Nghe Menu Nghe nội dung
Go Top

Lịch sử

Soseono, trang nữ kiệt xây dựng nên 2 quốc gia cổ đại của Hàn QUốc

2013-01-03

<strong>Soseono</strong>, trang nữ kiệt xây dựng nên 2 quốc gia cổ đại của Hàn QUốc
Vị nữ tướng của bán đảo Hàn Quốc cổ đại

Thời gian gần đây, cùng với nhiều hoạt động tích cực, làn gió nữ giới đang có nhiều tác động đến xã hội Hàn Quốc, song vẫn không thể phủ nhận rằng Hàn Quốc vốn là xã hội cọi trọng nam giới từ hàng nghìn năm về trước. Vậy nhưng điều đặc biệt là trong lịch sử Hàn Quốc lại có một trang nữ kiệt từng đứng lên, vượt qua những rào cản về mặt địa vị xã hội của người phụ nữ, chủ đạo trong việc xây dựng nên 2 vương quốc cổ đại. Đó chính là vị nữ tướng của bán đảo Hàn Quốc mang tên Soseono, người từng đóng vai trò chủ yếu trong việc xây dựng nên nhà nước Goguryeo của vua Jumong, rồi tiếp tục mang 2 con trai của mình đi về phía Nam, giúp con xây dựng nên vương quốc Baekje ở thành Wirye. t.

Chung sức xây dựng nên vương quốc Goguryeo

Không ai biết chính xác Soseono sinh ra vào năm nào, chỉ biết rằng bà là công chúa con của Yeontabal, người có thế lực trong bộ tộc Gyeru, một trong 5 bộ tộc của liên minh bộ tộc Buyeo ở Jolbon. Soseono đã kết hôn với Wutae, cháu ngành thứ của vua Haeburu ở Bắc Buyeo và sinh ra 2 người con trai tên là Biryu và Onjo. Nhưng rồi do chồng mất sớm nên bà đã phải một mình nuôi con sống ở Jolbon. Tuy nhiên, Soseono vẫn có một cuộc sống đường hoàng vì bà được thừa hường nhiều tài sản và lãnh địa từ cha và chồng của bà. Đặc biệt, số phận đã khiến cho bà gặp được Jumong, nhân vật sau này trở thành Đông Minh Thánh Vương, người sáng lập ra nhà nước Goguryeo.
Nguyên Jumong vốn là bậc anh hùng xuất chúng, từ năm 7 tuổi đã làm được cung tên và có tài bắn bách phát bách trúng nên đã bị các con trai của vua Geumwa ở Đông Buyeo đố kỵ mà đuổi đi. Khi đó Jumong đã đi về phía Nam, đến với bộ tộc Buyeo ở Jolbon và gặp Soseono. Mặc dù Soseono là quả phụ đã có 2 con, lại nhiều hơn tới 8 tuổi, nhưng Jumong vẫn lấy bà làm vợ, tạo dựng nên căn cứ của mình trên mảnh đất Jolbon. Thực tế, nhờ vào sự giúp đỡ của vợ và cha vợ là tộc trưởng của bộ tộc Gyeru, bộ tộc từ xưa vốn có thế lực mạnh nhất trong số các bộ tộc Buyeo ở Jolbon, Jumong đã có thể lấy được lòng dân, chiêu nạp được nhiều vị tướng giỏi. Năm 37 trước công nguyên, ông đã xây dựng nên vương quốc Goguryeo và theo đó, Soseono đã trở vị thành vương phi đầu tiên của nhà nước này.
Không chỉ đóng góp công lao trong việc dựng nước, sau này Soseono còn thể hiện vai trò to lớn trong việc làm dịu đi sự phân tranh của các thế lực bản địa, tập trung lực lượng về cho chồng. Nhờ đó, Jumong đã có thể đánh đuổi được bộ tộc láng giềng Malgal, xây dựng và phát triển ổn định cho vương quốc Goguryeo.

Cùng 2 người con tiếp tục xây dựng nên một vương quốc mới

Hạnh phúc đến với Soseono không được dài lâu. 19 năm sau khi Jumong lên ngôi, người vợ trước họ Ye và con riêng tên là Yuryu của ông đột nhiên xuất hiện trở lại. Ngay khi đó, Jumong đã lập con riêng của mình làm thái tử và để cho nối ngôi, đồng thời hạ Soseono xuống làm "tiểu hậu", trở thành vợ thứ. Những ghi chép trong mục 1 của "Truyện ghi về Baekje", thuộc phần 23 của "Tam Quốc sử ký", một tư liệu lịch sử miêu tả quá trình lập quốc của Baekje đã cho thấy cảm giác suy sụp lúc này của 2 vị hoàng tử con của Soseono: "Ban đầu, đại vương vốn lánh nạn ở Buyeo mà chạy đến chỗ này (Jolbon). Mẹ của chúng ta đã dồn tài sản, hết sức cố gắng giúp ông dựng nước. Nhưng bây giờ đại vương từ trần, đất nước lại thuộc về Yuryu, chúng ta trở thành kẻ ăn nhờ ở đậu, như nốt chai trên cơ thể vậy. Chi bằng chúng ta cùng mẹ đi xuống phía Nam, chọn lấy đất mà xây dựng riêng cho mình một vương quốc."
Ôm mối đau xót trong lòng, 3 mẹ con đã quyết định rời khỏi Goguryeo. Năm 19 trước công nguyên, họ đã cùng với 10 người tâm phúc, họ hàng của những người này và số đông người dân của bộ tộc Gyeru kéo nhau xuống phía Nam, vượt sông vượt suối, đến vùng Hansan. Trong 2 người con, Biryu muốn sống gần ven biển nên đã chia ra, kéo một số người tới sinh sống ở Michuhol. Còn Onjo vào thế kỷ 18 trước công nguyên đã chung sức với nhóm quần thần của mình xây dựng nên thành quách ở Hanam gọi là thành Wirye, lập ra vương quốc mới gọi là Shipje. Cái tên Shipje này, vốn có ý nghĩa chỉ việc quốc gia tạo dựng nên được là nhờ vào sự góp sức của 10 vị cận thần của Onjo. Về sau, do vùng đất Michuhol mà hoàng tử Biryu lựa chọn rất ẩm thấp, nước lại mặn, nên dân chúng sống rất vất vả. Hoàng tử Biryu cảm thấy xấu hổ vì quyết định của mình, đau khổ trong lòng mà qua đời. Những người dân đi theo hoàng tử lúc này đều kéo về thành Wirye, đi theo Onjo nên tên vương quốc mới được đổi thành Baekje với ý nghĩa là "đất nước được xây dựng nhờ vào trăm họ vượt biển hội tụ về" (Bách gia tế hải). Trong suốt quá trình vương quốc được thành lập, Soseono đã luôn dõi theo, sát cánh cùng con mình, cho đến năm thứ 6 trước công nguyên, khi thấy con đã tạo dựng được trụ cột, nắm được căn bản của đất nước thì bà mới qua đời

Vị nữ anh hùng vĩ đại nhất của mọi thời đại

Không có nhiều ghi chép lịch sử về Soseono, trang nữ kiệt tuyệt vời của Hàn Quốc. Các tài liệu lịch sử được biên soạn vào thời Tam Quốc (Goguryeo, Baekje, Shilla) cho đến nay cũng không để lại được nội dung nào về bà. Đối với những ghi chép thời cổ đại, chỉ có thể tìm được dấu ấn của bà trong phần viết về vua Onjo của "Tam Quốc sử ký", còn như với tài liệu thời cận đại, chỉ có thể tìm được bóng dáng bà trong "Triều Tiên thượng cổ sử", một tài liệu miêu tả lịch sử Hàn Quốc thời thượng cổ của tác giả Shin Chae-ho. Mặc dù ít thông tin, nhưng sử gia Shin Chae-ho, niềm tự hào của Hàn Quốc đã có những lời lẽ ngôn từ bình luận, tán dương bà đến cực độ. Ông viết rằng "Soseono không chỉ là vị vương phi thời dựng nước duy nhất trong lịch sử của Hàn Quốc mà còn là người có công xây dựng nên hai vương quốc là Goguryeo và Baekje". Và như vậy, việc khám phá ra những tư liệu cụ thể hơn để tìm hiểu về trang nữ kiệt duy nhất của mọi thời đại này sẽ trở thành bổn phận của các thế hệ sau.
.

Lựa chọn của ban biên tập