cầu này, trong trái tim của người dân Hàn Quốc lại hiện về một tấm lòng son đỏ, nay đã thành trang sử ghi lại về sự trung nghĩa và khí khái của Jeong Mong-ju.

Lựa chọn của ban biên tập