Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Jeon Bong-jun, nhà lãnh đạo phong trào nông dân Donghak

2011-06-30

<b>Jeon Bong-jun</b>, nhà lãnh đạo phong trào nông dân Donghak
Người dẫn dắt phong trào nông dân Donghak

Triều Joseon thế kỷ 19, do sự tham nhũng của quan lại ngày càng gia tăng, người dân Joseon đã không cam chịu, vùng lên chống đối triều đình. Năm 1894, tại Joseon đã bùng lên phong trào Donghak, một cuộc khởi nghĩa của nông dân nhằm cải cách, chống lại bè lũ quan lại thối nát và thực dân Nhật đang dòm ngó đất nước.
Lần đầu tiên trong lịch sử Hàn Quốc, người dân thường đã đoàn kết sức mạnh nhằm xây dựng một thế giới tươi đẹp hơn. Ở tâm điểm của làn sóng cải cách này, có Jeon Bong-jun với biệt danh "vị tướng quân đậu xanh".

Ngọn đuốc thắp sáng cho một cuộc khởi nghĩa vì sự bình đẳng

Jeon Bong-jun sinh năm 1855, cha là Jeon Chang-hyeok, thầy dạy học tư ở huyện Gochang, tỉnh Bắc Jeolla. Sau khi cha chết vì bị kết tội chủ mưu nổi loạn, Jeon Bong-jun bắt đầu ôm ấp ý đồ cải cách xã hội. Hơn 30 tuổi ông ra nhập Donghak (Đông học), một tôn giáo của công chúng và phụ trách giáo khu huyện Gobu, tỉnh Bắc Jeolla, đảm nhận vị trí đứng đầu của “Jeop (Tiếp)” - đơn vị tôn giáo tại các địa phương của Donghak. Tuy không phải quê hương mình, nhưng ông đã có cuộc sống rất gần gũi với nhân dân ở đây như mở lớp học tư để dạy trẻ em, lập tiệm thuốc, làm thày thuốc chữa bệnh.
Ngày 8/1/1894, Jeon Bong-jun đã lãnh đạo hơn 1000 tín đồ Donghak và nông dân đánh vào quan nha của huyện Gobu. Nguyên do bởi Jo Byeong-gap, kẻ 2 năm trước về làm thái thú huyện Gobu, một điển hình của tham quan ô lại. Viên thái thú này toàn làm chuyện ác đức như cướp đoạt tài sản của người dân, xây đắp thêm hồ chứa nước cạnh hồ chứa Manseokbo để tăng tiền thu thuế đối với nông dân...
Đặc biệt, khi người dân kêu oan hắn lại coi họ là phản nghịch và đưa ra những hình phạt rất hà khắc. Chính vì vậy, một người gần dân, luôn hướng tới tư tưởng "Nhân nãi thiên", lấy con người làm gốc như Jeon Bong-jun thì không thể ngồi yên, ông đã đứng ra lãnh đạo nhân dân đối đầu với quan lại.
Jeon Bong-jun là người có mắt sáng như sao, tuy thân hình nhỏ bé mà lòng can đảm tựa núi Thái sơn. Ông đã đi đầu dân chúng, đứng ra đòi nhân quyền và kêu gọi bình đẳng cho tất cả mọi người, làm cho đông đảo quần chúng tập trung ở khu chợ Malmok (Malmokjangteo) đã có thể hợp sức, kéo đến đánh chiếm quan nha của huyện Gobu. Tại đây, dân đã thả phạm nhân bị nhốt oan trong tù và mở kho lương thực để chia cho người nghèo khổ.
Cuộc khởi nghĩa diễn ra ngay vào đầu năm mới. Lúc này, triều đình cũng đã bổ nhiệm một thái thú mới, thuyết phục người dân trở về làm ăn sinh sống và hứa không truy cứu những ai tham gia nổi loạn. Tuy nhiên, thay vì được triều đình cử xuống để nắm tình hình, viên quan Yi Yong-tae lại tìm cách truy bắt chủ mưu và người tham gia khởi nghĩa. Nông dân tại đây càng phẫn nộ khi thấy từng đoàn người lũ lượt bị giải đi và họ quyết quay lại với con đường khởi nghĩa vũ trang.

Dương cao ngọn cờ "Báo quốc an dân"

Jeon Bong-jun một lần nữa đã đứng lên, dương cao ngọn cờ "Báo quốc an dân", cho thấy “bá tính là căn bản của quốc gia, căn bản mà suy tàn thì quốc gia cũng tiêu vong”. Ông gửi thông tri tới người đứng đầu các Jeop (Tiếp) của Donghak ở các khu vực xung quanh, kêu gọi nổi dậy. Hưởng ứng lời kêu gọi này, ngày 4/5/1894 đã có tới hơn 13.000 người tập trung tại huyện Gobu. Jeon Bong-jun được suy tôn làm người chỉ huy đứng đầu nhân dân. Ông làm hịch giải thích lý do và kêu gọi tiến hành khởi nghĩa, đặt ra 4 điều lệ cho quân khởi nghĩa như không giết người, không phá hoại tài sản v.v... đoàn kết mọi người tấn công quan lại.
Những người nông dân lần đầu tiên trở thành nhân vật chính của lịch sử, họ tiến quân với khí thế mạnh như vũ bão, lần lượt chiếm giữ các địa danh như Geumgu, Buan, Jeongeup, Gochang và sau 1 tháng đã chiếm lĩnh thành Jeonju. Tin đồn về việc "Joseon đã nằm trong tay của Jeon Bong-jun" và "cả thế gian đã thuộc về quân khởi nghĩa Donghak" nhanh chóng lan đi khắp nơi, khiến triều đình lo ngại, phải xin viện binh của nhà Thanh, Trung Quốc.
Tuy nhiên, viện cớ Điều ước Thiên Tân, một hiệp định chia sẻ quyền lực giữa Nhật Bản và nhà Thanh, Nhật Bản đã đưa quân đội tiến vào Joseon, khiến đất nước rơi vào tình thế nguy ngập. Lúc này, Jeon Bong-jun đã tỏ ý với triều đình rằng, nếu chấp nhận phương án cải cách ông đề ra như trừng phạt tham quan ô lại, giải phóng nô lệ, chia đều ruộng đất cho nông dân v.v... thì sẽ rút khỏi thành Jeonju. Triều đình Joseon cũng không muốn chiến tranh tiếp tục kéo dài, nên ngày 7/5/1894 đã ký hòa ước với Jeon Bong-jun, tuyên bố ngừng chiến.

“Tướng quân đậu xanh”, người lỗi hẹn cùng thời đại

Hòa ước đã không được giữ đúng. Lúc này quân Nhật đã đổ vào Joseon, xâm phạm cung Gyeongbok (Cảnh Phúc), có cơ sở để can thiệp vào việc nội chính của triều Joseon. Phẫn nộ trước hành vi bộc lộ bản chất xâm lược của Nhật Bản, Jeon Bong-jun đã chỉ huy 12 vạn nghĩa quân nông dân vùng lên cứu quốc. Song, trước hỏa lực và vũ khí hiện đại của quân Nhật cũng như sự phản kích của triều đình, quân khởi nghĩa liên tục thua trận, dẫn đến đại bại ở đồi Ugeumchi, thành phố Gongju.
Jeon Bong-jun giải tán nghĩa quân và trong khi chờ thời cơ để gây dựng lại, ông định tìm đến với Kim Gae-nam, một lãnh đạo của phong trào Donghak đang gây dựng thế lực ở tỉnh Nam Jeolla, Tuy nhiên trên đường đi, do sự phản bội của tay chân là Kim Gyeong-cheon, ông đã bị bắt vào ngày 2/12/1894 và bị treo cổ vào năm 1895. Tuy cuộc cách mạng thất bại, nhưng sự hy sinh để bảo vệ chính nghĩa của Jeon Bong-jun đã khiến cho người dân Joseon luôn tưởng nhớ tới ông. Có những lời hát luôn được cất lên ca tụng ông:


"Chim ơi, con chim xanh! Chớ vào vườn đậu xanh
Khóc vị tướng áo xanh, rơi rơi hoa đậu xanh."


Người dân đặt cho ông cái tên là vị "tướng quân đậu xanh" bởi ông có ý chí sắt đá, vóc dáng tuy nhỏ bé, mà luôn sống ngay thẳng dù trên những mảnh đất rất cằn cỗi giống như cây đậu. Có lẽ, chính tấm lòng chứa đựng trong bài hát này của người dân về sau đã trở thành nguồn động lực của phong trào giải phóng dân tộc dưới chế độ thực dân Nhật. Đồng thời, một phần đường lối cải cách của Jeon Bong-jun sau này cũng đã được vận dụng trong cuộc cải cách năm Giáp Ngọ (1894-1896). Điều này cho thấy, công lao của Jeon Bong-jun - người luôn tiên phong đấu tranh, quan tâm và hy sinh để xây nên một thế giới vì con người đã hoàn toàn không uổng phí.

Lựa chọn của ban biên tập