Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Pi Cheon-Deuk, cây tùy bút trong sáng tiêu biểu của Hàn Quốc

2012-11-29

<strong>Pi Cheon-Deuk</strong>, cây tùy bút trong sáng tiêu biểu của Hàn Quốc
Người viết tùy bút của nhân dân

Tùy bút là thể loại văn xuôi có phạm vi rộng, bao gồm cả nhật ký, lối viết thư từ, du kí, văn ghi cảm tưởng, cảm nhận... Do là hình thức tương đối tự do, được đưa đẩy tùy theo ngòi bút của người viết nên các tiểu loại của tùy bút cũng rất đa dạng. Có thể phân tùy bút ra thành các bài luận có tính lý luận, trí tuệ và tạp văn mang chất tình cảm, trữ tình hoặc cũng có thể chia cụ thể ra thành các loại như tùy bút triết luận, tùy bút cảm nhận, tùy bút suy ngẫm, tùy bút phê bình, tùy bút phác họa nhân vật, tùy bút cá nhân, tùy bút miêu tả tính cách, tùy bút xã luận v.v...
Giờ đây, thể loại văn học này trên thế giới không còn hoạt động sôi nổi như trước nhưng trên văn đàn Hàn Quốc người viết tùy bút cũng đã có giai đoạn được đến với thời hoàng kim. Đó là thời kỳ xuất hiện các tác giả viết tùy bút nổi tiếng như Min Tae-won, Lee Yang-ha, Lee Hyo-seok, Kim Jin-seop và đạt tới đỉnh cao nhất, phải kể đến chính là Pi Cheon-Deuk, người được gọi là cây viết tùy bút của nhân dân.

Trưởng thành trong gian khổ

Pi Cheon-Deuk sinh ngày 29/5/1910 tại Seoul. Năm lên 7 tuổi mất cha, 10 tuổi mất mẹ, phải sống nhờ khắp quanh nhà mọi người thân. Mặc dù lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn nhưng Pi Cheon-Deuk vẫn mang trong mình tất cả mọi đức tính cao quý, vừa chân chất, khiêm tốn vừa thanh cao, thoát tục, sống luôn quan tâm đến mọi người. Ông từng học trung học ở Thượng Hải, sau đó đến năm 1937 tốt nghiệp khoa Anh văn đại học Hỗ Giang, Trung Quốc. Cho đến ngày Hàn Quốc được giải phóng khỏi ách đô hộ của thực dân Nhật, ông làm giáo viên dạy tại Trung tâm Đào tạo công nghiệp Trung ương Gyeongseong. Tuy nhiên, từ trước đó, năm 1930 ông đã viết nên những lời hay ý đẹp, công bố tác phẩm "Khúc trữ tình" trên tạp chí văn nghệ Shindonga, xuất hiện như một văn nhân trên văn đàn của Hàn Quốc.
Thực tế, thời điểm đầu những năm 1930 là giai đoạn có sự đối lập giữa hai dòng văn học thuần túy và văn học phản ánh hiện thực. Tuy nhiên, giống như cuộc đời của bản thân mình, Pi Cheon-Deuk đã lựa chọn con đường đến với trữ tình và sự thuần túy. Ông đã mài dũa hiện thực khắc nghiệt, thể hiện chúng bằng chất trữ tình trong sáng. Năm 1932, ông đăng tác phẩm thơ "Tiểu khúc" và tùy bút "Kỷ niệm đêm bão tuyết" trên tạp chí Donggwang, được văn đàn Hàn Quốc đánh giá cao bởi chất trữ tình thuần túy, loại bỏ ra ngoài các yếu tố về tư tưởng, quan niệm v.v...

Câu chữ đơn giản mà để lại nhiều dư âm sâu sắc

Sau ngày đất nước được giải phóng 15/8/1945, Pi Cheon-Deuk làm giáo sư dạy khóa học dự bị tại trường đại học Đế quốc Gyeongseong (nay là đại học Seoul), sau đó từ năm 1946, ông bắt đầu giảng dạy về thơ ca tiếng Anh. Năm 1954, nhận lời mời của bộ Ngoại giao Mỹ, ông đi nghiên cứu về văn học Anh ngữ trong thời gian 1 năm tại đại học Harvard. Năm 1966, ông đảm nhận quản lý học viên sau đại học và làm giáo sư tại khoa Anh văn của Đại học Seoul cho đến năm 1974. Mặc dù là một cây đại thụ trong giới trí thức, một tài năng lớn trong lĩnh vực nghiên cứu văn học Anh ngữ nhưng đối với người Hàn Quốc, Pi Cheon-Deuk hơn cả vẫn là một cây viết tùy bút nổi tiếng.
"Tôi yêu tất cả những thứ nhỏ nhắn và xinh đẹp tạo nên cuộc sống của tôi.
Tôi thích được nhìn vào những khuôn mặt đẹp mà không hề ham muốn, thích được ca ngợi công lao của người khác mà không hề ganh tị. Tôi thích sống để yêu mọi người, không ghét ai mà chỉ hết mình yêu quý lấy một số người. Và tôi muốn được già đi một cách có phẩm giá."
Trên đây là một đoạn trong tùy bút đầy chất trữ tình kể về chuyện trong cuộc sống của tác giả mang tên "Cuộc sống đáng yêu của tôi". Tiếp theo đó cũng phải kể đến tác phẩm "Nhân duyên", một tác phẩm chứa đựng văn phong hết sức mộc mạc, giản đơn, kể về duyên phận dù rất đẹp mà lỡ làng của tác giả với cô gái người Nhật mang tên Asako trong thời kỳ Nhật thuộc và chiến tranh Hàn Quốc. Trong tùy bút có đoạn "Dù có nhớ nhung, cũng chỉ gặp được một lần rồi không bao giờ gặp nữa. Dù cả đời không quên, nhưng tôi cũng có thể sống mà không gặp nàng. Tôi đã gặp Asako 3 lần. Có lẽ sẽ hay hơn nếu chúng tôi không gặp nhau vào lần thứ 3 này."
Tùy bút của Pi Cheon-Deuk viết về cuộc đời ông với ngòi bút rất tinh tế và giàu tình cảm, nó đem lại sự an ủi, làm cho cuộc sống trở nên ấm áp hơn, giúp cho người đọc lấy lại được thăng bằng, như được hít thở sâu hơn để lòng thoải mái mỗi khi bị dao động vì thế sự đổi thay đến chóng mặt, hay khi mệt mỏi vì sự khô khan, nhàm chán của cuộc sống thường ngày...

Cuộc đời trong sạch và thuần khiết

Với văn phong sáng trong, tùy bút của Pi Cheon-Deuk đã chuyển tải nội dung về cuộc sống một cách đầy ấm áp và chân thực. Mặc dù được ca ngợi bằng nhiều tên gọi hoa mĩ như "nhân chứng sống của văn học Hàn Quốc thế kỷ 20", "người đi tiên phong cho thể loại tùy bút của Hàn Quốc" v.v... nhưng thực tế cuộc đời của Pi Cheon-Deuk lại rất thanh tao, giản dị, giống như những gì thể hiện trong tác phẩm của ông. Tuy có thể đợi đủ tuổi về hưu, thôi chức giáo sư nhưng ông lại sớm thoát khỏi vòng danh vọng, rời giảng đường đại học Seoul từ trước đó để đến với cuộc sống tự do. Khi đã qua tuổi 70, ông cũng không viết thêm gì cả vì lý do sợ mình quá tham vào việc viết lách.
Pi Cheon-Deuk đã có 25 năm ở trong một chung cư bình thường, nhà cửa đồ đạc chẳng có gì đáng giá tại thành phố Seoul. Ông sống những ngày cuối đời bên người vợ 90 tuổi bị mắc chứng mất trí và đã qua đời vào ngày 25/5/2007, thọ 97 tuổi.
"Tháng 5, khuôn mặt sáng trong của tuổi 21 như vừa được rửa bằng làn nước mát lạnh. Tính tuổi của tôi làm gì. Tôi nằm ngay trong tháng 5." Thông qua tùy bút "Tháng 5", Pi Cheon-Deuk đã thể hiện tình cảm với tháng 5, tháng sinh nhật của ông nhưng điều đặc biệt là ông cũng qua đời vào những ngày cuối tháng 5/2007, đúng như tên gọi "Cậu bé của tháng 5" mà mọi người dành cho ông. Tên hiệu của Pi Cheon-Deuk là "Cầm Nhi" cũng với ý nghĩa thể hiện ông giống như một đưa trẻ có tấm lòng trong sáng đang ngồi chơi, gẩy đàn Geomungo (đàn truyền thống 6 dây của Hàn Quốc). Chính từ trong cuộc sống, nơi những kỷ niệm, sinh hoạt thường ngày được vẽ nên dưới con mắt trẻ thơ của Pi Cheon-Deuk một cách bình lặng, yên ả mà ấm áp, chúng ta có thể sẽ học được cách yêu quý, biết giữ gì trân trọng những thứ dù là nhỏ nhất.

Lựa chọn của ban biên tập