Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Yi I, vị học giả tiêu biểu của thời Joseon

2011-07-28

<b>Yi I</b>, vị học giả tiêu biểu của thời Joseon
Vị quan trí thức xây dựng Joseon thành quốc gia của Nho giáo

Nếu như vua là hạt nhân của triều đình thì các vị học giả có thể xem là cốt lõi của chính trị, giúp cho vương triều Joseon tồn tại được tới 500 năm. Cả cuộc đời học giả làm bạn với sách, được như ý thì ra làm quan, trông nom việc thiên hạ. Dù đến từ những nơi thâm sơn cùng cốc, nhưng họ vẫn điều hành công việc đất nước không mấy khó khăn. Một trong số các vị học giả tiêu biểu này của thời Joseon chính là Yul-gok (Lật Cốc) Yi I.
Cùng với Yi Hwang, Yi I cũng là một học giả hàng đầu của Joseon. Song, nếu như Yi Hwang từ bỏ quan chức, về xây dựng một cộng đồng văn hóa Nho giáo độc lập tại vùng Andong, tỉnh Bắc Gyeongsang thì Yi I lại là người đưa học vấn vào, hiện thực hóa học vấn trong hoạt động chính trị. Cuộc đời của học giả Yi I là cuộc đời của một nhà tri thức chân chính, có con mắt tinh tường và tình cảm nồng cháy luôn hướng về quốc gia, hướng về bá tính.

Thiên tài nổi tiếng

Yi i hiệu là Lật Cốc sinh ngày 26/12/1563 tại nhà họ ngoại ở Gangneung, tỉnh Gangwon. Mặc dù có cha là Yi Won-su, một vị quan Giám sát của Saheonbu (Ti Hiến Phủ - chức lục phẩm) nhưng ông thường được nhắc đến cùng với cái tên của người mẹ nhiều hơn. Bởi mẹ của ông là Shin Saimdang, một nữ nghệ sĩ nổi tiếng thời Joseon.
Từ nhỏ, Yi I đã được biết đến là thần đồng, lên 3 tuổi biết phát huy trí thông minh trời phú, ngắm trái lựu đỏ ngoài sân mà đã có thể mượn thơ xưa đối đáp với những câu như "Thạch lựu bì lí toái hồng châu" (vỏ lựu bọc viên ngọc đỏ bị vỡ). 13 tuổi đã nổi danh, tham gia các kỳ khoa cử và đỗ trạng nguyên ở kỳ thi tiến sĩ song lúc này ông vẫn chưa ra làm quan ngay.
Đến năm Yi I 16 tuổi thì mẹ mất, sau khi chịu tang 3 năm, ông lên núi Geumgang để học về Phật giáo, năm 20 tuổi, đọc sách Luận ngữ, hiểu ra nhiều điều ông mới quay về nơi sinh là Ojukheon. Những tháng năm bôn ba và sự trưởng thành ở con người đã làm nền tảng tích lũy kiến thức, đem lại tài năng trị nước sau này cho vị đại học giả.
Thực tế, khi 23 tuổi Yi I từng tìm đến đàm đạo với học giả Yi Hwang lúc này đã 58 tuổi để nhìn nhận lại về hướng đi trong cuộc sống. Yi I đã chọn con đường đến với hiện thực để thực hiện chí lớn của mình. Năm đó ông dự khóa Biệt Thí, đỗ trạng nguyên với bài thi viết về "Thiên Đạo sách", giải thích lý luận về học thuyết "lý - khí", coi sự vật trên thế gian là sự kết hợp tuyệt diệu của "lý" và "khí". Tính đến khóa "Điện Thí", khóa thi chọn quan văn mà ông tham gia năm 29 tuổi thì tổng cộng ông đã 9 lần tham gia các kỳ khoa cử và tất cả đều đỗ đầu bảng. Cũng vì thế, người ta còn gọi ông là "Cửu Độ Trạng Nguyên Công".

Câu nói "Phải có dân mới thành đất nước" và việc xây dựng chính trị quốc gia

Yi I bắt đầu ra làm quan chức "Hộ Tào Tá Lang" năm 29 tuổi, sau đó từng làm Đại Đề học và Phán thư (chức quan nhị phẩm đứng đầu các bộ trong Lục bộ) của lần lượt các bộ Lại, Hộ, Hình, Binh, có kinh nghiệm uyên thâm trong xử lý các việc chính trị trọng yếu.
Có được sự tích lũy kiến thức chính trị này làm căn bản, năm 40 tuổi, Yi I đã trở thành nhân vật đứng đầu, dẫn dắt các vấn đề chính trị của đất nước. Đặc biệt, hiểu được trách nhiệm thay mặt vua chăm nom bá tính của một người làm quan, Yi I đã chủ trương cải cách, đề ra một thời kỳ đổi mới gọi là "Canh trương kỳ".
Thế kỷ 16 ở Joseon cũng là giai đoạn thế thường có nhiều sự lẫn lộn đảo điên. Kỷ cương, phép tắc của tầng lớp cai trị bị buông lỏng và do đó, tình hình chính trị rơi vào hỗn loạn, sự suy yếu về kinh tế của người dân trở thành vấn đề xã hội nghiêm trọng. Để chỉnh đốn lại mọi việc, cứu giúp dân sinh, Yi I đã lập ra hương ước và đưa ra phương án cải cách gọi là "Xã hội canh trương luận". Về đại thể, đây là phương án cho thấy nhà nước cần phải có chỉnh sửa về chế độ cho phù hợp với thời cuộc, giống như để duy trì được ngôi nhà tổ tiên để lại thì cần có thợ giỏi để thay và sửa các trụ cột trong nhà.
Trong "Seonghakjipyo (Thánh học tập yếu)" Yi I biên soạn năm 1575, ông muốn sửa chữa các vấn đề sai trái bằng những lời nói ngay thẳng, chẳng hạn như có câu: "vua phải coi dân như trời nhưng thứ người dân coi như trời lại là lương thực để ăn." Ông cũng đã đưa ra "Thập vạn dưỡng binh thuyết", cho rằng phải chuẩn bị về quân sự, nuôi dưỡng lực lượng với 100 nghìn binh sĩ vì Joseon bấy giờ đang yếu, trong vòng 10 năm tới quốc gia sẽ khó tránh khỏi họa chiến tranh. Tuy nhiên, sự phân tranh bè phái giữa nhóm Dongin (Đông Nhân) và Seoin (Tây Nhân) trong triều Joseon cuối cùng đã khiến Yi I phải từ bỏ quan chức mà chưa thực hiện hết được ý đồ.

Người làm tấm gương biểu trưng trong cuộc sống

Đến năm 48 tuổi, sau hơn 20 năm làm quan, Yi I đã trở về quê và 1 năm sau đó, năm 1584 ông đã qua đời. Về sau vua Injo (Nhân Tổ) mới thương tiếc, ban cho ông tên thụy là "Văn Thành" để tưởng nhớ tới công đức của ông. Chủ trương đầy tính cải cách và thực tiễn của ông về sau đã trở thành kim chỉ nam, dẫn dắt, hình thành nên học phái Kiho (Kì Hồ học phái), nhóm các nhà Nho học ở một số địa phương theo tư tưởng của Yi I. Yi I đã trở thành người có công hiến to lớn cho sự phát triển của Nho học thời Joseon, thành sức mạnh hoạt động của giới học giả sau này. Tinh thần dựa vào nghĩa binh để hiện thực hóa xã hội của ông cũng đã được tiếp nối bởi các vị tướng lĩnh nghĩa quân chống ngoại xâm mà đứng đầu là học giả Song Si-yeol của giai đoạn cuối thời Joseon. Học thức sâu rộng vô bờ và ý chí sắt đá của Yi I cho tới nay vẫn luôn là yếu tố thức tỉnh về mặt tinh thần và là tiêu chí trong cuộc sống của người dân Hàn Quốc.

Lựa chọn của ban biên tập