Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Yi Won-ik, quan thanh liêm nổi tiếng thời Joseon

2012-12-27

<strong>Yi Won-ik</strong>, quan thanh liêm nổi tiếng thời Joseon
Vị thủ tướng tuyệt vời nhất của trí tưởng tượng

Cuối cùng Hàn Quốc cũng đã chọn được cho mình một nhà lãnh đạo mới trong cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào ngày 19/12/2012. Mọi sự quan tâm giờ đây tiếp tục chuyển tới vấn đề cơ cấu nội các chính phủ của nhiệm kỳ tiếp theo. Trên thực tế, đề bạt đúng được nhân tài đứng ra giúp nước không phải là công việc hoàn toàn dễ.
Nói về đức tính của người làm quan vốn không chỉ giới hạn ở một hai điều. Thường hay được đề cập đến là những đức tính như lòng yêu nước đến tột cùng, tài kinh luân đem lại một tương lai mới, khả năng lãnh đạo và óc quan sát đi trước thời đại, đồng thời với những đạo đức trong sạch, không tì vết và năng lực giao tiếp v.v...
Không biết, trong lịch sử Hàn Quốc liệu đã từng có nhân vật nào phù hợp được với đầy đủ tất cả các đức tính này không? - Gần đây, có một cuốn sách mới ra mắt công chúng mà điều thú vị của nó là có nội dung cơ cấu, tạo nên một nội các lý tưởng, tuyệt vời nhất, lấy nhân vật chọn ra từ các bậc vĩ nhân của thời Joseon.
Trong hơn 700 vị quan lại cấp cao của thời Joseon, cuốn sách đã chọn ra nhân vật Yi Won-ik, một viên quan nổi tiếng dưới triều vua Seonjo (Tuyên Tổ, vua đời thứ 14 của Joseon) để đưa vào chức vụ thủ tướng. Chắc hẳn có lý do của nó khi trong số rất nhiều nhân tài, Yi Won-ik được nêu tên, đề cử vào vị trí thủ tướng lý tưởng tuyệt vời nhất.

Nổi danh nhờ vào tài năng xuất chúng

Yi Won-ik sinh năm 1547 tại Dalcheonbang, kinh đô Hanseong của Joseon (nay thuộc quận Jongno, Seoul). Ông vốn là cháu 4 đời của hoàng tử Iknyeong, con trai của vua Taejong (Thái Tông, vua đời thứ 3 của Joseon). Năm 17 tuổi, ông thi đỗ kỳ thi "Sinh viên" vào học trường Sunggyungwan, cơ quan đào tạo lớn nhất của Joseon. Sau đó 5 năm, năm 1569, ông tiếp tục đỗ kỳ thi "Văn khoa" (thi tuyển chọn quan văn của triều đình Joseon), bắt đầu vào chốn quan trường với chức quan cửu phẩm là Phó chính tự của Thừa văn viện, cơ quan quản lý văn thư ngoại giao của Joseon.
Kể từ đó đến năm 1582, Yi Won-ik đã trải qua một loạt các chức quan như chức quan lục phẩm "Tá lang" ở các bộ hộ, bộ lễ, bộ hình, rồi chức "Chính lang" ở bộ lễ, chức "Ứng giáo" ở Hoằng Văn quán, cơ quan đảm nhận việc tư vấn công việc cho vua. Thường ngày, tuy ông ít ra ngoài trừ phi có việc công, song đầu óc quan sát về kiến thức học vấn và trên cả thực tế của ông lại hết sức sắc bén, được các học giả lớn đương thời như Yi Yi và Yu Seong-ryong đánh giá rất cao. Năm 35 tuổi, ông được đưa lên chức quan tam phẩm "Đồng phó thừa chỉ" chuyên đảm nhận việc ban bố và thu hồi chiếu lệnh của vua. Nhưng rồi, cuộc đời và sự nghiệp tưởng chừng rất thuận lợi của Yi Won-ik cũng đã gặp sóng gió. Năm 1583, do mối quan hệ giữa quan Đô thừa chỉ là Park Geun-won và quan Lĩnh nghị chính tổng quản nội các triều đình là Park Sun không mấy tốt đẹp, bộ phận Thừa chính viện, cơ quan làm việc của Yi Won-ik bị đưa ra luận tội. Các quan cấp dưới, lúc này đều đổ trách nhiệm cho Đô thừa chỉ để trốn tội, duy chỉ có Yi Won-ik là không vì bản thân mà hy sinh đồng nghiệp nên đã bị cách chức.
Họa vô đơn chí, sau khi Yi Won-ik thôi làm quan thì cha của ông cũng qua đời. Mãi 5 năm sau ông mới lại được phục chức, bổ nhiệm làm quan Mục sứ của vùng Anju tỉnh Hwanghae. Tại đây, một lần nữa ông lại phát huy tài năng xuất chúng của mình. Ông đã đứng ra xin được hơn 1 vạn thạch lương thực để cứu dân thoát đói, hướng dẫn và phổ biến hạt giống giúp dân được mùa thu hoạch lớn v.v... Trong công việc huấn luyện binh sĩ, ông sửa đổi và cho thi hành chế độ "nhập phiên" - túc trực theo phiên 1 năm 4 lần chuyển sang thành 1 năm 6 lần. Bên cạnh đó ông còn có công trong việc phát triển mở rộng trồng dâu nuôi tằm thành một nghề mới cho dân vùng Anju. Nhờ công lao này, ông được người dân đặt cho biệt danh là Yikongsang (Lý Công Tang) với ý nghĩa là dâu tằm nhờ vào ông mà được phát triển.

Tể tướng thời loạn của Joseon giai đoạn trung kỳ

Ở độ tuổi trung niên, cuộc đời của Yi Won-ik cũng có nhiều biến động gắn liền với tình hình hỗn loạn trong nước. Khi xảy ra cuộc chiến chống xâm lược Nhật Bản năm Nhâm Thìn (1592), ông được làm chức Đô tuần sát sứ vùng Pyeongan, hộ tống vua đi lánh nạn. Một năm sau đó, do có công trong việc tác chiến, chiếm lại vùng Pyeongang (Bình Nhưỡng), ông được phong chức Quan sát sứ, đứng đầu tỉnh Pyeongan. Năm 1598, ông làm tới chức Lĩnh nghị chính, chức quan trọng yếu của triều đình nhưng rồi trong lần đứng ra bảo vệ học giả Yu Seong-ryong, ông đã xin từ chức. Năm 1608 khi vua Gwanghaegun (Quang Hải Quân, vua đời thứ 15 của Joseon) lên ngôi, ông quay lại làm Lĩnh nghị chính. Lúc này, nhằm khôi phục hậu quả chiến tranh và ổn định cuộc sống của người dân, ông đã nghe theo kiến nghị của Kim Yuk, một học giả và là quan văn trong triều Joseon, thực hiện luật Daedong (Đại Đồng pháp), thi hành chế độ dâng tiến cống vật quy ra thành gạo, tăng thu thuế của địa chủ và giảm gánh nặng cho người dân.
Năm 1614, xảy ra sự kiện hoàng tử Youngchang, hoàng tử thứ 14 của vua Seonjo (Tuyên Tổ, vua thứ 14 của Joseon) bị ban thuốc độc mà chết, đồng thời một năm sau đó xuất hiện xu thế phế bỏ Đại phi Inmok (vợ của vua Seonjo, mẹ của hoàng tử Youngchang). Yi Won-ik đã đứng ra kịch liệt phản đối sự việc này và bị bắt đi đày ở vùng Hongcheon tỉnh Gangwon. Cho đến năm 1623, khi vua Gwanghaegun bị lật đổ, vua Injo lên ngôi ông mới được gọi trở lại làm Lĩnh nghị chính. Yi Won-ik được xem là một viên quan thanh liêm chính trực, ông vẫn sống trong một căn nhà mái rơm có 2 gian mặc dù đã có tới 5 lần giữ chức Lĩnh nghị chính.

Một người suốt đời sống trong sạch

Theo "Thừa chính viện nhật ký" ghi chép vào năm 1631, năm thứ 9 triều vua Injo, để báo cáo về bệnh tình của Yi Won-ik, viên quan văn là Gang Hong-jung đã dâng lên vua những lời lẽ như sau:
"Ngôi nhà nơi ông sống là nhà mái rơm 2 gian, được kết lại bằng các loại cây cỏ vụn vặt. Nhà hẹp, thấp chỉ đủ đặt tấm thân, không ra hình dáng gì cả. Đất nơi ông sống cũng nằm dưới khu mộ của nhiều đời trước nên bên cạnh chẳng có lấy một mẩu vườn. Cả gia đình ông sống qua ngày nhờ vào số gạo được ban cho hàng tháng."
40 năm làm quan đại thần nhưng do có tính tình cương trực và phẩm chất trong sạch nên Yi Won-ik đã thực hiện triệt để phương châm "An bần lạc đạo", sống yên ổn trong cái nghèo để mà vui thú với cái đạo. Năm 1634 ông qua đời, thọ 87 tuổi. Mặc dù nhân gian vẫn gọi ông là vị tể tướng lùn vì ông chỉ cao có khoảng 1 mét, nhưng hơn ai hết ông lại là người có tầm lòng cao cả, luôn từ chối cuộc sống tiện nghi để đứng về phía người dân. Chính nhờ có những người trong sạch như ông mà triều Joseon đã vượt qua được cảnh khốn cùng nghèo đói, tồn tại được trong khoảng 500 năm, xây dựng nên một đất nước coi trọng chữ "lễ" dài lâu trong lịch sử.

Lựa chọn của ban biên tập