Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Lee Hyo-seok, tác giả của tiểu thuyết "Khi hoa kiều mạch nở"

2012-11-22

<strong>Lee Hyo-seok</strong>, tác giả của tiểu thuyết "Khi hoa kiều mạch nở"
Lee Hyo-seok, tác giả được nhớ đến với những bông hoa kiều mạch

Để chỉ dải ngân hà, tình yêu, con sông hay thế gian v.v... trong tiếng Hàn có muôn vàn ngôn từ đẹp đẽ để thể hiện. Bên cạnh sự phong phú về từ vựng đó, xuất hiện những câu văn được đánh giá là lời hay ý đẹp nhất của lịch sử văn học Hàn Quốc. Chẳng hạn như đoạn văn "Cất bước đi bên sườn núi lúc này, hơi thở của mặt trăng nghe như hơi thở của thú rừng, tưởng chừng có thể nắm lấy được trong tay. Dưới ánh trăng, những lá đậu, lá ngô càng thêm đượm xanh và còn kia là vườn hoa kiều mạch đang phủ khắp cả sườn núi. Những bông hoa bắt đầu hé nở dưới trăng nhìn như muối rắc khắp nơi, đem đến một cảnh đẹp thực cuốn hút lòng người."
Cả con đường từ vùng Bongpyeong đến Daehwa dài 70 dặm (27km) xuất hiện trong tiểu thuyết "Khi hoa kiều mạch nở" đã được miêu tả rất thơ mộng. Đây chính là tác phẩm tiểu thuyết đã đẩy văn học Hàn Quốc lên một tầm cao mới mà cho đến nay, tại địa điểm được đề cập đến trong tiểu thuyết, hàng năm người ta vẫn tổ chức nhiều liên hoan, lễ hội. Tác phẩm gây tiếng vang trong lòng người Hàn Quốc đó được sáng tác bởi một nhà văn tài ba mang tên Lee Hyo-seok.

Lee Hyo-seok là ai?

Lee Hyo-seok sinh ngày 23/2/1907 tại Bongpyeong, huyện Pyeongchang, tỉnh Gangwon. Lớn lên trong một gia đình quý tộc ở một vùng làng quê miền núi điển hình, năm 1914, Lee Hyo-seok được đưa vào học tại trường phổ thông công lập Pyeongchang, cách nhà tới khoảng 100 dặm (40km). Phương tiện giao thông chủ yếu lúc bấy giờ chỉ có xe bò hoặc nếu không thì phải đi bộ. Vì thế, việc đi bộ một khoảng cách xa như vậy hàng ngày đã giúp cho Lee Hyo-seok càng được tiếp xúc nhiều hơn với thiên nhiên.
Bấy giờ ông nổi tiếng là người có tài, học giỏi, điểm cao, năm 1920 ông được nhập học vào trường phổ thông trung học Gyeongseong Jeil. Tại đây ông say mê đọc tiểu thuyết của các tác giả người Nga nổi tiếng như Tolstoy, Turgenev và Chekhov. Ông kết bạn với Yu Jin-o, người học trên ông 1 lớp (sau này là tiểu thuyết gia và là nhà nghiên cứu pháp luật) và bắt đầu quan tâm đến sáng tác các tác phẩm văn nghệ. Năm 1925, Lee Hyo-seok tốt nghiệp hạng ưu trường phổ thống trung học Gyeongseong Jeil, tiếp tục vào học tại Đại học Đế quốc Gyeongseong và viết ra truyện ngắn mang tên "Lữ khách", bước đầu đến với sáng tác văn học. Trong giai đoạn học tại Đại học Đế quốc Gyeongseong, năm 1928 ông đăng tác phẩm "Thành phố và những u hồn" trên tạp chí "Triều Tiên chi quang", chính thức ra mắt văn đàn. Sau đó, trong một giai đoạn ông hoạt động như một tác giả ủng hộ cho dòng văn học vô sản, công bố các tác phẩm như "kì ngộ", "Chiếc đèn lồng đỏ bị vỡ", "Vùng biển gần Noryeong" v.v... Năm 1932, Lee Hyo-seok xin vào làm giảng viên dạy tiếng Anh tại trường Nông nghiệp Gyeongseong. Từ đây ông đã trải qua nhiều biến chuyển của cuộc đời và đồng thời bắt đầu thay đổi thế giới sáng tác của mình. Năm 1933, ông đã tham gia vào "Cửu nhân hội" (Hội 9 tác giả văn học), một hội văn học cổ xúy cho "văn học thuần túy" của Hàn Quốc.

Từ hiện thực phê phán chuyển sang khám phá thiên nhiên và quê hương

Tác phẩm "Đồn" (Lợn con) kể về tình yêu của một chàng nông dân nghèo dành cho cô gái tên là Buni chính là bước ngoặt quan trọng để từ đó, mỗi năm Lee Hyo-seok công bố được tới hơn 10 truyện ngắn và rất nhiều bài tản văn. Trong số đó, có những tác phẩm nổi tiếng như "Bunnyeo", "Núi", "Cánh đồng", "Thạch lựu" v.v... đưa tên tuổi ông lên, trở thành một tác giả chuyên về biểu hiện tình cảm quê hương qua vẻ đẹp trữ tình. Năm 1936, ông ra làm giáo sư của trường Cao đẳng Soongsil, đồng thời viết nên tác phẩm được coi là hay nhất của tiểu thuyết ngắn Hàn Quốc mang tên "Khi hoa kiều mạch nở". Với tác phẩm này, ông được coi là một tiểu thuyết gia truyền cảm hứng nghệ thuật tỏa sáng nhất trong văn học thuần túy. Thực tế, nếu đọc tác phẩm của Lee Hyo-seok, độc giả sẽ hoàn toàn bị cuốn hút bởi lối miêu tả đầy cảm xúc của ông.
"Sống núi cong chính là phần lưng của một chú bò đang nằm nghỉ. Chẳng có làn gió nào mà lá cây bạch dương cứ không ngừng bay xào xạc. Lá chính là hơi thở của rừng." Đoạn văn trong tác phẩm "Núi" này cho thấy, tiểu thuyết của Lee Hyo-seok thường mang phong cách biểu hiện đầy chất thơ, có những câu cú, ngôn từ hoa mĩ, đem tới cho độc giả cảm xúc hết sức đặc biệt trong một bầu không khí và dư âm để lại cũng rất khác lạ.
Được sinh ra và lớn lên trong không gian của thiên nhiên, nên với Lee Hyo-seok, tìm đến những linh hồn trong sáng, mang chất trữ tình cũng là điều hết sức tự nhiên, tựa như việc hít thở của muôn loài vậy. Nhưng bên cạnh đó, thơ của ông cũng còn là sự phản ánh bối cảnh của thời đại, cho thấy nỗi mất mát quê hương về mặt tinh thần của các tác giả văn học thời kỳ Nhật thuộc.

Ngôi sao văn học lỗi hẹn với đời ở tuổi 36

Tình yêu dành cho văn học của Lee Hyo-seok khác hẳn mọi người. Ông đã viết rất nhiều tác phẩm, công bố trên tất cả các thể loại báo chí của trung ương, tạp chí văn nghệ, nguyệt san v.v... Song, thật không may, sau khi mất vợ và người con trai thứ hai vào năm 1940 ông đã mặc bệnh nặng, luôn phải sống đấu tranh cùng bệnh tật cho đến ngày 25/5/1942 thì qua đời, chỉ thọ có 36 tuổi.
Mặc dù đã qua đời khi còn rất trẻ nhưng Lee Hyo-seok đã để lại dấu ấn vô cùng to lớn trong văn học của Hàn Quốc. Tuyển tập các tác phẩm của ông được xuất bản tới tận 3 lần: năm 1959 tại nhà xuất bản Chunjo, năm 1971 tại nhà xuất bản Seongeum và năm 1983 tại nhà xuất bản Changmi. Do mang đậm chất trữ tình, nên từ sau năm 1948 các tác phẩm tiểu thuyết của ông như "Khi hoa kiều mạch nở", "Núi", "Cánh đồng" và các tác phẩm tùy bút như "Đốt lá rụng", "Cỏ hoa", "Tư tưởng nho xanh" v.v... đã nhiều lần được đưa vào giảng dạy trong các giáo trình bậc trung học của môn quốc ngữ. Lee Hyo-seok là cái tên đầu tiên, không thể không nhắc đến khi bình chọn các tác giả lớn, nổi tiếng của tiểu thuyết ngắn cận đại Hàn Quốc.



Lựa chọn của ban biên tập