Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Jeong Seon, người vẽ những bức tranh phong cảnh tả thực thời Joseon

2011-06-23

<b>Jeong Seon</b>, người vẽ những bức tranh phong cảnh tả thực thời Joseon
Tâm điểm của việc cải cách, biến đổi về văn hóa thời Joseon

Từ sau thế kỷ 18, một quá trình biến đổi mạnh mẽ về văn hóa nghệ thuật đã diễn ra dưới thời Joseon. Đó là sự đăng đàn của tranh phong cảnh tả thực (tranh Chân cảnh sơn thủy) chuyên vẽ, miêu tả thực về núi sông của Joseon, bứt phá ra khỏi hình thức tranh sơn thủy vẽ theo quan niệm được truyền vào từ Trung Quốc suốt hơn 1000 năm qua.
Chân cảnh sơn thủy, tranh phong cảnh tả thực đã khôi phục thể diện cho quốc gia về mặt văn hóa sau những thất bại của Joseon trước nhà Thanh, Trung Quốc, và nó trở thành trụ cột, chỗ dựa cho giới họa sĩ Joseon, những người từng chịu rất nhiều ảnh hưởng của hội họa Trung Quốc. Lúc bấy giờ, đó là một thể loại tranh mới, miêu tả lại cảm nhận của người họa sĩ sau khi trực tiếp chiêm ngưỡng vẻ đẹp thực của cảnh núi non, sông nước ở Joseon. Nhắc tranh phong cảnh tả thực, không thể không đề cập tới Jeong Seon, họa sĩ tiêu biểu cho thể loại tranh này.

Khơi dậy luồng gió mới của thể loại tranh phong cảnh tả thực

Jeong Seon tên hiệu là Gyeonjae (Khiêm Trai), sinh ra trong một gia đình danh giá tại phường Cheongun, thành phố Hanyang (tên gọi xưa của thủ đô Seoul). Tuy cha qua đời từ khi còn nhỏ, nhưng bù lại, Jeong Seon được học nhiều kiến thức từ Kim Chang-hyeop và Kim Chang-heup, hai anh em học giả xuất thân từ gia đình có vị trí chủ đạo trong Lão luận phái, một đảng phái hoạt động chính trị giai đoạn cuối thời Joseon. Kế thừa học vấn của học giả nổi tiếng Yi I (tên hiệu Lật Cốc), trở thành nhà Nho học thông hiểu về nguyên lý của sự điều hòa và đối lập giữa âm và dương, hơn nữa lại có tài vẽ tranh từ nhỏ nên Jeong Seon đã mau chóng kết giao được với nhiều danh sĩ như nhà thơ Yi Byeong Yeon, nhà thư pháp nổi tiếng Yi Gwang-sa, sĩ đại phu và là họa sĩ Jo Yeong-seok… Ông đã phát huy được năng lực sáng tạo trong thế giới hội họa, trở thành tác nhân làm thăng hoa, đưa được những chủ đề của cuộc sống thường nhật vào tranh vẽ.
Thủa còn là thanh niên, Jeong Seon đã tích lũy nền tảng kiến thức về hội họa, đến khi trên dưới 30 tuổi, ông đã dạo khắp các danh thắng trên cả nước, hoàn thành nên những tác phẩm trở thành cốt lõi cho thể loại tranh sơn thủy theo trường phái tả thực. Ông đã cho ra đời một hình thức hội họa mới thích hợp với việc vẽ phong cảnh đất nước của Joseon. Jeong Seon đã sáng tác ra một loạt các tác phẩm như "Hải nhạc truyền thần thiếp", bộ tranh 21 bức chứa đựng tình cảm của tác giả trước cảnh thiên nhiên rực rỡ khi lần đầu tiên thăm núi Geumgang vào năm 36 tuổi, hay các bức tranh miêu tả danh thắng gặp được khi ông từ Seoul tới sông Namhan, cảnh đẹp của vùng Gwandong, phía Đông dãy núi Taebaek ở tỉnh Gangwon, hoặc những dãy núi, khe suối ở khu vực phía Đông Bắc núi Inwang, Seoul gần nơi ông ở.
Thực tế, vào thế kỷ 17, việc nhà Minh bị diệt vong và nhà Thanh lên nắm quyền tại Trung Quốc đã lay chuyển, tác động tới các họa sĩ của Joseon. Trung Nguyên vốn được xem là miền đất lý tưởng đối với giới tri thức Joseon, nay đã chuyển qua giai đoạn đi theo chủ nghĩa thực dụng của nhà Thanh. Cũng chính vì vậy, loại tranh sơn thủy vẽ theo quan niệm về miền đất lý tưởng, vốn chịu ảnh hưởng từ các văn nhân của thời Tống, thời Minh giờ đã không còn vị thế. Song, chính giai đoạn đương đầu với khó khăn này lại có thể xem là cơ hội để phát triển cho hội họa của Joseon. Các họa sĩ ở đây đã tìm đến với một phong cách vẽ mới, họ quay về với vẻ đẹp trên chính mảnh đất của họ và trong quá trình này, Jeong Seon đã trở thành người tiếp nối cho truyền thống vẽ tranh tả thực (Thực cảnh đồ) xuất hiện từ thế kỷ 17. Đặc biệt, do am hiểu về Chu dịch, nắm được nguyên lý về sự điều hòa và đối lập của âm dương, Jeong Seon cũng rất tinh thông về thư pháp và nghệ thuật vẽ tranh thủy mặc, 2 kỹ năng phát triển tiêu biểu của hội họa phương Đông. Ông đã nghĩ ra phương pháp vẽ tranh phong cảnh tả thực (Chân cảnh sơn thủy họa pháp) bằng cách kết hợp hài hòa thư pháp và mặc pháp (phép dùng mực vẽ tranh) trên một bức tranh. Lối vẽ tranh của Trung Quốc từ khi vào Joseon với sự ra đời của tác phẩm nổi tiếng "Mộng du đào nguyên đồ" của họa sĩ tên tuổi An Gyeon, sau hơn 250 năm sau đã được chuyển qua thời đại của thể loại phong cảnh tả thực (Chân cảnh sơn thủy họa), loại tranh mang đầy cá tính, chứa đựng vẻ đẹp phong cảnh của chính Joseon. Lúc này, Jeong Seon còn là người sáng tạo ra phong cách vẽ riêng cho hội họa Joseon, vượt qua khỏi giai đoạn dùng lối vẽ của Trung Quốc để miêu tả cảnh thiên nhiên đất nước của Joseon. Thế giới hội họa mới mẻ này đã càng được củng cố vững chắc khi Jeong Seon bước vào tuổi 60.

Một họa sĩ không ngừng đổi mới

Thoát khỏi phương thức vẽ truyền thống vốn chỉ mô phỏng theo lối vẽ của Trung Quốc, tranh của Jeong Seon đã miêu tả chân thực cảnh đẹp của các danh thắng ở núi Geumgang và Seoul. Lúc bấy giờ tranh của ông được đánh giá rất cao, ngay cả các viên quan thông dịch người Trung Quốc đến thăm Joseon, khi về nước đều kéo nhau tới nhà ông, xếp hàng để mua tranh. Theo "Di trai loạn cảo" một tác phẩm viết theo hình thức nhật ký của học giả theo phái thực học Hwang Yun-seok thì tranh vẽ của Jeong Seon lúc này có giá tới 3000 tiền (Jeon, đơn vị tiền cổ của Joseon), trong khi một đấu gạo giá 1 tiền 4 xu (Pun, đơn vị tiền cổ Joseon, 1 Pun bằng 1/10 Jeon). Thông qua đây chúng ta cũng có thể suy luận được về giá trị tranh vẽ của Jeong Seon.
Jeong Seon còn được coi là một tác giả không bao giờ biết đến "an cư", không ổn định tại một chỗ. Ông không ngừng đi khắp đó đây để tìm tòi học hỏi. Sau khi 63 tuổi, ông đã hoàn thành phương pháp vẽ tranh cho bản thân, phát huy được đúng bản chất của lối vẽ tả cảnh thực. Qua bức "Thanh phong khê" vẽ năm 64 tuổi của Jeong Seon, có thể thấy vẻ đẹp của những vách đá trên núi Inwang đã được thể hiện với thủ pháp hết sức mạnh mẽ, táo bạo còn cây cối lại xuất hiện dưới ngòi bút thô cứng và tốc độ vẽ nhanh, dứt khoát. Tất cả vẻ đẹp ẩn chứa trong sông núi của Joseon đều đã được làm toát lên trên tranh vẽ.
Điểm dễ thấy là bức vẽ đầu tiên khi 36 tuổi và các tác phẩm vẽ khi 60, 70 tuổi của Jeong Seon về núi Geumgang đều rất khác nhau. Khi 63 tuổi, danh thắng Chongseokjeong (Tùng Thạch Đình) với nhiều cột đá dựng đứng trong tranh vẽ của ông trông rất nhỏ, tưởng như đang bị chìm vào dưới lớp sóng của biển cả mênh mông. Thế nhưng khi ông 72 tuổi, có thể thấy, nhiều khi bối cảnh trong tranh vẽ của ông lại bị lược bỏ một cách táo bạo. Trong các tác phẩm hoàn thành sau khi đã qua tuổi 70 của Jeong Seon, 4 ngọn núi đá của Chongseokjeong thường bị rút lại chỉ còn 3, cho thấy xuất hiện một khuynh hướng trừu tượng hóa trong tranh vẽ của ông.

Thần vẽ của Joseon

Dù sớm được coi là một họa sĩ lớn, có tên tuổi nhưng Jeong Seon vẫn là người luôn cố gắng làm việc không biết mệt mỏi, tới mức đã có những ghi chép viết lại rằng: "Khiêm Trai du lịch khắp nơi trên cả nước, vẽ tả thực phong cảnh mà ông qua, nếu đem chôn hết số bút vẽ mà ông đã dùng thì chúng sẽ như một nấm mộ lớn." Jeong Seon đã không rời cây bút vẽ cho đến khi qua đời ở tuổi 84. Lòng nhiệt thành và tâm huyết của ông đã đưa ông trở thành người có thành quả lớn nhất trong lịch sử hội họa của Hàn Quốc. Về sau, ông còn được nhắc đến với tên gọi "họa thánh", thần vẽ của Joseon, là người có ảnh hưởng lớn đối với những tài năng hội họa giai đoạn cuối thời Joseon như Kim Hong-do, Sin Yun-bok, những người đã khai khẩn nên mảnh đất mới cho tranh sơn thủy và tranh phong tục của Hàn Quốc. Với Jeong Seon, vẻ đẹp sơn thủy hữu tình của Hàn Quốc vẫn còn đang lắng đọng trong các tác phẩm của ông.

Lựa chọn của ban biên tập