Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Seol Chong, một văn nhân và là đại học giả của thời Silla!

2011-07-07

<b>Seol Chong</b>, một văn nhân và là đại học giả của thời Silla!
Người gìn giữ ngôn ngữ của dân tộc bằng văn tự Idu

Hangeul (chữ cái tiếng Hàn) do vua Sejong (Thế Tông) của triều đại Joseon sáng tạo vào năm 1446 vẫn được biết đến là loại chữ viết khoa học, thuộc loại văn tự biểu âm, dễ học và có thể sử dụng để diễn đạt tất cả các âm trong tiếng Hàn một cách tự nhiên. Thực tế, với chữ Hangeul, chỉ cần biết 14 phụ âm và 10 nguyên âm là có thể tạo ra được tới 11.172 tổ hợp chữ ghi âm tiết, nên có thể xem là loại chữ viết rất phù hợp cho thời đại kỹ thuật số hiện nay. Tuy nhiên, trước khi chữ Hangeul ra đời, trên bán đảo Hàn Quốc cũng đã có những cố gắng khác, nhằm cho ra một loại văn tự giúp người dân, những người không biết chữ Hán có thể dùng trong hoạt động ngôn ngữ.
Một loại hình văn tự tiêu biểu được biết đến trước thế kỷ 15 là Idu (Lại độc), loại văn tự mượn âm và nghĩa của chữ Hán để ghi lại tiếng Hàn. Và nói đến Idu, không thể không nhắc tới Seol Chong một văn nhân và là đại học giả của thời Silla, người đã có công trong việc phát triển loại hình văn tự này.

Người phát triển “đạo” trong Nho học vào Silla

Seol Chong là một trong những nhà Nho hàng đầu của Hàn Quốc, từng dịch các kinh điển của Nho học sang tiếng Hàn. Ông được coi là 1 trong "thập hiền", 10 người có tài năng xuất chúng thời Silla. Seol Chong vốn là con của một vị sư nổi tiếng thời Silla có pháp danh là Wonhyo (Nguyên Hiểu). Vào thế kỷ thứ VII, ngay trước giai đoạn 3 nước Goguryeo, Baekje, Silla được thống nhất làm một, Nguyên Hiểu chính là người phát triển, khẳng định vị thế của Phật giáo Đại thừa đối với người dân Silla bấy giờ đang còn đắm chìm trong cơn chiến tranh loạn lạc. Nguyên Hiểu gặp Công chúa Yoseok (Dao Thạch), con của Taejong Muyeolwang (Thái Tông Vũ Liệt Vương), vua đời thứ 29 của Silla và đã sinh ra Seol Chong vào khoảng năm 655.
Sau đó, mặc dù hoàn tục, tự gọi mình là "Tiểu Tính Cư sĩ", nhưng Nguyên Hiểu, cha của Seol Chong lại càng tận tâm, dồn sức vào thuyết giáo và giáo hóa chúng sinh, thậm chí còn nhiều hơn so với khi còn làm tăng lữ, giúp cho Phật giáo Silla có được sự phát triển to lớn. Song, Nguyên Hiểu đã cắt đứt duyên phận với vợ là công chúa Dao Thạch và con là Seol Chong.
Dù không được sống cùng cha, nhưng do có tư chất thông minh, từ nhỏ Seol Chong đã được gọi là "Thông Trí" nghĩa là khôn ngoan, sáng suốt. Giai đoạn Hán văn mới du nhập vào Silla, Seol Chong đã để lại công lao to lớn trong việc giải thích kinh điển của Nho giáo sang tiếng Hàn. Ông đã sáng tạo ra "Thích độc khẩu quyết", cho thấy cách đọc Hán văn bằng tiếng Hàn, gắn thêm các yếu tố ngữ pháp như tiểu từ, đuôi từ của tiếng Hàn vào các sách kinh điển của Nho gia như "Chu Dịch", "Xuân Thu" v.v... Kinh điển của Trung Quốc có thể đọc được bằng tiếng Silla đã giúp cho Nho học phát triển được nhanh chóng và rộng rãi. Seol Chong cũng nhờ đó đã được xưng tụng, coi là người có công, giúp cho đạo lý của Nho gia đâm chồi nảy lộc trên đất Silla.

Chuyển tải điều răn dạy của Nho gia qua tác phẩm "Hoa vương giới"

Thông qua "Hwawanggye (Hoa vương giới)" một tác phẩm được xem là đầu tiên của thể loại truyền kỳ trong văn học Hàn Quốc, Seol Chong đã truyền được tinh thần trong Nho học đến với Sinmunwang (Thần Văn Vương), vị vua đời thứ 31 của Silla. Nội dung của "Hoa vương giới" đại thể còn được ghi lại như sau trong "Tam quốc sử ký", tác phẩm lịch sử lâu đời nhất tại Hàn Quốc.

"Hoa Hồng khoe sắc với vẻ đẹp kiều diễm, cuốn hút lòng người và hoa Bạch đầu ông tóc bạc trắng, có vẻ bề ngoài giản dị đã cùng nhau đến gặp mẫu đơn, vua của các loài hoa để xin được tiến thân. Giữa một bên là mĩ nhân với những lời đường mật và một bên là kẻ trung thần chính trực, vua của các loài hoa (Hoa vương) có vẻ xiêu lòng trước hoa Hồng. Lúc này, Bạch đầu ông mới than thở rằng, xưa nay vua chúa hiếm khi gần người chính trực mà xa lánh bè lũ gian tà. Câu nói đó đã khiến cho vua của các loài hoa nhận ra sai lầm và tin dùng hoa Bạch đầu ông.”

Rốt cuộc, tác phẩm có nội dung chủ yếu là khuyên nhà vua nên lắng nghe kẻ bầy tôi chính trực hơn những lời xu nịnh của bè lũ gian thần, nó diễn giải ra được quan niệm về chính trị, đạo đức của Nho giáo theo hình thức ngụ ngôn. Ngưỡng mộ trí tuệ của Seol Chong, vua Thần Văn đã cho ghi chép lại nội dung này để các vua đời sau được biết mà giữ mình.

Người thầy mãi được kính trọng của cả dân tộc

Với tác phẩm của mình, Seol Chong đã có được sự tín nhiệm và sủng ái của nhà vua. Ông ra làm quan, giữ vai trò chính trong việc lập nên nhà "Quốc học", đồng thời, bản thân cũng để lại nhiều tác phẩm, mà tiêu biểu là các tác phẩm như "Cam Sơn Tự A Di Đà Như Lai Tạo tượng kí", tác phẩm tán dương, ca ngợi tinh thần của cả tam giáo Nho, Đạo, Phật… Đa phần các tác phẩm của Seol Chong đều không còn, khiến cho học giả Kim Bu-sik khi biên soạn cuốn "Tam quốc sử ký" đã phải thốt lên tiếc nuối rằng "Văn của ông viết hay nhưng chẳng còn gì được truyền lại trên đời". Tuy nhiên, có thể nói, tấm lòng tôn kính dành cho ông của các thế hệ con cháu sau này thì mãi mãi, không bao giờ suy chuyển.
Với việc phát minh ra cách đọc và chú giải các tác phẩm cổ điển của Trung Quốc, Seol Chong đã góp phần vào việc phát triển Nho học tại bán đảo Hàn Quốc. Ông được mọi người ngưỡng mộ, suy tôn làm thánh nhân, sau cha của ông là Nguyên Hiểu, người có công trong việc phát triển Phật giáo. Năm thứ 13 triều vua Hyeonjong (Hiển Tông), vua đời thứ 8 của Goryeo, Seol Chong đã được truy phong là "Hống Nho hầu". Ông là người mà tới nay vẫn đem lại nhiều điều bí ẩn, ông qua đời khi nào, không ai biết chính xác, chỉ biết rằng người đời sau vẫn mãi còn theo dấu chân ông, coi ông như một người thầy của cả dân tộc.

Lựa chọn của ban biên tập