Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Ichadon, người tử vì đạo thời Silla

2011-07-14

<b>Ichadon</b>, người tử vì đạo thời Silla
Cái chết của Ichadon
Trên cây cột đá khắc kinh “Lục diện Thạch tràng” dựng tại Chùa Baengnyul (Bách Lật), hiện còn dòng chữ khắc, miêu tả một cách đầy cảm động về cảnh tuẫn giáo của người mộ đạo Ichadon xảy vào năm 527, năm thứ 14 triều vua Beopheung (Pháp Hưng Vương), vua đời thứ 23 của Silla. Đó là:

"Khi bị chém đầu, từ cổ phun ra một dòng sữa trắng,
lúc này có cơn mưa hoa từ trên trời đổ xuống và đất trời lay chuyển.
Con người cùng vạn vật đều buồn thương, các loài động vật và thực vật đều xao động."

Không biết Ichadon là ai mà gặp phải một kết cục lạ thường, khiến trời đất cũng phải buồn khóc vì ông đến vậy?

Từ bỏ vinh hoa để hy sinh cho Phật giáo

Tương truyền Ichadon được sinh ra vào năm 506 hoặc 501, dưới triều vua Jijeung (Trí Chứng Vương), vua đời thứ 22 của Silla và ông cũng chính là một hậu duệ của Sipbogalmunwang (Tập Bảo Cát Văn Vương), cha của vua Jijeung. Ichadon có tính cách cương trực, ra làm quan từ khi còn trẻ. Ông từng là cận thần, giúp đỡ bên cạnh vua Beopheung (Pháp Hưng Vương) và là người rất hiểu lòng vua.
Vua Beopheung khi đó muốn đưa Phật giáo lên làm quốc giáo nhưng không thực hiện được vì gặp sự phản đối của quan lại trong triều, những người luôn tin theo tín ngưỡng bản địa. Để giải tỏa nỗi lo trong lòng vua, Ichadon đã tâu lên như sau:

"Chết vì đất nước là đại nghĩa của kẻ làm quan. Hy sinh mạng sống vì vua là suy nghĩ đúng đắn của người làm dân chúng. Cho nên, khi tiểu thần bắt đầu xây chùa ở Cheongyeongnim (Thiên Kính Lâm) thì xin hãy cho xử phạt thần vì làm sai luật."

Lúc này, hai nước láng giềng là Goguryeo và Baekje đều đã đi theo Phật giáo vào các năm 372 và 384 sau công nguyên, riêng chỉ có Silla là đến đầu thế kỷ thứ VI, Phật giáo vẫn chưa được chấp nhận. Nguyên do là từ thủa ban đầu, tại Silla đã có sự phát triển của các hình thức tế tự lấy nền tảng ở tín ngưỡng dân gian, đồng thời, tầng lớp quý tộc ở đây lại coi mình tồn tại như các bậc thần linh và luôn bài xích mọi thế lực mới du nhập từ ngoài vào. Chính vì vậy, Ichadon đã xin được tử vì đạo để mở ra một thời đại tôn giáo mới cho đất nước bởi ông tin tưởng vào sự hòa bình, lòng từ bi của đạo Phật và coi trọng sự phát triển về tinh thần hơn hạnh phúc về mặt vật chất. Trước lòng hướng Phật và sự trung thành của Ichadon, cuối cùng nhà vua cũng đã thuận theo ý ông.
Không bao lâu, tại Cheongyeongnim (Thiên Kính Lâm), nơi vốn là chốn linh thiêng của tín ngưỡng bản địa, một ngôi chùa đã mọc lên và ngay lập tức tin đồn về việc Ichadon theo ý vua thực hiện các nghi lễ của nhà Phật tại đây đã lan truyền đi khắp nơi. Bè đảng quý tộc kéo đến kháng nghị với vua, họ cho rằng "không thể thờ thần của người man di", khiến cho vua phải chối đi mà gọi Ichadon tới. Giây phút tử vì đạo của một người mộ Phật đã tới gần.

Cơn mưa hoa trên trời đổ xuống, cũng là lúc Phật giáo nở hoa

Để đạt được 2 mục đích là Phật giáo chính thức được công nhận và tăng cường quyền lực vào tay nhà vua, trước mặt vua Beopheung và các quần thần, Ichadon đã đường hoàng trả lời:

"Theo phép tắc của Đức Phật thì đất nước được tốt đẹp, vận nước càng hưng thịnh, vậy thì ta có tội gì?" Trước khi bị chém đầu ông cũng để lại lời tiên đoán rằng: "Nếu Đức Phật có nơi đây, thì sau khi ta chết, chắc chắn sẽ xảy ra điều kỳ lạ."

Và rồi, sự thể đã đúng như lời tiên đoán. Khi ông vừa trút hơi thở cuối cùng, trên pháp trường, từ chỗ bị chặt ở cổ ông tuôn ra một dòng sữa trắng. Đồng thời, bầu trời đột nhiên tối sầm lại và đổ xuống một trận mưa hoa.
Trong kinh Pháp Hoa có dạy về "bố thí" là việc từ bỏ hết mọi thứ để làm việc tốt, song Ichadon bỏ ra ở đây là mạng sống, điều khó nhất mà con người có thể làm được. Sau khi chứng kiến sự kiện tử vì đạo, hiến dâng sinh mạng để truyền bá Phật giáo của Ichadon cũng như kỳ tích xuất hiện theo đó, các quý tộc của Silla đã công nhận Phật giáo là quốc giáo. Đây là thời điểm của năm 527 sau công nguyên trên bán đảo Hàn Quốc.

Đạt được sự thống nhất quốc gia trên nền tảng của Phật giáo

Ichadon là một tín đồ có lòng tin vững chắc, đồng thời cũng là một trung thần, luôn ủng hộ cho ý chí xây dựng Phật giáo làm quốc giáo, tăng cường quyền lực của nhà vua Beopheung. Sau sự kiện tử vì đạo của ông, Phật giáo đã bén rễ vào Silla, thức tỉnh tinh thần lấy con người làm gốc, tôn trọng ý chí tự do của con người, đem lại sự phát triển của nhà nước Silla và trở thành bàn đạp, tạo nên một quốc gia thống nhất đầu tiên của bán đảo Hàn Quốc. Ichadon được thờ làm 1 trong “thập thánh”, 10 vị sư tăng nổi tiếng thời Silla tại Kim Đường, tòa nhà trung tâm của chùa Heungnyun (Hưng Luân), ngôi chùa xây vào năm 544, dưới triều vua Jinheung (Chân Hưng Vương), vua đời thứ 24 của Silla. Ngoài ra, còn có một ngôi chùa được xây riêng để tưởng nhớ ông, mà về sau có tên gọi là chùa Baengnyul (Bách Lật). Tại đây, cột đá "Lục diện Thạch tràng" tượng trưng cho cảnh tuẫn giáo của Ichadon đã được dựng lên để ca tụng cho sự hy sinh của ông. Chỉ sống được hơn 20 tuổi và sớm hiến dâng cả cuộc đời cho sự phát triển của Phật giáo, Ichadon đã cho chúng ta thấy một con người có đức tin cao đẹp, không dừng mục đích sống ở cái riêng của bản thân mà phát triển nó thành một tấm lòng vị tha bao la, rộng lớn.

Lựa chọn của ban biên tập