Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Lee Jung-seop - họa sĩ thiên tài, đại diện cho mỹ thuật cận đại Hàn Quốc

2011-07-21

<b>Lee Jung-seop</b> - họa sĩ thiên tài, đại diện cho mỹ thuật cận đại Hàn Quốc
Lee Jung-seop - họa sĩ nhân dân

Lee Jung-seop là họa sĩ được rất nhiều người dân Hàn Quốc biết đến và mến mộ. Các bức tranh vẽ sinh hoạt gia đình, vẽ bò của ông trở nên nổi tiếng và là những tác phẩm có trá trị nghệ thuật, giá trị lịch sử cao. Sở dĩ, vì trong tranh ông luôn đan quyện nỗi nhớ nhung da diết của người nghệ sĩ và một tâm hồn nghệ thuật cháy bóng, luôn đồng hành qua các bước thăng trầm cùng đất nước, từ thời Nhật thuộc cho đến khi giải phóng và tiếp đó là chiến tranh Triều Tiên.
Cũng vì thế mà Lee Jung-seop khác với các họa sĩ khác ở chỗ, bản thân cuộc sống cùng với tác phẩm của ông đã có thể xem là 1 sản phẩm nghệ thuật. Ông đã sáng tác ra những bức tranh đem lại tình cảm ấm áp, an ủi nỗi lòng cho con người ngay giữa cuộc sống đời thường. Để hiểu vị "họa sĩ thiên tài" trong lòng người dân Hàn Quốc này, có lẽ phải tìm về với cuộc đời thực sự của ông.

Chiêm ngưỡng bích họa của mộ cổ thời Goguryeo và con đường trở thành họa sĩ

Lee Jung-seop sinh ngày 10/4/1916, là con út trong một gia đình phú nông ở huyện Pyeongwon, tỉnh Nam Pyeongan. Các bức bích họa trong mộ cổ thời Goguryeo mà ông ngắm được khi đi học bên nhà ngoại ở Bình Nhưỡng đã đem lại cho ông nhiều ấn tượng mới lạ. Nhờ vậy, ông đã biết được sức hấp dẫn của tranh vẽ và những bức tranh sống động. Từ đó, ông quan tâm nhiều hơn đến mỹ thuật và đã nhập học vào trường Osan ở tỉnh Bắc Pyeongan. Tại đây, gặp được thầy Im Yong-ryeon, một giáo viên dạy mỹ thuật từng du học ở Mỹ về, Lee Jung-seop đã chính thức có cơ hội được học về hội họa. Năm 1935, ông sang Nhật, học qua các trường Mỹ thuật Đế quốc Đông Kinh (nay là Đại học Nghệ thuật Musashino) và khoa Mỹ thuật của 'Văn hóa học viện', xây dựng nên cho mình một thế giới mỹ thuật riêng, tiêu biểu cho khả năng mạnh mẽ của tranh vẽ nét đơn. Tranh của ông được giới phê bình đánh giá cao, từng được nhận giải thưởng Thái Dương của Hiệp hội các nhà Mỹ thuật Tự do Nhật Bản trao vào năm 1937. Giai đoạn này, Lee Jung-seop đã gặp và cưới Yamamoto Masako (tên tiếng Hàn Lee Nam-deok), người bạn đồng hành không thể không nhắc tới trong cuộc đời ông. Song, những tháng ngày hạnh phúc của Lee Jung-seop cũng bắt đầu chấm hết từ đây.

Mỗi ngày là một thử thách

Lee Jung-seop tốt nghiệp và trở về nước năm 1944. Sau đó 1 năm, Yamamoto Masako sang Hàn Quốc và 2 người đã tổ chức lễ kết hôn. Họ sinh con, nhưng con đầu lòng chết vì mắc bệnh bạch hầu. Bấy giờ Lee Jung-seop đang chưa có nghề nghiệp ổn định, chỉ chuyên tâm vào sáng tác tác phẩm và ông đã bị suy sụp thực sự. Ngoài tranh vẽ ra, không có cách nào khác để giãi bày nỗi lòng, vì thế ông đã biến nỗi đau của mình thành mô-típ sáng tác, vẽ nên tác phẩm "Em bé ôm vì sao trắng bay lên trời" và tham gia "Triển lãm tranh kỷ niệm Ngày Giải phóng" vào năm 1947 với tác phẩm này.
Tuy nhiên, cuộc chiến tranh Triều Tiên diễn ra 3 năm sau đó đã làm đảo lộn tất cả cuộc sống của Lee Jung-seop. Ông đã phải sơ tán đi khắp nơi như Busan, Seogwipo, Tongyeong... và tới năm 1952, vì cuộc sống quá khổ cực, ông đã phải chia tay, để vợ và 2 con sang Nhật. Có ai ngờ, cuộc đoàn tụ trong vòng 5 ngày ngắn ngủi tại Tokyo vào thời điểm 1 năm sau đó lại chính là lần gặp gỡ cuối cùng để chia tay gia đình mãi mãi của Lee Jung-seop. Cũng chính nỗi đau biệt ly đã càng trở thành động cơ thúc đẩy ông lao vào con đường sáng tác.

Lee Jung-seop - "người đội biển trên đầu"

“Lee Jung-seop, tôi gặp anh nơi phường Gwangbok,
anh vẫn đội cả biển xanh trên đầu.
Tin vợ từ Đông Kinh (Tokyo) giờ như tan biến,
chìm vào trong một khoảng thẫm tối màu,
nơi còn thẫm hơn cả màu của biển cả.”


Trên đây là trích đoạn dịch nội dung tác phẩm thơ “Lee Jung-seop, người tôi gặp” của nhà thơ Kim Chun-su. Đúng như bài thơ miêu tả, Lee Jung-seop luôn luôn thẫn thờ, mong ngóng ngày được đoàn tụ lại cùng gia đình. Lúc này, do không có tiền, để vẽ tranh ông đã phải dùng dùi cào lên giấy bạc trong vỏ bao thuốc lá. Trên mỗi tác phẩm phác bằng nét vẽ đơn này là nỗi nhớ gia đình da diết, thể hiện qua những cảnh như tác giả dắt chiếc xe bò đưa vợ và các con về phương Nam ấm áp v.v...
Ngoài ra, trong một loạt các tác phẩm vẽ về bò, bằng nét vẽ đậm và cứng, Lee Jung-seop đã miêu tả những con bò thở phun ra mạnh mẽ, như đang sắp nhảy vọt lên, chứa đựng trong đó khí phách tràn đầy sinh lực của dân tộc và đồng thời cũng là an ủi cho những người phải trải qua nỗi đau chiến tranh, thổi vào họ một luồng dũng khí...
Trong chiến tranh và li biệt, trong cảnh nghèo khổ, khốn khó mà Lee Jung-seop vẫn tạo ra được các tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao. Mặc dù vậy, về mặt kinh tế, tranh của ông vẫn chưa đem lại cho ông thêm một khoản thu nhập nào. Đặc biệt, năm 1955, với quyết tâm tìm gặp lại gia đình, ông đã mở một triển lãm tranh cá nhân cuối cùng cho đời mình. Tuy cũng đã thành công, nhưng tranh của ông không được nhiều người trả giá cao đúng với giá trị của nó và giấc mơ sang Nhật gặp gia đình đã tan thành mây khói.

Giá trị tác phẩm của vị họa sĩ tài ba

Bị tổn thương sâu sắc trong lòng, một năm sau khi tổ chức triển lãm tranh, Lee Jung-seop trở nên đau yếu bởi một loạt bệnh như suy nhược thần kinh, thiếu dinh dưỡng, xơ gan và đã qua đời khi chỉ mới 40 tuổi.
Năm 1957, thông qua cuộc triển lãm các tác phẩm chưa công bố của Lee Jung-seop, ông mới bắt đầu được xã hội chú ý và công nhận. Lúc đó, nhờ có Arthur J. McTaggart, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Mỹ tại Daegu, tên tuổi của Lee Jung-seop được nhiều người biết đến, ông trở thành họa sĩ Hàn Quốc đầu tiên được lưu danh tại Bảo tàng Mỹ thuật hiện đại New York.
Tranh của ông, dù là bức vẽ hoàn chỉnh hay phác họa, mỗi bức đều được gọi mua với giá lên tới hàng trăm triệu và chúng thường bị cuốn vào vòng tranh cãi xung quanh việc đánh giá tranh giả, tranh thật. Lee Jung-seop đã cầm bút vẽ, thắp sáng cho tâm hồn nghệ thuật ngay trong cái bần cùng, nghèo khổ tới cùng cực. Cuộc đời của họa sĩ và các tác phẩm sống động, đầy chất trữ tình, nhân văn của ông ngày nay vẫn luôn được chú ý, luôn nhận được muôn vàn tình cảm mến mộ, yêu thương cháy bỏng của người dân Hàn Quốc.

Lựa chọn của ban biên tập